Không được tuyển người chưa tốt nghiệp trung học phổ thông vào đại học

07/08/2020 06:05
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có thể thông cảm với đại học Đà Nẵng về khía cạnh “chỉ tiêu tuyển sinh” nhưng “quyền lợi của thí sinh” thì cần phải thận trọng.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 03/08/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định các phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đúng quy định trong Luật Giáo dục.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về nội dung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức chu đáo, khoa học, không để sơ suất xảy ra.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã chính thức công bố phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 gồm 2 đợt, những địa phương nguy cơ dịch bệnh thấp, đã sẵn sàng tổ chức thi, đảm bảo an toàn, an ninh thì tổ chức thi theo kế hoạch vào ngày 09-10/08/2020.

Kỳ thi đợt 2 (khi điều kiện dịch bệnh được khống chế) được tổ chức cho các địa phương và thí sinh không thể tham gia đợt 1 như thành phố Đà Nẵng, một số địa bàn thuộc tỉnh Quảng Nam,… và các thí sinh diện F1, F2 trên cả nước (F1 là người tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh; F2 là người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh).

Tổ chức thi hai đợt là biện pháp cần thiết và hợp lý bởi theo Luật Giáo dục 2019, học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông đều phải thi để lấy bằng tốt nghiệp.

Người chưa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông không được tuyển chọn tham dự các chương trình đào tạo trình độ đại học. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Người chưa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông không được tuyển chọn tham dự các chương trình đào tạo trình độ đại học. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Theo quy định tại khoản 3,4 điều 34 Luật Giáo dục, những học sinh không tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông được cấp một trong hai loại “Giấy chứng nhận”:

a. “Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông” được sử dụng để đăng ký dự thi lấy bằng tốt nghiệp trung học phổ thông khi người học có nhu cầu hoặc để theo học giáo dục nghề nghiệp và sử dụng trong trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật.

b. “Giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông” được sử dụng để theo học trình độ cao hơn của giáo dục nghề nghiệp và sử dụng trong các trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật.

Như vậy, Luật Giáo dục chỉ cho phép những người chưa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông theo học chương trình “Giáo dục nghề nghiệp”.

Theo quy định tại Luật Giáo dục nghề nghiệp thì:

Giáo dục nghề nghiệp là một bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân nhằm đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho người lao động,…”;

"Sinh viên học hết chương trình đào tạo trình độ cao đẳng đủ điều kiện theo quy định được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng và công nhận danh hiệu cử nhân thực hành hoặc kỹ sư thực hành”.

Tại điều 6 Luật Giáo dục quy định về “Hệ thống giáo dục quốc dân”:

“Giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác; Giáo dục đại học đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ”.

Như vậy “Giáo dục nghề nghiệp” không bao gồm “giáo dục trình độ đại học”.

Nói cách khác, người chưa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông không được tuyển chọn tham dự các chương trình đào tạo trình độ đại học, điều này đã được công bố trong Quy chế tuyển sinh năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kèm theo Thông tư số 09/2020/TT-BGDĐT ngày 07/05/2020, theo đó điều kiện để tham gia dự tuyển là:

“Thí sinh đã tốt nghiệp chương trình trung học phổ thông của Việt Nam (theo hình thức giáo dục chính quy hoặc giáo dục thường xuyên) hoặc … sau đây gọi chung là tốt nghiệp trung học phổ thông”.

Điều này đồng nghĩa với việc những cơ sở giáo dục đại học quyết định tuyển sinh vào các chuyên ngành được cấp bằng cử nhân (đại học) sẽ trái luật và quy chế tuyển sinh trừ trường hợp cơ sở giáo dục đại học được phép đào tạo trình độ cao đẳng với văn bằng “cử nhân thực hành hoặc kỹ sư thực hành”.

Gần đây, Giám đốc Đại học Đà Nẵng nêu quan điểm: “Số lượng thí sinh của Đà Nẵng và Quảng Nam chiếm khoảng 50% tổng số thí sinh nhập học của Đại học Đà Nẵng, do đó chúng tôi quyết định sẽ điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh để tạo tâm lý yên tâm đối với thí sinh và phụ huynh”. [1]

Cụ thể “Đại học Đà Nẵng đã tính đến khả năng ưu tiên phương thức xét học bạ để tạo điều kiện cho thí sinh và đảm bảo sự chủ động với tình hình khi dịch bệnh diễn biến phức tạp và khó lường…

Chúng tôi đang đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép Đại học Đà Nẵng được linh hoạt chuyển đổi các chỉ tiêu của phương thức xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông sang phương thức xét tuyển bằng học bạ. Điều này nhằm đảm bảo số lượng chỉ tiêu tuyển sinh và quyền lợi của thí sinh”. [1]

Tự chủ đại học cho phép các cơ sở giáo dục đại học quyết định phương án tuyển sinh, điều này không phải bàn luận, tuy nhiên việc Đại học Đà Nẵng “quyết định” phương thức xét học bạ để tuyển sinh đại học với những học sinh chưa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông “nhằm đảm bảo số lượng chỉ tiêu tuyển sinh và quyền lợi của thí sinh” lại là chuyện khác.

Có thể thông cảm với đại học Đà Nẵng về khía cạnh “chỉ tiêu tuyển sinh” nhưng “quyền lợi của thí sinh” thì cần phải thận trọng.

Đại học Đà Nẵng đưa ra phương án “những thí sinh trúng tuyển bằng việc xét học bạ nhưng chưa tốt nghiệp trung học phổ thông thì được công nhận trúng tuyển tạm thời. Sau đó, khi thí sinh có chứng nhận tốt nghiệp sẽ được công nhận trúng tuyển chính thức”.

Vấn đề là sau một thời gian, có thể vài tháng, có thể lâu hơn nếu thí sinh vẫn chưa có “chứng nhận tốt nghiệp” thì họ sẽ bị buộc thôi học hay tiếp tục học cho đến khi nào có “chứng nhận tốt nghiệp”?

Học vài tháng rồi phải dừng sẽ mất cơ hội vào học các trường cao đẳng, trung cấp hoặc trường nghề khác. Chẳng may chậm một năm học là lỡ nhịp cuộc sống lâu dài, điều này đại học Đà Nẵng có lường trước cho thí sinh?

Mặt khác, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo chấp nhận đề xuất của Đại học Đà Nẵng, cho phép “tăng chỉ tiêu năm 2020, đảm bảo đủ chỗ cho thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển được nhập học” thì có đúng luật?

Chỉ tiêu tuyển sinh được xác định dựa vào tỷ lệ giảng viên/sinh viên và cơ sở vật chất hiện có, tăng chỉ tiêu mà không tăng giảng viên, không bảo đảm các điều kiện giáo dục như thư viện, phòng thí nghiệm, giảng đường,… liệu có phải là điều được phép làm?

Tình trạng một số cơ sở giáo dục đại học tuyển sinh vượt chỉ tiêu bị Bộ Giáo dục và Đào tạo phạt, bị trừ chỉ tiêu vào năm sau đã từng xảy ra.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Quy chế tuyển sinh năm 2020 (ban hành kèm theo Thông tư 09/2020/TT-BGDĐT) theo đó:

“Các cơ sở giáo dục đại học nếu không sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông để xét tuyển có thể lựa chọn, quyết định phương thức tuyển sinh gồm: Thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển”.

Ý kiến đề xuất của lãnh đạo đại học Đà Nẵng đã làm xuất hiện sự hiểu lầm đáng tiếc của một vài phụ huynh học sinh khi cho rằng cứ có học bạ trung học phổ thông là có thể “xét tuyển” vào đại học.

Các cơ sở giáo dục đại học có thể không cần dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông mà chỉ dựa vào học bạ với điều kiện những thí sinh đó đã có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.

Những trường hợp chưa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông chỉ có thể theo học chương trình “giáo dục nghề nghiệp”, tức là không được tiếp nhận vào các cơ sở giáo dục đại học để đào tạo trình độ đại học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lường trước khó khăn của một số trường, cũng có thể đã nhận diện một vài “mẹo” mà cơ sở giáo dục đại học đề xuất để tăng chỉ tiêu tuyển sinh một cách hợp pháp, nên đã ban hành thông báo:

“Thí sinh dự Kỳ thi tổ chức sau ngày 10/8/2020 nếu có nguyện vọng sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông để xét tuyển sinh vào đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học xem xét bố trí tỷ lệ chỉ tiêu và phương thức tuyển sinh phù hợp để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, trên tinh thần tự chủ đại học”. [2]

Đây là một quyết định kịp thời và đúng luật và vì thế mọi dự tính tuyển sinh trước, hoàn thiện văn bằng phổ thông sau hoặc lấy lý do dịch bệnh tuyển vượt chỉ tiêu đều không thể thực hiện.

Điều cần thiết là Bộ Giáo dục và Đào tạo nên quản thật kỹ các trường có “truyền thống” tuyển vượt chỉ tiêu, tránh tình trạng buông lỏng quản lý như một số năm trước đây.

Một trong những ví dụ điển hình là tuyển sinh ồ ạt với chất lượng đầu vào thấp để rồi ra quyết định buộc tới hơn ba nghìn học sinh thôi học như Đại học Kinh doanh và Công nghệ vừa làm./.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/dai-hoc-xet-hoc-ba-doi-voi-thi-sinh-khong-the-thi-tot-nghiep-thpt-663178.html

[2] https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/yeu-cau-cac-truong-dai-hoc-danh-chi-tieu-cho-thi-sinh-thi-tot-nghiep-dot-2-20200806150330608.htm

Xuân Dương