Việt Nam - giấc mơ 2035

17/10/2016 06:15
Xuân Dương
(GDVN) - Người Việt ngày nay có giấc mơ của riêng mình?

Báo cáo “Chỉ số hạnh phúc toàn cầu” (Happy Planet Index - HPI) do Quỹ kinh tế mới (New Economics Foundation - NEF,  Anh Quốc) công bố cho thấy Việt Nam xếp thứ 5 trong số các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.

Theo kết quả nghiên cứu mà InterNations vừa công bố, năm 2016 Việt Nam xếp thứ 11 trong danh sách những điểm đến hấp dẫn nhất đối với người nước ngoài (sinh sống và làm việc), tăng 24 bậc so với năm 2015.

Việt Nam có nguy cơ “đứng đầu” thế giới về ô nhiễm môi trường là nhận định được đăng trên hầu hết phương tiện truyền thông đại chúng.

Theo Daily Mail, một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học Đại học Nottingham cho thấy các cá nhân trong xã hội có mức độ tham nhũng, gian lận chính trị thấp có độ trung thực cao hơn so với các cá nhân ở những nơi tham nhũng và gian lận chính trị giữ địa vị chi phối, độ trung thực của người Việt trong nghiên cứu này xếp hạng “đội sổ”! [1]

Do theo đuổi nhiều mục tiêu, trong đó lợi nhuận không phải là ưu tiên, cùng với các ưu đãi méo mó nên các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động không hiệu quả (Ảnh: vov.vn).
Do theo đuổi nhiều mục tiêu, trong đó lợi nhuận không phải là ưu tiên, cùng với các ưu đãi méo mó nên các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động không hiệu quả (Ảnh: vov.vn).

Việt Nam “đội sổ về đóng góp cho nhân loại” là kết quả khảo sát được báo Independent đăng tải, theo đó Iraq, Libya và Việt Nam là ba quốc gia xếp hạng cuối cùng trong danh sách công bố. [2]

Việt Nam trong con mắt người nước ngoài, lúc đứng đầu, lúc đội sổ, tại sao thế?

Ngày 25/2/2016 Ngân hàng Thế giới (WB) và Chính phủ Việt Nam (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chính thức công bố “Báo cáo tổng quan Việt Nam 2035” (dưới đây viết là báo cáo).

Báo cáo tổng quan Việt Nam 2035” gồm 7 chương nghiên cứu sâu về 3 trụ cột phát triển:

Thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường; công bằng và hòa nhập xã hội; năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước”.

Báo cáo cũng đề xuất nhiều kiến nghị quan trọng để Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2035.

Một trong những khuyến nghị quan trọng ở trụ cột thứ nhất trong báo cáo là đã chỉ rõ sự méo mó của nền kinh tế thị trường “có định hướng” của Việt Nam, báo cáo viết:

“Do theo đuổi nhiều mục tiêu, trong đó lợi nhuận không phải là ưu tiên, cùng với các ưu đãi méo mó nên các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động không hiệu quả.

Thứ nhất, là sự thương mại hóa trong quản trị Nhà nước (Tr. 30); điều này dẫn đến sự hình thành một tầng lớp doanh nhân hoặc nằm trong Nhà nước hoặc có quan hệ chặt chẽ với quan chức Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục giữ vị trí thống lĩnh trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế…” (Tr. 31)

Nhận định trong báo cáo đã được người viết đề cập trong bài viết “Đâu là tế bào gốc của xã hội nhóm lợi ích?” nên sẽ không tiếp tục bàn luận ở đây. [3]

Trong phần trụ cột thứ hai “Công bằng và hòa nhập xã hội”, Báo cáo viết:

“Kết quả thành tựu đạt được trong quá khứ không đảm bảo cho sự thành công trong tương lai và những dấu hiệu gia tăng bất bình đẳng đang bắt đầu nổi lên.

Hướng tới năm 2035, Việt Nam sẽ đối diện với chương trình nghị sự kép: chương trình nghị sự chưa hoàn thành về đảm bảo bình đẳng cơ hội và cần một chương trình nghị sự mới về sự phát triển của tầng lớp trung lưu và dân số đang già đi.

Bất bình đẳng về thu nhập là điều hiển nhiên trong nền kinh tế thị trường, nhưng bất bình đẳng về cơ hội là bất công, không phù hợp với tinh thần của Hiến pháp.

Bình đẳng về cơ hội là không phụ thuộc vào hoàn cảnh khi sinh ra và là “sân chơi công bằng” cho mọi người để họ đều có cơ hội như nhau để thành công”.

Khái niệm “bất bình đẳng về cơ hội” trong báo cáo chủ yếu cập đến “nhóm người yếu thế” (người dân tộc thiểu số, người khuyết tật và người nhập cư đô thị) mà chưa đề cập một cách toàn diện các đối tượng khác.

Thật ra sự “bất bình đẳng về cơ hội” đã được bày tỏ từ nhiều góc độ khác nhau, trên hầu như tất cả các diễn đàn, từ báo chí đến nghị trường Quốc hội và các văn kiện của Đảng.

Việt Nam - giấc mơ 2035 ảnh 2

Phận người trong manh chiếu và câu chuyện thờ ơ, vô cảm!

Nhiều câu nói đã trở thành thành ngữ, chẳng hạn “cả họ làm quan”, “đồng chí này là con đồng chí nào”, “hoàng hôn nhiệm kỳ”, “chuyến tàu vét phút thứ 89”, công tác nhân sự kiểu “hậu duệ, quan hệ, tiền tệ, trí tuệ”,…

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trong bài “Con ông cháu cha” và công tác cán bộ ngày 22/8/2016 đã nêu ý kiến:

Câu chuyện “con ông cháu cha” xung quanh công tác cán bộ không phải là mới, nhưng gần đây ồn ào trở lại làm cho quan niệm về số phận của người dân bao lâu nay cho rằng “con quan thì lại làm quan” lại được bàn tán sôi nổi.

Bởi xét từ nhiều góc độ, công tác cán bộ của chúng ta lâu nay vẫn còn không ít bất cập, nhất là tình trạng “chọn người nhà chứ không chọn người tài”.

Có thể cho rằng đây là bổ sung rõ nhất về sự “bất bình đẳng cơ hội” mà báo cáo tổng quan Việt Nam 2035 không hiểu sao chưa đề cập cặn kẽ.

Người viết cho rằng nhận định “Bất bình đẳng về thu nhập là điều hiển nhiên trong nền kinh tế thị trường” chỉ đúng nếu đó là nền kinh tế thị trường đầy đủ, bị chi phối bởi quy luật cung cầu chứ không phải trong nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa.

Bằng chứng là có vị nguyên Thứ trưởng đã phát biểu: “lương hưu của Thứ trưởng chỉ băng lương hưu ông Trung tá”, trong khi lương của lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước cao hơn rất nhiều so với lương của người đứng đầu Chính phủ!

Một thực tế khác không dễ phủ nhận sự “bất bình đẳng về cơ hội” là cư dân thành thị, những người nghèo, ít tiền, không thuộc “nhóm yếu thế” cũng vẫn khó tiếp cận các dịch vụ văn hóa, y tế, giáo dục cao cấp.

Khi báo Tuoitre.vn nêu câu hỏi ​“Tại sao con em nông dân mới phải đi bộ đội?[4] thì báo Infonet.vn [5] lại nêu ý kiến “Quan chức cho con cháu định cư ở nước ngoài là tấm gương xấu cho xã hội".

Sở dĩ con cháu quan chức có thể định cư ở nước ngoài bởi họ được đưa ra nước ngoài học tập từ bậc phổ thông, Đại học, còn con em công nhân, nông dân chỉ mong chờ một suất học bổng toàn phần.

Người Việt vốn thông minh mà quan chức thì hẳn phải “thông minh” hơn người thường nên con cháu họ học xong định cư ở nước ngoài hầu như không gặp bất kỳ khó khăn to lớn nào.

Vậy đâu là cội nguồn của sự “bất bình đẳng về cơ hội” khi lý tưởng của chúng ta là xây dựng một Nhà nước “của dân, do dân và vì dân”?

Điều này đã được lý giải trong trụ cột 3: “Nhà nước có năng lực và trách nhiệm giải trình”.

Có hai nhóm chỉ số mà Việt Nam đạt thành tích khá thấp.

Thứ nhất, chỉ số trọng lượng tiếng nói của người dân và trách nhiệm giải trình của chính quyền ở Việt Nam vẫn nằm ở nhóm mười quốc gia thấp nhất, và so với các quốc gia khác thì thứ hạng này từ năm 1996 tới nay lại có xu hướng giảm đi.

Thứ hai, Việt Nam cũng có thứ hạng rất thấp so với các quốc gia thu nhập trung bình thấp và các quốc gia thu nhập trung bình cao về chỉ số chất lượng điều tiết kinh doanh”.

Có thể thấy mấu chốt của sự bất bình đẳng trong xã hội là do “chỉ số trọng lượng tiếng nói của người dân” và “trách nhiệm giải trình của chính quyền” - tức là sự minh bạch - “từ năm 1996 tới nay lại có xu hướng giảm đi” khiến quốc gia nằm trong “nhóm mười quốc gia thấp nhất “.

Khi sự minh bạch giảm xuống và tiếng nói của người dân không còn nhiều “trọng lượng” thì cũng có nghĩa là quyền lực đã chuyển từ phía người dân sang phía khác.

Khi WB và Chính phủ thống nhất nhận định, rằng “chỉ số trọng lượng tiếng nói” của dân liên tục suy giảm suốt 10 năm (tính từ 1996) thì cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân có còn giữ đúng vai trò mà Hiến pháp quy định?

Tiếng nói của cơ quan này tăng hay giảm trong 10 năm qua, nếu tăng thì vì sao “chỉ số trọng lượng tiếng nói của nhân dân” lại giảm?

Trả lời câu hỏi này có thể tìm thấy ngay trong báo cáo (Tr. 97): “Trong cả hai lĩnh vực thượng tôn pháp luật và kiểm soát tham nhũng”, Việt Nam có kết quả “thấp hơn mức của các quốc gia thu nhập trung bình cao và chỉ tương đương hoặc cao hơn một chút so với mức của các quốc gia thu nhập trung bình thấp.

Việt Nam - giấc mơ 2035 ảnh 3

Đạo đức công vụ - chuyện “bằng giả” và “quan thật”

Hạng mức tương đối của Việt Nam so với các quốc gia khác về cơ bản không thay đổi trong cả hai nội dung vừa nêu kể từ năm 1996”.

Vấn đề “thượng tôn pháp luật và kiểm soát tham nhũng” của nước ta được xếp vào loại “trung bình thấp” chứ chưa được loại “trung bình”.

Sự suy giảm suốt 10 năm mà báo cáo đề cập có nguồn gốc từ hiện tượng suy thoái đạo đức một bộ phận cán bộ đảng viên và cần nhấn mạnh rằng đó không phải mới xảy ra trong 10 năm gần đây mà có “lịch sử” một phần tư thế kỷ - từ năm 1992.

Trả lời phỏng vấn Vov.vn ông Nguyễn Trọng Phúc, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng:

Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống không phải bây giờ mới đặt ra mà Đảng ta đã đặt ra từ rất sớm khi tiến hành công cuộc đổi mới.

Từ Nghị quyết Trung ương 3 khóa VII (6/1992), Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII (năm 1999), Hội nghị Trung ương 4 khóa XI (1/2012) đã đề cập đến vấn đề này”. [6]

Người nước ngoài đánh giá Việt Nam lúc đứng đầu, lúc đội sổ là tùy vào góc nhìn, điều này không phải là nghịch lý.

Quan trọng là người Việt Nam có thực sự cảm thấy mình xứng đáng đứng đầu trong những lĩnh vực mà nước ngoài ca ngợi hay không.

Người nước ngoài thấy Việt Nam là nơi đáng sống vì Tổng thống Mỹ chỉ cần 6 USD là có bữa bún chả ngon lành, đi khắp Thủ đô Hà Nội, chỗ nào cũng thấy quán nhậu hè phố… Thấy người Việt hay cười đó là “chỉ số cảm nhận hạnh phúc” cao.

Việt Nam đang tiệm cận vị trí đứng đầu thế giới về ô nhiễm môi trường bởi công nghệ lạc hậu được cho phép nhập về, bởi khói, bụi, rác thải…, bởi cá chết trắng biển, trắng sông, trắng hồ và cũng còn bởi những kẻ kinh doanh vô lương tâm đang hàng ngày đầu độc người Việt bằng “hàng hóa chất lượng cao” như kết quả khảo sát của Báo Thanh Niên cho thấy, “90% nước mắm có độ đạm cao nhiễm thạch tín vượt ngưỡng cho phép”. [7]

Người ta đánh giá Việt Nam là nước “đội sổ” trong cống hiến cho nhân loại, bởi với đội ngũ Giáo sư, Tiến sĩ vào loại “hùng hậu” nhất Đông Nam Á nhưng chúng ta chưa có công trình khoa học, nghệ thuật nào được thế giới vinh danh ngoại trừ một số di sản thiên nhiên vốn không do con người tạo ra.

Người Việt ngày nay có giấc mơ riêng của mình?

Không phải là không có, nhưng mơ mà không tỉnh dậy bắt tay làm việc thì vẫn chỉ là mơ, đôi khi là mơ giấc mơ của người khác, thậm chí bị ước mơ của người khác làm lóa mắt.

Chúng ta từng mơ đến 2020 nước mình thành một nước công nghiệp, nay thì điều đó không còn là mục tiêu phấn đấu nữa.

Chúng ta đã mất 25 năm để chống suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận không biết có còn là “không nhỏ” cán bộ, đảng viên, liệu với 20 năm tương lai, chúng ta có khắc phục được?

Và như thế, Việt Nam sẽ thành một nước thu nhập trung bình cao vào năm 2035 liệu có đúng là giấc mơ của người Việt?

Còn nữa...

Tài liệu tham khảo:

[1] http://www.vtc.vn/nghien-cuu-my-cho-thay-nguoi-viet-nam-doi-so-the-gioi-ve-do-trung-thuc-d247315.html

[2] http://www.independent.co.uk/news/uk/home-news/ireland-is-the-best-country-in-the-world-according-to-good-country-index-9557358.html

[3] http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Dau-la-te-bao-goc-cua-xa-hoi-nhom-loi-ich-post171210.gd

[4] http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20141121/tai-sao-con-em-nong-dan-moi-phai-di-bo-doi/674610.html

[5] http://infonet.vn/quan-chuc-cho-con-chau-dinh-cu-o-nuoc-ngoai-la-tam-guong-xau-cho-xa-hoi-post195650.info

[6] http://vov.vn/chinh-tri/dang/dan-biet-ro-can-bo-tot-hay-xau-co-tham-nhung-hay-khong-559346.vov

[7] http://giaoduc.net.vn/Kinh-tế/Phải-công-khai-90-nước-mắm-cao-đạm-nhiễm-thạch-tín-là-của-thương-hiệu-nào-post171560.gđ

Xuân Dương