Gọng kìm thương mại Donald Trump chống Trung Quốc độc chiếm Biển Đông

24/10/2018 07:14
Hồng Thủy
(GDVN) - Nếu xét trên phương diện quân sự, có rất ít thứ Hoa Kỳ có thể làm để ngăn chặn Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Military.com ngày 23/10 đăng bài phân tích của tác giả Joshep V. Micallef, một chuyên gia về lịch sử quân sự thế giới và các vấn đề quốc tế, xung quanh cạnh tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trên Biển Đông.

Ngoài phần lược lại lịch sử tranh chấp và một số diễn biến gần đây, Joshep V. Micallef tin rằng thương mại sẽ là đòn bẩy chính để Tổng thống Donald Trump ngăn chặn Trung Quốc bành trướng trên Biển Đông.

Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ sử dụng chính sách thương mại của Mỹ với Trung Quốc như một cách để hạn chế tăng trưởng kinh tế, cơ sở để Bắc Kinh tiếp tục phát triển sức mạnh quân sự.

Nhiều lần Tổng thống Donald Trump đã lên án chính sách thương mại bất bình đẳng của Trung Quốc, bao gồm việc dìm giá đồng nhân dân tệ, trộm cắp tài sản trí tuệ và ép buộc doanh nghiệp Mỹ chuyển giao công nghệ tiên tiến nếu muốn làm ăn tại Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, ảnh: The Denver Channel.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, ảnh: The Denver Channel.

Peter Navarro, một giáo sư nổi tiếng với quan điểm chống lại chính sách thương mại của Trung Quốc được Donald Trump bổ nhiệm làm Cố vấn kinh tế, Giám đốc Thương mại và chính sách công nghiệp, Giám đốc Hội đồng Thương mại quốc gia Nhà Trắng.

Ban đầu, cuộc khủng hoảng diễn ra trên bán đảo Triều Tiên đã buộc Tòa Bạch Ốc phải hoãn các hành động chống lại chính sách thương mại của Trung Quốc.

Washington phụ thuộc một phần vào sự sẵn sàng của Bắc Kinh trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế lên Bắc Triều Tiên trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Nhưng có lẽ bây giờ Nhà Trắng cảm thấy đã có đủ tiến triển trong các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng để chuyển sự chú ý sang chính sách thương mại với Trung Quốc.

Từ tháng Giêng 2018, Hoa Kỳ áp đặt thuế quan với hàng loạt hàng hóa Trung Quốc, ban đầu thuế quan chỉ tập trung vào sản phẩm pin mặt trời và 1,2 triệu máy giặt Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ.

Đến tháng Ba 2018, danh mục này được mở rộng lên hơn 1.300 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, chiếm khoảng 50 đến 60 tỷ USD nhập khẩu.

Trung Quốc đáp trả bằng thuế quan ngày 2 tháng Tư khiến Nhà Trắng lập tức thông báo, họ sẽ xem xét đánh thuế tiếp với khoảng 100 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Vào tháng Bảy 2018, Nhà Trắng tuyên bố áp thuế suất 10% và sẽ tăng lên 25% vào cuối năm nay đối với trên 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Gọng kìm thương mại Donald Trump chống Trung Quốc độc chiếm Biển Đông ảnh 2

Donald Trump muốn Trung Quốc "nếm đủ đau đớn", Bắc Kinh khẩn khoản học hỏi Tokyo

Trong lúc chờ đợi, Washington công bố những hạn chế đối với các khoản đầu tư của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ nhạy cảm, tăng cường kiểm soát xuất khẩu để ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các công nghệ nhạy cảm hoặc chiến lược của Mỹ.

Ngoài ra, Donald Trump còn đe dọa đánh thuế tiếp 267 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, nếu điều này xảy ra thì toàn bộ hàng Trung Quốc xuất sang Mỹ sẽ phải đối mặt với biện pháp trừng phạt.

Hơn nữa, các thỏa thuận thương mại được công bố gần đây giữa Hoa Kỳ, Canada và Mexico đã quy định rằng, bất kỳ thành viên nào bắt đầu đàm phán với các nền kinh tế "phi thị trường" phải thông báo cho 2 bên còn lại 3 tháng trước khi đàm phán.

Nếu các cuộc đàm phán dẫn đến một thỏa thuận thương mại thì có thể bị trục xuất khỏi Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada.

Điều khoản này là công cụ hiệu quả để ngăn chặn Trung Quốc theo đuổi một hiệp định tự do thương mại với Canada hoặc Mexico.

Trung Quốc và Mỹ đã tổ chức một loạt các cuộc đàm phán thương mại liên tục trong mùa Xuân, mùa Hè 2018. Tuy nhiên hiện tại các cuộc đàm phán đã bị đình trệ và không có kế hoạch khôi phục nào được công bố.

Washington đã đưa cho Bắc Kinh danh sách 140 yêu cầu Trung Quốc thay đổi chính sách và thực tiễn thương mại.

Theo các nguồn tin khác nhau, các quan chức Trung Quốc cho biết họ có thể chấp nhận khoảng 1/3 số yêu cầu Mỹ đưa ra và có thể thương lượng thêm, nhưng hơn 1/3 yêu cầu của Washington là "không thể chấp nhận".

Đáng chú ý, một số nước châu Âu và châu Á đã chính thức nói với Nhà Trắng rằng, họ ủng hộ chính sách này thương mại với Trung Quốc của ông Donald Trump và sẽ điều chỉnh các chính sách của nước mình theo nó.

Gọng kìm thương mại Donald Trump chống Trung Quốc độc chiếm Biển Đông ảnh 3

Việt Nam có thể hưởng lợi từ sự can thiệp mạnh mẽ của Mỹ vào Biển Đông

Sự phát triển kinh tế ấn tượng của Trung Quốc trong vài thập kỷ qua đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển sức mạnh quân sự rất ấn tượng của họ là điều không có gì phải nghi ngờ.

Nếu xét trên phương diện quân sự, có rất ít thứ Hoa Kỳ có thể làm để ngăn chặn Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Trong khi Lầu Năm Góc khẳng định sự tự tin về khả năng thổi bay các đảo nhân tạo này một khi xảy ra xung đột quân sự với Trung Quốc, thực tế không bên nào mong muốn xảy ra đối đầu bởi hậu quả khôn lường đối với cả 2.

Sử dụng chính sách, công cụ thương mại để đối phó với Trung Quốc trên Biển Đông có lợi thế là tăng gánh nặng kinh tế cho Bắc Kinh khi theo đuổi mục tiêu quân sự hóa, đồng thời hạn chế khả năng Trung Quốc tiếp tục phát triển kinh tế, nền tảng để đầu tư cho quân đội, tiếp tục bành trướng về mặt quân sự.

Tuy nhiên, chính sách thương mại chỉ có thể là một phần trong một chiến lược rộng hơn cả về kinh tế lẫn chính trị của Mỹ với các nước xung quanh Biển Đông.

Việc Tổng thống Donald Trump rút Hoa Kỳ khỏi TPP là một sai lầm.

Đáng chú ý, đã có thông tin Mỹ đang xem xét lại việc tái nhập TPP với điều kiện các điều khoản sẽ tốt hơn đáng kể cho Mỹ, so với những gì chính quyền Barack Obama đã thương lượng.

Một động thái như vậy là lý tưởng vì ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các quốc gia mục tiêu sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc đã phải cân nhắc lại.

Các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng sử dụng vốn vay của Trung Quốc đã làm tăng gánh nặng nợ nần, đó là những ví dụ điển hình cho "chủ nghĩa thực dân mới";

Thậm chí có quốc gia đã thông báo hủy bỏ các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng sử dụng vốn vay Trung Quốc đã ký trước đó.

Không dễ để dùng biện pháp quân sự đối phó với Trung Quốc trên Biển Đông, thương mại và Đài Loan trở thành lựa chọn. Ảnh minh họa, tàu sân bay Liêu Ninh, Trung Quốc tập trận trên Biển Đông, nguồn: ewmib.com.
Không dễ để dùng biện pháp quân sự đối phó với Trung Quốc trên Biển Đông, thương mại và Đài Loan trở thành lựa chọn. Ảnh minh họa, tàu sân bay Liêu Ninh, Trung Quốc tập trận trên Biển Đông, nguồn: ewmib.com.

Như vậy, rõ ràng tranh chấp thương mại Trung - Mỹ không chỉ đơn thuần là thương mại, mà còn là một giải pháp của Donald Trump đối phó với việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông cũng như phát triển sức mạnh quân sự.

Bởi vậy, cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ có thể sẽ là một đặc điểm lâu dài của quan hệ Trung - Mỹ trong tương lai gần.

Cá nhân người viết cho rằng, Biển Đông là nơi Trung Quốc thể hiện rõ rệt nhất bản chất của "Trung Hoa mộng" là soán ngôi vị siêu cường số 1 của Hoa Kỳ, nếu xét trên phương diện địa chính trị.

Trên phương diện pháp lý, Biển Đông cũng là nơi thể hiện rõ nhất thái độ vô pháp vô thiên, hành vi bất chấp, hành động vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, từ phía Trung Quốc.

Cho nên Biển Đông là một trong những vũ đài chủ yếu 2 siêu cường mới nổi này so găng, đọ sức. Nhưng đúng như tác giả Joshep V. Micallef nhận định, cả Washington lẫn Bắc Kinh sẽ không để chiến tranh nổ ra.

Thương mại, vấn đề Đài Loan nhiều khả năng sẽ là công cụ chính, tạo thành gọng kìm để ngài Donald Trump gây sức ép, buộc Trung Quốc hiệu chỉnh hành vi của mình.

Biển Đông sẽ nằm trong chiến lược tổng thể của Donald Trump để buộc Trung Quốc phải thay đổi. Điều này vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho các quốc gia nhỏ ven Biển Đông trong việc cân bằng quan hệ giữa 2 siêu cường.

Chiến tranh Trung - Mỹ khó nổ ra trên Biển Đông, dưới thời Donald Trump có lẽ Trung Quốc sẽ không dám liều lĩnh có những hành động như thời Barack Obama (chiếm quyền kiểm soát Scarborough 2012, gây khủng hoảng giàn khoan 981 năm 2014...).

Đây là thuận lợi cơ bản để các nước ven Biển Đông chống lại nguy cơ bành trướng và kiểm soát toàn bộ vùng biển chiến lược này từ Trung Quốc.

Nhưng giữ được ổn định cũng như không để mình bị lôi kéo thành quân cờ cho bất kỳ bên nào để chống lại bên kia sẽ trở nên khó khăn hơn với các nước trong khu vực.

Nguồn:

https://www.military.com/daily-news/2018/10/23/south-china-sea-and-us-china-trade-policy-are-they-becoming-linked.html

Hồng Thủy