GS Châu: Không nên chỉ trích việc đưa bài toán khó cho HS

26/08/2011 09:45
Theo Tuổi Trẻ
Rất nhiều sinh viên ngoài ngành toán, thậm chí cả học sinh THPT cũng đã đến với mong muốn lắng nghe những kinh nghiệm học tập từ thần tượng.

Cuộc giao lưu với GS Ngô Bảo Châu được ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM tổ chức vào chiều 25/8, dự định chỉ dành cho sinh viên khoa toán, tuy nhiên, rất nhiều sinh viên ngoài ngành toán, thậm chí cả học sinh THPT cũng đã đến với mong muốn lắng nghe những kinh nghiệm học tập từ thần tượng.

Trẻ trung và giản dị, GS Ngô Bảo Châu đã chinh phục học sinh, sinh viên và giảng viên ngay từ phút đầu buổi nói chuyện thực của mình với sinh viên ngành toán học do khoa toán - tin - Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) tổ chức chiều 25/8.

Tại giảng đường I, bên trong chật kín người, trong khi bên ngoài các lối đi, bậc tam cấp và cả cửa ra vào cũng đều chật kín người. Đúng 14h15, GS Châu có mặt tại giảng đường, vai khoác balô, giản dị và trẻ trung trong chiếc áo sọc màu xanh.

GS Ngô Bảo Châu tại buổi nói chuyện - Ảnh: Thuận Thắng
GS Ngô Bảo Châu tại buổi nói chuyện - Ảnh: Thuận Thắng

Cả hội trường đang ồn ào bỗng im bặt, nhường chỗ cho những tràng pháo tay giòn giã nổi lên. Mở đầu buổi nói chuyện, GS Ngô Bảo Châu bày tỏ: “Tôi hết sức bất ngờ và ấn tượng vì các bạn sinh viên, học sinh tham dự đông như vậy”. Bởi buổi nói chuyện không chỉ có sinh viên ngành toán, không chỉ có học sinh chuyên toán.

Sự bất ngờ của GS Ngô Bảo Châu đã được “đền đáp” xứng đáng vì đến hết giờ giao lưu, các câu hỏi cứ liên tiếp đưa lên. Quá nhiều cánh tay đưa lên xin hỏi câu cuối cùng khiến ban tổ chức buổi giao lưu đành chấp nhận câu hỏi cuối cùng lần 1, câu hỏi cuối cùng lần 2 và... câu hỏi cuối cùng lần 3. Đúng như lời GS Dương Minh Đức (chủ tịch Hội Toán học TP.HCM) phát biểu trong phần mở đầu: “Buổi nói chuyện của GS Ngô Bảo Châu sẽ cho chúng ta ý tưởng mới, sự hăng hái mới trong học tập và cuộc sống”.

Muốn đi xa phải đi liên tục

Ngồi bệt dưới bậc tam cấp, Nguyễn Thị Thu Thảo (sinh viên năm 2 Trường ĐH Y dược TP.HCM) mong mỏi: “Tôi mong sẽ nhận được lời khuyên của GS Châu về phương pháp học trong thời kỳ hiện đại”.

Trong khi đó, nhóm bạn Tân, Phan, Hợp (năm 2 khoa công nghệ thông tin, ĐH Khoa học tự nhiên) phải ngồi ngoài giảng đường, tiếc rẻ: “Tụi mình đến từ 13h30 mà hết chỗ nên đành ngồi ngoài chờ. Cả nhóm đều muốn gặp mặt trực tiếp và nghe những lời khuyên hữu ích từ thần tượng”.

Lời khuyên hữu ích từ GS Ngô Bảo Châu cũng bắt đầu từ niềm say mê của chính ông: “Khi học lớp chuyên toán tôi thường tập giải những bài toán có tính chất thách đố. Bây giờ người ta hay chỉ trích việc đưa ra những bài toán quá khó cho học sinh làm.

Nhưng tôi nghĩ bản chất con người luôn muốn vượt qua thách thức. Đối với tôi ngày ấy, việc giải những bài toán hóc búa đã khơi dậy niềm say mê toán học. Tuy đây chỉ là bước sơ khởi nhưng rất cần thiết”.

“Thần tượng” Ngô Bảo Châu trong vòng vây các bạn sinh viên, học sinh sau buổi giao lưu tại hội trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM
“Thần tượng” Ngô Bảo Châu trong vòng vây các bạn sinh viên, học sinh sau buổi giao lưu tại hội trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM

Trả lời câu hỏi: “Tố chất nào quan trọng nhất đối với người học toán?”, GS Châu cho rằng: “Với người làm toán thì yêu cầu khác hẳn, thời gian là vô hạn, có khi cả cuộc đời. Thế nên không việc gì phải vội, không phăm phăm cố giải cho bằng được.

Trước mỗi vấn đề phải tìm hiểu xem cội nguồn bài toán ra sao, lịch sử của vấn đề như thế nào, cái hay, cái dở của những người đi trước, từ đó mới hình thành phương hướng giải quyết. Sau vài năm, đến thời điểm “chốt” thì tập trung toàn tâm toàn ý để giải quyết khúc mắc cuối cùng. Bởi đối với tôi, muốn đi xa thì phải đi liên tục, đi không ngừng nghỉ chứ không phải đi cho thật nhanh”.

Với thắc mắc: “Sau khi đoạt giải thưởng Fields, GS đã có đề tài nghiên cứu mới nào chưa?”, GS Châu từ tốn: “Tất nhiên là tôi có một số đề tài nghiên cứu mới rồi nhưng đang ở bước sơ khởi. Đối với tôi, việc nghiên cứu chưa bao giờ vội.

Người ta thường ví cách làm toán như việc mở vỏ hạt dẻ. Có hai cách: một là làm thật nhanh bằng cách cầm búa gõ cho nát hạt dẻ. Cách thứ hai thì lâu hơn: phải chờ nước biển dâng lên thì hạt dẻ sẽ mở ra. Tôi theo trường phái chờ nước biển”.

Trong đầu phải có câu hỏi

Buổi giao lưu không chỉ có những câu hỏi và câu trả lời xoay quanh đề tài khô khan là toán học, không chỉ có những tràng pháo tay tán thưởng kéo dài, GS Ngô Bảo Châu còn khiến cả hội trường cười sảng khoái khi hóm hỉnh xin “đính chính” câu nói của một giảng viên trẻ Trường ĐH Khoa học tự nhiên rằng: “Không hẳn người giỏi toán thì làm gì cũng giỏi. Đa số những người làm toán không tự tin với môn nghệ thuật múa. Người làm toán đứng trước bạn gái rất là run...”.

Chia sẻ về những khó khăn mà mình đã gặp, GS Ngô Bảo Châu tâm sự: “Lúc ta đã lớn thì những thách thức cũng lớn theo, khi ấy cũng không có sách giải nên chúng ta phải tự mày mò tìm ra cách giải quyết. Thách thức thì muôn màu muôn vẻ nhưng thách thức lớn nhất đối với tôi là khi tiếp cận với toán học hiện đại.

Rồi đến thời điểm làm luận án tiến sĩ, tôi đã nhận một đề tài mang tính chất rủi ro: hoặc làm được, hoặc không làm được. Thời gian làm luận án từ 3-4 năm nhưng qua ba năm rưỡi tôi vẫn chưa tìm ra kết quả. Tôi rất nản lòng vì thật ra mình đã rất cố gắng. Thế rồi một ngày đẹp trời, tôi đã tìm ra cách giải quyết và mọi thứ sáng sủa hơn. Vì thế, trong quá trình thất bại có mầm mống của sự thành công”.

Một sinh viên nêu thắc mắc: “Để trở thành người nghiên cứu toán học, những người đang đi học như tụi em cần phải có phương pháp đọc tài liệu như thế nào?”. GS Châu phân tích: “Đọc tài liệu khác với việc học để ôn thi. Trước hết trong đầu bạn phải có câu hỏi, khi có rồi mới tìm sách vở để tìm câu trả lời. Khi có câu hỏi thì nó thôi thúc ta đọc nhanh hơn, hiểu vấn đề chắc chắn hơn”.

Đã chọn khoa học thì không thể nhiều tiền

“Làm thế nào để cân bằng giữa niềm đam mê nghiên cứu và sức ép của cuộc sống mưu sinh? GS đã bao giờ phải chịu sức ép của cuộc sống mưu sinh chưa?” - một sinh viên hỏi. Câu trả lời của GS Ngô Bảo Châu là: “Tôi may mắn chưa phải chịu sức ép của cuộc sống mưu sinh. Bây giờ thì cuộc sống của tôi khá thoải mái. Tuy không phải lo miếng ăn hằng ngày nhưng có những việc muốn nhưng không làm được. Ví dụ, có năm mùa hè tôi muốn về Việt Nam nhưng xem lại tiền trong túi thì không đủ để mua vé máy bay. Nhưng đã chọn con đường làm khoa học thì không thể làm ra nhiều tiền như làm kinh tế”.

“Nếu phải có một đánh giá chung về vị trí của toán học VN hiện nay là rất khó. Nhưng có những điểm có thể nhận thấy ngay và có thể coi là “điểm nóng”: người làm toán giỏi trẻ, tức là dưới 40 tuổi người VN hầu hết đều đang làm việc tại nước ngoài.

Điều làm tôi trăn trở là số lượng giảng viên toán ở các trường ĐH trong nước thuộc diện trẻ, giỏi vẫn còn ít. Rất cần thay đổi các chính sách để khuyến khích giảng viên trẻ về nước phục vụ, làm sao để nghiên cứu gắn chặt với chất lượng giáo dục”.

GS NGÔ BẢO CHÂU

Theo Tuổi Trẻ