Đó có thể coi là một tín hiệu vui trong việc định hướng người trẻ đến với những giá trị trí tuệ đích thực như GS Châu từng kỳ vọng: “Mỗi người tài như một hạt vừng nhỏ bé nếu được chăm sóc thì “vừng… sẽ mở ra” và hào khí dân tộc Việt mới thăng hoa ở tầm cao mới”.
Giáo sư Ngô Bảo Châu với thủ khoa đầu ra các trường đại học của Hà Nội |
Không phải “trời sinh ra thế”
Trong buổi giao lưu trực tiếp với 224 thủ khoa tốt nghiệp các trường đại học, học viện thuộc Chương trình tuyên dương thủ khoa “đầu ra” năm 2011 vừa qua, GS Ngô Bảo Châu đã bày tỏ những cảm nhận rất chân thành về thế hệ trẻ và vấn đề nuôi dưỡng người tài.
Theo GS Châu, 224 thủ khoa được gặp mặt và 112 thủ khoa đến từ 63 trường được vinh danh năm nay đều được coi là những “hạt giống trí tuệ Việt” trong tương lai. Trong số này, có những em vừa là thủ khoa “đầu vào” vừa là thủ khoa “đầu ra”, cũng những em phải rất vất vả vượt qua hoàn cảnh khó khăn để vươn lên, có những em là người khuyết tật…
“Tuy nhiên, nhìn vào bảng thành tích học tập và kết quả rèn luyện rất xuất sắc của các thủ khoa chúng ta có quyền được hy vọng vào trí tuệ Việt trong tương lai có thể làm lên một điều gì đó” – GS Ngô Bảo Châu nói.
Chia sẻ với các thủ khoa về “bí quyết” thành công và gìn giữ niềm đam mê nghiên cứu khoa học, GS Ngô Bảo Châu cho biết: “Quan trọng là phải luôn giữ được “ánh mắt trẻ thơ” khi nhìn nhận mọi việc.
Nếu không còn “ánh mắt” ấy tất cả mọi sự vật hiện tượng ta nhìn thấy chỉ được lý giải như một lẽ tất nhiên “trời sinh ra phải thế” và sẽ không còn sự mong muốn tìm tòi; khám phá, không còn phát triển tư duy lên được nữa…”. Mỗi thủ khoa cũng giống như một hạt giống tốt, một niềm tự hào của địa phương, đất nước, cần được xã hội chăm sóc và tự chăm sóc mình để vươn lên đóng góp cho xã hội.
Cũng từ suy nghĩ đó, GS Ngô Bảo Châu đã thành lập ra Quỹ phát triển tài năng mang tên “Hạt vừng” với mong muốn hỗ trợ những người tài có cơ hội phát huy năng lực của mình. Theo GS Châu: “Hạt vừng tuy rất nhỏ bé, khiêm tốn nhưng nếu được chăm sóc thì khi “mở ra” sẽ là cả một kho báu bên trong”.
Để “vừng… mở ra”
Là những người đỗ đầu các trường đại học, học viện nhưng câu hỏi cơ chế nào để “vừng… mở ra kho báu” vẫn làm rất nhiều thủ khoa trăn trở.
Được biết, sau 9 năm, TP.Hà Nội đã vinh danh gần 1.000 thủ khoa xuất sắc. Tuy đã có cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện rất thuận lợi nhưng thủ khoa Hà Nội phần nhiều vẫn lựa chọn “xuất ngoại” làm con đường tiến thân.
Nói về vấn đề này GS Ngô Bảo Châu từng trăn trở: “Rất nhiều người tài, các nhà khoa học trẻ mong muốn được làm việc tại Việt Nam nhưng họ chưa thấy được khả năng phát triến sự nghiệp ở trong nước. Đây cũng là thách thức lớn trong cơ chế thu hút và giữ chân nhân tài của nước ta”.
Cũng theo nhận định của GS Châu, để thay đổi điều này, ngoài những chính sách ưu tiên về cơ chế của Nhà nước cần phải thay đổi suy nghĩ của chính Người tài về sự cống hiến: “Người Việt Nam vốn đã tồn tại quá lâu những suy nghĩ rằng con đường duy nhất để có cuộc sống ổn định là làm những công việc mang lại nhiều tiền tài, vật chất… Những thủ khoa được ghi danh hôm nay hy vọng 5 – 10 năm sau các em vẫn giữ được ánh mắt trong trẻo say sưa và đầy hoài bão cống hiến”.
Trở thành thủ khoa vẫn chưa được gọi là người tài, đó mới chỉ đặt được bước chân vào bệ phóng trong một cuộc đua. Muốn nhảy cao, nhảy xa đòi hỏi phải có quyết tâm, bản lĩnh, phải nỗ lực rèn luyện rất nhiều - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng |