Trực tuyến mừng 20/11: Kinh nghiệm dạy con của GS nổi tiếng |
“Tất cả là từ ông thầy”
GS Nguyễn Lân Dũng |
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng trò chuyện: "Tôi có lẽ là một trong số rất ít người đã học qua 4 Trường Sư phạm (Sư phạm Sơ cấpViệt Bắc, Sư phạm Sơ cấp Khu học xá Nam Ninh, Sư phạm Trung cấp Khu học xá Nam Ninh, Đại học Sư phạm Khoa học Hà Nội).
Tôi cũng có lẽ là người trẻ nhất (cùng anh Nguyễn Văn Hiệu) tốt nghiệp Đại học Sư phạm khi chỉ mới 18 tuổi. Vì còn quá trẻ nên tôi được phân công về dạy ở Trường Trung cấp Nông lâm Trung ương. Không ngờ đây là nơi toàn cán bộ đi học. Nhiều học sinh của tôi hồi ấy (Khóa III) về sau trở thành các cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước (Bộ trưởng, Thứ trưởng, Bí thư tỉnh ủy...).
Trực tuyến mừng 20/11: Kinh nghiệm dạy con của GS nổi tiếng |
Tôi rất tâm đắc với suy nghĩ của người bạn học suốt cấp 2 và cấp 3 với tôi - nhà văn Ma Văn Kháng - trong cuốn hồi ký mới xuất bản anh đã viết: Lâu nay khi nói về đào tạo nhân tài, theo như tôi hiểu các nhà giáo dục cách tân thường nhấn mạnh quá đáng đến việc phát huy tính tích cực của học sinh. Tôi nghi ngờ điều này.
Trước sau tôi vẫn đinh ninh: Tất cả là từ ông thày. Đối với tôi thì đúng là như vậy. Lớp chúng tôi may mắn ngay từ bậc phổ thông đã được học với các thày giáo giỏi giang và mẫu mực, đó là các thày Hoàng Tụy, Lê Bá Thảo, Trần Văn Khang, Trần Văn Giáp, Hoàng Như Mai, Nguyễn Hữu Tảo...
Lên Đại học khi mới giải phóng Thủ đô các thầy giáo của chúng tôi (Dương Hữu Thời, Đào Văn Tiến, Lê Khả Kế, Nguyễn Văn Chiển, Lê Quang Long, Trương Cam Bảo...) đã phải tự học cấp tốc tiếng Nga (qua sách tiếng Pháp) để có thể chuyển tải các kiến thức mới nhất trong các giáo trình biên soạn rất nhanh để dạy cho chúng tôi. Các thầy là tấm gương tự học, tấm gương yêu khoa học, tấm gương đạo đức nghiêm túc còn mãi trong tâm trí mỗi chúng tôi mặc dầu hầu hết các thầy đã về cõi vĩnh hằng.
Trên nửa thế kỷ dạy học thì tất nhiên có biết bao nhiều kỷ niệm. Cũng mừng hàu hết là các kỷ niệm vui chứ hầu như không có những kỷ niệm buồn. Tôi ghi nhớ lời khuyên của GS Đặng Văn Ngữ: Dạy Đại học em phải chú ý đến ba điều: học ngoại ngữ, tham gia nghiên cứu khoa học và từng bước xây dựng sách giáo khoa. Tôi vui mừng đã làm theo được ba lời khuyên này.
Tôi không được đào tạo ở nước ngoài nhưng có thể tham khảo được sách vở với 4 ngoại ngữ (Anh, Pháp, Nga, Hoa), tôi đã xây dựng được đơn vị nghiên cứu ngày một vững mạnh (từ Phòng nghiên cứu chuyên đề cấp Trường, đến Trung tâm nghiên cứu cấp Bộ, đến Viện nghiên cứu cấp Nhà nước. Tôi đã đưa Hội Ví sinh vật học và Bảo tàng giống chuẩn vi sinh vật tham gia được vào các hệ thống quốc tế (IUMS và WFCC).
Tôi và các đồng nghiệp đã xây dựng được Giáo trình Vi sinh vật học dùng chung cho nhiều trường Đại học, mặc dù đã được tái bản nhiều lần nhưng gần đây chúng tôi viết mới lại hoàn toàn theo các tài liệu tham khảo gần đây nhất".
Cha là người thầy lớn
Gia đình GS Nguyễn Lân Dũng và cha ông, cố NGND Nguyễn Lân (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
- Chuyện dạy con thường mỗi người mỗi khác. Con trai tôi hiện khá nổi tiếng trong lĩnh vực y học tim mạch. Từ lúc con rất nhỏ, tôi đã quan tâm đến việc giáo dục bằng một phương pháp tưởng nhỏ nhưng khá hiệu quả đó là chịu khó đi đón con từ Nhà trẻ 20 tháng 10.
Cách đây mấy chục năm, Hà Nội không như bây giờ, yên tĩnh hơn và ít xe cộ hơn. Từ nhà trẻ, trên đường về tôi hay đưa con ra Bờ Hồ, cho con ăn kem và nói chuyện với con. Tôi hay hỏi : "Hôm nay có bạn nào giỏi hơn con không?". Con bảo có bạn này bạn khác. Tôi nói con "Con phải cố để giỏi hơn các bạn đó chứ". Đại ý là luôn luôn có sự động viên khuyến khích con phấn đấu, và về sau con tôi luôn có ý thức tự phấn đấu thật sự.
Thấy hai con trưởng thành tôi rất mừng (một cháu gái đang tu nghiệp tại Mỹ). Tôi không ép con bất kỳ một điều gì, để các con được hoàn toàn tự nguyện học và lựa chọn con đường đi của mình.
Theo tôi giữa việc khuyến khích cái tốt và việc trấn áp cái sai, thì cách thứ nhất luôn là cách đúng đắn nhất. Người ta vẫn nói ánh sang đẩy lùi bóng tối.
Bản thân tôi cũng chứng kiến và rất không hài lòng với nhiều kiểu dạy con, tôi tạm gọi là "thiếu văn hoá". Họ đánh mắng con cái ghê quá. Tôi không tưởng tượng được, tại sao lại đánh con như thế, thật là phi lý. Trong suốt cuộc đời, bố tôi (cố NGND Nguyễn Lân - PV) không bao giờ đánh chúng tôi một cái tát bao giờ. Đánh mắng không giải quyết được vấn đề mà phải làm cho con cái nhận ra điều sai sót và có quyết tâm sửa chữa.
Có vẻ cách chăm sóc con và chương trình học như hiện nay, những đứa trẻ không còn được "được hoàn toàn tự nguyện học và lựa chọn con đường của mình" nữa rồi...?
- May mắn là con tôi được học khoá học sinh đầu tiên của trường thực nghiệm do GS Hồ Ngọc Đại dựng lên, và cũng được học theo phương pháp khuyến khích tự nguyện học tập, rèn luyện. Qua việc theo dõi trường thực nghiệm tôi mới thấy rằng phương pháp giáo dục là vô cùng quan trọng.
Tôi ngạc nhiên khi xem nhiều sách giáo khoa hiện nay người ta dạy cho trẻ em những chi tiết, những số liệu mà thầy, cô cũng không nhớ nổi, hơn nữa các số liệu đó vừa không quan trọng gì lại có thể thay đổi theo thời gian. Sau này lớn lên nếu cần tra cứu đã có Internet, tha hồ tra cứu, tại sao phải nhồi nhét vào đầu óc non nớt của trẻ thơ.
Trường thực nghiệm hay ở chỗ họ khuyến khích được sự ham muốn và ý chí học tập của học sinh, thay cho việc nhồi nhét kiến thức. Sau này các bạn hồi ấy của con tôi hầu hết đều trưởng thành và có nhiều đóng góp đáng kể cho xã hội
Vợ chồng tôi hầu như không can thiệp quá nhiều vào việc học hành của các con. Ngay việc học thêm con tôi cũng tự quyết định, nếu cảm thấy cần học và tin tưởng thầy nào thì cháu tìm đến học. Nếu không thấy hợp thì tự tìm đến thầy khác, tôi không can thiệp gì cả.
Người thầy lớn, NGND Nguyễn Lân có dùng phương pháp này trong gia đình của ông?
- Hoàn toàn như vậy. Tuổi thơ chúng tôi trải qua trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp quá cực khổ. Bố tôi (cố NGND Nguyễn Lân) lúc đó làm Giám đốc Giáo dục Khu X rồi sau là Liên khu Việt Bắc, vậy mà... không có lương, chỉ được vài chục cân gạo mỗi tháng. Bố tôi phải để quá nửa ở nhà cho mẹ con chúng tôi, một phần mang đi công tác tất cả các tỉnh thành trên một chiếc xe đạp.
Chính nghị lực và lòng yêu nghề của bố tôi là tấm gương để chúng tôi học tập. Trong nhà tôi không có khái niệm bắt ép việc học tập. Trong thời kỳ khó khăn đó, hàng tối, mỗi anh em chúng tôi học với cây đèn tự tạo bằng hộp kem đánh răng GIBB đã dùng hết, dầu sở và bấc cây guộc. Gian khổ, nhưng ai nấy đều tự giác và hăng hái học tập.
Bố tôi chỉ động viên và làm gương cứ không can thiệp nhiều. Tôi thấy bây giờ các bậc phụ huynh lo cho các con ghê quá, lo từ A đến Z, nhiều nhà mời thầy cô đến tận nhà để phụ đạo từng môn học, như vậy chắc gì đã tốt. Thầy cô học hộ con mình rồi thì chúng còn cần gì cố gắng.
Theo tôi chỉ nên dạy cho trẻ những kiến thức cơ bản để làm nền tảng. Những kiến thức chi tiết sau này chúng sẽ tự tìm hiểu dần. Đào tạo những bộ óc chứ không đào tạo những bộ sách. Ngoài ra là cố gắng thổi vào cho học sinh, sinh viên niềm yêu thích học hỏi và nghiên cứu khoa học. Quan trọng nhất là làm sao để khuyến khích học sinh tự giác và hứng thú học tập. Nếu trẻ không ham học thì thầy giỏi mấy cũng không nhồi nhét cho được đâu!
NGND Nguyễn Lân (1906-2003) là GS, NGND, nhà biên soạn từ điển, học giả nổi tiếng của Việt Nam. Ông đã công hiến trọn đời mình cho nền giáo dục Việt Nam và là người có công trong việc xây dựng bộ môn và khoa Tâm lí học, Giáo dục học của hệ thống các trường Sư phạm ở Việt Nam. Ông có 8 người con, tất cả đều là giảng viên của các trường đại học lớn và đều là những nhà khoa học xuất sắc.
|