Trong điều kiện kinh tế của nước ta còn hạn chế, dù nhà nước đã ưu tiên cấp 20% ngân sách cho giáo dục và đào tạo, để đẩy mạnh phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo thì không thể không thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục. Ngay từ những năm 1988 Đảng, Nhà nước đã có chủ trương phát triển hệ thống các trường tư thục, sau đó là các trường dân lập. Năm 1998 khi Luật Giáo dục có hiệu lực cùng với các trường bán công, các trường ĐH, CĐ NCL cũng được thành lập. Trong 20 năm qua mô hình này đã không ngừng phát triển mạnh mẽ, đóng góp nguồn nhân lực không nhỏ cho đất nước. Tuy nhiên, vài năm gần đây có nhiều nguyên nhân khiến mô hình này phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và từ đó đánh mất dần nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa (CNH – HĐH) của đất nước.Nguồn lực vừa yếu, vừa thiếu Phát triển nguồn nhân lực của một quốc gia chính là sự biến đổi về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực trên các mặt thể lực, trí lực, kỹ năng, kiến thức và tinh thần, cùng với quá trình tạo ra những biến đổi tiến bộ về cơ cấu nguồn nhân lực. Cụ thể hơn, đó là quá trình đào tạo và sử dụng năng lực toàn diện con người cho việc phát triển kinh tế- xã hội. Trong chiến lược quốc gia, Đảng, Nhà nước ta xác định đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, điều đó càng thể hiện quyết tâm của chúng ta đầu tư phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao.
Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, GS. Trần Phương chỉ ra tính cấp thiết của nguồn nhân lực cho CNH - HĐH đất nước. Ảnh Xuân Trung |
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, ở thời đại ngày nay, con người được coi là một “tài nguyên đặc biệt”, một nguồn lực của sự phát triển kinh tế. Do vậy, phát triển con người, phát triển nguồn nhân lực trở thành vấn đề chiếm vị trí trung tâm trong hệ thống phát triển các nguồn lực. Đầu tư cho con người là đầu tư có tính chiến lược, là cơ sở chắc chắn nhất cho sự phát triển bền vững. Chính vì vậy Đảng, Nhà nước luôn xác định đầu tư cho giáo dục chính là đầu tư cho “quốc sách hàng đầu”. Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng khẳng định rằng, giáo dục và đào tạo là nhân tố có tầm quan trọng bậc nhất, góp phần “Không chỉ làm nên sự nghiệp của một con người mà còn là động lực làm nên lịch sử của cả một dân tộc”. Thật vậy, nguồn nhân lực trong việc phát triển kinh tế - xã hội là nhân tố không thể thiếu. Nói như nguyên Phó Thủ tướng, GS. Trần Phương thì thực chất giáo dục đại học là để phục vục cho mục tiêu CNH – HĐH, nếu không có nhân lực có trình độ đại học thì đồng nghĩa không có CNH – HĐH, vì nguồn lực có trình độ đại học gần như là nhân lực có tính chủ lực phục vụ cho sự nghiệp. Tuy nhiên, nguồn lực này đạt đến độ như thế nào thì GS. Trần Phương đặt câu hỏi: “Đội ngũ để chúng ta làm CNH – HĐH đã đến đâu rồi? Tôi cho rằng vẫn rất èo uột...”. Theo GS. Trần Phương, thực tế nhân lực của chúng ta đang thiếu, ngay tại trường của ông (Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) hàng năm có nhiều tập đoàn đến tìm người nhưng có bao nhiêu “mống” mà giao cho phía tuyển dụng? Đặc biệt là những sinh viên ngành kĩ thuật, sự thiếu hụt đây là một nguy cơ đối với đất nước. “Nếu như mỗi năm sinh viên thi vào ngành kĩ thuật –công nghệ chỉ đạt khoảng 4-5% thì hỏi lấy nhân lực đâu mà CNH – HĐH?. Nhìn vào các nước, ngay cạnh ta thôi như Đài Loan và Hàn Quốc (là những nước CNH mới) thì trình độ của họ thế nào? Đài Loan có 160 trường đại học trong khi đất nước chỉ có 20 triệu dân, trường của họ là trường ra trường chứ không như của ta. Nói ngay như trường công của ta có tới 100 trường cũng chưa ra trường” GS. Trần Phương nhận định. Dẫn chứng tiếp về phát triển nguồn lực, cách đây 30 năm Đài Loan đã có 160 trường đại học, hiện nay số trường này vẫn được giữ nguyên. Trong khi đó mục tiêu của chúng ta là tới năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp nhưng theo quan điểm của GS. Trần Phương, nếu cứ tình trạng nguồn lực ít như hiện nay thì tới năm 2050 cũng chưa chắc bằng Đài Loan. “Chúng ta vẫn nói năm 2020 cơ bản là nước công nghiệp, lúc đó ta có khoảng 100 triệu dân, nếu so với Đài Loan là nước có 20 triệu dân mà có tới 160 trường đại học thì ta cũng phải có gấp 5 lần số đó” GS. Trần Phương nêu ý kiến. Ở góc độ quản lí, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện nay cả nước có khoảng trên 450 trường đại học, cao đẳng. Với con số trường như vậy Bộ GD&ĐT cho rằng số lượng phát triển quá nhanh và cần siết lại quy mô để tăng chất lượng. Với quan điểm này, nhiều chuyên gia khẳng định đây là quan điểm sai lầm.
“Nếu chúng ta dừng lại ở 2 triệu sinh viên đại học thì sự nghiệp CNH của chúng ta sẽ như thế nào đây? Ai làm CNH? Tóm lại, vấn đề lớn nhất chúng ta cần giáo dục đại học để CNH. Đến năm 2020 là một mốc, vậy chúng ta phải làm gì cho giáo dục đại học để có CNH trong điều kiện ngân sách không tăng thêm được?”.
GS. Trần Phương
GS. Trần Phương
Lo ngại hơn, GS. Trần Phương cho biết, trong Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2020 mục tiêu đặt ra là đạt từ 350 - 400 sinh viên/ 1 vạn dân, trong số đó có 40% sinh viên học trong các trường đại học ngoài công lập (NCL), nhưng hiện nay chỉ mới được nửa phần trăm số đó. “Tôi đề nghị chúng ta phải kiểm điểm lại xem tại sao đến bây giờ chúng ta chưa đạt mà mới chỉ có khoảng 200 sinh viên/1 vạn dân? Trong khi các nước xung quanh như Thái Lan 500 sinh viên/1 vạn dân, Hàn Quốc 700 sinh viên/ 1 vạn dân). Đất nước của họ như thế mới tiến lên được CNH – HĐH, còn mình thì lẹt đẹt bò tới khi nào mới lên được?” GS. Trần Phương nêu thực trạng.Giáo dục đại học phát triển quá chậm Phát triển giáo dục đại học là bước đi nhanh nhất để có nguồn nhân lực chất lượng cho sự nghiệp CNH – HĐH đất nước, trong đó có nguồn lực chất lượng cao. Nguồn nhân lực chất lượng cao chính là quyết định quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng nguồn nhân lực này ở nước ta đang tụt hậu so với đòi hỏi của công cuộc đổi mới, nếu chỉ so sánh với các nước gần ta về tỉ lệ dân số có từ 13 năm học trở lên thì Việt Nam chỉ vỏn vẹn 2%, trong khi Thái Lan là 12%, Đài Loan 26%, điều này phản ánh trình độ dân trí của ta thua các nước. Hay như tỉ lệ thanh niên ở độ tuổi từ 20-24 học đại học thì Việt Nam chỉ có 10%, Thái Lan 41%, tỉ lệ của Hàn Quốc là 89%. Những số liệu trên có thể là cũ nhưng theo GS. Trần Phương về cơ bản không có gì thay đổi. Với hơn 400 trường đại học, cao đẳng như vậy Bộ GD&ĐT nói phải siết lại để quản lí chất lượng, suy nghĩ như vậy là sai lầm theo quan điểm của GS. Trần Phương. “Bằng bất cứ quan điểm nào tôi cũng cho quan điểm của bộ là sai. Tôi đề nghị Bộ GD&ĐT kiểm tra lại xem chúng ta đã đạt được bao nhiêu sinh viên/1 vạn dân. Tôi không có con số chính xác nhưng qua GS. Trần Hồng Quân tỉ lệ số sinh viên NCL chỉ đạt hơn 10%, tại sao lại thảm hại như vậy? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm vấn đề này, Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm tới đâu?” GS. Trần Phương thẳng thắn. Đứng trước nhiều thách thức về phát triển nguồn lực, nhất là quy mô các trường đại học, cao đẳng sẽ được siết lại, GS. Trần Phương đặt câu hỏi, liệu chúng ta định tiến lên CNH – HĐH đến năm 2020 trong khi đại học chỉ phát triển từ 1-2%? Nếu đại học phát triển chỉ vài phần trăm/năm thì không có CNH. Nguyên Phó Thủ tướng Trần Phương dẫn chứng rằng, lí do gì mà Nhật Bản - một nước giàu như vậy lại có tới 80% sinh viên thuộc hệ NCL? Đó là vì ngân sách không thể đủ để bao cấp, nếu không mở rộng NCL thì sẽ không có dân trí. “Hội nghị Trung ương lần này dứt khoát phải khẳng định rằng con đường phát triển các trường NCL là con đường cơ bản, phải phát triển NCL thì mới phát triển được đại học, phải áp dụng xã hội hóa ngay trong đa số các trường công lập thì mới có thể có nền đại học phát triển” GS. Trần Phương khẳng định.
Còn nữa...
Còn nữa...
Xuân Trung