Đại học Văn Hiến tạo sân chơi để sinh viên trau dồi kiến thức văn hóa - lịch sử

21/05/2024 14:30
Thu Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN-Trường Đại học Văn Hiến tổ chức cuộc thi “Theo dòng Văn Hiến Việt Nam 2024” với mục đích trau dồi kiến thức văn hóa - lịch sử dân tộc.

Trường Đại học Văn Hiến tổ chức cuộc thi “Theo dòng Văn Hiến Việt Nam 2024” với mục đích trau dồi kiến thức văn hóa - lịch sử dân tộc cho sinh viên Trường Đại học Văn Hiến nói riêng và các trường đại học trong nước nói chung, góp phần nâng cao ý thức của thế hệ trẻ trong việc lưu giữ và lan toả giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; tạo sân chơi bổ ích để sinh viên kết nối, mở rộng không gian giao lưu học thuật, phát triển tư duy sáng tạo, thực hành kỹ năng ứng dụng kiến thức về văn hoá, khơi nguồn cảm hứng học tập - nghiên cứu khoa học.

Theo dòng Văn Hiến Việt Nam – một cuộc thi vừa mang tính học thuật, vừa mang tính ứng dụng, thực hành, để các bạn sinh viên có cơ hội thể hiện tiếng nói của mình với những giá trị tinh thần truyền thống, với đặc trưng văn hóa, cội nguồn dân tộc, lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ.

Nội dung cuộc thi thể hiện sự nhận thức, hiểu biết về văn hoá - lịch sử Việt Nam, tư duy sáng tạo, kỹ năng xây dựng kịch bản, khả năng nghệ thuật của sinh viên qua biểu diễn, hóa trang, trưng bày, thuyết minh, hùng biện về giá trị văn hoá dân tộc.

IMG_0959.jpg
Cuộc thi “Theo dòng Văn Hiến Việt Nam 2024”. Ảnh: NTCC

Đặc biệt hơn, cuộc thi có sự hỗ trợ quan trọng của Ban cố vấn chuyên môn rất “kỳ cựu” được nhiều bạn trẻ ngưỡng mộ, yêu thích và giới học thuật tôn trọng. Đó là: Nhà sử học Dương Trung Quốc, hiện là Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Sử học, Tổng Biên tập Tạp chí Xưa & Nay, Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, XIII, XIV; Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lê Ngọc Trà - nguyên Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Văn Hiến, Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (2006); Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thị Thu Hiền - nguyên Trưởng khoa Khoa Hàn Quốc học, nguyên Phó Trưởng khoa Khoa Văn hóa học, hiện là Giảng viên cao cấp Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

_MG_0394.jpg
Cuộc thi “Theo dòng Văn Hiến Việt Nam 2024”. Ảnh: NTCC

Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ: "Tôi nhận lời cộng tác và tham dự với cuộc thi Theo dòng Văn Hiến Việt Nam vì nhận thấy cuộc thi hướng đến nhiều giá trị tinh thần tích cực. Đây cũng là cách để tôi không chỉ đóng góp chút hiểu biết của mình mà còn có cơ hội được học hỏi, giao lưu với các bạn trẻ.

Tôi nhận thấy việc giới trẻ chủ động phát huy những giá trị văn hóa truyền thống là vô cùng cần thiết. Thực tiễn lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta cho thấy, chính văn hiến là nguồn lực quan trọng nhất tạo nên sức mạnh của dân tộc. Không chỉ trong sự nghiệp giữ nước, chống ngoại xâm mà cả trong xây dựng quốc gia, văn hiến cũng là cốt lõi để giữ vững chủ quyền lãnh thổ, bản sắc dân tộc và sự thịnh vượng của đất nước. Trong công cuộc đổi mới và hội nhập rộng lớn hiện tại, điều này càng có giá trị. Cuộc thi “Theo dòng Văn Hiến Việt Nam” chính là một phương cách để đạt tới mục tiêu ấy".

IMG_0515.jpg
Cuộc thi “Theo dòng Văn Hiến Việt Nam 2024”. Ảnh: NTCC

Đây là cuộc thi hứa hẹn nhiều điều thú vị, là sân chơi lành mạnh để các bạn sinh viên thỏa sức thể hiện bản thân, học tập và lan tỏa thêm nhiều giá trị đẹp cho văn hóa và lịch sử nước nhà.

Cuộc thi đã qui tụ được 32 đội thi đến từ 8 trường đại học khác nhau, diễn ra từ ngày 02 tháng 5 đến ngày 31 tháng 5 năm 2024. Các đội thi sẽ phải trải qua các vòng thi: Vòng Sơ loại; Vòng 1, vòng 2 và vòng 3 – chung kết.

Vòng sơ loại kết thúc vào ngày 2/ 5/ 2024, chính thức công bố kết quả chọn 10 đội thi được vào vòng 1.

Vòng 1 có chủ đề “Ngàn năm Văn hiến” tổ chức vào ngày 18/5/2025 HungHau Campus, Trường Đại học Văn Hiến – Đại lộ Nguyễn Văn Linh, Thành phố Hồ Chí Minh.

Nội dung vòng 1: Tái hiện danh nhân văn hóa/ anh hùng dân tộc tiêu biểu trong lịch sử văn hoá Việt Nam bằng hình thức sân khấu hoá (diễn kịch, ca múa nhạc, cải lương...) thể lệ gồm:

- Mỗi đội bốc thăm chọn 1 trong các nhân vật lịch sử để tái hiện (Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Lý Công Uẩn, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu).

- Thời gian thi: 20-25 phút/ tiết mục.

- Tổng điểm vòng 1: 300 điểm (Bao gồm: Thể hiện được tính cách nhân vật; Tái hiện vai trò, thành tựu của nhân vật trong dòng lịch sử và văn hoá dân tộc; Hoá trang, phục trang, đạo cụ phù hợp; Trả lời câu hỏi từ Ban giám khảo về nhân vật được tái hiện).

Sau vòng 1 chọn 8 đội tham gia vòng 2.

Vòng 2 có chủ đề “Non sông gấm hoa” ” tổ chức vào ngày 25/5/2025 tại HungHau Campus, Trường Đại học Văn Hiến – Đại lộ Nguyễn Văn Linh, Thành phố Hồ Chí Minh.

Nội dung: Trưng bày, biểu diễn và thuyết minh về đặc trưng văn hoá truyền thống vùng, miền (gồm trang phục truyền thống, ẩm thực, văn nghệ dân gian),

- Mỗi đội bốc thăm chọn 1/8 vùng văn hoá (Tây Bắc, Việt Bắc, Đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ).

Các đội sẽ trưng bày các món ăn đặc trưng của vùng văn hóa được chọn, biểu diễn và thuyết minh đặc trưng văn hoá qua trang phục, ẩm thực, văn nghệ dân gian truyền thống. Nội dung thuyết minh phải đúng định hướng chủ đề, thể hiện lòng tự hào về giá trị văn hoá nguồn cội của dân tộc.

- Tổng điểm vòng 2: 300 điểm (mỗi đặc trưng 100 điểm, phải đảm bảo đúng nội dung: trưng bày, trình diễn đẹp, ấn tượng, lan tỏa nét đẹp bản sắc văn hoá vùng miền Việt Nam). Sau vòng 2 sẽ chọn ra 05 đội tham gia vòng 3.

+ Vòng 3 có chủ đề “Tri thức tuổi trẻ” ” tổ chức vào ngày 31/5/2025 tại HungHau Campus, Trường Đại học Văn Hiến – Đại lộ Nguyễn Văn Linh, Thành phố Hồ Chí Minh

Vòng 3 có 2 phần thi:

* Phần 1: Thi hiểu biết về văn hóa, lịch sử dân tộc, thể lệ gồm:

- Mỗi đội cử 3 sinh viên cùng tham gia thi trả lời 20 câu hỏi tại sân khấu.

- Các đội sẽ bấm chuông giành quyền trả lời. Khi đội thứ nhất trả lời sai, đội tiếp theo được quyền bấm chuông giành quyền. Lượt 1 mỗi đáp án đúng đạt 10 điểm. Lượt 2 mỗi đáp án đúng đạt 5 điểm, đồng thời trừ 5 điểm của đội bấm lượt 1 đã có đáp án sai.

- Tổng điểm tối đa: 200 điểm

* Phần 2: Hùng biện với chủ đề “Thế hệ trẻ phát huy giá trị văn hóa truyền thống", thể lệ gồm:

- Mỗi đội có 1 sinh viên thi hùng biện.

- Thời gian thi: 5 phút/ thí sinh

Các chủ đề thi hùng biện xoay quanh việc tuổi trẻ hiện nay ứng xử với các giá trị văn hoá tinh thần truyền thống dân tộc như thế nào, lập luận và chính kiến của các bạn trẻ...

- Hình thức: thí sinh sẽ bốc thăm chủ đề và thể hiện phần hùng biện tại sân khấu.

- Tổng điểm tối đa là 200 điểm (gồm các yêu cầu: Nội dung đúng chủ đề, lập luận chặt chẽ, thuyết phục, có cảm xúc và tạo hiệu ứng lan toả tích cực trong giới trẻ).

Đây là cuộc thi kéo dài với nhiều vòng thi, cũng là sân chơi qui tụ nhiều đội/ nhóm sinh viên từ các trường đại học tham gia, thể hiện được năng lực sáng tạo, tinh thần kết nối và nhiệt tình, hào hứng của giới trẻ.

Thu Trang