GS Vũ Minh Giang lý giải nguyên nhân môn Sử ngày càng giảm sức hút với giới trẻ

13/02/2024 06:25
Nhật Lệ
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Theo Giáo sư Vũ Minh Giang, Lịch sử cần đi đầu trong việc đổi mới. Nhận thức xã hội cần thay đổi theo hướng coi Lịch sử là một môn khoa học cần phải biết. 

Lịch sử là một trong những ngành học quan trọng thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn. Tuy nhiên, những năm gần đây, ngành học này đã giảm sức hút với giới trẻ.

Trong những năm gần đây, số lượng giáo sư, phó giáo sư ngành Lịch sử được công nhận đạt chuẩn chức danh trong các đợt xét duyệt hàng năm ngày càng giảm. Thực trạng này đặt ra lo ngại ảnh hưởng lớn tới việc đào tạo các thế hệ kế cận trong công tác giảng dạy và nghiên cứu môn lịch sử.

Nhân dịp Xuân Giáp Thìn, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo Nhân dân Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã dành cho phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam một cuộc trao đổi về kỳ vọng đào tạo các thế hệ kế cận đối với ngành Lịch sử; những khó khăn trong việc thu hút người học vào ngành này và giải pháp tháo gỡ.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo Nhân dân Vũ Minh Giang. (Ảnh: Nhật Lệ)

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo Nhân dân Vũ Minh Giang. (Ảnh: Nhật Lệ)

Lịch sử giảm sức hút với giới trẻ, nguyên nhân do đâu?

Theo Giáo sư Vũ Minh Giang, trách nhiệm chính thuộc về các nhà sử học chuyên nghiệp, các nhà quản lý giáo dục và những cơ sở đào tạo giáo viên lịch sử. Ông cũng cho biết, việc ngành Lịch sử ngày càng giảm sức hút đối với giới trẻ có nhiều nguyên nhân. Trước hết, học sinh ngay từ bậc trung học phổ thông đã không thích học môn Lịch sử. Ở bậc học cao hơn tỷ lệ học sinh chọn các ngành vào đại học liên quan đến môn này lại càng ít.

Sự quan tâm của học sinh với môn Lịch sử không cao, điều đó không đồng nghĩa với việc người Việt Nam không yêu môn Sử, không thích kiến thức Lịch sử mà nằm ở nhiều vấn đề khác.

“Trước hết với tư cách là một môn học, một khoa học trong các môn khoa học xã hội, một bộ phận quan trọng của văn hóa và có tác dụng quan trọng đến sự phát triển của xã hội thì việc thiết kế chương trình, cách giảng dạy đối với môn học này đang thiếu hấp dẫn. Trong thời gian dài, phương pháp thiết kế môn học cũng như thiết kế các chương trình nặng về mặt tiếp cận nội dung. Không riêng môn Lịch sử mà cả các môn khác chỉ chăm chăm dạy những kiến thức cụ thể. Hầu như bất cứ một cuốn sách giáo khoa lịch sử nào cũng ngồn ngộn sự kiện và đầy ắp những nhận định mà người học muốn được điểm cao, không có cách nào khác là phải học thuộc lòng, phải ghi nhớ rất nhiều. Cũng vì thế, chương trình giảng dạy ở trung học phổ thông rất nặng.

Học sinh học Lịch sử phải nhớ cụ thể, chi tiết diễn biến, ngày, tháng, địa danh, và các số liệu khác... Chưa kể tới, bên cạnh việc nặng về nội dung thì cách hiểu về môn Lịch sử của những tổ chức, cá nhân thiết kế ra chương trình luôn cho rằng những gì viết ra là chân lý nên làm mất đi tính sáng tạo. Và học sinh thì muốn được học những điều mới mẻ, nếu chỉ học về những điều người khác viết và nhất là những kiến thức viết đã rất lâu không được bổ sung, nghiên cứu, cập nhật sẽ rất khó thu hút”, giáo sư Giang nêu quan điểm.

Nguyên nhân tiếp theo được Giáo sư Vũ Minh Giang chỉ ra là chương trình đào tạo đại học hiện nay mới chỉ trang bị kiến thức chuyên môn và dạy cho người học kỹ năng để đi xin việc chứ không dạy cho người học cách khởi nghiệp. Nếu việc rèn luyện những phẩm chất, những năng lực và những kỹ năng cho học sinh, sinh viên đặc biệt chú trọng ưu tiên những năng lực, những phẩm chất có liên quan đến hoạt động khởi nghiệp, coi việc khởi nghiệp là một trong những mục tiêu của đổi mới giáo dục và đào tạo phải ưu tiên chú trọng thực hiện thì giáo dục và đào tạo mới có những bước phát triển đáp ứng nhu cầu xã hội. Và ngành lịch sử cũng vậy, nếu đưa các chương trình khởi nghiệp vào trong hoạt động giảng dạy Lịch sử thì chưa chắc môn học này đã không hấp dẫn.

“Cho đến nay hạn chế của giáo dục đại học, cao đẳng ở nước ta là không dạy hướng nghiệp, khởi nghiệp mà chỉ dạy người ta đi tranh việc với người khác. Đó là nguyên nhân gián tiếp khiến các kiến thức về nhân văn, về xã hội dường như không được chú trọng.

Thực tế hiện nay, người học ngành Lịch sử sau khi tốt nghiệp chỉ làm việc ở những cơ quan như Viện sử, hoặc ở những nơi dạy Lịch sử mà quên rằng những kiến thức về Lịch sử có thể giúp người ta làm nhiều việc khác và ở nhiều lĩnh vực khác nữa. Đó chính là lỗi của hệ thống giáo dục Việt Nam. Chưa kể tới quan niệm của xã hội về ngành Lịch sử nhiều khi cũng chưa hoàn toàn đúng. Người ta thường nhận định môn Lịch sử là quan trọng nhưng chỉ quan trọng ở nghĩa chính trị chứ chưa phải quan trọng ở góc độ là một tri thức cần phải có cho một công dân.

Trong triết lý giáo dục nếu có những yêu cầu người học khởi nghiệp thì người học sẽ buộc phải trang bị những kiến thức khác như: kiến thức về xã hội, kiến thức về con người, kiến thức về văn hóa… Khởi nghiệp tức là thu hút những người khác vào làm cùng mình. Người có tri thức về những kiến thức xã hội trong đó có những kiến thức về lịch sử thì thường có ưu thế trong việc thu hút người khác. Kiến thức khởi nghiệp không phải chỉ học môn gì ra làm môn đó mà phải là tổng hòa những kiến thức xã hội”, thầy Giang nêu quan điểm.

Lịch sử phải đi đầu trong việc đổi mới

Theo Giáo sư Vũ Minh Giang, để thu hút giới trẻ vào học ngành Lịch sử trước hết cần phải thay đổi một cách toàn diện triết lý giáo dục. Giáo dục cần phát huy năng lực người học chứ không phải dạy cho người học những kiến thức cụ thể.

“Thứ nhất, môn Lịch sử phải đi đầu trong việc đổi mới, trước hết phải coi Lịch sử là một môn khoa học. Khoa học ở đây là gì? Là cần phát hiện thêm những kiến thức mới, tri thức mới, phương pháp nghiên cứu và giảng dạy mới trên cơ sở tôn trọng sự thật khách quan trong cái nhìn đa chiều, không áp đặt… Có như vậy mới hấp dẫn được người học. Một bộ phận xã hội hiện nay vẫn không nhận thức được điều đó. Nhiều người cho rằng Lịch sử là không thể thay đổi, điều đó không đúng. Lịch sử những gì đã trải qua thì không thể thay đổi nhưng nhận thức xã hội về lịch sử thì phải nâng dần lên từng ngày.

Thứ hai là phải coi kiến thức Lịch sử như một kiến thức xã hội cần thiết. Có thể đưa những kiến thức Lịch sử vào câu hỏi khi tuyển dụng nhân sự vào các cơ quan như một kiến thức cần phải có. Bởi là người Việt Nam thì phải hiểu văn hóa lịch sử Việt Nam. Nghĩa là trong thiết kế khung những kiến thức cần phải được trang bị của người lao động phải có kiến thức lịch sử xã hội. Chứ không phải người làm ngành nghề gì chỉ biết những kiến thức chuyên môn đặc thù của ngành nghề đó mà không biết gì về văn hóa, lịch sử của dân tộc.

Thứ ba, để môn Lịch sử trở nên hấp dẫn thì cần phải có nhiều loại hình nghệ thuật cũng như hình thức thể hiện nghệ thuật lấy đề tài từ lịch sử hơn. Phim về lịch sử phải đa dạng phong phú hơn, đặc biệt là cần khuyến khích các bộ phim nói về Lịch sử, dựa trên chất liệu lịch sử chứ không phải mang ra mổ xẻ, vùi dập giống như bộ phim Đất Rừng Phương Nam vừa rồi. Điều ấy có thể khiến những người làm nghệ thuật không dám khai thác các đề tài về lịch sử, hoặc nếu có làm cũng vì những lý do chủ quan nào đó mà tránh né thành ra tác phẩm ít sáng tạo, khô cứng, khó hấp dẫn.”, thầy Giang bày tỏ.

Theo thầy Giang Lịch sử phải đi đầu trong việc đổi mới. (Ảnh: Nhật Lệ)

Theo thầy Giang Lịch sử phải đi đầu trong việc đổi mới. (Ảnh: Nhật Lệ)

Bên cạnh đó, theo Giáo sư Vũ Minh Giang, Lịch sử phải luôn luôn có sự so sánh. Bên cạnh dạy Lịch sử Việt Nam thì cũng cần so sánh xem cùng thời điểm đó ở các nước trên thế giới đang diễn ra như thế nào.

Ví dụ trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông. Lúc đó, nhiều người không biết rằng quân Nguyên Mông hùng mạnh đã chiến thắng cả thế giới. Chúng ta tự hào về cuộc chiến oai hùng nhưng khi đề cập đến thắng lợi của cuộc chiến ở tầm cỡ thế giới lại e dè cho rằng làm gì có chuyện đó. Thực tế, cả thế giới thua quân Nguyên Mông nhưng chúng ta lại thắng.

Hay như việc từ thế kỷ XIX, đất nước Thái Lan đã đổi mới rất nhiều, Nhật Bản đã cải cách nhưng thời kỳ đó ở đất nước ta vẫn đang “đóng cửa tự hào coi khinh thiên hạ (lời Nguyễn Trường Tộ)

Đây là một vài ví dụ để thấy rằng cần so sánh đúng những lát cắt đó để học sinh hiểu rộng hơn, sâu hơn và bao quát hơn.

“Vừa rồi trong việc đổi mới môn Lịch sử, tôi là một trong những người tích cực đề xuất cần phải dạy Lịch sử thế giới và Lịch sử Việt Nam song song với nhau. Phải biết là ở cùng một thời điểm nước ta thế nào và thế giới ra sao. Như hiện nay Lịch sử Việt Nam dạy trước rồi Lịch sử thế giới dạy sau và cũng mới chỉ dạy đại khái thôi nên bị tách rời và thiếu khá nhiều nội dung.

Tóm lại khi nói về Lịch sử ai cũng nói là quan trọng nhưng chúng ta chưa biết cách để làm cho người học hiểu rằng nó quan trọng tới mức nào”, thầy Giang nhận định.

Tỷ lệ giáo sư/ giảng viên thấp ảnh hưởng tới việc đào tạo các thế hệ kế cận

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo tỷ lệ giáo sư/giảng viên ở nước ta tương đối thấp chỉ khoảng 0,89% [1], nghĩa là trung bình cứ 100 giảng viên đại học chỉ có 1 giáo sư. Trong khi đó, theo Nghị định số 50/2022/NĐ-CP, các giáo sư, phó giáo sư được ký hợp đồng kéo dài thời gian làm việc thêm 5 năm, tối đa chỉ tới 65 tuổi (thay vì 70 tuổi như Nghị định số 141/2013/NĐ-CP).

Lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục đại học cũng cho biết việc thiếu hụt đội ngũ giáo sư, phó giáo sư khiến nhà trường không thể đào tạo tiến sĩ. Theo Giáo sư Vũ Minh Giang, về vấn đề này hiện nay đang có hai luồng ý kiến.

Thứ nhất, có ý kiến cho rằng số lượng giáo sư, tiến sĩ ở nước ta đã quá nhiều mà đóng góp thực tế chẳng được bao nhiêu. Trí thức theo cách nghĩ này chưa được hiểu đúng như một bộ phận có tầm ảnh hưởng lớn, trực tiếp dẫn dắt xu hướng phát triển của xã hội; là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong tiếp nhận, truyền tải, lan tỏa, sáng tạo văn hóa, tri thức, đem tri thức phục vụ cho sự phát triển, tiến bộ, văn minh.

Luồng ý kiến thứ 2 là nhìn vào so sánh cụ thể hơn xem tỷ lệ những người có trình độ đại học hiện nay như thế nào. Thực tế, tỷ lệ này thấp chứ không hề cao. Thậm chí lương của đội ngũ trí thức cũng tương đối thấp. Lương giáo sư Việt Nam thấp hơn nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Đó chính là một sự mâu thuẫn.

Bên cạnh đó, để làm giáo sư ở Việt Nam thực sự rất khó, nhất là đối với các ngành Khoa học xã hội và nhân văn. Trong đó có tiêu chuẩn cứng là phải có bài báo quốc tế.

Cũng có một thực tế, trong thời gian vừa qua tỷ lệ những ứng viên xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư ngày càng ít đi bởi vì sự đãi ngộ của xã hội chưa tương xứng.

Hiện nay không ít cử nhân tốt nghiệp phải giấu bằng đại học đi để chạy xe ôm công nghệ, làm shipper. Tiến sĩ đổ mồ hôi, sôi nước mắt cống hiến cũng chỉ được trả lương khoảng 7 triệu đồng. Chính vì vậy mà tỷ lệ giáo sư, phó giáo sư/ giảng viên ở nước ta ngày càng thấp.

Tình trạng này còn trầm trọng hơn đối với ngành Lịch sử. Ở Việt Nam hiện nay chỉ còn trên dưới 10 giáo sư. Số lượng phó giáo sư cũng chỉ gấp khoảng 5-6 lần con số này. Nếu những năm tới số lượng giáo sư, phó giáo sư ngành lịch sử không cải thiện thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới việc đào tạo các thế hệ kế cận, nhất là trình độ sau đại học.

“Ví dụ nếu xây dựng các đơn vị đào tạo trình độ cao như thạc sĩ, tiến sĩ thì phải xem đội ngũ giảng viên cơ hữu có đủ cơ số giáo sư, phó giáo sư theo quy định hay không. Nếu không có đội ngũ giáo sư, phó giáo sư đủ trình độ thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng đào tạo. Và những thế hệ này còn có trách nhiệm đào tạo những thế hệ mai sau. Tiêu chuẩn hướng dẫn nghiên cứu sinh sẽ ít đi… Tất cả sẽ ảnh hưởng theo tính dây chuyền nên nếu không thay đổi sẽ có những hệ lụy sau này”, Giáo sư Giang nhấn mạnh.

Cũng theo Giáo sư Vũ Minh Giang, có ý kiến đưa ra là nên kéo dài thời gian làm việc của giáo sư bởi nhiều người để phấn đấu được phong giáo sư cũng gần đến độ tuổi nghỉ hưu. Hiện nay nếu kéo dài tối đa đến 65 tuổi về hưu thì nhiều người vừa trở thành giáo sư là cũng đến tuổi nghỉ hưu. Vì vậy mà họ không còn cơ hội tiếp tục cống hiến khi điều kiện sức khỏe cho phép và độ chín, độ sâu của kiến thức chuyên môn chuyên sâu còn tiềm tàng.

Chính vì thế, Giáo sư Vũ Minh Giang cho rằng nên có một khung mềm cho phép giáo sư có thể làm việc đến tuổi 70 nhưng làm hay không là tùy thuộc vào cơ sở sử dụng. Đối với việc nới độ tuổi tiếp tục làm việc của giáo sư, phó giáo sư trong điều kiện còn đủ sức khỏe để làm việc là điều hết sức cần thiết.

Ngoài ra, theo Giáo sư Vũ Minh Giang, khi xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư điều kiện phải đáp ứng với tiêu chuẩn bài báo quốc tế chỉ nên dừng ở tiêu chí khuyến khích chứ không nên bắt buộc. Bởi đối với các ngành thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn đây là tiêu chí bất hợp lý.

“Đối với các ngành thuộc lĩnh vực Khoa học Xã hội và nhân văn ở Việt Nam thì 70-80% bài báo nghiên cứu là viết về Việt Nam. Viết về Việt Nam mà phải cố gắng viết bằng tiếng Anh thì người Việt đọc cũng không thực sự hiểu đầy đủ hết nội dung. Đấy là chưa kể các bài viết về khoa học xã hội, nhân văn lại chủ yếu đăng ở các nước như Ba Lan, Romania, Albania… Đăng ở các nước như thế thì ai đọc?

Cũng đã có tình trạng là nhiều học giả trong nước gom góp những bài hay nhất gửi đi nhưng phải trả tiền mới được đăng... thế thì tiến bộ gì cho khoa học Việt Nam?

Chưa kể đến việc những yêu cầu ngặt nghèo quá bắt đầu sinh ra tiêu cực. Có những trung tâm đứng ra làm dịch vụ, cứ đưa các số liệu và yêu cầu họ sẽ “chế biến” thành ra một thứ xào xáo... Cứ nộp tiền vào là có bài. Thời gian vừa qua cũng có không ít vụ việc được phanh phui. Điều đó làm cho những người thực sự có liêm khiết, liêm chính khoa học, không thiết tha phấn đấu công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư nữa.

Ý kiến của tôi trong Hội đồng giáo sư Nhà nước là chỉ nên đưa tiêu chí bài báo quốc tế thành tiêu chí khuyến khích chứ không nên là tiêu chí bắt buộc", thầy Giang bày tỏ.

Cũng theo thầy Giang thay vì đăng bài ở các tạp chí quốc tế tại sao chúng ta không nâng tầm các tạp chí Việt Nam. Bởi trong vòng 5 năm trở lại đây, số lượng tạp chí của Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế gần như đứng im, trong khi số bài báo quốc tế lại tăng. Đây là một việc đáng để những nhà quản lý suy ngẫm và có giải pháp giải quyết tháo gỡ tích cực trong tương lai gần.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/so-luong-gs-pgs-giam-vi-viec-xet-dang-dan-tiem-can-trinh-do-quoc-te-post230155.gd

Nhật Lệ