Trang mạng cá nhân này là cầu nối để những ai yêu thích giáo sư Cù Trọng Xoay hiểu hơn về con người và cuộc sống của anh ngoài đời thật. |
Sở hữu một trang mạng xã hội (facebook) với một lượng fans lớn, anh có đưa ra tiêu chí mỗi khi đưa ra một thông tin hay phát ngôn trên facebook của mình hay không?
Đinh Tiến Dũng: Tôi biết mình may mắn khi được nhiều người yêu quý, tôi coi trang facebook đó là nơi tôi giao lưu trao đổi với mọi người. Tôi để mọi chuyện diễn ra tự nhiên như ứng xử của tôi với những người bạn vậy, lúc thì tâm sự chia sẻ, lúc thì lại tào lao lung tung, tần suất thì cũng tuỳ nốt, có khi mấy hôm mới viết một cái gì đó, có hôm thì cao hứng viết thì viết gần chục status. Chỉ có một tiêu chí không đổi, đó là tôi là người duy nhất trực tiếp viết lách và giao tiếp trên trang này, không có bất kỳ admin nào khác.
Nhiều status của Đinh Tiến Dũng khiến những fanpage cảm thấy vô cùng thích thú bởi đó như một thông điệp nho nhỏ thú vị về cuộc sống. Thậm chí cả những câu chuyện khá riêng tư, gần đây là chuyện cưới vợ, đêm tân hôn... Anh có sợ mọi người nói đó là chiêu câu “like” hay không?
Đinh Tiến Dũng: Câu “like” mà được “like” thì tốt quá còn gì nữa, chỉ sợ câu mà chả ai “like” thôi. Người ta thích, người ta đồng tình với mình thì người ta like, điều đó đâu có gì tiêu cực đâu, có ai lại không thích người khác thích mình và ủng hộ mình hay không? Trong cuộc sống thực, chúng ta luôn phải cố gắng ăn mặc đẹp, nói năng tử tế, cư xử đúng mực để người khác ủng hộ và yêu quý mình đấy thôi… Tôi đã nói rồi, đó là nơi tôi giao lưu với bạn bè, mà bạn bè với nhau thì có gì thích chia sẻ thì tôi chia sẻ thôi.
(Ảnh đại diện của Facebook Giáo Su Xoay) |
Với cá nhân anh, thì việc “chơi” facebook mang lại cho anh điều gì hữu ích?
Đinh Tiến Dũng: Cũng nhiều, tôi được trao đổi với nhiều người, lắng nghe những phản hồi và rất nhiều trong những những trao đổi ảo đó đã đem lại cho tôi những người bạn tốt trong cuộc sống thật.
Có khi nào cảm thấy “hối hận” về một bức hình hay một câu nói trên trang facebook của mình hay không? Nếu có thì đó là gì?
Đinh Tiến Dũng: Thường là không, đến giờ vẫn không, tôi phải cân nhắc từng câu chữ, từng bức ảnh chứ nói chuyện với đông người thì không ẩu được.
Cảm xúc của anh mỗi khi nhận được một số lượng like rất “khủng” với mỗi một thông tin được chia sẻ là gì?
Đinh Tiến Dũng: Đương nhiên là vui và hạnh phúc rồi. Nó là động lực cho tôi tiếp tục tham gia facebook một cách nhiệt tình và trách nhiệm hơn.
(Một bức kí họa của người hâm mộ tặng Giáo Sư Xoay trên Facebook) |
Người ta thường nói Facebook là thế giới ảo nhưng liệu có khi nào nó tác động đến cuộc sống đời thường của anh hay không?
Đinh Tiến Dũng: Tác động nhiều chứ, nó tuy là ảo nhưng nó là ảnh phản chiếu của cuộc sống thực mà thôi.
Anh nghĩ gì khi có nhiều người nổi tiếng lập facebook để thu hút lượng fan cho họ?
Đinh Tiến Dũng: Tôi nghĩ chuyện đó là bình thường. Có gì sai khi ta mong muốn nhiều người yêu quý mình đâu?
Trong giới nghệ sĩ ngày càng nhiều sao xem Facebook là nơi để trút bỏ những "hỉ nộ ái ố" từ trên sân khấu. Thậm chí là nơi diễn ra những cuộc khẩu chiến không có hồi kết. Anh bình luận gì về tình trạng này?
Đinh Tiến Dũng: Tôi nghĩ điều này cũng tuỳ tính cách mỗi người, mỗi người có quyền chọn cách sống riêng cho mình, chọn cách trao đổi riêng trên facebook và chịu trách nhiệm về nó là được.
- Nhiều người ái ngại khi thấy các nghệ sĩ có trào lưu “khoe khéo” trên facebook. Khoe xe, khoe nhà, khoe đồ hiệu… và vô tình tự họ đánh mất đi hình ảnh đẹp của mình. Anh nghĩ sao về trào lưu này?
Đinh Tiến Dũng: Tôi đang nghĩ là đánh giá này của bạn liệu có khắt khe quá không? Nhà bạn có cái gì hay, bạn cũng sẽ thích khoe với bạn bè. Con bạn ngoan, học giỏi, bạn cũng muốn khoe. Và nghệ sỹ cũng vậy, vì họ cũng là con người như chúng ta. Chả lẽ là nghệ sỹ thì không được khoe sao? Chả lẽ hình ảnh đẹp thì phải không khoe gì sao? Tôi nghĩ là nên tôn trọng cách hành xử của mỗi người.
Cũng có người lại cho rằng mạng xã hội Facebook là “chốn thị phi”. Anh nghĩ sao về điều đó?
Đinh Tiến Dũng: Không chỉ riêng Facebook mà bất kỳ diễn đàn công cộng nào cũng đều là “chốn thị phi” với vô vàn thông tin khác nhau. Chúng ta phải tự biết chọn lọc nếu không muốn bị nó cuốn vào các dòng xoáy thông tin bất tận đầy mệt mỏi. Cách hữu hiệu nhất mà tôi thường áp dụng đó là tắt máy tính và đi chơi hoặc làm những việc hữu ích khác.