GS.Nguyễn Đình Đức: ChatGPT ra đời, lĩnh vực KHXH gặp nhiều thách thức nhất

17/02/2023 06:31
Anh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bên cạnh những tiện lợi, ChatGPT cũng đặt ra thách thức cho giáo dục trong khâu kiểm tra, đánh giá, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học xã hội.

Từ khi ChatGPT xuất hiện đã nhanh chóng “gây bão” đối với người dùng trên toàn thế giới nhất là khi xuất hiện tình trạng học sinh sử dụng ứng dụng công nghệ này để làm bài tập, sinh viên dùng để hoàn thành luận văn, luận án trong một thời gian ngắn. Nhiều ý kiến cho rằng, điều này khiến học sinh, sinh viên trở nên lười tư duy, động não mà thay vào đó là dựa dẫm, ỷ lại vào công nghệ.

Sự phát triển của ChatGPT khiến nhiều người lo lắng công cụ này sẽ trở thành “con dao hai lưỡi”, tạo thách thức không nhỏ đối với giáo dục.

Kiểm tra thường xuyên, đánh giá cả quá trình

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo (Đại học Quốc gia Hà Nội) đánh giá, sự ra đời của ChatGPT là một tín hiệu tích cực, khi hỏi công cụ này bất kỳ vấn đề nào, nó có thể tự lọc một lượng lớn thông tin về vấn đề đó và tổng hợp ngắn gọn lại. Vì vậy, nó có tác dụng lớn trong việc rút ngắn quá trình tìm hiểu thông tin trong công việc và học tập.

Giáo sư Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NVCC

Giáo sư Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NVCC

Từ tính năng tiện ích đó, ChatGPT sớm trở thành công cụ hữu ích giúp học sinh, sinh viên tìm kiếm tài liệu tham khảo phục vụ cho việc học. Tuy nhiên, công cụ này cũng là “con dao 2 lưỡi” khi đã xuất hiện tình trạng sinh viên sử dụng nó để đạo văn trong quá trình làm luận văn, luận án.

“Tuy nhiên ChatGPT cũng đặt ra thách thức cho giáo dục trong khâu kiểm tra, đánh giá. Trong đó, lĩnh vực khoa học xã hội sẽ gặp nhiều thách thức nhất vì ChatGPT có thể trả lời khá đầy đủ các bài luận.

Vì vậy, phương pháp kiểm tra, đánh giá cần phải thay đổi, cá thể hóa với các yêu cầu phân tích sâu theo quan điểm cá nhân có thể là giải pháp cho vấn đề này. Bên cạnh đó, việc kiểm tra cần phải là hoạt động thường xuyên, đánh giá cả quá trình chứ không chỉ dựa trên điểm số của một kỳ thi.

Cùng với việc thay đổi cách kiểm tra, đánh giá thì vai trò của người thầy cũng phải được khẳng định nhiều hơn. Người thầy sẽ phải đầu tư về thời gian, sáng tạo, tâm huyết, sâu sát cùng người học, bên cạnh đó không ngừng nâng cao trình độ.

Đặc biệt, trong môi trường giáo dục đại học với một lượng lớn sinh viên, thay vì né tránh, người thầy phải tìm hiểu về những công cụ thông minh và ChatGPT là một trong số đó. Đồng thời, giảng viên phải không ngừng nâng cao trình độ để thích ứng, áp dụng hiệu quả nhằm phát triển giáo dục”, Giáo sư Nguyễn Đình Đức nói.

Sự ra đời của ChatGPT là cơ hội để chuyển đổi giáo dục sang một trang mới

Cùng bàn luận về vấn đề này, thầy Đinh Đức Hiền - giáo viên Hệ thống giáo dục HOCMAI chia sẻ, sự xuất hiện của các công cụ thông minh như ChatGPT tuy rằng sẽ tạo ra thách thức cho nền giáo dục truyền thống nhưng cũng là cơ hội để chuyển đổi giáo dục sang một trang mới.

Công nghệ thông minh ra đời giúp ích rất nhiều trong hai vấn đề, đó là thu nhận kiến thức và trải nghiệm học tập. Nếu mô hình giáo dục truyền thống coi trọng truyền tải kiến thức là mục tiêu lớn nhất thì giờ đây điều này không còn phù hợp. Thầy cô cần xác định được thế mạnh của mình, đó là cảm xúc, là truyền cảm hứng, dẫn dắt học sinh - điều mà không có công nghệ nào có thể thay thế được.

Giáo dục cần phải thay đổi theo hướng xây dựng năng lực đọc viết, tư duy phản biện, năng lực tự học, tự nghiên cứu suốt đời cho học sinh. Bên cạnh đó, chúng ta cần chú trọng vào việc giáo dục đạo đức, ứng xử của học sinh với các nền tảng số.

Thầy Đinh Đức Hiền - giáo viên Hệ thống giáo dục HOCMAI. Ảnh: NVCC

Thầy Đinh Đức Hiền - giáo viên Hệ thống giáo dục HOCMAI. Ảnh: NVCC

Theo thầy Đinh Đức Hiền, một số trường học ở Mỹ, Úc đã cấm học sinh, sinh viên sử dụng ChatGPT và một số Chatbot AI khác có khả năng tạo lập văn bản như bài luận, bài kiểm tra…là việc làm không cần thiết, thậm chí cực đoan.

Thay vì cấm hoàn toàn, ở trường học chúng ta có thể có những quy định cấm sử dụng trong những thời gian cụ thể để học sinh tập trung vào những trải nghiệm học tập khác nhau. Điều này cũng giống như quy định sử dụng máy tính bỏ túi, điện thoại thông minh trong lớp học (lứa tuổi và thời điểm nào được sử dụng).

Tất nhiên, việc đưa ra các lệnh cấm là để hạn chế tình trạng học sinh, sinh viên sử dụng ChatGPT để gian lận, đạo văn trong bài kiểm tra hay làm luận văn, luận án. Nhưng sự ra đời các công cụ thông minh là phù hợp với xu thế hiện nay nên điều quan trọng là chúng ta định hướng dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh, sinh viên như thế nào để phù hợp với hoàn cảnh mới.

“Thực tế, không phải chỉ khi có ChatGPT thì học sinh mới có thể gian lận mà hiện nay tràn lan trên trang mạng xã hội là các chợ mua bán, viết thuê luận văn, luận án. Thậm chí, có những website chuyên giải bài tập về nhà cho học sinh. Chúng ta không thể kiểm soát hết được. Vì vậy, giáo viên và nhà trường bắt buộc phải thích nghi, định hướng dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh, sinh viên phải thay đổi để phù hợp.

Trong bài kiểm tra nên tăng cường các câu hỏi vận dụng để khai thác được tính sáng tạo của người học. Bên cạnh đó, phối hợp nhiều hình thức kiểm tra như vấn đáp trực tiếp, làm dự án…”, thầy Đinh Đức Hiền nói.

Anh Trang