Tại buổi tọa đàm “ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục” do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội nêu quan điểm, ở góc độ quản lý cơ sở giáo dục, khi đối diện với ChatGPT hay những sản phẩm của AI, sự nhất quán trong chính sách là điều quan trọng.
Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn cho rằng phiên bản ChatGPT hiện chưa thể làm tốt luận văn hay luận án tiến sĩ. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo) |
Sinh viên dùng ChatGPT có lo ngại không? Giáo sư Tuấn cho hay, sinh viên vẫn đang dùng hằng ngày, như những phần mềm khác trước đây, đều sử dụng bình thường. Vấn đề là cho phép các em sử dụng trong học tập, trong thi cử, trong đánh giá ở mức độ nào thì cần phải có chính sách nhất quán.
Còn ở góc độ giảng viên, những người làm công tác giáo dục, ChatGPT tạo ra yêu cầu thay đổi một cách đồng bộ, vì nếu chúng ta vẫn theo cách thức giáo dục cũ, truyền đạt kiến thức nhỏ lẻ, đơn lẻ thì không hiệu quả. Hiện nay, học sinh có thể vượt qua người thầy về kiến thức.
ChatGPT cũng dựa trên dữ liệu để trả lời các câu hỏi, còn để đạt được như một chuyên gia, như một học viên mang tính chất nghiên cứu, hay khám phá những đề tài mới mẻ của đời sống thì nó không làm được
“Từ góc độ này, chúng ta cũng không phải quá quan ngại, ngay cả việc viết luận văn, luận án Tiến sĩ, ở thời điểm hiện tại, tôi không tin phiên bản ChatGPT này có thể làm được.
Nếu là kiến thức phổ thông, thường thức dưới góc độ hỏi đáp trả lời thì tôi đánh giá cao ChatGPT nhưng để có những sản phẩm mang tính sáng tạo như luận văn, luận án tiến sĩ hay làm các công trình nghiên cứu thì ChatGPT chưa thể làm được, nhưng điều đó không có nghĩa là giáo dục không thay đổi.
Muốn có các đề tài mang tính khoa học không thể phụ thuộc vào ChatGPT được, và vấn đề là người thầy dẫn dắt, hay học viên có trình độ phải tìm ra những vấn đề, sau đó có thể hỏi ChatGPT và nó cũng chỉ trả lời những kiến thức đơn lẻ mà thôi.
Bàn về câu chuyện này còn là quãng đường dài, và ChatGPT hiện nay chỉ là phiên bản demo, còn phiên bản sau này chúng ta chưa thể biết được, nhưng chúng ta không nên quá lo lắng, hoảng sợ, và giáo dục vẫn phải thay đổi cả về chính sách và thực tiễn”, Giáo sư Hoàng Anh Tuấn khẳng định.
AI chưa thể thay thế vị trí của người Thầy
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội nói rằng, ChatGPT cho thấy cơ hội để giải phóng cho giáo viên khỏi một số công việc mang tính chất thủ tục, văn bản.
Các chuyên gia trao đổi thảo luận tại buổi Toạ đàm. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo) |
Đây cũng là cơ hội để giúp chúng ta chuyển đổi một cách triệt để hơn, từ dạy nội dung sang dạy phát triển năng lực, tập trung nhiều công sức hơn sang “dạy người” – tức là phải sử dụng nhân cách của nhà giáo, những phẩm chất của con người, điều mà AI chưa đạt được.
Nếu dùng ChatGPT một cách hợp lý thì có thể tạo ra được những tài liệu để cá nhân hóa cho những sở thích, nhu cầu của từng em. Ví dụ trường hợp học sinh học nhanh, học vượt thì có thể sử dụng công cụ này để đặt ra những câu hỏi, em tìm tòi, tìm hiểu sâu rộng về vấn đề mà thầy cô chưa kịp đưa ra trên lớp.
Phó Giáo sư Trần Thành Nam cho rằng, hiện có hội chứng sợ công nghệ, sợ cái mới và có tâm lý lo lắng. Nhưng quan trọng là cần có những người truyền cảm hứng được.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam cho rằng, ChatGPT không thể thay thế vị trí người thầy. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo) |
Công nghệ cũng không thể thay thế người thầy. Thầy Nam phân tích, quá trình dạy học ở phổ thông phải tuân theo quy luật nhận thức học sinh: Bước đầu tiên là tìm câu chuyện để học sinh hứng thú bước vào bài học; Bước thứ hai là đặt câu hỏi gợi mở để học sinh khám phá nội dung tri thức; Bước thứ ba là áp dụng vào tình huống thực tiễn để học sinh có trải nghiệm thực tế; Bước cuối cùng là rút ra kinh nghiệm, bài học cho các em.
Như vậy, trí tuệ nhân tạo hay ChatGPT không thể thay thế người thầy thực hiện bước đầu tiên. Ở bước thứ 2, AI có thể hỗ trợ trả lời câu hỏi, nhưng câu trả lời chưa chắc đã đúng với những bối cảnh xã hội khác nhau. Và như vậy, chỉ có người thầy mới tổ chức được các hoạt động để các em trải nghiệm và rút ra kinh nghiệm cho mình. Chỉ có người thầy mới có thể truyền cảm hứng để học sinh chiếm lĩnh, phát triển năng lực, phẩm chất.
Trao đổi về những thách thức đặt ra cho ngành giáo dục, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nếu phụ thuộc quá nhiều vào AI, ChatGPT thì sẽ làm học sinh mất đi tính chủ động, trở nên thụ động khi tiếp cận các vấn đề thực tiễn cũng như giải quyết thực tiễn, hay ảnh hưởng đến khả năng phát hiện những vấn đề mới của học sinh.
Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh trao đổi tại buổi toạ đàm. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo) |
Ngoài ra, trong quá trình học tập mà người học quá phụ thuộc vào ChatGPT thì việc tiếp xúc, giao lưu, rèn luyện các kỹ năng khác cũng sẽ ảnh hưởng.
Đối với thầy cô, phải biết cân đối việc tận dụng những thế mạnh của công nghệ để nâng cao năng lực giảng dạy, có chuẩn đánh giá hay những điều chỉnh trong kiểm tra đánh giá để có căn cứ cho kết quả học tập.
Về mặt quản lý, cần chú trọng đến năng lực số của học sinh và năng lực số của giáo viên, học sinh cần có năng lực gì để khi tiếp cận với công nghệ số, các em chọn lọc được vấn đề, biến thành kiến thức cá nhân và đảm bảo an toàn trên không gian mạng; giáo viên cũng phải làm tốt những việc liên quan đến chuyển đổi số, giúp học sinh hình thành, phát triển phẩm chất năng lực.
Trước băn khoăn công nghệ có làm kéo dài thêm khoảng cách vùng miền, Thứ Trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, sự phát triển của công nghệ thông tin có 2 mặt. Nếu có những chính sách tốt và triển khai thực hiện tốt, chúng ta có thể tận dụng công nghệ để học sinh vùng sâu vùng xa có cơ hội tiếp cận với giáo dục chất lượng cao, tạo sự bình đẳng trong giáo dục. Nhưng nếu không làm tốt chính sách, điều này sẽ tạo ra khoảng cách lớn hơn giữa các vùng miền.
Đây là hướng chính sách mà Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, không chỉ trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo mà ngay khi tiếp cận với công nghệ số, với các trang thiết bị để có thể tận dụng tài nguyên số để phát triển giáo dục vùng cao, vùng khó khăn.
"Về mặt chính sách cần nghiên cứu thấu đáo để tăng cơ hội tiếp cận giáo dục cho người học, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục, đồng thời giảm bất bình đẳng trong giáo dục", Thứ trưởng khẳng định.