GS.Nguyễn Văn Minh chỉ ra những thách thức của GD vùng đồng bằng sông Hồng

15/06/2023 06:40
Phạm Linh
GDVN- Tại hội nghị, GS.TS Nguyễn Văn Minh đã chỉ ra 5 thách thức và 9 đề xuất góp phần phát triển giáo dục và đào tạo vùng đồng bằng Sông Hồng trong giai đoạn tới.

Tham dự Hội nghị “Phát triển giáo dục và đào tạo vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Triển khai thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại tỉnh Nam Định vào ngày 14/6, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã có bài tham luận chia sẻ về tầm quan trọng của vùng đồng bằng sông Hồng cũng như đề xuất một số giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh cho biết: “Đồng bằng sông Hồng là vùng có mật độ dân số cao nhất Việt Nam (1.450 người/km2, dân số là 21.848.913 người) và là nguồn gốc của văn minh lúa nước; vùng lõi của phát triển giáo dục.

Tôi đưa ra 2 con số để nhận diện, con số thứ nhất là kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông trong nhiều năm vừa qua, các báo cáo đã nêu rõ 11 tỉnh, thành phố của vùng nằm trong tốp trên về chất lượng đào tạo đại trà.

Con số thứ hai là kết quả thi chọn học sinh giỏi quốc gia (đào tạo mũi nhọn), kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông của các tỉnh, thành thuộc vùng đồng bằng sông Hồng luôn chiếm ưu thế trong nhóm 10. Tương tự, kết quả thi học sinh giỏi cũng chiếm trong nhóm đó.

Thủ khoa của các trường đại học và số thí sinh vào các trường nhóm đầu phần lớn nằm ở học sinh vùng đồng bằng sông Hồng.

Đây cũng là khu vực có nhiều trường đại học đầu ngành và tất cả các tỉnh, thành phố vùng này đều có trường đại học.

Tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, dịch chuyển sản xuất cũng đang diễn ra và có nhiều khu công nghiệp, dịch vụ. Nguồn nhân lực chất lượng cao là đòi hỏi cho vùng này, nhất là các ngành nghề công nghệ cao.

Phát triển đồng bằng sông Hồng sẽ tạo động lực và hình mẫu cho các vùng khác, kể cả trong giáo dục và đào tạo”.

Những thách thức đối với giáo dục vùng đồng bằng sông Hồng

Bên cạnh những con số ấn tượng về chất lượng giáo dục và đào tạo vùng đồng bằng sông Hồng, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh cũng chỉ ra những thách thức đã và đang xảy ra tại các tỉnh, thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Hồng.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh chỉ ra những thách thức và đề xuất giải pháp góp phần phát triển toàn diện giáo dục vùng đồng bằng sông Hồng trong giai đoạn tới (Ảnh: Phạm Linh)

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh chỉ ra những thách thức và đề xuất giải pháp góp phần phát triển toàn diện giáo dục vùng đồng bằng sông Hồng trong giai đoạn tới (Ảnh: Phạm Linh)

Thứ nhất, hầu hết đại học lớn đều tập trung ở đây, nhưng chưa có một “Hội nghị Diên Hồng" để xác định trọng trách, sự kết nối đa chiều trong đào tạo nhân lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội cho vùng này.

Thứ hai, rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trên địa bàn, nhưng chưa có kết nối chặt chẽ giữa đào tạo, sử dụng, sự liên thông, hướng nghiệp trong đào tạo các ngành nghề.

Thứ ba, rất nhiều trường phổ thông ở các tỉnh đạt “trường chuẩn”, có kết quả tốt, nhưng chưa có các hình mẫu điển hình, nhất là trong thời kỳ triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thứ tư, có rất nhiều khu công nghiệp ra đời, nhưng kèm theo đó sự dịch chuyển cơ học về dân số đang đặt ra yêu cầu về trường lớp, không gian hoạt động, đời sống văn hóa, tinh thần đang gặp không ít khó khăn. Rộng hơn là việc nâng cao dân trí về giáo dục.

Thứ năm, tất cả vấn đề trên phải được giải quyết khi có nguồn nhân lực, tức là thông qua giáo dục và đào tạo.

Trước những thách thức được chỉ ra đối với giáo dục và đào tạo vùng đồng bằng sông Hồng, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh đóng góp 9 đề xuất:

Thứ nhất, cần quy hoạch hệ thống giáo dục và đào tạo.

Thứ hai, các hội nghị xúc tiến đầu tư nên có sự tham gia của các cơ sở đào tạo, nhất là các trường đại học.

Thứ ba, lãnh đạo các địa phương như là đầu mối giúp kết nối giữa các tập đoàn, doanh nghiệp với hệ thống đào tạo.

Thứ tư, cần có dự báo về dịch chuyển dân cư khi các cơ sở sản xuất ra đời, ngoài việc chỗ ở còn chuẩn bị hệ thống trường lớp, đội ngũ cho con em người lao động.

Thứ năm, đây là vùng ưu tiên cho công nghệ cao, cho đổi mới sáng tạo, vì vậy cần có dự báo về yêu cầu nhân lực và các cơ sở đào tạo sớm vào cuộc.

Thứ sáu, với những khu đô thị hoá có yếu tố nước ngoài, việc hội nhập được đặt ra ở đây là gì?

Thứ bảy, tập trung xây dựng các mô hình giáo dục phổ thông bắt kịp với khu vực. Trong đó, ngoài việc chất lượng mũi nhọn cần tính đến phân luồng, hướng nghiệp nhằm vào nhân lực có chất lượng đáp ứng cho công nghệ cao; giảm thiểu cung ứng lao động phổ thông thuần túy.

Thứ tám, đảm bảo đội ngũ về số lượng, cơ cấu nhất là đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thực tế khi triển khai chương trình mới đang thiếu đội ngũ nên việc này phải được đặt ra và giải quyết.

Thứ chín, thu nhập bình quân ở vùng đồng bằng sông Hồng khá cao, đặc biệt là các khu công nghiệp cho nên cũng phải xem xét yếu tố đội ngũ giáo viên có thu nhập tương ứng với thu nhập vùng để họ yên tâm làm việc.

Phạm Linh