Hà Nam kiến nghị tinh giản biên chế phải tính đến đặc thù ngành giáo dục

15/06/2023 06:39
Phạm Linh
GDVN- Hà Nam kiến nghị sớm có những cơ chế, chính sách đối với giáo dục và đào tạo để các địa phương, đơn vị trong ngành có điều kiện thực hiện các nhiệm vụ giáo dục.

Hà Nam là một tỉnh nằm ở vùng đồng bằng sông Hồng với diện tích đất tự nhiên 86.193 ha, có thành phố Phủ Lý là trung tâm kinh tế - chính trị - văn hoá của tỉnh, cách Hà Nội 58 km.

Tỉnh cũng có mạng lưới giao thông rất thuận lợi, tạo điều kiện thuận lợi để giao lưu hợp tác kinh tế với các tỉnh, thành phố và các trung tâm kinh tế lớn của cả nước.

Là một trong 11 địa phương tham gia Hội nghị Phát triển giáo dục và đào tạo vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Triển khai thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 14/6, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Nam đã có bài tham luận về thực trạng giáo dục địa phương giai đoạn 2011 – 2022 cũng như mục tiêu, giải pháp và đề xuất, kiến nghị.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương thuộc vùng đồng bằng sông Hồng thảo luận, trao đổi để định hướng phát triển giáo dục và đào tạo trong giai đoạn tới (Ảnh: Phạm Linh)

Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương thuộc vùng đồng bằng sông Hồng thảo luận, trao đổi để định hướng phát triển giáo dục và đào tạo trong giai đoạn tới (Ảnh: Phạm Linh)

Hà Nam đạt bước tiến đáng kể cả về quy mô và chất lượng trong giai đoạn 2011-2022

Tại hội nghị ông Phạm Anh Tuấn – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam cho biết, sau hơn 10 năm (giai đoạn 2011-2022), giáo dục và đào tạo Hà Nam có những bước tiến đáng kể cả về quy mô và chất lượng. Quy mô, mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển, cơ bản phân bổ, bố trí rộng khắp ở hầu hết các xã, phường, thị trấn. 100% xã, phường, thị trấn có trường mầm non, trường tiểu học và trung tâm học tập cộng đồng.

Toàn tỉnh có 119 trường mầm non; 116 trường tiểu học; có 111 trường trung học cơ sở, trong đó có 4 trường liên cấp tiểu học và trung học cơ sở; có 25 trường trung học phổ thông (gồm có 23 trường phổ thông công lập thuộc tỉnh, 1 trường phổ thông liên cấp tư thục và 1 trường trung học cơ sở và trung học phổ thông công lập tự chủ, 1 trường trung học phổ thông chuyên), 5 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và 1 trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp tỉnh.

Trong đó, số lượng, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia, chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục theo các mức độ quy định của cấp học tăng nhanh nhằm đáp ứng tốt yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Toàn tỉnh hiện nay có 359/361 (tỷ lệ 99,45%) trường mầm non, phổ thông công lập của tỉnh đạt chuẩn quốc gia.

Tình hình phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và sau trung học phổ thông của địa phương cũng có sự thay đổi rõ rệt từ khi thực hiện nghiêm túc Đề án 522 của Chính phủ.

Kết quả giáo dục mũi nhọn, năng khiếu trong giai đoạn 10 năm từ năm 2011-2022 của tỉnh Hà Nam luôn được giữ vững và nâng cao về số lượng và chất lượng giải.

Đặc biệt, với sự nỗ lực cải tiến chất lượng giáo dục, Hà Nam đã có giải học sinh giỏi khu vực và quốc tế với thành tích tương đối tốt.

Từ năm 2011-2022, tỉnh có 588 học sinh đạt giải kỳ thi chọn học sinh giỏi trung học phổ thông cấp quốc gia.

Về công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ tiếp tục được duy trì, củng cố vững chắc ở mức cao theo Nghị định số 20/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi; chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3, chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Mạng lưới các cơ sở đào tạo nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh được củng cố, sắp xếp theo hướng tập trung các ngành, nghề trọng điểm. Điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang từng bước được nâng lên để đáp ứng được yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh.

Ông Phạm Anh Tuấn – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam trình bày tham luận tại hội nghị (Ảnh: Phạm Linh)

Ông Phạm Anh Tuấn – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam trình bày tham luận tại hội nghị (Ảnh: Phạm Linh)

Trong giai đoạn tới, tỉnh Hà Nam đặt ra mục tiêu chung tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông; đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập. Đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học; chú trọng xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia.

Thực hiện tốt phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông. Đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, các đoàn thể, hội khuyến học các cấp đối với xã hội hóa giáo dục và đào tạo.

Hà Nam đưa ra nhiều giải pháp để thực hiện mục tiêu phát triển giáo dục giai đoạn tới

Cũng theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Nam, để đạt được mục tiêu đặt ra trong giai đoạn tới, về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo, phát triển mạng lưới các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân theo hướng khuyến khích, hỗ trợ việc thành lập trường ngoài công lập.

Chú trọng mô hình đầu tư công, quản trị tư - Nhà nước đầu tư ban đầu cơ sở vật chất trường lớp, tổ chức, cá nhân quản trị, duy trì hoạt động và phát triển nhà trường ở khu tập trung đông dân cư (các khu công nghiệp, khu đô thị mới…), các khu vực có trường công lập quá tải.

Duy trì, phát huy vai trò của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên nhằm hỗ trợ phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở và đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên của người dân trên địa bàn.

Đến năm 2030, phấn đấu có 25 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, khu nghiên cứu, đào tạo đến năm 2030 đáp ứng được nhu cầu nhân lực chất lượng cao của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo.

Về điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục.

Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Đảm bảo đủ giáo viên ở các cấp học.

Tiếp tục đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo để đảm bảo đến năm 2025 đạt tỷ lệ 100% giáo viên mầm non và phổ thông đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định. Có chính sách thu hút các nhà giáo, các nhà khoa học, chuyên gia có kinh nghiệm và uy tín trong và ngoài nước tham gia phát triển giáo dục.

Đẩy mạnh hợp tác và đầu tư với nước ngoài; phát triển các trường phổ thông chất lượng cao, tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao trong nước và quốc tế mở phân hiệu trên địa bàn tỉnh. Chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục.

Về chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên:

Giáo dục mầm non, quan tâm chăm sóc sức khỏe, rèn kỹ năng sống cho trẻ và các điều kiện phòng chống tai nạn thương tích, phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo tuyệt đối an toàn về thể chất và tinh thần cho trẻ.

Giáo dục phổ thông tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, xây dựng xã hội học tập. Thực hiện tốt phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở, định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông.

Giáo dục thường xuyên phát triển giáo dục thường xuyên cả về quy mô và chất lượng để mọi người dân đều có cơ hội học tập suốt đời. Phổ cập ngoại ngữ và công nghệ thông tin cho người dân, góp phần thực hiện phát triển nguồn nhân lực cho tỉnh.

Về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, củng cố, kiện toàn các cơ sở đào tạo nghề. Định hướng, hỗ trợ dịch chuyển lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp, dịch vụ; xây dựng đội ngũ lao động công nghiệp có ý thức tổ chức kỷ luật, tay nghề cao, có năng lực tiếp thu, áp dụng công nghệ mới, lao động năng suất cao, chất lượng, hiệu quả.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư tại Khu đại học Nam Cao, các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo cho vùng đồng bằng sông Hồng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phù hợp với bối cảnh và yêu cầu phát triển mới.

Thu hút cơ sở đào tạo, dạy nghề chất lượng cao, tạo dựng chuỗi liên kết lao động sau đào tạo với doanh nghiệp.

Tại hội nghị, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Nam đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành Trung ương: “Sớm có những cơ chế, chính sách đối với giáo dục và đào tạo để các địa phương, đơn vị trong ngành có điều kiện để thực hiện các nhiệm vụ giáo dục.

Việc thực hiện tinh giản biên chế phải tính đến đặc thù của ngành giáo dục đào tạo bởi hiện nay Hà Nam và nhiều tỉnh, thành khác cũng tương tự bắt đầu thiếu rất nhiều giáo viên".

Phạm Linh