GV rời khu vực công sang tư là bình thường, việc cần là rà soát thầy cô bỏ việc

27/10/2022 13:43
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Tại phiên họp về tình hình kinh tế- xã hội, các đại biểu đặc biệt quan tâm đến chế độ, chính sách cho nhà giáo, tìm giải pháp khắc phục tình trạng GV nghỉ việc.

Cần rà soát người bỏ nghề có tiếp tục làm giáo viên?

Tại Phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội trong sáng ngày 27/10, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông phát biểu tranh luận về nguyên nhân và giải pháp liên quan đến số lượng giáo viên rời bỏ khu vực công.

Cụ thể, Đại biểu Nguyễn Trường Giang đánh giá rất cao nỗ lực của ngành giáo dục, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ giáo viên nói chung và gần như kỳ họp nào của Quốc hội cũng thảo luận các chế độ, chính sách liên quan đến đội ngũ giáo viên.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông) phát biểu tranh luận về nguyên nhân và giải pháp liên quan đến số lượng giáo viên rời bỏ khu vực công. Ảnh:quochoi.vn.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông) phát biểu tranh luận về nguyên nhân và giải pháp liên quan đến số lượng giáo viên rời bỏ khu vực công. Ảnh:quochoi.vn.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng, với đội ngũ hùng hậu (hơn 1,2 triệu giáo viên trên tổng số hơn 1,7 biên chế viên chức cả nước). Trong 2,5 năm qua, có hơn 14.000 giáo viên, trong đó chủ yếu là giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông rời khỏi khu vực công, điều này đặt ra vấn đề cần đánh giá thực chất để có giải pháp phù hợp.

“Sơ bộ tôi tính toán, với 14.427 người/tổng số 1,2 triệu giáo viên trong khu vực công (chiếm khoảng 1,2% trong 2,5 năm). Như vậy, mỗi một năm số lượng giáo viên rời khu vực công khoảng 0,5%, tức là 200 giáo viên sẽ có một người rời khu vực công.

Vấn đề đặt ra đó là, chúng ta đang thực hiện khuyến khích xã hội hóa trong ngành giáo dục.

Tôi cho rằng tình trạng giáo viên rời khỏi khu vực công chuyển sang khu vực tư là chuyện rất bình thường.

Điều quan trọng nhất phải rà soát, đánh giá những người bỏ nghề có tiếp tục làm giáo viên hay không? Đó là vấn đề cần phải đánh giá đúng. Việc giáo viên rời từ khu vực công sang khu vực tư cũng là phù hợp với chủ trương của Đảng, vì đều là phục vụ cho nhân dân, phục vụ sự tăng trưởng và phát triển của đất nước...

Do vậy, chúng ta cần phải đánh giá một cách sát nhất, thực chất nhất để có giải pháp phù hợp”.

Triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông còn nhiều bất cập

Phát biểu tại hội trường về một số nội dung liên quan đến giáo dục, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Tuyết Nga - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cũng chỉ ra rằng, một số chính sách lớn, văn bản quan trọng, như Chiến lược giáo dục giai đoạn 2021-2030 chưa được ban hành. Qua giám sát và tiếp xúc cử tri cho thấy, việc triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông còn nhiều bất cập.

Đại biểu cho biết còn tình trạng thiếu nguồn lực thực hiện, thiếu trường, thiếu phòng học bộ môn, trang thiết bị dạy học. Ngân sách Nhà nước mới chủ yếu để chi lương, chi cho hoạt động giáo dục còn thấp, nhiều cơ sở giáo dục chỉ đạt khoảng hơn 10%.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Tuyết Nga - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình phát biểu tại Phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Tuyết Nga - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình phát biểu tại Phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn.

Đặc biệt khó khăn đó là tình trạng thiếu giáo viên, theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ trong phiên giải trình trước Ủy ban Văn hóa, Giáo dục vào tháng 2/2022, cho thấy, ngành giáo dục đang thiếu gần 95.000 giáo viên phổ thông và mầm non; một số môn học theo chương trình mới không tuyển được giáo viên. Tình trạng giáo viên nghỉ việc và chuyển việc sau khi đại dịch Covid-19; đời sống của một bộ phận giáo viên gặp rất nhiều khó khăn.

Do đó, chúng ta cần phải có đánh giá và điều chỉnh chính sách về vấn đề này”.

Từ những phân tích trên, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Tuyết Nga kiến nghị Chính phủ một số vấn đề: “Thứ nhất, quan tâm nghiên cứu, xây dựng Luật Nhà giáo, trình Quốc hội trong thời gian sớm nhất. Trong đó, có chính sách tốt hơn đối với nhà giáo, theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.

Nhanh chóng hoàn thiện, ban hành Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2022-2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng thời, đẩy mạnh thu hút các nguồn lực xã hội và lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia để tăng cường đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình và tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ, hoặc trợ giá sách giáo khoa đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn”.

Nữ đại biểu cũng nhấn mạnh: “Sự thành bại của đổi mới giáo dục và vai trò quyết định là ở nhà giáo. Vì vậy, cần quan tâm đến các chính sách cho nhà giáo, có giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, ưu tiên biên chế nhà giáo.

Đặc biệt, quan tâm đến chính sách đào tạo đội ngũ, bồi dưỡng dạy học chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt những môn học đang dạy theo phương pháp tích hợp.

Cần xây dựng phương án thi tốt nghiệp và tuyển sinh đến năm 2025 và các giai đoạn sau đó và đề nghị triển khai tích cực Nghị định 105 về chính sách phát triển giáo dục mầm non”.

Mộc Trà