Tránh đi sâu vào một vấn đề khi tổng hợp kiến thức.
Cùng với tâm lý lo lắng trước ngày thi, nhiều thí sinh không tránh khỏi việc học ôm đồm và đi sâu vào một vấn đề mà mình chưa tự tin. Điều đó làm cho thí sinh trở nên hoang mang, khó xử lý khi lượng kiến thức phải ôn quá nhiều.
Mang đặc trưng về khoa học xã hội, lượng kiến thức rất rộng và chi tiết, môn Lịch sử cần khái quát rộng, tổng hợp kiến thức tinh nhanh theo vấn đề.
Theo thầy Dũng, trong thời gian ngắn để tổng hợp kiến thức, thí sinh cần có phương pháp và kế hoạch cụ thể. Đặc biệt, cần nắm chắc khung chương trình của bộ GD & ĐT, những kiến thức được giới hạn nhằm tổng hợp kiến thức một cách hiệu quả nhất và tránh bỏ sót.
Thầy Dũng cũng nhấn mạnh, cần khái quát nội dung chính theo từng giai đoạn, vấn đề. Ví dụ: Lịch sử lớp 12 có những giai đoạn nào, nội dung chính của từng vấn đề đó. Như: Giai đoạn 1919 – 1930 (gồm 2 giai đoạn nhỏ: 1919 – 1935 và 1925 - 1930).
Hơn nữa, thí sinh cần có tư duy logic về các giai đoạn lịch sử, tránh việc học vẹt, thì sinh cần hiểu mối liên hệ giữa những giai đoạn. Việc kết nối giai đoạn lịch sử thành một câu chuyện như vậy sẽ giúp thí sinh hiểu và nhớ kiến thức hơn.
Thạc sĩ Khuất Duy Dũng, giáo viên môn sử, trường THPT Chuyên Hà Nội- Amsterdam |
“Mẹo” ghi nhớ các mốc thời gian.
Chia sẻ về bí quyết đạt điểm cao môn lịch sử, thầy Dũng cho biết: điều quan trọng nhất là các thí sinh cần giữ sức khỏe, tâm lý tốt khi bước vào phòng thi, điều đó giúp các thí sinh gần 50% thành công trong việc làm bài thi tốt.
Còn riêng đối với môn Lịch sử, thầy Dũng lưu ý: khi nhận đề, các em cần đọc kỹ đề, đặc biệt gạch chân vào những từ khóa trong đề để tránh nhầm yêu cầu câu hỏi cho từng giai đoạn.
Việc cần phải làm của các thí sinh nữa là: phân tích đề, lập dàn ý nhanh cho bài làm của mình. Như thế, sẽ giúp các thí sinh không bỏ qua ý nào trong từng câu hỏi, hơn nữa lại làm bài một cách rất bài bản.
Cũng như các môn thi khác, thầy Dũng nhấn mạnh: thí sinh nên làm câu dễ trước, câu khó sau, tránh hiện tượng câu làm trước rất dài và kỹ càng, câu làm sau ngắn và sơ sài. Để làm bài khoa học hơn, thí sinh cần phân bố thời gian sao cho hợp lý mới tránh được hiện tượng “ đầu to, đuôi nhỏ” như vậy.
Lịch sử là một môn chứa nhiều sự kiện, mốc thời gian mà không theo quy luật nào. Đó cũng là trở ngại cho mỗi thí sinh thi môn Lịch sử, khối C. Tháo gỡ vướng mắc đó, thầy Dũng chia sẻ những bí quyết rất quý báu về “mẹo” ghi nhớ các mốc thời gian sao cho dễ và chính xác nhất.
Với kinh nghiệm dạy lâu năm môn lịch sử, thầy Dũng luôn đưa ra những “mẹo” rất độc đáo và giúp học sinh tiếp thu nhanh. Theo thầy, thí sinh cần nhớ mốc thời gian theo vấn đề và phân chia các mốc thời gian theo từng ý trong vấn đề đó.
Ví dụ: Về diễn biến của Cách mạng tháng 8-1945. Đầu tiên chúng ta sẽ ghi nhớ năm diễn ra là 1945, tháng là 8. Sau đó, đến từng ngày trong diễn biến lần lượt là: Thái Nguyên 16, Hà Nội 19, Huế 23, Sài Gòn 25, Cả nước 28, 30 vua Bảo Đại thoái vị, 2-9 Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập. Bước cuối cùng là thí sinh cần nhớ: tính chất là giành chính quyền.
Vậy với chưa đầy bốn dòng phân tích, thầy Dũng đã giúp các thí sinh nhớ diễn biến Cách mạng tháng 8-1945 mà không mất nhiều thời gian.
Tương tự, thí sinh có thể áp dụng phương pháp này với các vấn đề khác. Với “mẹo” ghi nhớ thời gian mà thầy Dũng chia sẻ, những mốc thời gian khó nhớ và chiếm nhiều thời gian của thí sinh giờ đã trở nên dễ dàng hơn. Đặc biệt, trong ngày “áp chót” thi như bây giờ, điều này rất cần thiết với mỗi thí sinh.
Diện Hứa