"Nói như vậy là không chấp nhận được..."
Sau khi sự việc "Hà Nội xây cầu vượt, phá cầu đi bộ" được báo Giáo dục Việt Nam đề cập, phản ánh thực trạng Hà Nội đang triển khai xây dựng hai cầu vượt tại nút giao Bạch Mai - Đại Cồ Việt và Kim Mã - Deawoo, đồng nghĩa phải phá dỡ hai cầu bộ hành gần các nút giao này. Việc phá dỡ hai cầu bộ hành khiến nhiều người cho rằng Hà Nội đã lãng phí khi xây dựng các công trình giao thông.
Xung quanh vấn đề này, báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Xuân Thủy - một chuyên gia có hơn 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu về giao thông đô thị của nhiều quốc gia trên thế giới.
Cây cầu đi bộ này đưa vào sử dụng chưa lâu nhưng đã phải dỡ bỏ gây lãng phí tiền tỷ. |
Ông Thủy nhận định: “Đó là việc buộc phải làm khi xây dựng những cầu vượt và nó thể hiện tầm nhìn ngắn của những người làm công tác quy hoạch. Ông Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nói rằng cầu đi bộ là không phải là công trình vĩnh cửu, được xây dựng để đáp ứng nhu cầu của người dân tại một khu vực, tại một thời điểm nhất định, khi có các nhu cầu khác lớn hơn thì sẽ phải di chuyển, nên không thể gọi là lãng phí được…
Nói như vậy là không chấp nhận được, bởi vì chỉ riêng việc đặt cầu đi bộ ở vị trí này đã không phù hợp, lưu lượng người qua lại thưa thớt, không tương xứng với con số gần chục tỷ đồng bỏ ra cho một cây cầu như vậy. Hơn nữa, đây là tiền mồ hôi nước mắt của dân, cho nên một đồng cũng quý, có khi nào người ta nghĩ tới các cháu ở miền núi phải đi chân đất, mặc áo rách, ngồi trong những lớp học tuềnh toàng không”.
Hà Nội và TPHCM thấy được tác dụng của cầu vượt. Thực ra tôi và nhiều chuyên gia đã nói về việc xây cầu vượt và ngã tư lập thể từ cả chục năm trước rồi, nhưng bây giờ hai thành phố này mới làm. Và bây giờ họ làm thì đương nhiên là sẽ mâu thuẫn với cách làm cũ, gây ra chuyện phải dịch chuyển cầu đi bộ và gây tốn kém. Đó là do tầm nhìn kém, phải thẳng thắn mà nói như vậy.
4 bài học “đau đớn” của Hà Nội.
Bàn về tầm nhìn quy hoạch giao thông đô thị, TS Nguyễn Xuân Thủy đề cập tới 4 bài học “đau đớn” của Hà Nội.
Thứ nhất là xây dựng cầu Thăng Long hoàn thành vào năm 1985, một cây cầu đồ sộ tốn nhiều tỷ đồng, nhưng đáng tiếc khi hoàn thành rồi mới thấy rất ít phương tiện đi lại. Và cho tới cả chục năm sau này khi mà cây cầu đã có nhiều triệu chứng hỏng thì mới thực sự khai thác được. “Điều này cho thấy, chúng ta đã lo cho một việc quá xa, và 10 năm liền cây cầu được đưa vào khai thác không hiệu quả. Trong khi đó cầu Long Biên thì quá cũ và ùn tắc, và việc hoàn thành cầu Chương Dương vào năm 1986 cũng không đủ đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, vì cây cầu này quá nhỏ”, TS Thủy so sánh.
Bài học thứ hai là Hà Nội dỡ bỏ khoảng 40km tàu điện do người Pháp xây dựng. Tàu điện là loại phương tiện không bao giờ thiếu được với sự phát triển của các đô thị trên thế giới. Nó an toàn, có khả năng chịu tải cao. “Đáng lý ra người ta phải duy trì và phát triển nó thì vào năm 1989 lại dỡ bỏ với lý do ‘đường trật chội’, tất nhiên sau này có nhận ra sai lầm thì cũng khó lòng mà xây dựng lại, vì phá đi thì dễ chứ làm lại thì tốn kém vô cùng. Thời ấy, tôi đang là chuyên viên nghiên cứu giao thông của Bộ Giao thông đã có 4 bài viết phản đối việc dỡ bỏ hệ thống đường sắt này, nhưng người ta không nghe”, TS Thủy kể lại.
Bài học thứ ba là việc xây dựng các cầu vượt sông Hồng quá chậm. Sau gần 25 năm kể từ khi hoàn thành cầu Chương Dương, chúng ta mới có thêm cầu Thanh Trì và cầu Vĩnh Tuy, tốc độ xây dựng cầu như vậy là quá chậm, trong khi ở những quốc gia tiên tiến thì ở thành phố có con sông lớn như vậy họ phải đặt tới cả chục cây cầu. Điều đó không chỉ góp phần tạo điều kiện cho nhân dân đi lại dễ dàng hơn, mà còn thúc đẩy môi trường kinh doanh phát triển nhanh hơn, và nó cũng có ảnh hưởng nhất định tới việc quy hoạch, tính toán dân số phù hợp hơn.
TS Nguyễn Xuân Thủy: Lãng phí một đồng cũng không được phép, vì đó là tiền mồ hôi nước mắt của dân. |
Bài học thứ 4, là xây dựng các cầu vượt thể hiện tầm nhìn kém, vì cách đây 15 năm các chuyên gia nghiên cứu giao thông đã nói về việc xây cầu vượt ở ngã tư lập thể, nhưng cả TPHCM và Hà Nội đều không làm, và cứ đổ lỗi cho ý thức của người tham gia giao thông kém. TS Thủy nhận định: “Cho tới gần đây hai thành phố này mới nhận ra vai trò quan trọng của những cây cầu vượt và việc nhanh chóng triển khai các dự án đó là điều rất đáng mừng, tuy vậy do tầm nhìn của những người làm công tác quy hoạch giao thông đô thị đã bị chậm ít nhất 10 năm so với nhu cầu của thành phố, cho nên mới xảy ra chuyện phải dỡ bỏ hai cây cầu đi bộ, dẫn tới lãng phí hàng tỷ đồng.
Chưa kể, việc xây dựng các cây cầu vượt quá chậm cũng làm giảm tiến độ chống ùn tắc của hai thành phố, gây lãng phí, ô nhiễm moi trường, ùn tắc, giảm GDP của hai thành phố. Tôi gọi cách làm này là lãng phí chồng lãng phí”.
TS Nguyễn Xuân Thủy bày tỏ: “Công tác quy hoạch còn quan trọng hơn cả kỹ thuật, phải trả lời được bốn câu hỏi: Làm cái gì? Mức độ bao nhiêu? Làm lúc nào? Hiệu quả ra sao? Tại thời điểm Hà Nội và TPHCM làm các vòng xoay này, tôi và các chuyên gia khác cũng đã lên tiếng góp ý không nên làm như vậy mà phải xây dựng cầu cạn ngay, tuy nhiên các cơ quan chức năng không nghe.
Và rồi cho đến bây giờ thì họ mới làm cái việc mà chúng tôi nói cách đây gần 15 năm, rõ ràng là tầm nhìn quy hoạch không ổn, mà nếu cứ thế này thì còn phải tiếp tục trả giá cho sự lãng phí. Tôi mong rằng, Nhà nước sẽ có cơ chế siết chặt hơn nữa, hàng năm phải có thống kê và công bố cho nhân dân biết, xem số tiền đầu tư sử dụng ra sao, hiệu quả của nó tới đâu và để quy trách nhiệm cho những người gây lãng phí. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất quan tâm tới việc chống tham ô, quan liêu, lãng phí. Người gọi đó là ba thứ giặc nội xâm, nguy hiểm không kém gì giặc ngoại xâm”.