Hà Nội: Tăng hồ sơ đăng ký vào sư phạm

11/04/2013 10:39
Theo ANTĐ
Hôm nay, 11-4 là hạn cuối cùng để thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ theo hệ thống các Sở GD-ĐT. Tại Hà Nội, ghi nhận ban đầu cho thấy có sự chuyển biến tích cực trong lựa chọn ngành nghề của các thí sinh.
Khối kinh tế giảm nhiều

Một trong những điểm khiến các chuyên gia tuyển sinh năm nay bất ngờ là sự tăng mạnh hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) ĐH, CĐ vào khối sư phạm.

“Năm ngoái số hồ sơ vào ngành sư phạm chỉ đếm được trên dưới chục bộ, năm nay đến thời điểm này, thí sinh đã nộp tới vài chục hồ sơ, trong đó chủ yếu là thí sinh Hà Nội” - bà Phạm Thị Hạnh, cán bộ thu nhận hồ sơ Phòng GD-ĐT Đống Đa cho biết. Không chỉ đối với thí sinh tự do, tại một số trường THPT, việc thí sinh đăng ký vào ngành sư phạm cũng khiến nhiều người bất ngờ.

Chọn trường dự thi là khâu quan trọng nhất để quyết định công việc tương lai của hơn 1 triệu thí sinh năm nay
Chọn trường dự thi là khâu quan trọng nhất để quyết định công việc tương lai của hơn 1 triệu thí sinh năm nay


Trường THPT Yên Hòa năm nay có số hồ sơ ĐKDT vào sư phạm tăng lên rõ rệt, theo Ban giám hiệu nhà trường, năm trước, cả trường chỉ có 10 hồ sơ đăng ký vào sư phạm, khi thi chỉ còn vài em thì năm nay số hồ sơ đã tăng lên vài chục bộ.

“Tuy nhiên, khối sư phạm vẫn chưa thực sự có sức hấp dẫn đúng với vai trò của mình. Là giáo viên, chúng tôi rất băn khoăn và vẫn thường xuyên tư vấn với những học sinh có năng lực, kiến thức vững cũng như có thiên hướng, khả năng phát huy trong ngành sư phạm bởi học sinh ai cũng muốn học thầy giỏi. Vấn đề là cách nhìn nhận của các em với cuộc sống vẫn nghiêng về thực dụng ”- ông Nguyễn Tôn Vinh, Hiệu trưởng trường THPT Đống Đa cho biết.

Cùng với sự gia tăng hồ sơ dự thi vào ngành sư phạm, khối kinh tế cũng được cho là giảm nhiều. Bà Phạm Thị Hạnh cho biết, hồ sơ của thí sinh năm nay không tập trung vào khối kinh tế nhiều như các năm trước mà rải ra nhiều khối ngành như kỹ thuật, y dược, sư phạm. Trường THPT Phan Đình Phùng thu nhận 2.000 hồ sơ ĐKDT ĐH, CĐ trong đó vị trí hàng đầu của 2 trường ĐH Thương mại và Học viện Ngân hàng đã giảm mạnh mà thay vào đó là ĐH Công đoàn.

Cùng chung nhận định về sự giảm sút lựa chọn khối ngành kinh tế, ông Nguyễn Tôn Vinh cho biết, vẫn có nhiều học sinh quan tâm và đăng ký vào khối ngành này nhưng không còn tình trạng rầm rộ như các năm trước. “Các em tỏ ra khá thận trọng trong việc lựa chọn trường chứ không hời hợt, đăng ký theo cảm tính hay theo phong trào. Các phương án dự phòng đã được tính đến như việc chọn các trường ĐH ngoài công lập nhưng có thương hiệu, uy tín” - ông Nguyễn Tôn Vinh cho biết. 

Tư vấn hướng nghiệp có tác động tích cực

“Chúng tôi đã tổ chức tới 16 cuộc tư vấn với khá nhiều đối tượng học sinh nội thành cũng như ngoại thành và đã đem lại hiệu quả ban đầu khá tốt” - bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh niên Hà Nội cho biết. Được biết, tổng số lượt học sinh được tham dự các buổi tư vấn này lên tới 18.000 em.

“Việc tư vấn chỉ thực hiện với học sinh lớp 12 nhưng nay chúng tôi xây dựng kế hoạch tư vấn cho học sinh ngay từ những năm cuối của THCS vì khi lên THPT các cháu sẽ thực hiện phân ban, vậy nên các cháu phải cân nhắc, tính toán xem sau này mình sẽ làm nghề gì, thi vào trường nào phù hợp với khả năng và nguyện vọng, từ đó quyết định đăng ký việc theo học ban nào…” – bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh cho biết. 

Đánh giá ban đầu về hiệu quả tư vấn, bà Trinh cho biết, việc phân loại đối tượng tư vấn khiến cho học sinh có cơ hội tiếp xúc với những thông tin phù hợp với điều kiện kinh tế, năng lực bản thân...

“Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội trước đây tuyển sinh rất khó vì học sinh không hiểu trường này dạy những gì, sau khi ra trường sẽ làm gì nên với 1.000 chỉ tiêu nhưng mỗi năm ít nhất phải mất 3 kỳ tuyển sinh. Năm trước, sau khi tham gia tư vấn cùng chúng tôi ngay đợt đầu đã tuyển sinh được hơn 800 học sinh. Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội, ĐH Thành Tây, Thành Đô, FPT… đều có những phản hồi tốt về sự quan tâm tìm hiểu thông tin đào tạo của học sinh” – bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh khẳng định.
Thí sinh nộp hồ sơ trực tiếp tại trường ĐH, CĐ đến 22-4

Mặc dù ngày 11-4 là hạn cuối để thí sinh nộp hồ sơ ĐKDT tại trường THPT hay theo hệ thống các phòng GD-ĐT nhưng thí sinh vẫn có cơ hội nộp tiếp hồ sơ tại các trường ĐH, CĐ. Vì thời gian nộp hồ sơ ĐKDT ĐH, CĐ năm nay trùng với ngày nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương nên Bộ GD-ĐT đã có thông báo điều chỉnh thời gian nộp hồ sơ từ ngày 12-4 đến 17 giờ ngày 22-4-2013. Cũng theo quy định của Bộ GD-ĐT, thí sinh chỉ được phép đến trực tiếp trường mình đăng kí dự thi để nộp hồ sơ. Các trường đại học, cao đẳng không nhận hồ sơ đăng kí dự thi qua bưu điện hoặc chuyển phát nhanh. Bởi việc không nhận hồ sơ đăng kí dự thi qua đường bưu điện nhằm tránh thất lạc và đảm bảo cấp lại phiếu số 2 cho thí sinh. Phiếu này để thí sinh sử dụng trong trường hợp mất hoặc thất lạc giấy báo các trường sẽ có cơ sở căn cứ để cấp lại giấy báo cho thí sinh. 
Theo ANTĐ