Theo báo cáo tóm tắt về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI cho thấy, giáo dục và đào tạo được duy trì, chất lượng tiếp tục được giữ vững. Tổ chức lễ khai giảng năm học 2021-2022 và triển khai năm học mới theo hình thức trực tuyến đảm bảo chương trình dạy và học.
Chất lượng giáo dục được giữ vững với 139 giải tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và duy trì thành tích cao tại các kỳ thi quốc tế. Xây dựng, công nhận trường học đạt chuẩn quốc gia tiếp tục được đẩy mạnh.
Thời gian tới, ngành giáo dục Thủ đô đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, trong công tác quản lý giáo dục. Tiếp tục đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng và đảm bảo tiến độ chương trình giáo dục. Tăng cường nguồn lực phát triển giáo dục, đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Tăng cường dạy ngoại ngữ và tin học. Phát triển các hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Ảnh minh họa: Thùy Linh |
Trong báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa – Xã hội (thành phố Hà Nội) nêu cụ thể:
Chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững dù chịu ảnh hưởng và tác động bởi tình hình dịch Covid-19 làm gián đoạn việc dạy và học tại nhiều thời điểm; giáo dục mũi nhọn của Hà Nội tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước.
Theo đó, Hà Nội giành thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia với 11 giải Nhất, 45 giải Nhì, 50 giải Ba và 33 giải Khuyến khích. Đặc biệt Hà Nội có 22 học sinh thuộc các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Tin học, Sinh học được dự thi vòng 2 chọn đội tuyển dự thi quốc tế. Kỳ thi Olympic Toán và Khoa học quốc tế IMSO 17 năm 2021 (IMSO 2021): Đội tuyển Hà Nội đạt tổng cộng 20 huy chương trên tổng số 24 học sinh dự thi (02 huy chương vàng, 10 huy chương bạc, 08 huy chương đồng).
Ngoài ra, Hà Nội thực hiện tốt chương trình “Sóng và máy tính cho em”, nhờ đó, nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn đã được nhận máy tính và thiết bị công nghệ phục vụ cho việc học tập theo đúng tinh thần “dùng đến trường nhưng không dừng việc học”.
Cùng với đó là công tác tuyển sinh trực tuyến đầu cấp đạt kết quả tích cực. Tổ chức tốt kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập, thi tốt nghiệp trung học phổ thông đảm bảo an toàn trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Tuy nhiên, việc triển khai dạy học online trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh còn khó khăn; phần mềm dạy học trực tuyến còn bất cập; trang thiết bị và chất lượng đường truyền có lúc hạn chế nên ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác dạy và học.
Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia và đánh giá, công nhận lại trường chuẩn quốc gia còn chậm so với kế hoạch; số trường đến hạn, quá hạn chưa thực hiện công nhận lại lớn.
Cụ thể, năm 2021 Thành phố Hà Nội đề ra chỉ tiêu công nhận mới 85 trường đạt chuẩn quốc gia, đến nay số trường đã có quyết định công nhận mới là: 01/85 trường; công nhận lại 06/215 trường cần công nhận lại.
Một số nơi còn thiếu phòng học, thiếu nhà vệ sinh, thiếu nhân viên y tế trường học. Việc xây dựng, cải tạo trường lớp của các quận nội thành khó khăn do thiếu quỹ đất. Việc đầu tư xây dựng, cải tạo trường học của các huyện gặp khó khăn do thiếu kinh phí đầu tư.
Từ thực tiễn đó, ở lĩnh vực giáo dục trong năm 2022 Ban Văn hóa Xã hội Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội đề nghị chỉ đạo triển khai công tác dạy và học phù hợp với diễn biến dịch bệnh Covid-19; tập trung khắc phục hạn chế để việc giảng dạy trực tuyến đảm bảo hiệu quả, không để học sinh nào phải bỏ học; có giải pháp đảm bảo an toàn cho học sinh trong điều kiện diễn biến dịch còn kéo dài; chỉ đạo thực hiện đảm bảo tiến độ kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia, công nhận lại trường chuẩn quốc gia; hoàn thành xây dựng các đề án nhằm phát triển giáo dục mũi nhọn, nâng cao chất lượng giáo dục đại trà. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các cấp học đảm bảo theo yêu cầu.