Hai chân em còn để lại chiến trường

01/05/2021 06:19
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Họ cưới nhau với hai bàn tay trắng. Tình yêu đã chắp cánh cho họ và họ đã phải nhẫn nại đúc lấy từng viên gạch ba-banh để dựng nên cái tổ ấm của mình.

Sau giải phóng 30/4/1975, Đất nước Việt Nam đã bước vào những trang sử đầu tiên của kỷ nguyên hòa bình, thống nhất. Đó là những giá trị thiêng liêng và to lớn. Có hòa bình chúng ta mới có điều kiện để xây dựng, phát triển đất nước nhanh hơn, thuận lợi hơn.

Để có được hoà bình, biết bao người đã chiến đấu và hi sinh, đã về với đất mẹ và cho tới giờ còn chưa trở về quê hương.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng gửi tới quý độc giả bài viết về kỷ niệm của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng trong chiến trường trước ngày toàn thắng.

Thuở ấy là mùa hè năm 1971. Tôi đang cùng các đồng nghiệp miệt mài nghiên cứu một đề tài rất thú vị, đó là tìm vi sinh vật nào có khả năng chống lại được vi khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa).

Đây là một loại vi khuẩn rất dễ nhiễm vào các vết thương chiến tranh và vì chúng kháng lại với tất cả các loại thuốc kháng sinh mà chúng ta có thời ấy, cho nên nếu bị nhiễm trùng máu thì tỷ lệ tử vong là rất cao.

Và thật may mắn, chúng tôi đã tìm được một chủng có vòng ức chế rõ rệt khi thử nghiệm với vi khuẩn mủ xanh.

Đó lại là một chủng nấm men, tức là thuộc nhóm vi sinh vật hầu như không hề sinh ra chất kháng sinh. Nấm men có một ưu việt hơn hẳn các nhóm vi sinh vật khác là rất dễ nuôi cấy và vì chúng kháng axit nên có thể nuôi ở những môi trường có pH rất thấp, nhờ đó rất khó nhiễm các tạp khuẩn khác.

Tác giả gặp lại thương binh Phạm Thành. Ảnh Tác giả cung cấp

Tác giả gặp lại thương binh Phạm Thành. Ảnh Tác giả cung cấp

Chúng tôi nghiên cứu ngay vào lĩnh vực ứng dụng bằng cách tìm các môi trường thật đơn giản và khó nhiễm tạp khuẩn để nuôi cấy loại nấm men này. Có thể nuôi cấy chúng trong các can nhựa đựng nước luộc bí ngô có thêm đường kính và đưa pH xuống 4,5 để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn.

Công việc đang tiến hành thì chúng tôi được Cục Quân y điều cả nhóm vào Bệnh viện dã chiến 112 phục vụ trực tiếp cho các thương binh đang bị nhiễm vi khuẩn mủ xanh.

Chiến dịch Đường 9 Nam Lào đang ở giai đoạn hết sức ác liệt. Suốt ngày đêm bệnh viện dã chiến tiếp nhận một số lượng quá đông thương binh cùng các dân công hỏa tuyến bị thương vì bom mìn của địch.

Lúc đó y tá cũng phải đảm đương vai trò bác sĩ còn các bác sĩ chỉ đủ sức chạy đi chạy lại để chỉ đạo và trực tiếp mổ xẻ các trường hợp nặng. Chúng tôi về lán cách ly, tức là lán có các thương binh bị cụt chân cụt tay nhưng phát hiện thấy có nhiễm vi khuẩn mủ xanh.

Các mỏm cụt bị phù nề sưng to lên bằng cái rổ và làm cho thương binh hết sức đau đớn. Các chàng trai tuy rất dũng cảm nhưng không thể không rên la vì vết thương nhức tấy.

Nếu không nhiễm vi khuẩn mủ xanh thì họ đã được cắt gọt phần da thịt hoại tử và chuyển ngay về tuyến sau rồi.

Vì nhiễm vi khuẩn mủ xanh cho nên các bác sĩ không dám đụng dao kéo vào vì chỉ sợ dẫn đến nhiễm trùng huyết. Chúng tôi ngày đêm lo sản xuất dịch kháng sinh, sau đó thấm vào bông và bọc lên vết thương, phủ bông mỡ lên trên và băng lại.

Kết quả thật quá sức tưởng tượng, chỉ vài ngày là cấy lại không còn phát hiện thấy vi khuẩn mủ xanh nữa. Chúng tôi vui mừng khôn xiết và suốt ngày đêm túc trực tại lán cách ly.

Một kỷ niệm không bao giờ quên là giữa không khí căng thẳng của lán cách ly với toàn những thương binh nặng mang những vết thương mưng tấy đau buốt như vậy bỗng vang lên tiếng đàn ghi-ta và tiếng hát rất phấn chấn của một chàng trai trẻ… Tôi đến bên em ngay.

Em là Phạm Thành, một thanh niên 23 tuổi, đẹp trai và đàn hát rất hay. Nhưng em lại là thương binh nặng nhất trong lán. Khi vượt đường 9 gặp máy bay B52 em nhanh nhẹn lao xuống một công sự quỳ do quân ngụy đào. Công sự rất nông mà đã có một chiến sĩ thông tin nằm bên dưới rồi.

Em vừa nhảy vào thì lại có đồng chí trung đội trưởng cũng lao theo xuống. Trên vai em lúc đó là mấy viên đạn B40, em đành phải nằm ngửa và co hai chân lên. Một loạt bom nổ rất gần và cả hai chân em bị giập nát. Bệnh viện đành phải cưa cả hai chân - phần bên dưới đầu gối của em.

Em lại nhiễm vi khuẩn mủ xanh ở cả hai chân, tuy rất đau đớn nhưng em đã bảo tôi có kêu rên cũng chả có ích gì, thôi thì hát vang lên cho cả lán cùng vui. Mọi người đều cố nén sự đau đớn lại để hát cùng em. Bài hát các chiến sĩ thích nhất khi ấy là bài Trường Sơn đông Trường Sơn tây, phổ thơ của Phạm Tiến Duật.

Các chiến sĩ đã tự đổi câu “Hết rau rồi em có lấy măng không?” thành “Mất chân rồi em có lấy anh không?”. Thật cảm động biết bao khi thấy Thành hai chân sưng to như vậy mà vẫn dùng hai đầu gối lê đi từng giường để vừa đàn vừa hát động viên các bạn chiến đấu khác.

Thành nói vui: “Anh cố chữa cho em, hai chân em cụt ngang nhau sau này có lẽ không cần lắp chân giả vẫn đi được đấy!”. Tôi nhìn em lòng vô cùng ái ngại và suốt ngày ngồi quạt cho em để động viên.

Mấy năm sau hòa bình được lặp lại, tôi đang muốn tìm Thành thì bỗng nhiên nhận được thư em.

Thật mừng khôn tả, nhưng tới khi đọc thư em thì lại buồn quá. Khi nhập ngũ em đang là sinh viên năm thứ ba trường Đại học Lâm nghiệp, vậy mà khi trở lại trường với đôi chân giả nhà trường đã không tiếp nhận lại (vì theo quy chế các trường chỉ nhận thương binh từ bậc 5/7 trở xuống, mà em lại là thương binh 7/7).

Nhẽ nào em lại bị thiệt thòi đến thế, cứ như vậy thì làm sao động viên được những thanh niên dũng cảm như em? Tôi nghĩ vậy và tìm cách kết nối với Bộ trưởng Tạ Quang Bửu và được ông tạo điều kiện cho Thành nhập trường, trở về với chuyên môn là một kỹ sư lâm nghiệp.

Chàng kỹ sư ấy có niềm ham mê đọc sách và chính nhờ niềm ham mê ấy mà đã làm siêu lòng cô Nguyễn Thị Liên bán sách ở Cẩm Phả, một cô gái kém Thành tới 7 tuổi.

Họ cưới nhau với hai bàn tay trắng. Tình yêu đã chắp cánh cho họ và họ đã phải nhẫn nại đúc lấy từng viên gạch ba-banh để dựng nên cái tổ ấm của mình.

Ngoài giờ công tác, không có việc gì có thể làm được mà họ không làm, nào nấu rượu để lấy bã nuôi lợn, nào in rônêô thuê, nào trồng rau, trồng hoa...

Thành vui vẻ nói với tôi cái đoạn gian truân ấy đã qua rồi.

Niềm vui sướng lớn nhất hiện nay của vợ chồng Thành là có hai đứa con trai khỏe mạnh và rất thông minh. Tòng và Thanh đã tốt nghiệp đại học và đang công tác tại Hà Nội và đều là những đứa con rất hiếu thảo.

Hai đứa đèo bố mẹ lên Hà Nội vừa để thăm tôi, vừa để nhờ tôi giúp mở mang thêm cái trang trại trồng rau đang là nguồn sống chính của cả gia đình. Thành nói với tôi một cách tự hào: “Anh cứ đến khu vực trạm xăng cách Cẩm Phả 2km hỏi vườn rau Liên - Thành thì ai cũng biết”.

Thật xúc động biết bao khi chứng kiến những người lính như Thành đã chiến đấu, hi sinh, bỏ lại một phần thân thể nơi chiến trường, nhưng luôn nỗ lực vươn lên tìm thấy niềm vui, hạnh phúc!

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng