Hai học sinh trường Tiên Dương tiếp tục phải theo dõi điều trị tại bệnh viện

14/09/2020 15:57
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc chọn đơn vị cung cấp suất ăn bán trú cho học sinh là trách nhiệm của Ban giám hiệu Trường Tiểu học Tiên Dương, trực tiếp là Hiệu trưởng Nguyễn Thị Cúc.

Cho đến sáng ngày 14/9 tại Khoa nhi Bệnh viện đa khoa Đông Anh (Hà Nội) vẫn còn 2 cháu học sinh của Trường Tiểu học Tiên Dương đang phải nằm điều trị vì nghi bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bữa trưa bán trú tại trường ngày 9/9..

Chị Ngô Thị Thu là phụ huynh của cháu T.L.Th. lớp 2A1 Trường Tiểu học Tiên Dương cho biết: “Hiện nay cháu nhà tôi và cháu G.B. lớp 4 vẫn phải nằm tại viện để điều trị. Các bác sĩ cho biết là cả 2 cháu bị nhiễm khuẩn đường ruột dẫn đến nhiễm khuẩn máu nên phải điều trị kháng sinh từ 5 đến 7 ngày, vì vậy phải nằm lại viện để theo dõi.

Còn 2 cháu học sinh của Trường mầm non Tiên Dương cũng phải vào đây cấp cứu vì nhiễm khuẩn đường tiêu hóa nhưng đã được ra viện ngày hôm qua sau 5 ngày nằm điều trị tại viện".

Chị Thu cho biết là có thông tin nói rằng con nhà chị và cháu G.B. cùng trường xin được nằm viện là không chính xác, mà là các bác sĩ khoa nhi Bệnh viện đa khoa Đông Anh yêu cầu bắt buộc phải nằm viện để theo dõi vì cả 2 cháu đều bị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa rất nguy hiểm”.

Chị Thu cho biết là có thông tin nói rằng con gái chị và cháu G.B cùng trường xin được nằm viện là không đúng, mà đó là do yêu cầu bắt buộc của bác sĩ để theo dõi sức khỏe. Ảnh: TD.

Chị Thu cho biết là có thông tin nói rằng con gái chị và cháu G.B cùng trường xin được nằm viện là không đúng, mà đó là do yêu cầu bắt buộc của bác sĩ để theo dõi sức khỏe. Ảnh: TD.

Hiện nay còn 2 cháu bị nhiễm khuẩn nên đang phải nằm lại viện để điều trị thuốc kháng sinh theo phác đồ. Ảnh: TD.

Hiện nay còn 2 cháu bị nhiễm khuẩn nên đang phải nằm lại viện để điều trị thuốc kháng sinh theo phác đồ. Ảnh: TD.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thành phố Hà Nội cho biết, nhận định bước đầu, nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm do yếu tố vi sinh.

"Tôi và đoàn kiểm tra trực tiếp về tận nơi để kiểm tra, xử lý sự việc đó theo sự phân công của Chi của trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội.

Dự kiến khoảng hai, ba ngày nữa sẽ có kết quả xét nghiệm, hiện nay chúng tôi đang gửi các mẫu xét nghiệm đến Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia nên cho tới thời điểm này chúng tôi vẫn chưa nhận lại đủ các kết quả kiểm nghiệm", ông Tuấn cho hay.

Bác sỹ Lê Huy Hồng - Khoa nhi Bệnh viện đa khoa Đông Anh cho biết: “Tôi cũng tham gia vào việc tiếp nhận và điều trị ban đầu khi các cháu mới vào đây, tất cả đều có triệu chứng giống nhau là đau đầu, sốt, nôn và đi ngoài nhiều.

Các cháu đều được xét nghiệm phân và máu, dùng thuốc điều trị và nâng cao thể trạng. Hiện nay còn 2 cháu bị nhiễm khuẩn nên đang phải điều trị thuốc kháng sinh theo phác đồ".

Bác sỹ Hồng cũng cho biết là vì có sự trùng hợp tất cả các cháu vào viện cấp cứu đều học cùng 1 trường và ăn suất ăn bán trú của cùng một đơn vị cung cấp, như vậy là ở đây có điều gì đó không bình thường".

Trách nhiệm của Ban giám hiệu Trường tiểu học Tiên Dương ra sao?

Vụ việc làm hơn 50 học sinh tại Trường Tiểu học Tiên Dương (xã Tiên Dương, huyện Đông Anh) bị ngộ độc thức ăn, làm cho phụ huynh học sinh không khỏi lo lắng về công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm của nhà trường đang có vấn đề.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thành phố Hà Nội đưa ra nguyên nhân ban đầu vụ ngộ độc thực phẩm tại Trường tiểu học Tiên Dương làm hơn 50 học sinh có biểu hiện buồn nôn, sốt và đi ngoài.

Tại buổi làm việc với Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Tiên Dương và các đơn vị liên quan, ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội nhận định bước đầu, nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm do yếu tố vi sinh.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn đề nghị Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm của huyện Đông Anh chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát, phát hiện sớm những trường hợp có biểu hiện nghi ngờ để có những biện pháp xử lý kịp thời.

Đề nghị tất cả các trường học trên địa bàn cần hết sức quan tâm đến việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học, lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ đảm bảo theo đúng yêu cầu chuyên môn.

Hộ kinh doanh Vũ Quỳnh có địa chỉ số 65, thôn Trung Oai, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh là đơn vị cung cấp suất ăn sẵn cho Trường Tiểu học Tiên Dương, nhà xưởng này rộng khoảng 60m2 được xây dựng tạm nằm ngay cạnh Trường Tiểu học Tiên Dương . Ảnh: TD.

Hộ kinh doanh Vũ Quỳnh có địa chỉ số 65, thôn Trung Oai, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh là đơn vị cung cấp suất ăn sẵn cho Trường Tiểu học Tiên Dương, nhà xưởng này rộng khoảng 60m2 được xây dựng tạm nằm ngay cạnh Trường Tiểu học Tiên Dương . Ảnh: TD.

Trường Tiểu học Tiên Dương (thôn Trung Oai, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: TD.

Trường Tiểu học Tiên Dương (thôn Trung Oai, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: TD.

Hàng năm trước khi bước vào năm học, Thành phố cũng như Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đều ban hành những Văn bản chỉ đạo công tác dạy và học cho các nhà trường trên địa bàn toàn thành phố, đặc biệt chú trọng vào công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho các em học sinh ăn bán trú tại các nhà trường.

Mặc dù năm nào cũng có chỉ đạo như vậy nhưng không hiểu sao vẫn xảy ra vụ việc mất an toàn vệ sinh thực phẩm đáng tiếc tại Trường Tiểu học Tiên Dương vào trưa 9/9.

Hộ kinh doanh Vũ Quỳnh có địa chỉ số 65, thôn Trung Oai, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh là đơn vị cung cấp suất ăn sẵn cho Trường Tiểu học Tiên Dương.

Kiểm tra tại cơ sở cung cấp suất ăn này thấy có sử dụng nguồn nước giếng khoan đã lọc để chế biến thực phẩm nhưng chưa xuất trình được xét nghiệm, thiếu lưới phòng chống côn trùng, động vật gây hại, có côn trùng xâm nhập. Nhà vệ sinh bố trí bên trong nhà kho.

Câu hỏi được dư luận đặt ra đối với Ủy ban nhân dân, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đông Anh về công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các trường học như thế nào?

Việc thanh kiểm tra ra sao mà cho đến nay trường các cơ sở cung cấp suất ăn vẫn thiếu lưới phòng chống côn trùng?

Và tại sao một cơ sở cung cấp suất ăn sẵn với những trang thiết bị còn thiếu và không đảm bảo theo như kết luận của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thành phố Hà Nội, vậy mà Ban giám hiệu Trường Tiểu học Tiên Dương đứng đầu là Hiệu trưởng Nguyễn Thị Cúc lại có thể kí kết hợp đồng để cung cấp hàng nghìn suất ăn cho học sinh của trường trong suốt gần 10 năm qua?

Huyện Đông Anh đã được Thành phố đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch tại xã Kim Chung, nhưng không hiểu tại sao các cơ sở cung cấp suất ăn trong xã vẫn sử dụng nước giếng khoan để chế biến thực phẩm?

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm huyện Đông Anh đã yêu cầu dừng ngay bữa trưa ngày 10/9, đồng thời yêu cầu Hộ kinh doanh Vũ Quỳnh tạm dừng toàn bộ hoạt động để kiểm tra làm rõ nguyên nhân.

Qua sự việc trên cho thấy việc chọn đơn vị cung cấp suất ăn bán trú cho học sinh là trách nhiệm của Ban giám hiệu Trường Tiểu học Tiên Dương, đứng đầu là Hiệu trưởng Nguyễn Thị Cúc khi xảy ra việc đáng tiếc với rất nhiều học sinh của trường vào ngày 9/9.

Bên cạnh đó phải làm rõ trách nhiệm của Hộ kinh doanh Vũ Thị Quỳnh là đơn vị cung cấp suất ăn sẵn cho Trường Tiểu học Tiên Dương.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), ngộ độc thực phẩm do ba nguyên nhân chính.

Đó là thực phẩm nhiễm vi sinh vật (vi khuẩn, virus) hoặc độc tố của vi sinh vật (độc tố vi khuẩn); thực phẩm bị nhiễm hóa chất và bản thân thực phẩm có độc (như nấm độc, cá nóc…).

Ngoài ra, nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm còn do khâu bảo quản và chế biến thực phẩm như: Chế biến thức ăn qua nhiều khâu thủ công, nấu thức ăn giàu đạm không chín kỹ, để nhiễm bẩn giữa các thực phẩm với nhau...

Ngộ độc thực phẩm thường xảy ra sau khi người bệnh ăn phải các món ăn độc hại, không đảm bảo, không được chế biến kỹ… Người bị ngộ độc thường có biểu hiện đau bụng và tiêu chảy nhiều lần.

Tùy mức độ nghiêm trọng khác nhau, người bệnh có thể đi ngoài ra máu, đặc biệt trong các trường hợp ngộ độc do vi khuẩn Shigella, Salmonella, Campylobacter hoặc vi khuẩn E.coli. Kèm theo tiêu chảy nhiều lần còn có những dấu hiệu như đầy hơi, chướng bụng hay bụng sôi ùng ục.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo: Đối với người bệnh có các triệu chứng nôn sau khi ăn thực phẩm nhiễm độc, cần tìm cách để người bị ngộ độc nôn hết thức ăn trong bụng ra.

Đối với người bệnh tiêu chảy, có thể sử dụng dung dịch oresol hòa tan để tránh tình trạng đi ngoài nhiều gây mất nước trong cơ thể. Những người có biểu hiện ngộ độc nhẹ như đau bụng, đi ngoài có thể uống men tiêu hóa để cải thiện tình hình, giảm các cơn đau.

Nếu bệnh nhân có các triệu chứng khác lạ, như co giật, rối loạn ý thức hay suy hô hấp thì không sử dụng biện pháp gây nôn bởi sẽ ảnh hưởng tới tính mạng. Thay vào đó, cần nhanh chóng chuyển người bệnh tới cơ sở y tế gần nhất để kịp thời điều trị.

Tùng Dương