Hai người thầy, hai nỗi đau

02/04/2016 07:00
Nguyễn Cao
(GDVN) - Những ngày qua, hai câu chuyện về hai “người thầy” chỉ rõ những bất cập việc trong đào tạo, tuyển dụng hiện nay ở nước ta khiến chúng ta phải suy ngẫm.

LTS: Qúy độc giả đang theo dõi bài viết của thầy giáo Nguyễn Cao, thầy có phép so sánh nhỏ về những bất cập trong việc đào tạo, tuyển dụng và những nỗi buồn về câu chuyện hai “người thầy” trong những ngày qua. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Một là, “thầy thuốc” ở Đồng Tháp học 27 năm mới tốt nghiệp. Điều đáng nói, trước đó vào ngày 18/3/2013, Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp đã có công văn gửi Trường Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh “đề nghị xem xét cho đỗ tốt nghiệp” đối với sinh viên này. 

Hai là, “thầy giáo” người dân tộc thiểu số, tốt nghiệp sư phạm bằng loại Giỏi nhưng ra trường không có việc làm nên đi buôn ma túy và nhận án tử hình. 

Hai “người thầy”, hai “nỗi đau”
Hai “người thầy”, hai “nỗi đau”

Bất cứ sự so sánh nào cũng đều khập khiễng nhưng chúng tôi vẫn muốn một phép so sánh nhỏ về những bất cập trong việc đào tạo, tuyển dụng và cả những “nỗi đau” của bao người khi nghe câu chuyện về hai “người thầy” này. 

Câu chuyện thứ nhất, “thầy thuốc” N.V.C. (sinh năm 1965 tại Cao Lãnh, Đồng Tháp) có tổng thời gian từ khi trúng tuyển đến khi được xét tốt nghiệp và cấp bằng là 27 năm.

Có lẽ đây là một kỉ lục buồn cho ngành Y nước ta. Khi ông C. vào Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh là năm 1987 đến 1996 là thời hạn cuối cùng để tốt nghiệp nhưng vẫn thi không đỗ. 

Rồi, ông C. vào làm việc tại ngành Y tế tỉnh Đồng Tháp đến năm 2008 thì Sở đồng Tháp đề nghị với trường Đại học Y-Dược TP.Hồ Chí Minh cho học lại năm thứ 6 và thi tốt nghiệp nhiều lần nhưng đến năm 2012 vẫn không qua. 

Sau đó cuối năm 2012 và đầu năm 2013 Sở Y tế Đồng Tháp làm đề nghị xét xét tốt nghiệp …vớt cho trường hợp ông C.

Hai người thầy, hai nỗi đau ảnh 2

Nghĩ về lòng tự trọng trong nghề giáo thời nay

(GDVN) - Chưa bao giờ nghề giáo cao quý lại trở nên nhộn nhạo, đáng buồn như hiện nay.

 
Sau khi báo chí vào cuộc và thanh tra Bộ Y tế yêu cầu thì trường Đại học Y-Dược thành phố Hồ Chí Minh thông báo hủy kết quả tốt nghiệp của vị “bác sĩ” này.

Câu chuyện thứ hai, sáng 25/3, TAND tỉnh Nghệ An đã xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Hạ Bá Hùa (27 tuổi, ngụ huyện Kỳ Sơn) mức án tử hình về tội Mua bán trái phép chất ma túy. 

Đây là một bản án đích đáng cho kẻ đã đang tâm reo rắt cái chết cho đồng loại. Đau đớn thay khi Hùa từng là học sinh giỏi của tỉnh Nghệ An. 

Tháng 5/2013, sau khi tốt nghiệp trường Đại học sư phạm Hà Nội, Hùa về quê nhưng không xin được việc làm. 

Hùa lấy vợ và buôn bán hàng tạp hóa ở vùng biên, chính trong những khó khăn của cuộc sống, sự phức tạp của các mối quan hệ đã đẩy đưa một cử nhân sư phạm trượt dài theo những cám dỗ của đồng tiền.

Ai cũng bất bình trước việc làm của Hùa nhưng bản án mà anh nhận khiến chúng ta không khỏi xót xa. 

Là người thuộc vùng dân tộc thiểu số nhưng Hùa đã vươn lên trong học tập, đã là học sinh giỏi cấp tỉnh, tốt nghiệp một trường sư phạm uy tín bậc nhất của cả nước với mong muốn sau này được đứng trên bục giảng và truyền đạt cho các thế hệ học trò. 

Nhưng, Hùa chưa thực hiện được hoài bão, ước mơ bởi ra trường không xin được việc làm nên đã vướng vào vòng lao lý. 

Hai câu chuyện, hai số phận và kết thúc khác nhau nhưng cùng chung một “nỗi đau”. Người học 27 năm không ra được trường nhưng được tuyển dụng làm việc, nhận được rất nhiều sự quan tâm, ưu ái của sở Y tế Đồng Tháp. 

Người dân tộc thiểu số với muôn vàn khó khăn đã vươn lên học giỏi và tốt nghiệp đại học sư phạm thì…không có việc làm, rồi bản thân không giữ được “thiện lương” của cái nghề mà mình đã học nên đã dẫn đến một kết cục đau lòng. 

Vẫn biết ở Đồng Tháp cũng như một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long còn thiếu nhiều nhân lực đối với ngành Y, nhất là những khu vực biên giới. 

Tuy nhiên, nếu vì thiếu mà chính quyền làm tất cả để “cứu” một “bác sĩ” 27 năm không thể tự ra trường được thì ai sẽ là người “cứu” những bệnh nhân của vị “bác sĩ” này?  

Và, ngành sư phạm đã quá dư thừa sao cứ đào tạo, mỗi năm có hàng ngàn sinh viên sư phạm ra trường không biết đi về đâu, nếu có tìm được một chỗ dạy thì cái “giá” phải trả cũng không hề nhỏ. 

Nguyễn Cao