Hải Phòng dạy minh hoạ tiết học tích hợp để chuyên gia của Bộ GD nhìn rõ bất cập

02/10/2022 06:37
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sau một năm triển khai CT GDPT 2018, các trường THCS gặp không ít khó khăn, nhất là đối với môn học tích hợp Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí.

Theo bà Nguyễn Thị Vân Anh – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hồng bàng (Hải Phòng), chương trình giáo dục phổ thông 2018 là chương trình được xây dựng một cách tổng thể, toàn diện, đồng bộ tất cả các môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học với định hướng phát triển toàn diện cả phẩm chất, năng lực học sinh.

Sau một năm triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở cấp trung học cơ sở, công tác triển khai chương trình mới còn gặp không ít những khó khăn nhất là đối với môn học tích hợp Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí.

Trong đó, với môn Lịch sử và Địa lí, mỗi phân môn được thiết kế theo mạch nội dung riêng, nhiều nội dung dạy học liên quan được bố trí gần nhau để hỗ trợ nhau.

Nội dung Lịch sử tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung Địa lí và nội dung Địa lí tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung Lịch sử. Như vậy có thể hiểu giáo viên môn nào vẫn phụ trách phần của môn đó.

Tuy nhiên, giáo viên phải có kiến thức cả về Lịch sử và Địa lí mới chuyển tải tốt nội dung tích hợp này, đảm bảo chất lượng, hiệu quả dạy học.

Nhưng số giáo viên có cả kiến thức chuyên môn về cả Lịch sử và Địa lí không nhiều. Đây chính là băn khoăn của các đơn vị, các nhà trường không riêng ở thành phố Hải Phòng mà trên khắp cả nước.

Thực tế, hầu hết giáo viên được đào tạo đơn môn và nay phải dạy môn tích hợp nên gặp không ít khó khăn.

Hải Phòng tổ chức chuyên đề môn tích hợp Lịch sử và Địa lí nhằm tháo gỡ khó khăn cho các nhà trường và giáo viên (Ảnh: Phạm Linh)

Hải Phòng tổ chức chuyên đề môn tích hợp Lịch sử và Địa lí nhằm tháo gỡ khó khăn cho các nhà trường và giáo viên (Ảnh: Phạm Linh)

Bên cạnh đó là khó khăn trong việc sắp xếp thời khoá biểu, phân công chuyên môn giảng dạy bộ môn này, nhất là những trường có nhiều lớp hay khó khăn, lúng túng trong việc đánh giá học sinh. Mặc dù đã có những giải pháp khắc phục, song chưa giải quyết triệt để được vấn đề.

Xuất phát từ những khó khăn vướng mắc trên, cùng với mục tiêu định hướng, thống nhất về nội dung chương trình, kế hoạch giáo dục, đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học ở môn học Lịch sử và Địa lí;

Nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý trong chỉ đạo chuyên môn; nâng cao năng lực, kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên trong hoạt động dạy - học;

Tạo cơ hội học tập, giúp đỡ lẫn nhau giữa cán bộ quản lý và giáo viên, giữa giáo viên và giáo viên trong nhà trường, giữa các trường trung học cơ sở trên toàn thành phố;

Đồng thời, tạo cơ hội để mỗi cán bộ, giáo viên được phát huy khả năng sáng tạo, đóng góp sáng kiến kinh nghiệm nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới, căn bản toàn diện giáo dục trung học cơ sở theo chương trình giáo dục phổ thông 2018;

Ngày 1/10, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hồng Bàng dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn của Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức chuyên đề chuyên môn cấp thành phố “Dạy học môn Lịch sử và Địa lí lớp 7 chương trình giáo dục phổ thông 2018”.

Phát biểu tại chuyên đề, bà Nguyễn Thị Vân Anh – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hồng Bàng nhấn mạnh: “Chuyên đề hôm nay sẽ là diễn đàn chia sẻ, thảo luận về lý luận và thực tiễn, những khó khăn, vướng mắc trong giảng dạy cũng như những kinh nghiệm, biện pháp thực hiện hiệu quả, khắc phục những khó khăn vướng mắc trong giai đoạn đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đồng thời, đây còn là cơ hội cho giáo viên đang trực tiếp giảng dạy được bồi dưỡng thêm kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp.

Đặc biệt, chương trình có sự hiện diện của 2 chuyên gia của Vụ Giáo dục Trung học – Bộ Giáo dục và Đào tạo về môn Lịch sử, Địa lí có những giải pháp hỗ trợ các nhà trường và thầy cô tháo gỡ khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.

Tại chuyên đề, cô giáo Nguyễn Hồng Hà và học sinh lớp 7A3 Trường Trung học cơ sở Ngô Gia Tự đã thực hiện tiết dạy minh hoạ với chủ đề 1 “Các cuộc đại phát kiến địa lí”.

Cô giáo Nguyễn Hồng Hà và học sinh lớp 7A3 Trường Trung học cơ sở Ngô Gia Tự đã thực hiện tiết dạy minh hoạ với chủ đề 1 “Các cuộc đại phát kiến địa lí” (Ảnh: Phạm Linh)

Cô giáo Nguyễn Hồng Hà và học sinh lớp 7A3 Trường Trung học cơ sở Ngô Gia Tự đã thực hiện tiết dạy minh hoạ với chủ đề 1 “Các cuộc đại phát kiến địa lí” (Ảnh: Phạm Linh)

Trong phần khởi động, cô giáo Hồng Hà trình chiếu đoạn video “Con đường tơ lụa” - con đường giao thương giữa châu Á và châu Âu

Từ video trên, học sinh đưa ra đánh giá của bản thân về nội dung. Nhiều em cho rằng video nói về khát vọng chinh phục, khám phá những vùng đất mới của con người. Vậy họ chinh phục như thế nào?

Đây là đề dẫn để giáo viên truyền tải kiến thức về “Các cuộc đại phát kiến địa lí” trong phần tiếp theo của tiết học.

Để học sinh có sự chủ động tiếp cận kiến thức, trước đó, cô giáo Hồng Hà đã chia lớp thành 4 nhóm và giao nhiệm vụ chuẩn bị ở nhà về: Nguyên nhân nào thúc đẩy người Tây Âu tiến hành các cuộc phát kiến địa lí? Những yếu tố nào tác động đến các cuộc phát kiến địa lí?

Để học sinh có sự chủ động tiếp cận kiến thức, cô giáo Hồng Hà đã chia lớp thành 4 nhóm và giao nhiệm vụ chuẩn bị ở nhà (Ảnh: Phạm Linh)

Để học sinh có sự chủ động tiếp cận kiến thức, cô giáo Hồng Hà đã chia lớp thành 4 nhóm và giao nhiệm vụ chuẩn bị ở nhà (Ảnh: Phạm Linh)

Học sinh lớp 7A3 đã chuẩn bị bài với nhiều hình thức đa dạng, công phu như: sơ đồ tư duy, video, bài thuyết trình và tiểu phẩm.

Học sinh trình bày phần thuyết trình đã chuẩn bị tại nhà (Ảnh: Phạm Linh)

Học sinh trình bày phần thuyết trình đã chuẩn bị tại nhà (Ảnh: Phạm Linh)

Nhóm học sinh lựa chọn tiểu phẩm để truyền tải nội dung kiến thức đã tìm hiểu được (Ảnh: Phạm Linh)

Nhóm học sinh lựa chọn tiểu phẩm để truyền tải nội dung kiến thức đã tìm hiểu được (Ảnh: Phạm Linh)

Sau khi xem phần báo cáo của các nhóm, học sinh đã thảo luận, trao đổi, đặt ra những câu hỏi, thắc mắc của bản thân liên quan đến các cuộc phát kiến địa lý của người Tây Âu. Sau đó, cô giáo Hồng Hà đưa ra kiến thức chi tiết về các cuộc phát kiến địa lí.

Trong phần tiếp theo của tiết học, học sinh được tìm hiểu sâu về cuộc thám hiểm địa lí của C.Cô-lôm-bô.

Học sinh được tiếp cận kiến thức về các cuộc đại kiến địa lí trong đó tìm hiểu sâu hơn về cuộc phát kiến địa lý của C.Cô-lôm-bô (Ảnh: Phạm Linh)

Học sinh được tiếp cận kiến thức về các cuộc đại kiến địa lí trong đó tìm hiểu sâu hơn về cuộc phát kiến địa lý của C.Cô-lôm-bô (Ảnh: Phạm Linh)

Xuyên suốt tiết học, học sinh thường xuyên thực hiện hoạt động học tập theo nhóm (Ảnh: Phạm Linh)

Xuyên suốt tiết học, học sinh thường xuyên thực hiện hoạt động học tập theo nhóm (Ảnh: Phạm Linh)

Trong phần cuối của buổi học, học sinh làm bài tập nhỏ ghi lại 3 điều học sinh nắm bắt được về bài học và điều bản thân mơ ước.

Một bạn học sinh của lớp cũng tổ chức trò chơi “Giải cứu đại dương” để tạo không khí sôi nổi cho lớp học. Các câu hỏi trong trò chơi còn lồng ghép kiến thức về địa lý, lịch sử mà học sinh vừa được học.

Cô giáo Hồng Hà cũng đưa ra câu hỏi trong phần vận dụng để học sinh tìm hiểu tại nhà và dặn dò các em tìm hiểu, chuẩn bị kiến thức cho tiết học tiếp theo.

Để thực hiện tiết dạy tiết học tích hợp cả 2 phân môn, cô giáo Hồng Hà gặp không ít khó khăn và những tình huống khó như khi học sinh hỏi thêm kiến thức về lịch sử (Ảnh: Phạm Linh)

Để thực hiện tiết dạy tiết học tích hợp cả 2 phân môn, cô giáo Hồng Hà gặp không ít khó khăn và những tình huống khó như khi học sinh hỏi thêm kiến thức về lịch sử (Ảnh: Phạm Linh)

Đại diện cho Trường Trung học cơ sở Ngô Gia Tự (quận Hồng Bàng, Hải Phòng) cho biết: “Đối với môn tích hợp Lịch sử và Địa Lí, nhà trường phân công 2 giáo viên cùng giảng dạy bộ môn này ứng với 2 phân môn Lịch sử và môn Địa Lí.

Thực tế, chúng tôi nghĩ rằng hướng tới một thầy cô đảm nhiệm cả hai phân môn trên một lớp là một thực tế rất khó khăn với các nhà trường. Không chỉ với bộ môn Lịch sử và Địa lí, đặc biệt còn với bộ môn Khoa học tự nhiên.

Rất khó khăn về vấn đề bồi dưỡng giáo viên, khó khăn khi mà trình độ đào tạo gốc của giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Với tiết dạy ngày hôm nay, khi có sự tích hợp cả hai phân môn Lịch sử và Địa lí trong cùng 1 tiết dạy thì chúng tôi đã có sự thể nghiệm, minh hoạ là một cô giáo chứ không phân công 2 cô đứng lớp trên cùng 1 tiết.

Cô giáo ngày hôm nay lên lớp là cô Nguyễn Hồng Hà, có trình độ đào tạo chuyên môn Đại học môn Địa lí.

Thực hiện tiết học tích hợp là một trong những khó khăn rất lớn đối với nhà trường cũng như khi chúng tôi xây dựng những nội dung của tiết học ngày hôm nay.

Khi chúng tôi dạy thể nghiệm trên lớp cũng đã có rất nhiều tình huống phát sinh khi học sinh hỏi những vấn đề chuyên sâu về môn Lịch sử thì cô giáo Hà cũng có rất nhiều băn khoăn khi không có thể có những câu trả lời thoả đáng cho học sinh.

Chúng tôi mong nhận được sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng để nhà trường chúng tôi có hướng đi đúng, thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 một cách hợp lý, hiệu quả và thực tế với các nhà trường”.

Phạm Linh