Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động thể hiện sự quan tâm của cộng đồng, xã hội cho những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.
Qua đó góp phần để chúng ta hướng tới nâng cao chất lượng sống nhằm mục tiêu ứng dụng phát triển khoa học trong giáo dục, nâng cao dân trí, mở mang tri thức xã hội và nhất là phát triển xã hội số, chuyển đổi số.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, hiện nay trên địa bàn thành phố có khoảng hơn 13.600 học sinh chưa đủ điều kiện để tham gia học trực tuyến trong tổng số hơn 445.000 học sinh, sinh viên.
Trong đó, có hơn 12.000 học sinh, sinh viên không có thiết bị học trực tuyến và hơn 1.400 học sinh, sinh viên chưa có kết nối internet.
Trong số này có nhiều em học sinh, sinh viên thuộc diện hộ nghèo; hộ cận nghèo; học sinh, sinh viên là con mồ côi, con thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng và các hoàn cảnh khó khăn khác…
Đại diện các tổ chức, đơn vị trên địa bàn thành phố đã trao tặng hơn 1,2 tỷ đồng để hỗ trợ cho những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn (Ảnh: CTTĐT) |
Triển khai phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”, Uỷ ban nhân dân thành phố kêu gọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố, các nhà hảo tâm, chung tay ủng hộ kinh phí, thiết bị phục vụ học trực tuyến như: Máy tính để bàn, máy tính xách tay, camera, máy tính bảng, điện thoại thông minh, thiết bị phát sóng di động,....
Ngay tại buổi lễ phát động, đại diện các tổ chức, đơn vị trên địa bàn thành phố đã trao tặng hơn 1,2 tỷ đồng để hỗ trợ cho những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Nguyễn Trường Sinh, học sinh được nhận hỗ trợ trong buổi lễ phát động bày tỏ niềm hạnh phúc khi từ nay có thể theo học trực truyến cùng các bạn (Ảnh: CTTĐT) |
Là một trong những học sinh có hoàn cảnh khó khăn được nhận hỗ trợ máy tính để học trực tuyến ngay trong ngày thành phố phát động chương trình "Sóng và máy tính cho em”, em Nguyễn Trường Sinh, học sinh lớp 6, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Văn Phong (huyện Cát Hải) bày tỏ đây là niềm hạnh phúc bất ngờ và có ý nghĩa rất lớn với em.
Sinh ra trong một gia đình có 4 anh em, bố mất sớm nên mẹ em phải chịu nhiều áp lực trang trải cuộc sống.
Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, mẹ em phải làm thêm công việc bên ngoài để đủ lo cho 4 anh em Sinh.
Cuộc sống khó khăn, Sinh không có điều kiện để học trực tuyến mà ngày ngày cắp sách vở sang nhà bạn học nhờ.
Ngày được nhận chiếc máy tính từ Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, Sinh mừng rỡ bởi từ nay em sẽ không bị gián đoạn việc học trực tuyến nữa.
Chia sẻ niềm vui với em Trường Sinh, thầy giáo Mai Quế Vân (giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Văn phong) cho rằng chương trình “Sóng và máy tính cho em” không chỉ mang lại cơ hội học tập, rèn luyện tốt hơn cho Sinh mà còn cho hàng trăm, hàng nghìn học sinh khó khăn trên cả nước.
Trong bối cảnh dịch bệnh, thiết bị điện thoại, máy tính thông minh là hành trang không thể thiếu để học sinh chủ động trong học tập, tiếp thu kiến thức và không bị gián đoạn việc học khi chuyển sang học trực tuyến.
Sự hỗ trợ thiết thực này cũng giúp các nhà trường đảm bảo phương châm “dừng đến trường nhưng không ngừng học”.
Sự hỗ trợ này có ý nghĩa rất thiết thực và kịp thời giúp học sinh tiếp thu kiến thức đảm bảo không bị ngắt quãng (Ảnh: PL) |
Cũng trong buổi lễ phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em” của thành phố, Trường Tiểu học Quang Phục (huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) đón nhận hỗ trợ 50 triệu đồng.
Hiệu trưởng nhà trường cho biết, khi chuyển sang học trực tuyến, trường có khoảng 30 học sinh chưa có đủ điều kiện về thiết bị điện tử để tham gia học.
Sự hỗ trợ này có ý nghĩa rất thiết thực và kịp thời giúp học sinh tiếp thu kiến thức đảm bảo không bị ngắt quãng.
Để đảm bảo sự công bằng, công khai và đúng người, nhà trường sẽ rà soát và ưu tiên những học sinh có hoàn cảnh thực sự khó khăn, thuộc diện gia đình chính sách để trao tặng hỗ trợ của thành phố.
Chia sẻ với Giáo dục Việt Nam, phụ huynh Vũ Hoàng Anh có con học tại Trường Trung học cơ sở Tô Hiệu (quận Lê Chân, Hải Phòng) bày tỏ: “Trong lớp của con tôi có 1, 2 bạn hoàn cảnh khó khăn không thể tham gia học trực tuyến.
Những đợt đầu dịch bùng phát, phụ huynh phải đến trường lấy bài tập về cho con học như vậy sẽ rất thiệt thòi với các con.
Được biết đến “Sóng và máy tính cho em” phát động tại Hải Phòng, tôi rất mong các nhà hảo tâm, tổ chức quan tâm đến chương trình nhiều hơn nữa để máy tính được trao đến toàn bộ học sinh khó khăn trên địa bàn thành phố”.