Hải Phòng: Trường học kích thích sự sáng tạo thông qua sản phẩm KHKT

10/04/2023 06:36
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các sản phẩm khoa học kỹ thuật không chỉ góp phần kích thích sự sáng tạo của học sinh mà còn là phương tiện giảng dạy hữu hiệu đối với giáo viên.

Năm học 2022 – 2023 là năm đầu tiên cấp trung học phổ thông thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Nhằm giúp học sinh phát triển năng lực một cách toàn diện, trường học trên địa bàn thành phố Hải Phòng hướng tới đẩy mạnh các hoạt động STEM, định hướng học sinh, giáo viên sáng tạo để mang lại cách tiếp cận kiến thức mới chủ động hơn phương pháp dạy và học trước đây.

Theo ông Đỗ Văn Lợi - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các phòng giáo dục quận, huyện; các nhà trường trên địa bàn thành phố đều đang đẩy mạnh tổ chức các hoạt động giúp phát triển năng lực cho học sinh như hoạt động STEM.

Điều này khẳng định sự thành công của dạy học STEM cũng như sự đón nhận của xã hội về hoạt động này. Trong đó, thể hiện rõ nét nhất ở cuộc thi Khoa học kỹ thuật, mỗi năm Sở Giáo dục và Đào tạo nhận được hơn 200 dự án tham dự.

Ông Đỗ Văn Lợi - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng khẳng định vai trò của hoạt động giáo dục STEM trong trường học (Ảnh: Phạm Linh)

Ông Đỗ Văn Lợi - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng khẳng định vai trò của hoạt động giáo dục STEM trong trường học (Ảnh: Phạm Linh)

Trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, Hải Phòng luôn đạt kết quả cao. Cụ thể năm học 2022 – 2023, trong 11 giải Nhất của cuộc thi cấp quốc gia thì Hải Phòng có 2 dự án được Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn tham gia quốc tế.

Trong những năm qua, ngành giáo dục Hải Phòng đã có 5 dự án tham gia Cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế tại Mỹ.

Ghi nhận của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tại Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn (quận Lê Chân, Hải Phòng), ngoài việc đẩy mạnh học sinh, giáo viên sáng tạo trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, nhà trường còn khuyến khích phát triển các sản phẩm trong lĩnh vực khoa học xã hội.

Năm học 2022 - 2023, nhà trường đã phát động phong trào “Sáng tạo để tạo sáng”. Đây là hoạt động giáo dục nhằm khơi nguồn sáng tạo, phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của học sinh, từ đó góp phần đào tạo thế hệ học sinh đáp ứng các yêu cầu mới của xã hội.

Phong trào này được đông đảo thầy cô và học sinh nhà trường hưởng ứng tham gia với nhiều hoạt động như tham gia hội thi giáo viên sáng tạo, tham gia tổ chức các sự kiện ngoài cộng đồng lan tỏa các giá trị tích cực và hướng dẫn học sinh làm các sản phẩm sáng tạo từ ý tưởng của các em.

Trong đó, học sinh sẽ tham gia sáng tạo các sản phẩm STEM, sản phẩm sáng tạo thuộc các lĩnh vực gắn với chương trình học (đặc biệt chương trình Giáo dục phổ thông 2018), gắn với chuyển đổi số như: đạo cụ, đồ dùng dành cho học tập; phần mềm tin học; sản phẩm khoa học xã hội và hành vi; sản phẩm thân thiện với môi trường; các dụng cụ sinh hoạt gia đình;…

Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn phát động phong trào "Sáng tạo để tạo sáng" (Ảnh: Phạm Linh)
Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn phát động phong trào "Sáng tạo để tạo sáng" (Ảnh: Phạm Linh)
Đây là hoạt động giáo dục nhằm khơi nguồn sáng tạo, phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của học sinh (Ảnh: Phạm Linh)

Đây là hoạt động giáo dục nhằm khơi nguồn sáng tạo, phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của học sinh (Ảnh: Phạm Linh)

Giáo viên nhà trường sẽ tham gia sáng tạo trong các bài giảng; hướng dẫn học sinh hoàn thiện các ý tưởng, sản phẩm sáng tạo.

Sau một thời gian phát động, chiều ngày 8/4/2023, Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn đã tổ chức buổi tổng kết, đánh giá phong trào “Sáng tạo để tạo sáng” để từ đó tiếp tục hoàn thiện phong trào ở những năm tiếp theo.

Tổng kết phong trào, riêng nội dung tự làm, hướng dẫn làm sản phẩm đã có 146 sản phẩm của giáo viên, học sinh ở các môn học và lĩnh vực khác nhau. Bên cạnh những sản phẩm còn sơ khai còn có nhiều sản phẩm triển vọng có tính ứng dụng thực tiễn cao, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng.

146 sản phẩm của giáo viên, học sinh ở các môn học và lĩnh vực khác nhau (Ảnh: Phạm Linh)

146 sản phẩm của giáo viên, học sinh ở các môn học và lĩnh vực khác nhau (Ảnh: Phạm Linh)

Nhiều ý tưởng thiết thực, gần gũi với cuộc sống (Ảnh: Phạm Linh)

Nhiều ý tưởng thiết thực, gần gũi với cuộc sống (Ảnh: Phạm Linh)

Chia sẻ về sản phẩm “trang web giúp học sinh tự học môn Sinh 10”, em Hoàng Phương Linh – học sinh lớp 11B10, Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn cho biết: “Việc chuyển đổi số của công nghệ 4.0 đã mang đến nhiều lợi ích cho con người và đặc biệt là học sinh.

Sách giáo khoa theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được ban hành với vô vàn những kiến thức mới lạ, vận dụng nhiều trong thực tiễn, độ khó cũng ngày càng tăng cao nên chúng em đã có ý tưởng tạo một trang web có đầy đủ các bài giảng, kiến thức trọng tâm cũng như các câu hỏi mở rộng về môn Sinh học lớp 10.

Trang web bao gồm các video bài giảng, file tóm tắt lý thuyết, câu hỏi mở rộng, sơ đồ tư duy để phù hợp với cách tiếp cận của nhiều đối tượng học sinh khác nhau. Học sinh có thể truy cập và học tập ở bất cứ nơi nào”.

Em Hoàng Phương Linh – học sinh lớp 11B10, Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn cùng các thành viên trong nhóm mang đến sản phẩm là trang web giúp học sinh có thể học môn Sinh học lớp 10 mọi lúc, mọi nơi (Ảnh: Phạm Linh)

Em Hoàng Phương Linh – học sinh lớp 11B10, Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn cùng các thành viên trong nhóm mang đến sản phẩm là trang web giúp học sinh có thể học môn Sinh học lớp 10 mọi lúc, mọi nơi (Ảnh: Phạm Linh)

Những cuốn sách đầu tay của học sinh, giáo viên với chủ đề khoa học xã hội hành vi mang đến góc nhìn toàn diện về xã hội hiện tại (Ảnh: Phạm Linh)

Những cuốn sách đầu tay của học sinh, giáo viên với chủ đề khoa học xã hội hành vi mang đến góc nhìn toàn diện về xã hội hiện tại (Ảnh: Phạm Linh)

Cô Vũ Thị Hương – Giáo viên môn Hoá Học, Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn chia sẻ về sản phẩm sáng tạo của bản thân: “Môn Hóa học theo chương trình cũ, thầy cô sẽ đóng vai trò truyền thụ kiến thức, học sinh sẽ học thụ động hơn nhưng với chương kinh mới, kết hợp cùng sự linh hoạt sáng tạo thì bộ môn hóa rất khó học lại trở nên dễ dàng đối với học sinh và giáo viên.

Trước kia, việc tưởng tượng thực tiễn không dễ dàng để các em có thể đưa ra luận cứ, luận điểm. Điển hình như bài học về phân tử, học sinh không nhìn thấy trong thực tế, mà chỉ được thầy cô sử dụng các mô phỏng từ trên mạng internet với mô hình 3D.

Điều này không tạo sự hứng thú cho học sinh bằng việc các em tự tay lắp ghép mô hình thông qua trò chơi lego mà chính các em hay sử dụng.

Các em sẽ lấy từng mảnh ghép để hình dung ra đó là các nguyên tử để tạo thành các phân tử trong không gian để các em dễ hình dung không gian.

Từ bài học thực tiễn lắp ghép lego học sinh tự đưa ra luận điểm của mình, không còn học theo phương pháp hàn lâm như trước. Khi kết hợp sở thích chơi lego với chương trình học, học sinh sẽ hứng thú hơn, khơi gợi niềm yêu khoa học trong học trò”.

Phạm Linh