Kim ngạch 2015 và mục tiêu xuất khẩu
China News Trung Quốc ngày 21/1 đưa tin, tổng kim ngạch xuất khẩu quốc phòng năm 2015 của Hàn Quốc đạt 3,49 tỷ USD, 3 năm liên tục đạt trên 3 tỷ USD.
Máy bay chiến đấu FA-50PH Philippines mua của Hàn Quốc |
Ngày 18/1, Cục trưởng Cục Quản lý mua sắm quốc phòng Hàn Quốc Chang Myoung-jin cho hay, xuất khẩu quốc phòng vẫn nằm trong hoàn cảnh bất lợi, cạnh tranh tiêu thụ quốc phòng trở nên ngày càng gay gắt.
Tuy nhiên ông Chang Myoung-jin nhấn mạnh, sau khi xảy ra một loạt bê bối tham nhũng trong lĩnh vực hợp đồng và công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc, càng phải tiếp tục tiến hành cải cách đối với cơ quan này.
Các đơn đặt hàng cho thấy, kim ngạch xuất khẩu quốc phòng của Hàn Quốc tăng lên là nhờ tiêu thụ các vũ khí và hệ thống cấp thấp cùng với thanh toán các khoản cuối của các đơn đặt hàng trước đó.
Một nhân tố khác thúc đẩy xuất khẩu quốc phòng là cơ quan này đã thông qua chương trình hỗ trợ quốc phòng có liên quan đến xuất khẩu để thúc đẩy xuất khẩu vũ khí trang bị tăng trưởng.
Tàu ngầm thông thường AIP lớp Chang Bogo 2 (Type 214) của Hải quân Hàn Quốc |
Hàn Quốc hy vọng thực hiện mục tiêu kim ngạch xuất khẩu quốc phòng năm 2020 đạt 4 tỷ USD.
Để đạt mục tiêu này, Hàn Quốc đã đưa ra các biện pháp bao gồm: Đổi mới chính sách hỗ trợ quốc phòng, thúc đẩy xuất khẩu quốc phòng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ; khuyến khích hợp tác các chương trình với các khách hàng tiềm năng; cùng Ngân hàng Hàn Quốc đạt được thỏa thuận cung cấp hỗ trợ vốn cho khách hàng; nâng cao năng lực công nghiệp các lĩnh vực then chốt.
Ngoài ra, năm 2015 Hàn Quốc tiếp tục thông qua phương thức ký kết các thỏa thuận liên chính phủ để thúc đẩy xuất khẩu quốc phòng, đồng thời coi phát triển công nghiệp quốc phòng là động lực quan trọng để phát triển kinh tế đất nước.
Sản phẩm xuất khẩu chủ lực
Hàn Quốc có khá nhiều vũ khí trang bị có tiềm năng xuất khẩu, những năm gần đây đã đạt được một số hợp đồng xuất khẩu vũ khí đáng chú ý. Hiện nay, Ấn Độ đang cân nhắc nhập khẩu 100 khẩu pháo tự hành K-9 155 mm của Hàn Quốc với đơn giá khoảng 7,5 triệu USD, sẽ được Hàn Quốc cấp giấy phép sản xuất.
Đáng chú ý, gần đây có người đề nghị, Việt Nam nên xem xét tham gia vào gói thầu mua sắm này của Ấn Độ để có thể sở hữu một loại pháo tự hành bánh xích tiên tiến, chi phí mua sắm giảm được 30%.
Ý kiến này cho rằng, khả năng này thành công rất cao do Việt Nam-Ấn Độ có quan hệ đối tác chiến lược và có nhiều điểm tương đồng về vũ khí trang bị.
Pháo tự hành K-9 Lục quân Hàn Quốc |
Trước đó, năm 2004, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký kết mua pháo K-9 Hàn Quốc, trị giá 1 tỷ USD, trở thành khách hàng nước ngoài đầu tiên của loại pháo này. Thổ Nhĩ Kỳ được cấp giấy phép sản xuất.
Ở khu vực Biển Đông, Philippines đã đặt mua 12 máy bay chiến đấu hạng nhẹ FA-50 của Hàn Quốc. Hợp đồng được ký kết vào năm 2013 tổng trị giá hơn 402 triệu USD. Cuối tháng 11/2015, Philippines mới nhận được lô 2 máy bay FA-50 đầu tiên; hợp đồng sẽ hoàn thành vào năm 2017.
Một loại vũ khí đầy tiềm năng xuất khẩu của Hàn Quốc chính là tàu ngầm thông thường lớp Chang Bogo, một biến thể của tàu ngầm Type 209/1200 Đức (Hàn Quốc mua bản quyền sản xuất), lượng giãn nước 1.200 – 1.400 tấn.
Hàn Quốc cũng đã chế tạo tàu ngầm Type 214 hiện đại hơn theo giấy phép của Đức, gọi là lớp Chang Bogo 2, tải trọng 1.800 tấn. Loại tàu này được chế tạo tại nhà máy đóng tàu Daewoo, chiếc đầu tiên bàn giao cho Hải quân Hàn Quốc vào năm 2006. Chang Bogo 2 được lắp hệ thống AIP, có thể hoạt động liên tục 50 ngày trên biển.
Hàn Quốc có kế hoạch chế tạo nhiều phiên bản tàu ngầm tiên tiến hơn, thậm chí có nguồn tin cho rằng, họ có thể chế tạo tàu ngầm hạt nhân. Seoul đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ xây dựng được một hạm đội tàu ngầm mạnh.
Biên đội tàu khu trục tên lửa lớp KDX-II và KDX-III của Hải quân Hàn Quốc |
Tháng 12/2011, Indonesia đã ký hợp đồng mua 3 tàu ngầm của tập đoàn DSME, tổng trị giá 1,07 tỷ USD. Những tàu ngầm này sẽ hoàn thành bàn giao vào năm 2018, 100% do DSME thiết kế và sản xuất. DSME cũng sẽ cung cấp thiết kế và vật liệu chế tạo tàu ngầm.
Ngoài ra, tàu hộ vệ tên lửa tàng hình KDX-1 là tàu hộ vệ tên lửa đa năng của tập đoàn DSME Hàn Quốc, có thể thực hiện các nhiệm vụ như tuần tra, chống hạm, săn ngầm, đối không. Đây cũng là một trang bị hải quân có tiềm năng xuất khẩu.
Đến nay, Hàn Quốc đã có rất nhiều khách hàng vũ khí như Indonesia, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Anh, Azerbaijan, Malaysia, Việt Nam, Mỹ...
Động lực phát triển công nghiệp quốc phòng và xuất khẩu vũ khí
Theo thống kê, tính đến năm 2012, Hàn Quốc có 96 công ty công nghiệp quốc phòng. Trong đó, Samsung, Công ty Công nghiệp hàng không Hàn Quốc và LIG Nex1 nằm trong danh sách top 100 công ty sản xuất thiết bị quân sự hàng đầu thế giới năm 2013 của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm.
Hàn Quốc đứng trong top 10 về công nghệ quốc phòng, động lực để phát triển chính là do đối mặt với "mối đe dọa" từ CHDCND Triều Tiên; ngoài ra chạy đua vũ trang trong khu vực do Trung Quốc áp đặt yêu sách "đường lưỡi bò" vô lý, bất hợp pháp ở Biển Đông cũng đem lại cơ hội lớn cho ngành sản xuất vũ khí Hàn Quốc.
Tàu tấn công đổ bộ Dokdo do Hàn Quốc tự chế tạo |
Mặt khác Hàn Quốc cũng tiếp cận được lượng lớn tinh hoa khoa học công nghệ hiện đại từ các nước, nhất là Mỹ nhờ nhập khẩu lượng lớn vũ khí trang bị.
Chính phủ Hàn Quốc cũng rất quan tâm thúc đẩy phát triển quốc phòng, mức đầu tư nghiên cứu phát triển của các nhà sản xuất rất cao, từ 132,2 tỷ USD năm 2005 tăng lên 410,7 tỷ USD năm 2008.
Một điều đáng chú ý nữa là, giá cả vũ khí trang bị của Hàn Quốc khá cạnh tranh. Hàn Quốc còn nới lỏng chính sách chuyển giao công nghệ quân sự, thu hút được mối quan tâm của nhiều quốc gia.