Hàng loạt cán bộ huyện Vĩnh Lộc bị khiển trách, cảnh cáo vì tuyển dụng sai

28/04/2017 08:50
THỤY DU
(GDVN) - Ông Lê Quang Tuấn - nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Lộc giai đoạn 2008 - 2014 (hiện đương chức Bí thư Huyện uỷ) bị kỷ luật cảnh cáo...

Hàng loạt lãnh đạo huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) bị kỷ luật từ khiển trách tới cảnh cáo vì ký sai hàng trăm hợp đồng lao động (giáo viên, nhân viên hành chính...).

Đây là thông tin được một lãnh đạo huyện Vĩnh Lộc (đề nghị giấu tên) xác nhận với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam chiều ngày 26/4.

Theo đó, ông Lê Quang Tuấn - nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện giai đoạn 2008 - 2014 (hiện đương chức Bí thư Huyện uỷ) bị kỷ luật cảnh cáo.

Ông Nguyễn Văn Tâm - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện phụ trách văn xã; ông Đỗ Văn Nam - Trưởng phòng Nội vụ huyện, đều bị kỷ luật khiển trách.

Trước đó, nhiệm kỳ 2011 - 2015, huyện Vĩnh Lộc đã

Hàng loạt cán bộ huyện Vĩnh Lộc bị khiển trách, cảnh cáo vì tuyển dụng sai ảnh 1

Chủ tịch huyện Như Thanh phải chịu trách nhiệm khi sử dụng lao động trái luật

tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển công chức, viên chức, hợp đồng lao động sai quy định dẫn đến việc gần 400 giáo viên, nhân viên hợp đồng trong ngành giáo dục bị dừng hợp đồng lao động...

Ông Tuấn và các cán bộ nói trên có trách nhiệm chính, trực tiếp trong việc ký sai hàng trăm hợp đồng lao động này.

Trước đó, tại huyện Yên Định, bà Ngô Thị Hoa - nguyên Chủ tịch huyện này, cùng nhiều cán bộ khác cũng bị kỷ luật từ khiển trách tới cảnh cáo do có vi phạm nghiêm trọng trong tuyển dụng lao động.

Điều đáng nói là, quyết định kỷ luật được đưa ra tại thời điểm nhiều cá nhân đã nghỉ hưu hoặc chuyển sang vị trí công tác khác.

Hàng trăm lao động tại huyện Yên Định bỗng chốc bị đẩy ra đường vì quyết định tuyển dụng trái luật trước đó của bà Ngô Thị Hoa (ảnh: Thụy Du).
Hàng trăm lao động tại huyện Yên Định bỗng chốc bị đẩy ra đường vì quyết định tuyển dụng trái luật trước đó của bà Ngô Thị Hoa (ảnh: Thụy Du).

Trong khi đó, với tư duy quản lý, sử dụng lao động theo kiểu “phủ định sạch trơn” của người kế nhiệm, hàng trăm lao động bỗng chốc bị đẩy ra đường, rơi vào cảnh thất nghiệp.

Điều này khiến nhiều cơ sở giáo dục lâm vào tình trạng thiếu nhân sự trầm trọng sau khi quyết định chấm dứt hợp đồng lao động mang đầy tính máy móc, nguyên tắc này.

Việc các huyện Yên Định, Vĩnh Lộc xin tuyển mới lao động trong ngành giáo dục để lấp khoảng trống về nhân sự tại các cơ sở giáo dục, trở thành vấn đề bức thiết hơn bao giờ hết.

Về việc này, ông Đầu Thanh Tùng - Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa cho biết, việc tuyển dụng lao động ở những huyện đang thiếu vị trí, việc làm tại các cơ sở giáo dục sẽ được thực hiện khi có quyết định của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa.

"Việc thừa, thiếu giáo viên nhân viên các bậc học ở cấp huyện đã được tổng hợp và báo cáo cấp trên.

Tại hội nghị giao ban với Chủ tịch các huyện, Ủy ban nhân dân tỉnh đang chỉ đạo các huyện tiếp tục thực hiện điều chuyển, sau đó sẽ xác định nhu cầu để tuyển hoặc hợp đồng", ông Tùng nói.

Trong khi chờ ý kiến của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, nhiều lao động có thâm niên công tác trong ngành giáo dục vừa bị chấm dứt hợp đồng, vẫn hy vọng có cơ hội quay trở lại vị trí công tác cũ.

Để tránh thiệt thòi cho người lao động, mới đây Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, tỉnh có cơ chế ưu tiên tuyển dụng lại số lao động vừa bị chấm dứt hợp đồng lao động...

THỤY DU