Hàng loạt khoản thu không tên đầu năm học

07/09/2011 10:55
Theo TTO
(GDVN) -Hàng loạt khoản thu có tên và không tên đã được các trường đặt ra ngay từ những ngày đầu năm học.

Trong công văn yêu cầu phối hợp chống lạm thu tiền trường mới đây, Bộ GD-ĐT đã nhấn mạnh việc “không thu quỹ hỗ trợ dạy học và sử dụng quỹ phụ huynh để thưởng cho cán bộ, giáo viên, nhân viên”. Nhưng ở nhiều trường, học sinh trái tuyến, thậm chí đúng tuyến khi nhập học đều phải đóng góp ở các mức khác nhau.

Số tiền “tự nguyện” nộp khi nhập học được đóng cho các quỹ có tên gọi khác nhau: “quỹ hỗ trợ dạy và học”, “quỹ xây dựng trường”. Dù gọi tên thế nào, việc lập các quỹ này cũng trái quy định, kể cả khi việc thu tiền được hợp thức hóa là tự nguyện.

Đồng tiền đi trước

Chị H., một phụ huynh tại Hà Nội có con vào lớp 1, cho biết: “Tôi xin cho con học trái tuyến tại Trường tiểu học Kim Liên nhưng vì lo không xin được nên đành về trường đúng tuyến là Trường tiểu học Khương Thượng để nộp hồ sơ. Tôi rất ngạc nhiên khi nhà trường yêu cầu phải đóng 500.000 đồng mới phát hồ sơ cho tôi đăng ký cho con nhập học”. Dĩ nhiên, đây cũng là một dạng “tiền tự nguyện”. Nhà trường phát mẫu đơn, phụ huynh nhắm mắt ghi “đồng ý” nhưng nếu không làm thì con không nhập học được.

Còn ở Trường tiểu học Kim Liên, tất cả học sinh trái tuyến khi nộp hồ sơ đều được phát đơn “đóng tiền tự nguyện” với mức tối thiểu là 1 triệu đồng. Chị B., một phụ huynh có con nhập học năm nay, cho biết: “Tôi không biết tiền đó là đóng vào quỹ gì, sử dụng ra sao, chỉ biết đó là một trong những thủ tục phải làm khi nhập học”.

Tại Trường THCS Quỳnh Mai, khi 47 học sinh trái tuyến bị loại khỏi trường do “thừa chỉ tiêu”, phụ huynh cho biết họ phải đóng 1,5 triệu đồng/học sinh. Đóng tiền mới được làm thủ tục nhập học.

Phụ huynh học sinh xem bảng thông báo về học phí của năm học 2011-2012 tại Trường tiểu học Trung Tự (quận Đống Đa, Hà Nội)
Phụ huynh học sinh xem bảng thông báo về học phí của năm học 2011-2012 tại Trường tiểu học Trung Tự (quận Đống Đa, Hà Nội)

Theo bà Nguyễn Ngọc Diệp - trưởng phòng kế hoạch tài chính Sở GD-ĐT Hà Nội, với định mức ngân sách chi cho các bậc học ở Hà Nội năm nay tăng hơn so với năm học trước, các trường sẽ có đủ khả năng trang trải những chi phí sửa chữa nhỏ, hay trang bị vật dụng cần thiết trong nhà trường mà không cần huy động xã hội hóa. Nhưng mới vào đầu năm học, nhiều phụ huynh các trường ở Hà Nội lại bức xúc vì những khoản “kêu gọi xã hội hóa”.

Một trường tiểu học ở huyện Từ Liêm vận động học sinh đóng tiền mua rèm cửa. Ban giám hiệu nhà trường giải thích “trường không có cây xanh nên nắng hắt vào phòng, kêu gọi phụ huynh là cách nhanh nhất, còn chờ ngân sách thì lâu lắm”.

Chỉ mới thu tạm

Tại TP.HCM, thời điểm này đa số trường chỉ mới tạm thu một số khoản. Sau khi họp phụ huynh học sinh đầu năm học mới, các trường mới công bố các khoản thu chính thức. Mặc dù vậy, tiền trường đã tạo áp lực không nhỏ cho phụ huynh.

Chị Hằng - phụ huynh ở Q.1 - kể: “Đầu năm đóng tiền học cho con mới thấy “cái giá” của trường nổi tiếng. Đứa lớn năm nay vào lớp 1, tổng cộng các khoản tiền đầu năm là 14.219.000 đồng bao gồm: tiền đóng góp mua máy lạnh, micro... (mới đóng tạm 1 triệu đồng, khi nào trang bị xong, hội phụ huynh của lớp sẽ công bố khoản thu chính thức); học phí và sách giáo khoa học chương trình tiếng Anh... Đứa nhỏ vào lớp mầm thì phải đóng tạm gần 1 triệu đồng. Cô giáo cảnh báo: chắc chắn năm nay các khoản thu sẽ phải tăng lên theo thời giá”.

Trong khi đó, anh H. - phụ huynh ở Q. Phú Nhuận - than: “Năm trước, khoản tiền đầu năm của ba đứa con nhà tôi chưa tới 3 triệu đồng thì năm nay đã gần 4 triệu đồng, chưa kể tiền đồng phục, sách giáo khoa, dụng cụ học tập...”.

Anh H. cho biết hiện trường tiểu học, THCS của con anh vẫn chưa thu quỹ hội phụ huynh nhưng mới thu các khoản trong văn bản đã thấy “chóng mặt”. Anh H. nói: “Tôi thắc mắc thì nhà trường đưa cho xem văn bản của Phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận về việc thu thêm chín khoản khác ngoài quy định”.

Ông Ninh Văn Bình, trưởng Phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận, giải thích: “Các khoản thu thêm không phải khoản nào cũng bắt buộc phụ huynh phải đóng, nếu học sinh không có nhu cầu học năng khiếu, học vi tính... thì không phải đóng các khoản này”.

Riêng về chuyện thu thêm khoản vệ sinh phí, hỗ trợ công tác phục vụ bán trú..., ông Bình cho rằng: “Vì mức thu mà UBND TP.HCM quy định cách đây hơn 10 năm, đã quá lỗi thời và gây khó khăn cho hoạt động các trường.” Ông Bình cho biết thêm những khoản này đáng lẽ các trường có thể thỏa thuận với phụ huynh, nhờ phụ huynh hỗ trợ nhưng Phòng GD-ĐT lo ngại có trường sẽ vận động quá mức nên mới làm tờ trình và được UBND quận chấp thuận thu thêm và áp dụng thống nhất cho toàn quận.

Nhiều khoản thu vô tội vạ

Tại TP Huế, theo phản ảnh của nhiều bậc phụ huynh, có nhiều trường thu tiền học sinh với rất nhiều khoản vô tội vạ mà lẽ ra học sinh không phải đóng.

Ở Trường tiểu học Lý Thường Kiệt, ngoài các khoản thu chính như bảo hiểm và các loại đồng phục, mỗi học sinh (lớp 4) phải đóng nhiều khoản như: hỗ trợ điện nước 45.000 đồng, đội sao 30.000 đồng, thi đua các phong trào trong năm 30.000 đồng, vệ sinh (2 cơ sở) 45.000 đồng, bảo vệ (2 cơ sở) 25.000 đồng, khuyến học 30.000 đồng, hội phí (phụ huynh) 80.000 đồng...

Ở Trường tiểu học Thủy Xuân, mỗi học sinh bị thu quỹ hội cha mẹ học sinh 100.000 đồng. Tuy nhiên, các khoản chi từ quỹ này cũng được “chia” công khai và phần lớn nhằm phục vụ giáo viên và nhà trường.

Ở Trường tiểu học Phú Thượng 1 (huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế), học sinh phải đóng thêm tiền học thể dục 35.000 đồng, tiền khen thưởng 25.000 đồng, tiền khuyến học 25.000 đồng, “xây dựng bán trú” 70.000 đồng, “điện nước và tu sửa nhỏ” 25.000 đồng, hợp đồng bảo vệ 22.000 đồng, trang hoàng 25.000 đồng... Riêng giấy thi, trường này cũng thu đến 30.000 đồng/học sinh.
Theo TTO