Hàng tỉ đô la Mỹ đi vay đầu tư cho giáo dục thế nào, hiệu quả ra sao?

02/11/2017 14:26
Vũ Thái
(GDVN) - Rất khó đánh giá kết quả và hiệu quả của các dự án ODA trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Báo cáo của các bộ và các trường rất sơ lược, thậm chí không có.

Ngày 1/11 Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng bài viết Mong Quốc hội giám sát, làm rõ kinh phí cho chương trình, sách giáo khoa đặt ra nhiều vấn đề, câu hỏi xác đáng với các thông số và bằng chứng rõ ràng về cách làm chương trình - sách giáo khoa bằng tư duy dự án.

Là một người quan tâm đến giáo dục, người viết không khỏi bất ngờ về cách các nhà dự án của Bộ Giáo dục và Đào tạo một số nhiệm kỳ trước làm chương trình, sách giáo khoa chủ yếu để giải ngân.

Vấn đề đặt ra là, 20% ngân sách nhà nước chi cho giáo dục hàng năm không khề nhỏ, số tiền này đã được sử dụng như thế nào?

Đặc biệt là Việt Nam đã phải đi vay nợ bao nhiêu tiền để đổi mới giáo dục, hiệu quả các dự án này ra sao?

Tìm hiểu những vấn đề này trong bối cảnh rất it thông tin liên quan đến các dự án ODA cho giáo dục, chúng tôi nhận thấy Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đang phải đổi mặt với những thách thức không nhỏ từ vấn nạn đổi mới bằng dự án chồng dự án.

Hình minh họa, nguồn: VTV.vn.
Hình minh họa, nguồn: VTV.vn.

Nay xin được nêu ra đây những thắc mắc về vấn đề tư duy và cách tiêu tiền ODA cho giáo dục kể từ khi Việt Nam tiếp cận được nguồn vốn vay viện trợ phát triển chính thức này, mong được cùng thảo luận, làm rõ vấn đề.

Ngày 25/8/2017, Báo Điện tử VietnamNet cho biết, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã "đặt bài" một nhóm nghiên cứu: 20% ngân sách chi cho giáo dục đã đi đâu?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết:

"Hiện nay, 20% ngân sách nhà nước cho ngành giáo dục chủ yếu phân bổ cho các địa phương cũng như các bộ ngành khác.

Phần ngân sách do Bộ Giáo dục và Đào tạo làm đầu mối trực tiếp quản lý thực chất chỉ chiếm khoảng 4,8% trong tổng số.

Về mặt khoa học, liệu Bộ Giáo dục và Đào tạo với tư cách là Bộ quản lý ngành có nên tham gia chỉ đạo phân bổ ngân sách của ngành hay không hay giao tất cả cho địa phương?

Chẳng hạn như việc mua sắm thiết bị, xây dựng cơ bản cho giáo dục tại các địa phương, có nơi đã có nguồn từ ngân sách nhưng vẫn vay của Ngân hàng thế giới dẫn đến chồng lấn dự án.

Trước nay việc phân bổ ngân sách nhà nước cho ngành giáo dục vẫn theo kiểu “chia bánh”, cứ mỗi Bộ, ngành, địa phương một ít. 

Các bộ và địa phương xài hết tiền, Bộ Giáo dục và Đào tạo không nắm được nhưng cuối cùng phải chịu trách nhiệm giải trình trước Quốc hội". [1]

Hàng tỉ đô la Mỹ đi vay đầu tư cho giáo dục thế nào, hiệu quả ra sao? ảnh 2

Mong Quốc hội giám sát, làm rõ kinh phí cho chương trình, sách giáo khoa

Chúng tôi có thể hiểu được những trăn trở của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và chia sẻ với ông về mong muốn tìm hiểu dòng tiền ngân sách chi cho giáo dục chảy như thế nào, phân bổ ra sao, hiệu quả đến đâu.

Có điều, chúng tôi e rằng để “nghiên cứu” cho ra ngô ra khoai vấn đề này còn cần nhiều thời gian, công sức vì liên quan đến nhiều bộ ngành, nhiều bộ luật khác nhau.

Quan trọng hơn là dù có tìm ra đi nữa, thì đây vẫn chưa phải chìa khóa giải quyết vấn đề, khi tư duy, động cơ và trình độ của các cán bộ làm dự án tại cơ quan này không thay đổi. 

Vậy con số 4,8% ngân sách mà Bộ trưởng Nhạ nhắc đến, có bao gồm các dự án vay vốn ODA mà Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan thụ hưởng chính?

Khoảng 3 tỉ USD vốn vay ODA và vốn viện trợ nước ngoài đầu tư cho giáo dục thế nào, hiệu quả ra sao, ai biết?

Năm 2015 Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức giám sát chuyên đề Chất lượng, hiệu quả các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức của nước ngoài (ODA) đối với giáo dục và đào tạo giai đoạn 2004 - 2014.

Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân - Đại biểu Quốc hội các Khóa IX, X, XI, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Khóa X và XI, Trưởng đoàn giám sát về ODA của Ủy ban Đối ngoại năm 1999 và năm 2003, ngày 28/8/2015 đã có bài viết Nhìn lại ODA cho giáo dục và đào tạo, đăng trên Báo Điện tử Đại biểu Nhân dân.

Giáo sư cho biết, rất khó đánh giá kết quả và hiệu quả của các dự án ODA trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Báo cáo của các bộ và các trường rất sơ lược, thậm chí không có, về nội dung này

Giáo sư Trân đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ xem:

Nguồn vốn vay ODA, gần 1,8 tỷ USD, đối với giáo dục và đào tạo trong giai đoạn 2004 - 2014, và hơn 2,7 tỷ USD nếu tính từ năm 1993, đã được sử dụng ra sao cho công cuộc đổi mới giáo dục?

Lần giám sát ODA năm 2015, tình trạng không mấy cải thiện so với tổng kết giám sát ODA cho giáo dục trước đó 12 năm, vào năm 2003, đặc biệt là yếu tố: Chưa nhận thức đúng ODA là vốn vay!

Hàng tỉ đô la Mỹ đi vay đầu tư cho giáo dục thế nào, hiệu quả ra sao? ảnh 3

Tại sao, làm thế nào Bộ Giáo dục chuyển giáo viên sang hợp đồng lao động?

Tuy 15 -16% là không hoàn lại, và cho dù thời gian ân hạn dài, lãi suất thấp, nếu sử dụng không hiệu quả thì vốn sẽ chồng lên vốn, lãi sẽ chồng lên lãi, thế hệ này không trả thì con cháu sẽ phải trả.

Từ năm 2014 đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục thụ hưởng thêm ít nhất 3 dự án ODA khác với tổng số tiền lên tới  287 triệu đô la Mỹ, bao gồm:

“Chương trình phát triển giáo dục trung học, giai đoạn 2” tổng số vốn 107 triệu đô la Mỹ do Ngân hàng Phát triển châu Á ADB hỗ trợ. [2]

Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, vay Ngân hàng Thế giới 77 triệu USD, ngân sách đối ứng 3 triệu USD, tổng cộng 80 triệu USD.

Dự án “Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông”, vay vốn Ngân hàng Thế giới, tổng vốn 100 triệu USD. [3]

Như vậy, tính đến nay Nhà nước đã đầu tư cho giáo dục trực tiếp qua Bộ Giáo dục và Đào tạo bằng nguồn vốn vay ODA và viện trợ quốc tế gần 3 tỉ đô la Mỹ.

Cứ tạm tính 16% trong tổng số 3 tỉ USD là viện trợ không hoàn lại, thì cũng còn 2,5 tỉ USD là vốn vay.

Người viết chia sẻ mối lo của Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân từ 2 năm trước, và câu chuyện này đến nay vẫn giữ nguyên tính thời sự:

Nếu sử dụng không hiệu quả thì vốn sẽ chồng lên vốn, lãi sẽ chồng lên lãi, thế hệ này không trả thì con cháu sẽ phải trả.

Cứ nhìn cung cách các nhà quản lý các dự án vay ODA làm chương trình, sách giáo khoa hiện hành tiêu tiền vô tội vạ như tiết lộ của chính một số chuyên gia biên soạn chương trình, sách giáo khoa thì rõ.

Dư luận không khỏi lo ngại về năng lực quản lý, quản trị tài chính của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thiết nghĩ đã đến lúc bản thân Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đánh giá, tổng kết một cách nghiêm túc, khách quan, khoa học, cầu thị và công khai minh bạch hiệu quả và lãng phí (nếu có) của tất cả các dự án ODA mà Bộ là cơ quan thụ hưởng chính.

Mong sao Quốc hội; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cũng cần vào cuộc giám sát chặt chẽ và yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo minh bạch hóa quá trình sử dụng và hiệu quả của 3 tỉ đô la này.

Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về hiệu quả cũng như những thất thoát, hệ lụy (nếu có) từ việc chi 3 tỉ USD cho đổi mới giáo dục?

Khi thầy Nhạ nhận nhiệm vụ Bộ trưởng, cả bộ máy lãnh đạo Bộ hiện nay chỉ kế thừa tất cả 7 chương trình - dự án người trước để lại. [4]

Hàng tỉ đô la Mỹ đi vay đầu tư cho giáo dục thế nào, hiệu quả ra sao? ảnh 4

Cỗ máy kiếm tiền thi giải Toán, tiếng Anh qua mạng hoạt động thế nào?

Cho nên có lẽ thầy Nhạ khó hình dung hết việc đổi mới giáo dục bằng dự án chồng dự án diễn ra thế nào, và điều này đã khiến đất nước phải vay nợ bao nhiêu.

Thầy Nhạ có thể hỏi chính 2 vị nguyên Thứ trưởng, Nguyễn Vinh Hiển và Bành Tiến Long, biết đâu sẽ có câu trả lời.

Theo Quyết định 2896/QĐ-BGDĐT năm 2008 phân công nhiệm vụ Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, thầy Hiển phụ trách 13 dự án, đề án:

Dự án Đảm bảo chất lượng giáo dục trường học; Dự án Giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; Dự án Hỗ trợ Kỹ thuật chương trình Phát triển giáo dục trung học; 

Dự án Phát triển giáo dục trung học cơ sở II; Dự án Đào tạo giáo viên trung học cơ sở; Dự án Giáo dục trung học cơ sở vùng khó khăn nhất; Dự án Phát triển giáo dục trung học phổ thông; 

Dự án Phát triển giáo viên trung học phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp; Dự án Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiểu học và trung học cơ sở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam (Dự án Việt - Bỉ); 

Dự án Hợp tác với Unicef chu kỳ 2006-2010 và các dự án phi chính phủ; Đề án Giáo dục trẻ khuyết tật; Đề án Phát triển các trường trung học phổ thông chuyên; Đề án Phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú.

Cũng theo quyết định trên, (nguyên) Thứ trưởng Bành Tiến Long khi đó phụ trách 10 dự án, đề án:

Dự án Giáo dục Đại học II; Dự án Giáo dục Đại học III; Dự án Đào tạo kỹ sư chất lượng cao; Dự án Giáo dục Hà Lan; 

Đề án Hỗ trợ dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài; 

Đề án Đào tạo 20.000 tiến sỹ; Đề án Đào tạo theo nhu cầu xã hội; Đề án Cải cách hành chính của Bộ; 

Đề án Xây dựng Trường Đại học Việt Đức, Trường Đại học Khoa học, Công nghệ Hà Nội, Đại học chất lượng cao hợp tác với các nước khác (đề án quốc gia); 

Đề án Tăng cường giảng dạy tiếng Pháp trong hệ thống giáo dục quốc dân (chương trình giáo dục Tiếng Pháp). [5]

Hàng tỉ đô la Mỹ đi vay đầu tư cho giáo dục thế nào, hiệu quả ra sao? ảnh 5

Xin hỏi tiếp Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết về “tích hợp” 1 sách 3 thầy

Chúng tôi chia sẻ với nhận xét có lý, có tình của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết khi ông bàn về việc ai phải chịu trách nhiệm nếu Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông năm 2014 xin 34 ngàn tỷ, thất bại:

"Cá nhân lãnh đạo có thể thay đổi, nhưng quản lý nhà nước là liên tục.

Mình xây dựng đề án 10 năm chẳng hạn, thì các thế hệ lãnh đạo khác nhau vào gánh vác kế tục thôi. 

Cũng không có cách nào khác, người chịu trách nhiệm là cả người đề xuất dự án lẫn người kế tục.

Bởi người kế tục nếu thấy không ổn thì sẽ phải điều chỉnh.

Tuy nhiên, ở nước mình trước nay chả mấy ai phải chịu trách nhiệm về những quyết định sai cả.

Ngay cả ông đương nhiệm còn chả chịu trách nhiệm nữa là ông về hưu!" [6]

Hoàn toàn có lý khi nhận định rằng, không làm rõ ràng chuyện này sẽ có nhiều dự án 34 ngàn tỷ nữa xuất hiện. 

Chúng tôi tin Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đang gánh vác nhiệm vụ nặng nề và rất nỗ lực để điều chỉnh, có tinh thần trách nhiệm cao với vai trò người đứng đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Nhưng thầy Nhạ sẽ làm việc này như thế nào nếu Quốc hội và xã hội không đồng hành cùng Bộ trưởng để chấn chỉnh những tiêu cực ấy?

Cần rà soát lại và công khai minh bạch các dự án ODA cho giáo dục

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ băn khoăn: 

“Chẳng hạn như việc mua sắm thiết bị, xây dựng cơ bản cho giáo dục tại các địa phương, có nơi đã có nguồn từ ngân sách nhưng vẫn vay của Ngân hàng thế giới dẫn đến chồng lấn dự án.”

Chúng tôi nhận thấy Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã thấy rõ vấn đề lãng phí trong đầu tư và sử dụng tiền ngân sách cho giáo dục:

Mua sắm thiết bị, xây dựng cơ bản đã được Quốc hội phân bổ hàng năm cho các địa phương, sao vẫn đi vay ODA?

Hàng tỉ đô la Mỹ đi vay đầu tư cho giáo dục thế nào, hiệu quả ra sao? ảnh 6

VNEN và biểu hiện tham nhũng chính sách giáo dục

Thiết nghĩ Bộ trưởng hỏi ngay những chuyên gia, nhà quản lý dự án của Bộ Giáo dục và Đào tạo đương nhiệm cũng như đã nghỉ hưu, là sẽ tìm ra câu trả lời.

Thầy Nhạ có thể đem câu này hỏi ông Nguyễn Hải Châu - nguyên Phó vụ trưởng Vụ giáo dục trung học kiêm Giám đốc Chương trình phát triển giáo dục trung học.

Dự án này được phê duyệt là 71 triệu USD triển khai từ 2009 đến 2015.

Chương trình vay vốn Ngân hàng phát triển châu Á - ADB với mục tiêu khá chung chung:

Đổi mới chính sách, tăng cường năng lực quản lý, phát triển hệ thống giáo dục trung học có chất lượng và công bằng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước. [7]

Trong thời gian làm Phó vụ trưởng và Giám đốc dự án, ông Châu vẫn có thì giờ làm chủ biên 8 đầu sách ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông, cao đẳng đại học.

Ông Châu vừa chỉ đạo ôn thi vừa làm sách ôn tập, mà lại chủ biên những 8 môn khác nhau trong khi ông Nguyễn Hải Châu chỉ được đào tạo chuyên môn sư phạm Toán.

Bộ trưởng cũng có thể hỏi câu hỏi này với thầy Đặng Tự Ân - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, nguyên Giám đốc điều phối Dự án Giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (PEDC).

Dự án này có tổng vốn đầu tư gần 250 triệu đô la Mỹ, chủ yếu là tiền đi vay. Nó có thực sự mang lại lợi ích cho địa phương hay không, xin hãy hỏi chính quyền tỉnh Gia Lai.

Tại Gia Lai, dự án PEDC được triển khai từ năm 2005 đến 2010 với tổng kinh phí hơn 90 tỷ đồng.

Dự án xây dựng 430 điểm trường với hơn 1.000 phòng học, phòng nghỉ cho giáo viên, công trình vệ sinh và cung cấp các trang-thiết bị phục vụ học tập tại 10 huyện.

Tuy vậy, trong quá trình triển khai dự án đã bộc lộ nhiều bất cập.

Nhiều nhà thầu sau khi nhận thi công đã tháo chạy, khiến công trình bị dở dang, Ủy ban nhân dân tỉnh và các cấp liên quan phải cấp vốn thay thế nhằm hoàn thiện các công trình, phục vụ cho công tác dạy và học tại các trường. 

Báo Gia Lai nhiều lần đăng tin, bài phản ánh vấn đề này.

Tính đến năm 2014, mặc dù dự án đã kết thúc 2 năm nhưng phần nhiều công trình bị bỏ hoang hoặc không phát huy hiệu quả như mục đích ban đầu, gây lãng phí tiền của Nhà nước. [8]

Bộ trưởng cũng có thể hỏi thầy Đoàn Văn Ninh nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, đang là Giám đốc Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông.

Dự án này vay vốn Ngân hàng Thế giới 77 triệu USD và ngân sách đối ứng 3 triệu USD, tổng cộng 80 triệu.

Ngoài những câu hỏi tác giả Hồng Thủy nêu ra trong bài viết trước thiết nghĩ cần phải được trả lời đầy đủ, rõ ràng, minh bạch, xin nêu tiếp vài ý để Bộ trưởng tham khảo:

Tại sao khi lập Đề án Đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông, tổng kinh phí dự toán 462 tỉ đồng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tính toán chi li, chia làm 8 khoản.

Trong đó kinh phí xây dựng, thẩm định chương trình 55,2 tỷ đồng. [9] Tại sao khi được duyệt đi vay và đối ứng 80 triệu USD, con số này nhảy lên 145 tỉ đồng? [10]

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình tổng thể có so sánh số tiền này tương đương kinh phí làm 630 mét đường bộ cao tốc Bắc Nam, hoặc 182 mét đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa ở Hà Nội.

Nhưng bản thân sự so sánh này không lý giải được tại sao lại có sự chênh lệch ấy. Quan trọng hơn là sản phẩm các thầy làm ra có tương xứng với 145 tỉ đồng tiền thuế của dân chăng?

Một con đường hay cây cầu chất lượng kém, vẫn còn đi lại được. Nhưng một chương trình giáo dục kém chất lượng sẽ đưa dân tộc này về đâu?

Bởi đến giờ này các nhà soạn chương trình vẫn không thể nêu được một ví dụ cụ thể về "tích hợp" 3 môn Lý - Hóa - Sinh thành 1 môn Khoa học Tự nhiên.

Như vậy, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo không chủ động đề xuất phương án rà soát các dự án ODA cho giáo dục, thì thiết nghĩ Quốc hội cũng nên thành lập Ủy ban lâm thời điều tra chất lượng giáo dục như đề xuất của nguyên Đại biểu Nguyễn Đức Dũng từ 14 năm về trước.

Khi nào chưa trả lời được những câu hỏi căn bản về cách tiêu tiền và hiệu quả đồng tiền vay ODA cho giáo dục, thì chưa nên vội triển khai các dự án mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai hiện nay.

Đặc biệt là dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông 80 triệu USD phục vụ việc làm chương trình sách giáo khoa mới, cũng như đào tạo giáo viên đi kèm dự án này.

Vấn đề ở đây không còn nằm ở tiền, mặc dù 180 triệu USD không phải là nhỏ. Quan trọng hơn là tương lai giáo dục nước nhà sẽ đi đâu, về đâu với cách làm như vậy?

Nếu không, nguy cơ lặp lại bài học của chương trình sách giáo khoa hiện hành hoàn toàn có thể xảy ra. 

Thiết nghĩ Quốc hội; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nên chăng cũng cần vào cuộc giám sát việc triển khai mô hình VNEN cho dù dự án này đã kết thúc.

Bởi lẽ những câu hỏi rất lớn về chất lượng và nguy cơ tham nhũng chính sách, trục lợi từ việc kinh doanh độc quyền sách VNEN với giá cắt cổ đã được nêu ra, nhưng chưa thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo lên tiếng.

Đồng thời, chúng tôi trộm nghĩ việc điều tra, tính toán lại cách sử dụng và đầu tư 20% ngân sách cho giáo dục như thế nào cho hiệu quả, minh bạch, tránh thất thoát và lãng phí nên được Quốc hội lưu tâm, vào cuộc.

Mình Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ e việc khó thành.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/20-ngan-sach-chi-cho-nganh-giao-duc-da-di-dau-394945.html

http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:wq8RiigZ3qYJ:www.daibieunhandan.vn/default.aspx%3Ftabid%3D76%26NewsId%3D357111+&cd=1&hl=vi&ct=clnk&gl=vn

[2]http://vpcp.chinhphu.vn/Home/ADB-ho-tro-phat-trien-giao-duc-trung-hoc/20168/19385.vgp

[3]https://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/100-trieu-usd-cho-du-an-nang-cao-chat-luong-giao-vien-3412140.html

[4]https://www.moet.gov.vn/gioi-thieu/co-cau-to-chuc/Pages/default.aspx?CateID=1630

[5]http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&_page=187&mode=detail&document_id=80197

[6]http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/se-co-nhieu-de-an-34-nghin-ty-dong-nua/547764.antd

[7]http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/du-an-giao-duc-71-trieu-do-hoan-thanh-truoc-thoi-han-270147.html

[8]http://tingialai.com/news/Gia-Lai/Du-an-giao-duc-tieu-hoc-cho-tre-em-co-hoan-canh-kho-khan-PEDC-Nhieu-cong-trinh-xuong-cap-hu-hong-nang-12444/

[9]http://vtv.vn/trong-nuoc/de-an-doi-moi-chuong-trinh-sach-giao-khoa-len-ban-can-quoc-hoi-20141119213053321.htm

[10]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Thay-Thuyet-tra-loi-ve-tuoi-tho-chuong-trinh-moi-sach-Cong-nghe-giao-duc-post179001.gd

Vũ Thái