Thày Thuyết trả lời về tuổi thọ chương trình mới, sách Công nghệ giáo dục

16/08/2017 07:25
Thùy Linh
(GDVN) - Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: “Tôi tin rằng đường hướng của chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ có “vòng đời” dài hơn so với những lần thay đổi trước đó”.

LTS: Sau bài trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết về chương trình giáo dục phổ thông mới, Tòa soạn tiếp tục nhận được những câu hỏi và gửi tới Ban soạn thảo chương trình để tìm hiểu kỹ hơn những thay đổi cốt lõi trong chương trình, sách giáo khoa mới.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể xung quanh những quan tâm của bạn đọc đặc biệt là các thầy cô, chuyên gia trên cả nước. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả cuộc trao đổi này. 

Phóng viên: Xin Tổng chủ biên cho biết, dự kiến chương trình giáo dục phổ thông sẽ được sử dụng ổn định trong bao nhiêu năm mà không phải làm lại, cho tương xứng với khoản đầu tư ít nhất 80 triệu USD từ ngân sách, chưa kể kinh phí đào tạo giáo viên và cơ sở vật chất phục vụ cho chương trình, sách giáo khoa mới?

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Ở các nước phát triển, chu kỳ đổi mới chương trình thường vào khoảng 10 năm.

Nhưng thời gian gần đây có những quốc gia chỉ 5-7 năm đã thay đổi chương trình 1 lần.

Cũng có những nước mỗi năm lại có 1 phiên bản chương trình mới với những chỉnh sửa nhất định cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống. 

Còn ở nước ta, chương trình hiện hành được xây dựng từ năm 2000, triển khai năm 2002, đến nay đã thực hiện được 15 năm. 

Trước chương trình hiện hành là chương trình cải cách giáo dục lần thứ 3 (cải cách giáo dục lần 1: năm 1951; lần 2: năm 1956) xây dựng năm 1979, triển khai từ năm 1981. Mãi đến năm 2002, chương trình năm 1979 mới được thay thế, thời gian áp dụng tính ra là 21 năm.

Trong điều kiện của nước ta, chương trình không thể thay đổi thường xuyên như nhiều nước trên thế giới.

Ban soạn thảo cố gắng xây dựng một chương trình với những đường hướng cơ bản phù hợp với xu thế chung của các nước trên thế giới, đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực của người học. 

Chương trình không quy định quá chi tiết, vừa tạo điều kiện sáng tạo cho người viết sách giáo khoa và giáo viên trong giai đoạn hiện nay, vừa nhằm đáp ứng yêu cầu ổn định lâu dài trong điều kiện khoa học - công nghệ và xã hội liên tục phát triển, thường xuyên đặt ra những yêu cầu mới cho giáo dục.
 
Do đó, tôi tin rằng đường hướng của chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ có “vòng đời” dài hơn so với những lần thay đổi trước đó. Còn về chi tiết thì chương trình phải thường xuyên cập nhật với cuộc sống để có những điều chỉnh cho phù hợp. 

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết tin rằng đường hướng của chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ có “vòng đời” dài hơn so với những lần thay đổi trước đó (Ảnh: Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cung cấp)
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết tin rằng đường hướng của chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ có “vòng đời” dài hơn so với những lần thay đổi trước đó (Ảnh: Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cung cấp)

Về kinh phí xây dựng chương trình, tôi xin nói rõ:

Tại Hội nghị khởi động Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (ngày 18/1/2017), Giám đốc Ban Quản lý Dự án đã công bố tổng kinh phí thực hiện Dự án là 80 triệu đô la, bao gồm 77 triệu đô la vốn vay ODA và 3 triệu đô la vốn đối ứng. 

Dự kiến phân bổ kinh phí từ nguồn vốn vay, vốn đối ứng cho các thành phần, nhiệm vụ của Dự án cũng đã được công bố chi tiết. Báo chí đã đăng tải công khai, đầy đủ thông tin. 

Toàn bộ kinh phí chi cho việc xây dựng chương trình tổng thể và các chương trình môn học (bao gồm tập huấn cho người tham gia xây dựng, thẩm định chương trình; thù lao cho chuyên gia quốc tế tư vấn về xây dựng chương trình, thù lao và công tác phí cho chuyên gia Việt Nam xây dựng chương trình; tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo chương trình tổng thể và các chương trình môn học; tổ chức thẩm định và thực nghiệm chương trình,...) là 6.414.900 USD (145 tỷ đồng), chiếm 8% tổng kinh phí dự án. 

Số tiền này tương đương kinh phí làm 630 mét đường bộ cao tốc Bắc Nam hoặc 182 mét đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa ở Hà Nội.

Thày Thuyết trả lời về tuổi thọ chương trình mới, sách Công nghệ giáo dục ảnh 2

Phó Giáo sư Mai Sỹ Tuấn giải thích 4 khái niệm tích hợp trong chương trình mới

Kinh phí còn lại của Dự án để thực hiện các nhiệm vụ khác như biên soạn tài liệu hướng dẫn dạy học và tài liệu hướng dẫn biên soạn sách giáo khoa theo chương trình; xây dựng hệ thống tập huấn, bồi dưỡng giáo viên qua mạng; tập huấn, bồi dưỡng giáo viên để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới và phát triển kế hoạch giáo dục nhà trường;

Và hỗ trợ biên soạn và thực hiện sách giáo khoa theo chương trình mới (trong đó có 1 bộ sách giáo khoa đầy đủ do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn); hỗ trợ đánh giá và phân tích kết quả học tập để phát triển bền vững chương trình và đổi mới cơ chế, chính sách đối với giáo dục phổ thông (đào tạo, bồi dưỡng nhằm tăng cường năng lực phát triển chương trình và đánh giá kết quả giáo dục học sinh, tổ chức đánh giá định kỳ quốc gia kết quả học tập của học sinh, công tác truyền thông Dự án,...).

Là những người được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao trách nhiệm xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới, chúng tôi luôn tâm niệm phải làm việc cho xứng với từng đồng Nhà nước và Nhân dân đã bỏ ra. 

Tôi xin khẳng định, các thành viên Ban Phát triển chương trình tổng thể và Ban Phát triển chương trình môn học đã, đang và sẽ tiếp tục làm việc hết mình vì sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của nước nhà. 

Một số thầy cô thắc mắc, sau khi có chương trình và sách giáo khoa mới thì sách Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại có còn được sử dụng như hiện nay không? Nếu có, sách Công nghệ giáo dục có phải điều chỉnh cho phù hợp với chương trình mới và được Hội đồng thẩm định thông qua hay không?

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội đã xác định rõ chủ trương về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là “một chương trình, nhiều sách giáo khoa”. 

Nghị quyết cũng nêu rõ: “Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông”. 

Điều đó có nghĩa là các tổ chức, cá nhân đều có thể tham gia viết sách giáo khoa.

Và bất kỳ bộ sách nào, quyển sách nào đáp ứng được tiêu chuẩn sách giáo khoa, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới và được Hội đồng thẩm định quốc gia thông qua thì đều có thể được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, cho phép sử dụng. Quyền lựa chọn sách để sử dụng là của các trường, trên cơ sở ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh. 

Sách giáo khoa của Trung tâm Công nghệ giáo dục không phải là ngoại lệ. 

Chương trình và sách giáo khoa hiện hành (chương trình 2000) được dạy thí điểm 3 đến 4 năm trước khi áp dụng đại trà. Đến nay, chương trình tổng thể mới vừa được thông qua và chương trình môn học chưa có. Trong khi theo kế hoạch năm học 2018-2019 đã có sách mới (lớp 1, lớp 6, lớp 10).

Xin hỏi Giáo sư, chương trình và sách giáo khoa mới có qua dạy thí điểm hay không? Nếu có thì thí điểm vào thời gian nào và trong bao lâu? Thí điểm trong phạm vi nào và bằng phương pháp nào? 

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết
: Chương trình hiện hành trước khi triển khai áp dụng đại trà có từ hai đến ba năm thí điểm, sau đó có một năm chỉnh sửa rồi mới triển khai đại trà. 

Theo cách làm này, phải thí điểm cả những nội dung không khó, không mới, mất nhiều thời gian, công sức mà không tập trung được vào những vấn đề mới, vấn đề khó của chương trình mới. 

Thày Thuyết trả lời về tuổi thọ chương trình mới, sách Công nghệ giáo dục ảnh 3

Trao đổi với Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn về 2 môn tích hợp của chương trình mới

Nhằm khắc phục hạn chế này, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được tiến hành thực nghiệm ngay trong quá trình xây dựng chương trình.

Nội dung thực nghiệm tập trung vào những vấn đề mới so với chương trình hiện hành, trong đó đặc biệt chú trọng thực nghiệm những hình thức hoạt động giáo dục/dạy học mới, những yêu cầu cần đạt của mỗi chương trình môn học và hoạt động giáo dục; xác định mức độ phù hợp của yêu cầu cần đạt của chương trình với trình độ nhận thức và điều kiện học tập của học sinh. 

Điều này cũng phù hợp với vị trí của chương trình giáo dục phổ thông. Bởi vì chương trình giáo dục phổ thông là một văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, phải được xây dựng theo quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có bước đánh giá tác động của chính sách. 

Thực nghiệm chương trình là để đánh giá tác động của chính sách, tức là tác động của những nội dung mới, phương pháp dạy học mới được đề xuất trong dự thảo chương trình. 
Ban soạn thảo chương trình chịu trách nhiệm tổ chức thực nghiệm để kiểm tra tính khả thi và tính hiệu quả của những quy định này, trên cơ sở đó, hoàn thiện chương trình. 

Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông yêu cầu chương trình, sách giáo khoa giáo mới phải được lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân và được thực nghiệm nhằm bảo đảm tính khoa học, tính sư phạm, tính khả thi và độ tin cậy.

Triển khai Quyết định 404, chương trình mới được thực nghiệm bằng các phương pháp sau: 

Thứ nhất, khảo sát thực tế trường phổ thông (đội ngũ giáo viên; nguyện vọng, khả năng và điều kiện của học sinh; cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học…). 

Thứ hai, sử dụng phiếu điều tra cán bộ quản lý giáo dục cấp cơ sở, giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh. 

Thứ ba
, phỏng vấn sâu giáo viên, chuyên gia giáo dục, học sinh, phụ huynh học sinh. 

Thứ tư, lấy ý kiến một số chuyên gia giáo dục, các cơ quan quản lý giáo dục địa phương thông qua hình thức hội thảo hoặc thư hỏi ý kiến. 

Thứ năm
, lấy ý kiến rộng rãi chuyên gia giáo dục và các tầng lớp nhân dân. 

Thứ sáu, dạy thử một số nội dung mới, phương pháp mới. Do không thực nghiệm toàn bộ chương trình nên đối với một số môn học có nội dung mới hoặc áp dụng phương pháp dạy học mới thì các nhóm xây dựng chương trình môn học biên soạn thành bài để dạy thử nghiệm, xem giáo viên thực hiện thế nào, học sinh học đạt hiệu quả ra sao,...

Việc thực nghiệm chương trình được tiến hành ngay trong quá trình xây dựng, hoàn thiện bản thảo chương trình tổng thể và bản thảo các chương trình môn học, có sự tham gia của các thành viên Ban phát triển chương trình tổng thể và Ban phát triển chương trình môn học.

Phạm vi thực nghiệm là một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đại diện 6 vùng kinh tế-xã hội trên phạm vi cả nước (Vùng Trung du và miền núi phía Bắc; Vùng Đồng bằng sông Hồng; Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; Vùng Tây Nguyên; Vùng Đông Nam Bộ; Vùng Đồng bằng sông Cửu Long). 

Mỗi vùng chọn một tỉnh/thành phố tham gia thực nghiệm; mỗi tỉnh/thành phố tham gia thực nghiệm chọn một số trường tiểu học, trường Trung học cơ sở  và  trường Trung học phổ thông đại diện các vùng thành thị, nông thôn, vùng sâu, vùng xa; mỗi trường phổ thông tham gia thực nghiệm chọn ở mỗi khối một số lớp.

Trong quá trình xây dựng chương trình tổng thể, Ban soạn thảo đã tiến hành điều tra khảo sát trực tuyến đối với gần 2.500 học sinh ở 5 trường trung học phổ thông thuộc Hà Nội, Nam Định, Hưng Yên, nội dung khảo sát chủ yếu về tình hình học sinh lựa chọn môn học nhằm kiểm tra tính khả thi của phương án phân hóa theo định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông;

Đồng thời, đã đăng tải dự thảo chương trình tổng thể lên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến rộng rãi chuyên gia giáo dục và các tầng lớp nhân dân, gửi công văn hỏi ý kiến chuyên gia giáo dục và 63 Sở Giáo dục và Đào tạo trong cả nước, tổ chức các hội thảo để lấy ý kiến giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục,...

Sắp tới, trong quá trình xây dựng các chương trình môn học, Ban Phát triển chương trình môn học sẽ tiếp tục thực nghiệm để đánh giá tính khả thi và tính hiệu quả của các chương trình môn học và hoạt động giáo dục. 

Việc thực nghiệm sách giáo khoa mới sẽ được tiến hành tương tự như đối với chương trình mới và có sự tham gia của các tổ chức, cá nhân đăng ký biên soạn sách giáo khoa. Điều này cũng phù hợp với thực tế là chúng ta sẽ thực hiện “một chương trình, nhiều sách giáo khoa”. 

Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư. 

Thùy Linh