Có phải thầy Đặng Tự Ân đang “vừa đá bóng, vừa thổi còi”?

19/09/2017 13:14
Thuận Phương
(GDVN) - Phải chăng đang có một sự lẫn lộn hoặc cố tình đánh tráo khái niệm giữa Nhóm tác giả Báo cáo (gồm chính thầy Đặng Tự Ân) với Ngân hàng Thế giới?

LTS: Sau khi đăng bài viết của ông Đặng Tự Ân, nguyên Chuyên gia trưởng Dự án Mô hình Trường học mới Việt Nam (VNEN), Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài viết của cô giáo Thuận Phương, một người trực tiếp đứng lớp dạy VNEN có đôi điều trao đổi lại.

Để làm sáng tỏ vấn đề dư luận quan tâm và gắn liền với hiện trạng, tương lai nền giáo dục, Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết này.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam hy vọng tiếp tục nhận được các bài viết trao đổi, thảo luận các vấn đề được đặt ra xung quanh tính hiệu quả thực sự của VNEN cũng như cách thức áp dụng mô hình Trường học mới vào Việt Nam.

Quý thày cô, chuyên gia, phụ huynh hay bạn đọc nào quan tâm và có bài trao đổi, xin vui lòng gửi về Tòa soạn theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn.

Xin trân trọng cảm ơn và mời quý bạn đọc theo dõi bài viết. Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.

Những phát biểu dễ gây hiểu lầm về Ngân hàng Thế giới 

Ngày 15/8/2017, website Ngân hàng Thế giới đăng tải bản báo cáo “Nâng cao chất lượng trường học Việt Nam thông qua học tập tích cực và hợp tác – Nghiên cứu đánh giá tác động” của S. D. Parandekar, F. Yamauchi, A. B. Ragatz, E. K. Sedmik, A. Sawamoto, sau đây xin được gọi tắt là Báo cáo.

Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông đã dịch Báo cáo từ tiếng Anh sang tiếng Việt, và gửi báo giới nội dung toàn văn bản báo cáo này, tổng cộng 185 trang.

Đây là một bản báo cáo đánh giá tác động của mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) đối với giáo dục Việt Nam do một nhóm chuyên gia của tổ chức này, kết hợp với một nhóm chuyên gia VNEN của Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện. 

Ông Đặng Tự Ân chụp ảnh chung với các học sinh học theo mô hình VNEN tại Lào Cai.
Ông Đặng Tự Ân chụp ảnh chung với các học sinh học theo mô hình VNEN tại Lào Cai.

Điều bất ngờ là bản báo cáo hầu như toàn nêu lên những ưu điểm về sự đồng tình của hiệu trưởng, giáo viên, phụ huynh. 

Kết luận này hoàn toàn khác xa với thực tế qua việc hàng loạt tỉnh thành trong cả nước công bố ‘tẩy chay” chương trình này trong thời gian vừa qua. 

Mới đọc qua nội dung bản báo cáo, chúng tôi cứ tự hỏi, sao những kết luận như thế này nghe quen thế nhỉ?

Đọc phần Lời cảm ơn, trang 6 của Báo cáo chúng tôi nghĩ rằng mình có thể tìm thấy câu trả lời:

“Báo cáo này dựa trên công trình của đội ngũ chuyên gia thuộc Ngân hàng Thế giới với sự hỗ trợ, động viên và sự tham gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam,...

Bộ Giáo dục và Đào tạo tham gia với sự chỉ đạo của ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời điểm đó. 

Nhóm nghiên cứu của Bộ Giáo dục và Đào tạo bao gồm ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học; ông Đặng Tự Ân, Chuyên gia cao cấp và Cố vấn Trưởng dự án GPE-VNEN; ông Lê Tiến Thành, chuyên gia cao cấp và cố vấn dự án GPE-VNEN.” 

Chúng tôi trộm nghĩ rằng, có được báo cáo đánh giá về VNEN như thế này, chắc hẳn các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cũng đã được đọc các báo cáo của các sở giáo dục và đào tạo 63 tỉnh thành.

Các báo cáo này tổng kết từ báo cáo từ các phòng giáo dục và đào tạo, các trường áp dụng VNEN gửi lên.

Ngoài ra, chắc chắn cũng sẽ có thông tin từ những chuyến đi thực tế để dự giờ thăm lớp, để phỏng vấn, gặp gỡ phụ huynh, giáo viên và học sinh VNEN. 

Nhưng có thể các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới không biết rằng, những nơi họ đến đã được bố trí và tập dượt nhuần nhuyễn cả tháng trời trước đó.

Điều này được chính một nhà báo VTV đi cùng đoàn chuyên gia Trường học mới Colombia khảo sát các lớp VNEN tiết lộ.

Là một người trong cuộc, chúng tôi thấy rằng những người họ phỏng vấn lại chẳng bao giờ dám nói thật lòng, dám nói đúng thực trạng những khó khăn, bất cập trong việc dạy VNEN.

Nói cách khác, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới rất có thể đã thu thập các số liệu thực tế tai nghe mắt thấy từ “những vở kịch hoàn hảo”, tất yếu sẽ dẫn đến những kết luận hoàn hảo. Điều này không có gì lạ.

Điều đáng nói ở đây là, tại sao nội dung Báo cáo khẳng định rất rõ Ngân hàng Thế giới không chịu trách nhiệm về tính chính xác của các số liệu, cũng như các vấn đề đặt ra không nhất thiết phản ánh quan điểm của tổ chức này, nhưng các chuyên gia VNEN vẫn viện dẫn báo cáo “như là quan điểm của Ngân hàng Thế giới”?

Ảnh chụp màn hình nửa đầu trang 26 của Báo cáo cho thấy rất rõ vai trò của ông Đặng Tự Ân, ông Nguyễn Vinh Hiển trong việc nhập khẩu mô hình Trường học mới của Colombia về Việt Nam. Xin lưu ý rằng, thời điểm này ông Đặng Tự Ân là Giám đốc điều phối Dự án Giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (PEDC) trị giá gần 250 triệu đô la Mỹ, chủ yếu là tiền đi vay.
Ảnh chụp màn hình nửa đầu trang 26 của Báo cáo cho thấy rất rõ vai trò của ông Đặng Tự Ân, ông Nguyễn Vinh Hiển trong việc nhập khẩu mô hình Trường học mới của Colombia về Việt Nam. Xin lưu ý rằng, thời điểm này ông Đặng Tự Ân là Giám đốc điều phối Dự án Giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (PEDC) trị giá gần 250 triệu đô la Mỹ, chủ yếu là tiền đi vay.

Phần Lời cảm ơn, trang 7, Báo cáo của nhóm tác giả viết:

“Các phát hiện, diễn giải và kết luận thể hiện trong báo cáo này và tất cả các bản khác của báo cáo này hoàn toàn là của các tác giả. 

Họ không nhất thiết phải đại diện cho quan điểm của Ngân hàng Quốc tế về Tái thiết và Phát triển / Ngân hàng Thế giới và các tổ chức liên quan của các Giám đốc diều hành của Ngân hàng Thế giới hoặc các chính phủ mà họ đại diện.”

Hay phần Một số quyền hạn được bảo lưu, trang 185, Báo cáo viết:

“Nghiên cứu này là một sản phẩm của các nhân viên Ngân hàng Thế giới với sự đóng góp từ bên ngoài. 

Những phát hiện, giải thích và kết luận trong nghiên cứu này không nhất thiết phản ánh quan điểm của Ngân hàng Thế giới, Ban điều hành, hoặc các chính phủ mà chúng đại diện. 

Ngân hàng Thế giới không đảm bảo tính chính xác của dữ liệu trong báo cáo này."

Thầy Đặng Tự Ân viết:

“Báo cáo đánh giá tác động của VNEN (gọi tắt là báo cáo) do Ngân hàng Thế giới thực hiện…”

“Ngân hàng Thế giới đã chọn mẫu trên diện rộng, bao gồm 650 trường (một nửa số trường trong Dựa án và nửa còn lại là các trường đối chứng ngoài Dự án) ở 51 tỉnh để khảo sát lặp liên tục trong ba năm học 2013-2014, 2014-2015 và 2015-2016.” 

“Kết quả Báo cáo của Ngân hàng Thế giới đã khẳng định sự phù hợp với xu thế đổi mới giáo dục trên thế giới của VNEN.”

Nói như thầy Ân, phải chăng đang có một sự lẫn lộn hoặc cố tình đánh tráo khái niệm giữa Nhóm tác giả Báo cáo (gồm chính thầy Đặng Tự Ân) với Ngân hàng Thế giới?

Phải chăng ở đây thầy Đặng Tự Ân còn muốn sử dụng tên tuổi, uy tín của Ngân hàng Thế giới vào việc bảo vệ VNEN?

Thầy Đặng Tự Ân có đang vừa đá bóng, vừa thổi còi?

Từ vấn đề nêu ra trên đây, chúng tôi thiết nghĩ sẽ không quá lời khi đặt câu hỏi, phải chăng nguyên Chuyên gia trưởng VNEN đang “vừa đá bóng, vừa thổi còi"?

Vấn đề không chỉ dừng lại ở đây. 

Thực tế, tư tưởng VNEN và phương thức dạy học VNEN ít nhiều đã thấm trong Nghị quyết 29 của Trung ương. 
Đồng thời, có thể hiểu làm VNEN là triển khai một giải pháp theo định hướng của đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, hay nói khác đi đây là một phép thử về nhận thức, về cách làm đổi mới giáo dục...
Ngành Giáo dục cần chủ động bắt tay ngay vào việc này, không nên để lãng phí những gì đã đạt được, do công sức của bao người, để rồi đến lúc nào đó lại phải làm lại từ đầu. 
Hoặc là chúng ta sẽ làm thay đổi thế hệ trẻ Việt Nam, để hội nhập vào sự phát triển của thế giới, theo Nghị quyết 29 của Trung ương và Nghị quyết 88 của Quốc hội;
Hoặc là trì hoãn hay làm chậm các bước đi đổi mới sẽ có lỗi lớn với thế hệ trẻ và rộng hơn là đất nước Việt Nam, sự lựa chọn phụ thuộc vào thái độ và hành động của mỗi chúng ta!"
Ông Đặng Tự Ân, nguyên Chuyên gia trưởng Dự án VNEN

Tại sao Báo cáo mà thầy Đặng Tự Ân nói rằng do Ngân hàng Thế giới triển khai, “của” Ngân hàng Thế giới, nhưng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo không dịch, công bố cho dư luận biết, mà phải để Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông làm việc này?

Điều đó thôi thúc người viết tìm hiểu xem Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông là tổ chức nào? Thành lập từ bao giờ? Ai thành lập?

Chức năng nhiệm vụ của nó là gì? Tổ chức này có mối liên hệ như thế nào với Ngân hàng Thế giới, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Dự án VNEN hay các chuyên gia VNEN?...

Hàng loạt câu hỏi đã được đặt ra.

Nhưng khi “hỏi Gooogle” xem “Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông” là tổ chức nào, thì chỉ nhận được câu trả lời duy nhất, đó là thông tin về một doanh nghiệp / tổ chức mới thành lập trên một số trang về thông tin doanh nghiệp:

Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam.

Địa chỉ trụ sở: Tầng 12, tòa nhà HAREC Building, số 4A phố Láng Hạ,, Quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.

Chủ sở hữu: Đặng Tự Ân

Ngành nghề kinh doanh: K64 - Hoạt động dịch vụ tài chính (trừ bảo hiểm và bảo hiểm xã hội); (Ngành chính). [1]

Quỹ này bắt đầu hoạt động từ khoảng cuối tháng 8/2017.

Tuy nhiên, trong bài báo của thạc sĩ Lưu Vũ Thùy Linh đang công tác tại Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 25/7/2017, thạc sĩ Linh đã kiến nghị:

“Bộ sớm công bố báo cáo đánh giá độc lập về tác động mô hình VNEN do Ngân hàng thế giới cùng các tổ chức giáo dục quốc tế tại Việt Nam đã thực hiện liên tục trong 3 năm học với hàng ngàn học sinh, được lựa chọn ngẫu nhiên, nhằm so sánh kết quả giáo dục giữa hai nhóm học sinh đang học và chưa bao giờ học theo mô hình VNEN.

Tôi được biết đây là cuộc khảo sát có quy mô và bài bản và đã đưa rất nhiều bằng chứng khoa học thực tiễn và rất xác  đáng.

Bộ cũng cần chính thức thông báo tới các địa phương kết quả khảo sát mô hình VNEN cũng như kết quả đánh giá về tài liệu hướng dẫn học của mô hình VNEN.” [2]

Đây cũng chính là 1 trong 2 kiến nghị của thày Đặng Tự Ân với Bộ Giáo dục và Đào tạo qua việc trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên ngày 29/7/2017, không sai một chữ. 

Kiến nghị thứ 2 của thầy Ân cũng thế, chính là điều thạc sĩ Lưu Vũ Thùy Linh đã nói trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam hôm 25/7/2017:

“Các vụ chuyên môn của Bộ cần sớm có kế hoạch tổ chức ngay việc bồi dưỡng, tập huấn lại cho các trường, các địa phương đang tổ chức dạy học theo VNEN.” [3]

Ngày 7/8/2017, 1 tuần trước khi Báo cáo xuất hiện trên website Ngân hàng Thế giới, thầy Đặng Tự Ân lại "hé lộ" trên Báo Tuổi Trẻ:

"Tôi thiết nghĩ, chỉ có giáo viên, cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương các cấp là những người trong cuộc, mới có hiểu biết đầy đủ nhất về mô hình VNEN trong quá trình thực hiện ở tại địa phương.
Từ đó, tiếng nói của những người trong cuộc sẽ rất thuyết phục so với những phát biểu mang tính cá nhân, chủ quan, áp đặt, không có cơ sở và thiếu khách quan ở một số cá nhân khi viết những bài báo phản ánh mang nhiều nội dung tiêu cực về mô hình VNEN."
Thạc sĩ Lưu Vũ Thùy Linh, Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông.

"Theo tôi biết, sắp tới Ngân hàng Thế giới sẽ công bố báo cáo đánh giá tác động VNEN, khẳng định VNEN đi đúng hướng và phù hợp với xu thế đổi mới giáo dục toàn cầu." [4]

Như vậy nếu không có quan hệ mật thiết với nhóm tác giả Báo cáo, thì làm sao thạc sĩ Lưu Vũ Thùy Linh / Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông lại biết trước về một báo cáo khoảng 20 ngày sau đó mới xuất hiện trên website Ngân hàng Thế giới?

Trước ngày 15/8/2017, trên truyền thông dường như chỉ có thầy Đặng Tự Ân và thạc sĩ Lưu Vũ Thùy Linh biết về sự tồn tại của Báo cáo này.

Cả thầy Đặng Tự Ân lẫn thạc sĩ Lưu Vũ Thùy Linh đều chờ đợi, kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo “sớm công báo cáo đánh giá độc lập về tác động mô hình VNEN do Ngân hàng thế giới cùng các tổ chức giáo dục quốc tế tại Việt Nam đã thực hiện”.

Cuối cùng, không phải Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng không phải Ngân hàng Thế giới công bố Báo cáo bằng tiếng Việt, mà là Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông.

Trong khi như trình bày ở phía trên, có nhiều dấu hiệu cho thấy rất có thể quỹ này do thầy Đặng Tự Ân thành lập.

Chuyện này khiến người viết không thể đặt câu hỏi về vai trò của tổ chức này, cũng như mục đích, ý đồ của nó khi công bố Báo cáo và gán Báo cáo ấy là "của Ngân hàng Thế giới".

Thầy Đặng Tự Ân và thạc sĩ Lưu Vũ Thùy Linh có thể giải thích giúp dư luận cả nước về những câu hỏi chúng tôi đặt ra trong bài viết này chăng?

[1]https://doanhnghiepmoi.vn/company/QUY-HO-TRO-DOI-MOI-GIAO-DUC-PHO-THONG-VIET-NAM-85409.html

[2]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Toi-co-may-kien-nghi-VNEN-gui-Bo-Giao-duc-post178401.gd

[3]http://thanhnien.vn/giao-duc/mo-hinh-truong-hoc-moi-di-tiep-hay-dung-lai-860177.html

[4]http://tuoitre.vn/vnen-bi-phan-ung-co-the-vi-giao-vien-chua-biet-cach-day-1365031.htm

Thuận Phương