Hạnh phúc của 'người mẹ' ươm mầm những 'vầng trăng khuyết'

20/11/2021 06:36
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cô giáo Trương Thị Ngọc Hà vinh dự được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhân dịp tôn vinh Nhà giáo Việt Nam năm 2021.

Suốt 12 năm liền là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và nhận được nhiều bằng khen, giải thưởng danh giá, song, có lẽ, với cô giáo Trương Thị Ngọc Hà, tài sản lớn nhất trong 27 năm đứng lớp, chính là niềm hạnh phúc khi được nhìn học sinh trưởng thành.

Những món quà quý giá của học sinh

Vốn không phải giáo viên được đào tạo về giáo dục chuyên biệt, nhưng suốt 27 năm qua, cô giáo Trương Thị Ngọc Hà (sinh năm 1974 - Tổ trưởng tổ Trung học cơ sở, trường chuyên biệt Tương Lai, thành phố Đà Nẵng) vẫn luôn là người mẹ tận tâm dìu dắt những “vầng trăng khuyết” từng bước trưởng thành.

Nhớ lại những ngày đầu bén duyên với môi trường này, cô giáo Hà không ngần ngại chia sẻ: “Thú thật, lúc mới về trường nhận công tác, tôi cũng không khỏi bỡ ngỡ và lo lắng, không biết liệu mình có thể kết nối được với các em hay không...

Rồi khi đó, tôi được xem một tiết mục văn nghệ rất đặc biệt, do chính các em học sinh khuyết tật thính giác trong trường thể hiện.

Cô giáo Trương Thị Ngọc Hà. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Cô giáo Trương Thị Ngọc Hà. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Một dòng suy nghĩ dội thẳng vào đầu tôi khi đó là: “Các em học sinh ấy thậm chí còn không nghe được âm thanh, nhưng lại có thể biểu diễn một tiết mục tròn trịa và hay đến vậy... Vậy thì có lý nào mà mình không thể làm được?!”.

Và thực sự khi nhìn các em ấy, tôi tự dưng thấy thương nhiều lắm, nên tự nhủ mình phải thật nỗ lực, quyết tâm ở lại, gắn bó với các em”.

Có lẽ, chính lòng nhiệt thành và sự tâm huyết với học sinh ấy đã dẫn lối cho cô giáo Trương Thị Ngọc Hà, luôn dành những tình thương yêu đong đầy nhất cho học sinh của mình.

Suốt nhiều năm liền, cô là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, và là một trong số ít những giáo viên được nhận giải thưởng Võ Trường Toản tại Đà Nẵng.

Người mẹ bên những “vầng trăng khuyết”. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Người mẹ bên những “vầng trăng khuyết”. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Và mới đây, cô giáo Ngọc Hà cũng vinh dự được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhân dịp tôn vinh Nhà giáo Việt Nam năm 2021.

Với cô, có lẽ đó là nguồn động lực vô cùng lớn trong sự nghiệp “trồng người”. Song, niềm hạnh phúc lớn lao nhất mà cô nhận được chính là được nhìn thấy học sinh của mình tốt lên từng ngày.

“Chỉ cần nhìn thấy một học sinh nào tiến bộ hơn so với những buổi học trước, dù chỉ là một chút xíu, cũng đã là niềm vui rất lớn đối với tôi. Chẳng hạn như thấy các em biết tự gài nút áo, biết tự rót nước uống, rửa ly... có thể, những chuyện đó thật đơn giản với các em học sinh không khuyết tật, nhưng với các em ở đây, thì đó là những điều rất quý giá...

Và điều khiến tôi vui nhất, chính là sau khi các em ra trường, trưởng thành, rồi kết hôn, các em vẫn nhớ tới và mời tôi đến dự lễ cưới. Bất kể thời tiết nắng mưa, đường sá gần xa ra sao, tôi cũng phải đến dự bằng được, đến để được nhìn thấy những “đứa con” ngày nào của mình đang hạnh phúc. Cũng một phần vì lẽ đó, mà học sinh cũng thường rất coi trọng tình cảm của tôi dành cho chúng”, cô Hà tâm sự.

Cô Hà chia sẻ về món quà ngày 20/11 ấn tượng nhất. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Cô Hà chia sẻ về món quà ngày 20/11 ấn tượng nhất. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Nhắc đến một món quà ý nghĩa nhân dịp 20/11, nữ giáo viên hướng mắt lên phía bức tường phòng khách: “Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày lễ là tôi lại nhận được những món quà kỷ niệm từ học trò của mình, món quà nào cũng đều có những ý nghĩa riêng và tôi đều lưu giữ cẩn thận. Nhưng có lẽ, ấn tượng nhất đối với tôi chính là một món quà mà tôi được nhận từ 7 năm trước. Đó là năm học cuối trước khi bạn ấy ra trường, nên bạn ấy đã mang đến trường, tặng tôi một bức tranh.

Bức tranh ấy vẽ 3 cái cây. Và theo lý giải của bạn ấy, thì cái cây ở chính giữa biểu trưng cho cô giáo; còn 2 cái cây ở 2 bên là tượng trưng cho các bạn nam và các bạn nữ trong lớp. Cô giáo thì luôn ở bên cạnh để che chở cho học sinh, còn học sinh thì luôn muốn quây quần bên cô một cách ấm áp... Nghe xong, tôi thực sự rất xúc động. Một học sinh khuyết tật, lại có thể có suy nghĩ sâu sắc như vậy, khiến tôi thực sự nghẹn ngào... Bức tranh ấy vẫn luôn được tôi treo trang trọng ở nhà trong suốt 7 năm qua”.

Và đó chính xác là những gì mà cô giáo Ngọc Hà luôn trân trọng, là “kho báu vô giá” mà cô gom góp được trong suốt những năm tháng miệt mài bên học trò, theo lời chia sẻ của cô.

Nữ giáo viên hăng hái xông pha hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19 tại địa phương. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Nữ giáo viên hăng hái xông pha hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19 tại địa phương. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Lan tỏa những điều tốt đẹp nhất

Với suy nghĩ luôn đặt chữ “tâm” vào giáo dục, cô giáo Trương Thị Ngọc Hà cũng có không ít lần giúp đỡ cuộc sống của học trò vì quá thương.

Đáng nhớ nhất, có lẽ là câu chuyện của một nam sinh cách đây khoảng 4 năm. Cô kể: “Thông thường, tôi cũng rất chú ý đến hoàn cảnh của các em học sinh, quan sát để thấu hiểu, nếu các em có chuyện gì thì sẽ biểu hiện nay cả trong thái độ học tập. Đợt đó, tôi để ý thấy mẹ của em ấy đến đón nhưng lại không đi xe máy giống mọi lần, sau một hồi hỏi han, được biết, do công việc làm ăn của bố em ấy không được thuận lợi, nên lâm vào cảnh khánh kiệt, phải bán cả chiếc xe máy thường dùng đi để trả nợ...

Cô giáo Trương Thị Ngọc Hà vinh dự được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Cô giáo Trương Thị Ngọc Hà vinh dự được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Thương quá, tôi cũng không biết phải làm thế nào, vì gia đình mình cũng chẳng khá giả gì. Sau một hồi trăn trở, tôi cũng nghĩ ra cách. Tôi kết nối, kêu gọi mọi người giúp đỡ thêm một số đồ dùng cần thiết và đóng tiền ăn bán trú cho em ấy...

Rồi tôi quyết định tặng lại gia đình em ấy chiếc xe máy của nhà tôi, để gia đình có phương tiện đi lại, đón đưa em ấy đi học và có thể lo liệu công việc dễ dàng hơn.

Tôi cũng nhắn với mẹ em ấy, sau này, nếu gia đình vượt qua được giai đoạn khó khăn đó, thì có thể gửi tặng lại chiếc xe cho gia đình nào cần đến. Tôi nghĩ đó là cách để lan tỏa những điều tốt đẹp”.

Ngoài giờ giảng dạy trên lớp, cô Hà còn từng có trải nghiệm rất đáng nhớ, khi hỗ trợ Đội Cảnh sát Hình sự (Công an quận Sơn Trà) trong điều tra và giáo dục tội phạm là người khuyết tật.

Luôn muốn lan tỏa những điều tốt đẹp, cô Hà tham gia rất nhiều hoạt động ý nghĩa ngoài giờ giảng dạy. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Luôn muốn lan tỏa những điều tốt đẹp, cô Hà tham gia rất nhiều hoạt động ý nghĩa ngoài giờ giảng dạy. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát tại thành phố Đà Nẵng, cô Hà cũng là một trong những giáo viên xung phong trực chốt kiểm soát dịch tại địa phương. “Chúng tôi được cấp thẻ để di chuyển, nên tôi nhận nhiệm vụ đi chợ giúp người dân luôn. Ai cần mua thuốc hay đi khám bệnh, là tôi giúp liền...

Đồng thời, tôi cũng cố gắng mua lương thực, thực phẩm hỗ trợ các gia đình ở trọ hay có hoàn cảnh khó khăn. Tôi tâm niệm “Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”, nên trong đợt dịch này, khi thu nhập của mình vẫn còn được tính bằng tiền triệu, thì có rất nhiều gia đình, thu nhập chỉ được tính bằng từng nghìn một... Thương lắm! Nên là tôi cứ nghĩ, sức mình giúp được đến đâu thì hay đến đó”.

Trong lúc thành phố đang thực hiện giãn cách, một đồng nghiệp của cô Trương Thị Ngọc Hà trở thành F1 nên phải đi cách ly tập trung, bỏ lại 2 đứa con thơ ở khu nhà tập thể. Vì vậy, tranh thủ những lúc đã xong nhiệm vụ, cô Hà thường xuyên động viên, hỏi han xem đồng nghiệp thiếu gì thì tiếp tế; đồng thời, cô cũng ghé nhà thăm 2 đứa trẻ và hỗ trợ từ những điều nhỏ nhất.

“Đáng lẽ, đồng nghiệp của tôi có kết quả xét nghiệm âm tính, chỉ cần cách ly 14 ngày thôi, nhưng đến đêm thứ 13, lại phát hiện một ca dương tính trong đó, nên cô ấy lại tiếp tục hành trình cách ly thêm 14 ngày ở nơi khác. Vậy là gần như cả tháng trời, cô ấy không được ở nhà, rất lo lắng cho 2 đứa nhỏ, nên tôi phải động viên liên tục, bảo đừng lo, vì đã có mọi người ở nhà cùng quan tâm, săn sóc... Đó có lẽ cũng là những ngày không quên của tất cả chúng tôi”, cô Hà nhớ lại.

Khép lại cuộc trò chuyện, cô giáo Ngọc Hà bày tỏ: “Tôi hy vọng, các đồng nghiệp, và đặc biệt là những đồng nghiệp trẻ, hãy luôn giữ ngọn lửa yêu nghề trong tim, luôn đồng hành và thương yêu học trò. Nhất là với những giáo viên dạy nhóm trẻ yếu thế như chúng tôi, bởi tính tình học sinh có thể thay đổi thất thường lắm, nên để gắn bó được với nghề, cần lắm, sự kiên trì, nhẫn nại và yêu thương bằng cả trái tim”.

Ngân Chi