Mong muốn có một cuộc sống hạnh phúc là mơ ước của tất cả mọi người. Nhưng quan niệm về hạnh phúc cũng thật rộng lớn. Phần lớn cảm giác ấy ùa đến khi con người ta có được tiền bạc, địa vị, sắc đẹp, tiện nghi…
Chỉ một số ít thấy rằng hạnh phúc nhiều lúc đến từ cảm thọ giác quan, từ những điều tưởng chừng rất nhỏ bé, nhưng mang lại niềm vui, hạnh phúc cho mọi người, và cũng là cảm giác hạnh phúc của chính mình.
Miên man trong dòng suy nghĩ ấy, tôi chợt nhớ tới doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên – Lãnh sự danh dự Nước Cộng hòa Nam Phi tại TP. Hồ Chí Minh – một người phụ nữ đã dành rất nhiều thời gian, tâm sức cho các hoạt động từ thiện.
Và rồi vào một buổi sáng chớm Thu, tôi có dịp gặp lại chị. Bên ly cà phê ấm áp, ánh mắt chị xa xăm, bảo rằng chẳng thể nào bình tâm trước những mảnh đời bất hạnh. Vừa mới hôm qua, chị đi chợ mua lược, mua gương, những chiếc dây buộc tóc, quần áo, trầu cau… tặng cho các cụ già nương nhờ cửa phật – Chùa Lâm Quang (quận 8, TP.HCM).
Chị Liên tâm sự: “Nhìn các cụ tuổi đã gần đất xa trời khổ sở thật không cầm được nước mắt. Có người không gia đình, có người thì bị con cháu hắt hủi…các cụ không buồn vì thiếu thốn vật chất, mà buồn vì chẳng còn sống được bao lâu nhưng lúc nào cũng thiếu thốn tình cảm.
Mình vào thăm rồi trò chuyện với các cụ, đi chợ tự tay chọn mấy món đồ về biếu các cụ. Người ta bảo các cụ già cũng giống trẻ nhỏ, được tặng quà dù nhỏ thôi nhưng rất thích. Được quan tâm sẽ cảm thấy ấm áp hơn trong lòng”.
Doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên vốn là một cô giáo dạy Văn, sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo tại tỉnh Vĩnh Phúc. Chị là nữ doanh nhân duy nhất của Việt Nam hiện nay là Lãnh sự Danh dự nước Cộng hòa Nam Phi tại TP.HCM. ảnh: Ngọc Quang. |
Từ ngày còn là người đứng đầu Công ty bảo hiểm AAA cho tới khi lui về hậu trường, tạm rời xa công việc kinh doanh, chị vẫn luôn sắp xếp thời gian để tháng nào cũng đến với những mảnh đời bất hạnh, đến với những số phận không may mắn.
Chị đã tặng hàng tỷ đồng để xây cầu cho bà con nghèo ở huyện Ngọc Hồi, tỉnh KonTum; xây trường học cho các cháu học sinh dân tộc thiểu số. Ủng hộ hàng chục tỷ đồng xây nhà tình thương cho đồng bào nghèo ở tỉnh Bình Phước, Trà Vinh, Hậu Giang; xây nhà tang lễ cho bà con ở Vĩnh Phúc. Sẻ chia mất mát đau thương với người dân miền Trung mỗi khi có bão lũ.
Tài trợ hàng tỷ đồng cho Quỹ học bổng Vừ A Dính xây dựng trường mầm non tại vùng sâu vùng xa trên địa bàn các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Ninh Bình; tặng quà cho trẻ em cơ nhỡ tại các mái ấm tình thương Ga Sài Gòn, chùa Liên Hoa, chùa Huyền Trang, chùa Linh Sơn… và bất cứ nơi nào chị biết được ở đó đang cần đến sự giúp đỡ của mình.
Doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên chia sẻ, mỗi khi có dịp thuận lợi, chị lại đưa các con đi cùng những chuyến từ thiện. Đó là cách để con trẻ biết yêu thương, san sẻ với người bất hạnh hơn mình. |
Cảm thương trước những hoàn cảnh như cháu Ari-Phin ở tỉnh An Giang mới 4 tuổi đã mất cả cha lẫn mẹ trong một vụ tai nạn giao thông, chị đã nhận nuôi cháu đến khi trưởng thành. Và còn rất nhiều những học sinh nghèo vượt khó đều được chị tặng học bổng để được tiếp tục đến trường.
Bất kể thời gian nắng mưa hay bão lũ, cho dù vô cùng bận rộn với hàng núi công việc mỗi ngày, nhưng chị luôn sắp xếp thời gian hàng tháng để đến được với người nghèo, với những hoàn cảnh cần giúp đỡ.
Chị lặn lội từ tận TP. Hồ Chí Minh ra Phú Thọ, Bắc Ninh để trao tận tay học sinh những cặp phao cứu nạn để các cháu yên tâm tới trường. Chị tổ chức các buổi liên hoan nhỏ vô cùng ấm áp cho các cháu học sinh khiếm thị ngay trong ngôi nhà của mình.
Chị Liên tâm sự: “Mỗi chuyến đi dù dài hay ngắn cũng phải mất mấy ngày sau mình mới hồi phục được sức khỏe. Không phải vì bị mệt, mà vì khi nhìn thấy những hoàn cảnh đáng thương, những số phận không may mắn ấy hình như năng lượng trong con người mình cứ cạn dần đi.
Cũng vì thế, mình nghĩ không chỉ biếu mọi người ít tiền là xong, mà cần hơn là sự chăm sóc, thăm nom. Thật hạnh phúc khi được các cụ gọi mình là con. Thật hạnh phúc khi được các cháu nhỏ gọi mình bằng mẹ và lắng nghe trái tim mách bảo rằng hãy sẻ chia những niềm hạnh phúc mình đang có với mọi người”.
Người phụ nữ đầy lòng trắc ẩn luôn quan tâm tới các em nhỏ không may mắn. ảnh: NV. |
Chị cũng chia sẻ quan điểm rất thú vị, đấy là làm từ thiện không cần phải chờ tới lúc giàu có mới làm. Từ thiện là việc làm tự nguyện, chỉ cần mình may mắn hơn người khác một chút vẫn có thể làm.
Thế nên dù phải đối diện với vô vàn khó khăn trên con đường kinh doanh, chồng của chị - doanh nhân Lê Toàn và các con luôn ủng hộ chị chia sẻ những may mắn với người nghèo, với những hoàn cảnh không may mắn.
Và, chị thường chọn cách làm từ thiện lặng lẽ như vậy, nếu không có dịp gặp lại tôi cũng chẳng thể biết được những “bí mật” ấy.
Ngọn lửa yêu thương ấy của chị đã đánh thức thêm nhiều tấm lòng của các bạn trẻ, để rồi có hàng trăm, hàng nghìn bạn trẻ tình nguyện tham gia chương trình “Nhà sạch đón Tết”.
Số tiền thù lao có được từ việc làm đầy ý nghĩa ấy được gom góp để gói bánh trưng, mua quần áo, đồ dùng... mang yêu thương, ấm áp đến với người già neo đơn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt... được đón một cái Tết chan chứa tình yêu thương.
Ngọn lửa yêu thương của chị đã truyền tới hàng nghìn bạn trẻ, phát động chương trình "Nhà sạch đón Tết", để mang niềm vui tới cho mọi người. ảnh: NV. |
Xuất thân từ một gia đình trí thức nghèo khó ở vùng quê Vĩnh Phúc. Thời tuổi trẻ, chị vốn là một cô giáo dạy Văn được nhiều học trò yêu mến. Sau nhiều năm tháng gian khổ, chị trở thành người phụ nữ duy nhất của Việt Nam vừa là doanh nhân vừa là chính khách, được hàng triệu người ngưỡng mộ.
Nhưng cho dù đích đến có là đâu và người đời có trân trọng gọi chị bằng bao nhiêu danh xưng, thì trở về với đúng bản ngã, cũng là xuất phát điểm của mình, chị là một người mẹ, người vợ bình thường của gia đình. Để rồi, chị đem trái tim của một người mẹ đối đãi với tất cả trẻ thơ sống quanh mình.
Chị luôn mong muốn, mỗi việc làm của mình, từng ngày, từng ngày một sẽ mang lại niềm vui cho những cụ già không nơi nương tựa; mang đến niềm vui cho những em nhỏ không may mắn, để các em bước tiếp những chặng đường dài.
Để rồi một ngày nào đó khi đã trưởng thành, các em lại dang rộng vòng tay với những mảnh đời bất hạnh, giống như những gì "mẹ Liên" đang làm. Chỉ đơn giản rằng, khi mang lại niềm vui, hạnh phúc cho mọi người thì đó cũng là cảm giác hạnh phúc của chính mình.