Được mang thiết bị điện tử
Nội dung sửa đổi đáng chú ý nhất là việc sửa đổi quy định về các vật dụng được phép mang vào phòng thi. Theo đó, thí sinh được mang bút viết, thước kẻ, bút chì đen, tẩy chì, thước vẽ đồ thị, dụng cụ vẽ hình... Tuy nhiên, nếu quy chế hiện hành nêu rõ: “các vật dụng này không được gắn linh kiện điện, điện tử” thì dự kiến sửa đổi không còn quy định này.
Bộ GD-ĐT lý giải cho việc bãi bỏ “lệnh” cấm thí sinh mang vật dụng gắn linh kiện điện, điện tử là nhằm “tăng cường các biện pháp chống tiêu cực trong tổ chức thi, góp phần làm trong sạch, lành mạnh hóa thi cử”.
Tuy nhiên, dự thảo cũng quy định rõ hơn chế tài xử lý các hành vi vi phạm quy chế.
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, nếu cứ giữ các dạy và học hiện nay thì sẽ còn những vụ tiêu cực thi cử khác sớm được phơi bày. |
Theo đó, thí sinh sẽ bị đình chỉ và hủy kết quả thi nếu mang thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi (đã hoặc chưa sử dụng). Ngoài ra, vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, bia, rượu cũng được bổ sung vào danh mục cấm này.
Rút ra từ thực tiễn vụ gian lận thi cử ở Đồi Ngô (Bắc Giang), hành vi nhận bài giải sẵn của người khác (đã hoặc chưa sử dụng); chuyển giấy nháp, bài thi cho thí sinh khác hoặc nhận giấy nháp, bài thi của thí sinh khác; cố tình không nộp bài thi, dùng bài thi hoặc giấy nháp của người khác để nộp làm bài thi của mình hoặc làm bài giống nhau do chép bài của nhau... cũng được bổ sung vào các hành vi vi phạm quy chế thi, bị đình chỉ và hủy kết quả bài thi.
Tiếp nhận phản ánh tiêu cực
Dự thảo này cũng bổ sung nội dung chưa hề có trong quy chế hiện hành, đó là việc xử lý thông tin phản ánh về tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Cụ thể, nơi tiếp nhận thông tin, bằng chứng về vi phạm quy chế thi được quy định là Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT Trung ương, Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh (thành phố) hoặc thanh tra giáo dục các cấp.
Về phía người cung cấp thông tin và bằng chứng về vi phạm quy chế thi: phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin và bằng chứng đã cung cấp, không được lợi dụng việc làm đó để gây ảnh hưởng tiêu cực đến kỳ thi.
Người có bằng chứng về vi phạm quy chế thi có trách nhiệm gửi bằng chứng cho nơi tiếp nhận trong vòng 7 ngày, tính từ khi kết thúc ngày thi.
Tổ chức, cá nhân tiếp nhận thông tin và bằng chứng về vi phạm quy chế thi phải có trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận thông tin, bảo quản bằng chứng theo quy định; xác minh tính xác thực của thông tin và bằng chứng theo thẩm quyền hoặc chuyển thông tin, bằng chứng đến cơ quan có thẩm quyền xác minh, xử lý; triển khai kịp thời các biện pháp ngăn chặn tiêu cực, vi phạm quy chế thi theo thông tin đã được cung cấp; xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền để xử lý và công bố công khai kết quả xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy chế thi.
Dự thảo cũng nêu rõ bộ phận tiếp nhận phải có trách nhiệm bảo mật thông tin và danh tính người cung cấp thông tin.