Tiến sĩ Van Jackson, ảnh: The Diplomat. |
Tờ The National Interest ngày 29/5 đăng bài phân tích của tiến sĩ Van Jackson, thành viên thỉnh giảng Trung tâm An ninh mới Hoa Kỳ và Hội đồng Quan hệ Đối ngoại quốc tế bình luận, các nước châu Á hãy coi chừng chiến lược mập mờ của Trung Quốc. Chiến lược quân sự mới của gã khổng lồ này rất mới và hung hăng hơn nhiều chứ không đơn giản như một số người vẫn nghĩ. Bắc Kinh không chỉ nhắc lại sự "sẵn sàng chiến đấu với các nước láng giềng trên tất cả các điểm nóng quen thuộc trong khu vực", mà còn công khai tham vọng bên ngoài đường lưỡi bò.
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc phụ thuộc vào thị trường toàn cầu và khả năng tiếp cận các nguồn lực toàn cầu. Quá trình toàn cầu hóa nền kinh tế Trung Quốc đã dẫn đến tham vọng "toàn cầu hóa lợi ích" của Trung Quốc. Chiến lược quân sự mới của Trung Nam Hải đã tuyên bố cần phải triển khai sức mạnh quân sự trên toàn cầu để bảo vệ lợi ích quốc gia của nó. Với một số người, những phát biểu đao to búa lớn trong sách trắng quốc phòng mới của Bắc Kinh là bình thường, không có lý do gì để băn khoăn.
Nhưng những ai quan tâm đến khả năng quân sự của Trung Quốc thì tài liệu này cho thấy một bước ngoặt. Quân đội nước này sẽ không còn tập trung tối ưu cho riêng các chiến dịch quân sự địa phương, ven biển mà sẽ mở rộng cấu trúc tổng thể, đặc biệt nhấn mạnh lĩnh vực hàng hải, nâng cao trình độ triển khai sức mạnh ra phạm vi ngoài khu vực. Bát chấp phản đối, nó sẽ tìm kiếm các căn cứ và mạng lưới truy cập toàn cầu.
Đến nay Bắc Kinh vẫn tuyên bố không tìm kiếm các căn cứ ở nước ngoài, nhưng một số mạng lưới căn cứ lại rất cần thiết để họ duy trì quyền lực toàn cầu ở một khoảng cách không đơn giản cứ bắn tên lửa vào mục tiêu là xong.
Đối với các nước láng giềng ở châu Á đang lo lắng, chiến lược quân sự mới của Trung Quốc sẽ không xuống thang trong các tranh chấp lãnh thổ hiện tại, thậm chí còn ám chỉ một số tranh chấp có thể dễ bùng nổ. Điển hình là Biển Đông và Hoa Đông, Bắc Kinh đang dần tạo ra tiền lệ mới với việc bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp) trên các vùng biển (nước này nhảy vào) tranh chấp.
Sách trắng quốc phòng mới của Trung Quốc cho thấy rõ thực tế quân đội nước này ngày mai sẽ lớn mạnh và sẵn sàng chiến đấu, đánh bại những nước họ cho là đối thủ hơn ngày hôm nay. Điều đáng nói là việc cân bằng sức mạnh quân sự của Trung Quốc vẫn là điều khó khăn hơn bao giờ hết. Các nước láng giềng có liên quan dễ bị tổn thương nhưng lại đang dễ bị Bắc Kinh qua mặt, lừa gạt với những tuyên bố trỗi dậy hòa bình, hữu nghị, hợp tác.
Lính Trung Quốc, hình minh họa. |
Thay vì nói thẳng vào các cuộc tấn công quân sự "tiên phát chế nhân", sách trắng quốc phòng Trung Quốc lại nói về "phòng thủ chủ động", "phòng thủ bằng tấn công" và "sẵn sàng cho đấu tranh quân sự". Câu trên vừa nói "hòa bình, phát triển và hợp tác cùng có lợi đã trở thành trào lưu không thể cưỡng lại của thời đại", thì ngay câu dưới Trung Quốc đưa ra hàng loạt cái gọi là "mối đe dọa mới từ chủ nghĩa bá quyền, quyền lực chính trị."
Lầu Bát Nhất khẳng định môi trường an ninh xung quanh Trung Quốc "nói chung là thuận lợi", nhưng toàn bộ sách trắng quốc phòng lại trình bày việc làm thế nào để đối phó với những gì Trung Quốc cho là thách thức với lợi ích ngày càng mở rộng của họ. Từ đó nó đòi hỏi Trung Quốc phải có một quân đội lớn hơn, đa dạng hơn, cơ cấu tinh gọn hơn bao giờ hết.
Quan chức Trung Quốc vẫn rêu rao rằng nước này "không bao giờ muốn làm bá chủ, bành trướng", nhưng sách trắng quốc phòng của họ lại đòi triển khai sức mạnh quân sự trên toàn cầu để bảo vệ lợi ích toàn cầu. Trên Biển Đông, Bắc Kinh vu cáo láng giềng "khiêu khích, củng cố hiện diện quân sự bất hợp pháp" thì chính bản thân họ lại đã và đang bồi lấp xây dựng (trái phép) 7 đảo nhân tạo to như tàu sân bay với các căn cứ quân sự ở vùng biển (Trung Quốc nhảy vào) tranh chấp.
Sách trắng quốc phòng Trung Quốc năm 2015 là sự thể hiện đầy đủ nhất chiến lược mập mờ đánh lận con đen trong khi các nội dung cứ mâu thuẫn, đối nghịch nhau chan chát. Lập lờ về quân sự không phải thủ đoạn gì mới mẻ, nhưng hậu quả của nó là làm tăng các vết nứt ở châu Á, tạo ra chia rẽ trong nhận thức.