Hạm đội Nam Hải tập trận trên Biển Đông, ảnh: Đa Chiều. |
Đa Chiều ngày 28/5 bình luận, hôm 26/5 Bộ Quốc phòng Trung Quốc công bố sách trắng quốc phòng năm 2015, khi đánh giá về tình hình an ninh khu vực đã đưa đích danh Mỹ, Nhật Bản và bóng gió "một số quốc gia cá biệt ở Biển Đông" ám chỉ Việt Nam, Philippines vào (cái gọi là) danh sách đen của quân đội nước này.
Giới quan sát cho rằng sách trắng quốc phòng năm nay phản ánh ý đồ chiến lược của giới lãnh đạo Trung Nam Hải. Xung quanh đề tài "đấu tranh quân sự trên biển", Trung Quốc yêu cầu tất cả các quân binh chủng sẵn sàng chiến đấu cho thấy một thông điệp cứng rắn, thậm chí là "nồng mùi thuốc súng" và bầu không khí Chiến tranh Lạnh.
Trên thực tế theo Đa Chiều, nếu một lúc nào đó Trung Quốc buộc phải đánh một trận để thực hiện cái Bắc Kinh gọi là "phá vòng vây", thì trận chiến đó sẽ diễn ra trên biển. Mức độ khốc liệt của cuộc chiến sẽ phụ thuộc vào mức độ Bắc Kinh cho rằng trận địa "phòng ngự tích cực" của họ bị "xâm phạm" đến đâu, đặc biệt là các động thái của Hoa Kỳ.
Bắc Kinh vẫn nói rằng sách trắng quốc phòng này không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào, nhưng kỳ thực trong đánh giá của Lầu Bát Nhất về môi trường an ninh xung quanh Trung Quốc vẫn xác định Mỹ, Nhật Bản là mối uy hiếp, đồng thời dùng lối nói ám chỉ Việt Nam, Philippines đang "thách thức" họ (?!).
Đa Chiều bình luận, trên thực tế sách trắng quốc phòng năm nay Trung Quốc đã đưa Mỹ, Nhật Bản, Việt Nam, Philippines vào "tầm ngắm" chiến lược quân sự quốc gia, hoặc nói thẳng ra là 4 nước này trở thành "kẻ địch giả tưởng" chiến lược của Trung Quốc.
Bản chất quan hệ giữa Trung Quốc với các nước này đã tồn tại sự mất lòng tin và ý đồ không minh bạch được tích lũy trong thời gian dài chứ không phải chuyện một sớm một chiều, Đa Chiều bình luận, đặc biệt là trục quan hệ Trung - Mỹ. Từ Hoa Đông cho đến Biển Đông, chỗ nào cũng có thể biến thành một thùng thuốc súng.
Có điều lần này "danh sách đen" của Lầu Bát Nhất đã đặt cả Việt Nam và Philippines là 2 quốc gia Bắc Kinh ám chỉ (vu cáo) khiêu khích yêu sách chủ quyền (vô lý, phi pháp) của Trung Quốc ở Biển Đông, lần đầu tiên Trung Nam Hải đặt 2 quốc gia láng giềng này vào "tầm ngắm PLA".
Dương Vũ Quân, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc. |
Sách trắng quốc phòng Trung Quốc năm 2015 nói rằng: "Quân đội Trung Quốc cần phải chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu trong lĩnh vực an ninh và an ninh mới, làm tốt công tác chuẩn bị sẵn sàng phản ứng với các sự kiện bất ngờ, đối phó với xung đột vũ trang để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia, giữ gìn lợi ích biển quốc gia." Nội dung này được cho là phản ánh thái độ cứng rắn của Lầu Bát Nhất. Các quân binh chủng bao gồm Tên lửa chiến lược đều được nhắc nhở sẵn sàng chiến đấu trong sách trắng quốc phòng năm nay.
Trong cuộc họp báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, phóng viên đài CNN đặt câu hỏi liệu Trung Nam Hải sẽ phản ứng ra sao khi Mỹ tiếp tục không nhượng bộ, duy trì tuần tra vùng biển quốc tế sát các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng (bất hợp pháp), liệu có khả năng xảy ra xung đột đối đầu như Thời báo Hoàn Cầu hôm 25/5 bình luận hay không. Dương Vũ Quân đã không trả lời vào câu hỏi này, chỉ nói rằng đó là quan điểm cá nhân của Thời báo Hoàn Cầu.
Đa Chiều cho rằng, Thời báo Hoàn Cầu vốn nổi tiếng là tờ báo hiếu chiến, chuyên kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Trung Quốc nên những nội dung như bài xã luận hôm 25/5 có lẽ chỉ là "quan điểm, cá tính" riêng của tờ báo này. Nhưng không có gì nghi ngờ rằng sách trắng quốc phòng Trung Quốc năm nay đã thể hiện rất rõ "giới hạn cuối cùng và ý đồ" của Trung Nam Hải, thậm chí nói rõ về việc chuẩn bị cho chiến tranh trên biển, sẵn sàng chiến đấu.
Nếu các quốc gia trong cái gọi là "danh sách đen của PLA" không hiểu điều này, rất khó tưởng tượng rằng, đằng sau cái gọi là "phòng ngự tích cực hay phòng ngự ở thế tấn công" Bắc Kinh sẽ loại trừ khả năng phản chế, tấn công đối phương. Lúc đó xung đột không có cách nào tránh được, Đa Chiều đe dọa.
Mặc dù trong một khoảng thời gian nhất định trước mắt Trung Quốc và Mỹ có thể vẫn thận trọng gườm nhau trên Biển Đông hoặc Washington lo ngại Bắc Kinh được đằng chân lân đằng đầu, Mỹ có thể bắt buộc phải nổ súng cảnh cáo rồi rút, Đa Chiều giả định.
Nhưng đó sẽ không phải là những gì Philippines, Việt Nam hay Nhật Bản có thể làm, Đa Chiều bình luận. Nếu 3 nước này có những động thái đối đầu với Bắc Kinh dù không nguy hiểm như Trung Quốc đối đầu trực tiếp với Mỹ, Trung Nam Hải sẽ vẫn phát động tấn công quy mô nhỏ "chớp nhoáng như năm xưa cất quân đánh Việt Nam" (ám chỉ trận chiến Trung Quốc xâm lược Gạc Ma và 5 bãi đá ở Trường Sa năm 1988?)