Hiệu trưởng, giáo viên cùng học tiếng dân tộc để vận động học sinh ra lớp 100%

20/10/2022 07:00
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cô giáo Mai Khanh và tập thể giáo viên đã nỗ lực không ngừng nghỉ để tạo cơ hội cho học sinh nơi vùng cao có cơ hội được cọ sát tại các cuộc thi lớn.

Mặc dù có gần 80% học sinh là người dân tộc thiểu số, Trường Tiểu học Đông Ngũ II (huyện Tiên Yên, Quảng Ninh) những năm gần đây luôn duy trì tốt chất lượng đại trà và công tác mũi nhọn không ngừng được nâng cao.

Đây là sự nỗ lực của tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường và đặc biệt là sự tâm huyết, dìu dắt của cô giáo Nguyễn Mai Khanh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Ngũ II.

Sau khi tốt nghiệp sư phạm năm 2001, cô giáo Mai Khanh được phân công công tác tại Trường Tiểu học Đông Ngũ (huyện Tiên Yên, Quảng Ninh). Đến tháng 8/2003, cô chuyển công tác về Trường Tiểu học Đông Ngũ II và gắn bó cho đến nay.

Quá trình công tác, cô được tin tưởng trao nhiệm vụ Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Ngũ II vào tháng 11/2011. Đến tháng 8/2017, cô được bổ nhiệm chức danh Hiệu trưởng nhà trường.

Nỗ lực duy trì chất lượng đại trà

Chia sẻ cùng phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo Mai Khanh cho biết, nhà trường hiện có đến gần 80% học sinh là người dân tộc Dao Thanh phán (trước là trên 80%) nên những năm trước đây, việc duy trì sĩ số cũng như chất lượng đại trà của nhà trường rất khó khăn vì còn phải vận động học sinh ra lớp.

Xác định nền tảng để nâng cao công tác ôn luyện cho học sinh tham gia các cuộc thi, bước đầu cần ổn định, duy trì chất lượng đại trà, với cương vị nhà quản lý, cô đã áp dụng nhiều biện pháp hiệu quả để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp.

Cô giáo Mai Khanh đã áp dụng nhiều biện pháp hiệu quả để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp nhằm duy trì chất lượng đại trà (Ảnh: Phạm Linh)

Cô giáo Mai Khanh đã áp dụng nhiều biện pháp hiệu quả để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp nhằm duy trì chất lượng đại trà (Ảnh: Phạm Linh)

Cô giáo Mai Khanh chia sẻ: “Để có thể kết nối, nắm bắt hoàn cảnh từng học sinh và có phương án triển khai công tác tuyên truyền, tôi và giáo viên mỗi người đều là một tuyên truyền viên.

Bản thân tôi và một số giáo viên đã đi học chứng chỉ tiếng dân tộc để có thể giao tiếp, vận động phụ huynh cho con đi học.

Ngoài ra, còn có chứng chỉ của Thư viện thiết bị để tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số.

Những năm gần đây, công tác tuyên truyền phối hợp giữa nhà trường, thầy cô, phụ huynh học sinh và địa phương để vận động học sinh ra lớp đạt 100%, chất lượng đại trà ngày càng giữ vững. Đây là minh chứng cho sự nỗ lực của tập thể giáo viên nhà trường.

Một điểm thuận lợi nữa là khi nhà trường thực hiện việc dồn ghép điểm các trường lẻ. Sau khi dồn ghép, học sinh được học tập ở môi trường học tập tốt hơn, được rèn luyện kỹ năng sống cũng như được học 2 buổi/ngày.

Khi đã đảm bảo được nền tảng, tôi cùng các đồng nghiệp lại tiếp tục hành trình nâng cao chất lượng mũi nhọn, tạo điều kiện cho các con có cơ hội cọ sát tại những cuộc thi dành cho học sinh tiểu học cấp huyện, cấp tỉnh và quốc gia”.

Đội ngũ giáo viên là căn cơ của mỗi nhà trường

Thành công duy trì được chất lượng đại trà, cô giáo Mai Khanh tiếp tục nỗ lực tạo sự đồng thuận của phụ huynh, phát triển đội ngũ và chuẩn bị những điều kiện về cơ sở vật chất tốt nhất, động viên tinh thần cho giáo viên, học sinh khi tham gia ôn luyện.

Với cương vị nhà quản lý, cô giáo Mai Khanh đã mang đến làn gió mới, giúp chất lượng giáo dục tại ngôi trường vùng cao ngày càng được nâng lên (Ảnh: Phạm Linh)

Với cương vị nhà quản lý, cô giáo Mai Khanh đã mang đến làn gió mới, giúp chất lượng giáo dục tại ngôi trường vùng cao ngày càng được nâng lên (Ảnh: Phạm Linh)

Cô giáo Mai Khanh chia sẻ: “Đội ngũ giáo viên chính là căn cơ của mỗi nhà trường. Theo đó, để phát triển đội ngũ, tôi chú trọng tạo điều kiện cho các thầy, cô giáo cốt cán của nhà trường tham gia đầy đủ các buổi tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ.

Bản thân tôi cũng từng có kinh nghiệm giảng dạy, ôn luyện và truyền lửa cho học sinh tham gia các cuộc thi nên ngay từ đầu tôi định hướng cho giáo viên phải giúp học sinh có kiến thức cơ bản vững chắc rồi từng bước nâng độ khó.

Bên cạnh đó, bình thường đối với những trường ở vùng thuận lợi, khi dạy thêm ngoài giờ giáo viên sẽ có thêm thu nhập còn ở trường vùng cao đều hoàn toàn miễn phí.

Dẫu vậy, điều đáng quý là các thầy, cô của nhà trường chưa từng nản chí mà luôn nhiệt tình hỗ trợ bất kể ngày đêm mỗi khi học sinh cần.

Những ngày học sinh ở lại bán trú tuần, cứ tối đến, thầy và trò nhà trường lại miệt mài cùng nhau ôn luyện.

Đây là hình ảnh đẹp và đáng trân quý nhất đối với tôi bởi những thành quả giáo dục không phải chỉ là ngồi chờ đợi mà phải thật nỗ lực và khát khao vươn tới.

Để duy trì sự nhiệt huyết ấy, tôi luôn cố gắng động viên giáo viên và học sinh. Dù không phải là số tiền lớn nhưng mỗi giáo viên và học sinh tham gia ôn luyện đều được hỗ trợ chi phí.

Nhà trường cũng dành những phần quà nho nhỏ để động viên giáo viên và học sinh đạt thành tích cao trong các cuộc thi.

Một điều quan trọng nữa quyết định việc nâng cao chất lượng mũi nhọn là sự phối hợp của phụ huynh học sinh.

Người dân nơi vùng cao dù việc trang trải cuộc sống còn khó khăn nhưng giờ đây đã có nhận thức tốt hơn về việc giáo dục vì một thế hệ có tương lai tốt đẹp. Từ đó, họ luôn chủ động phối hợp với nhà trường và đồng hành cùng con khi học tập tại gia đình”.

Tạo sự đồng thuận của phụ huynh, phát triển đội ngũ và chuẩn bị những điều kiện về cơ sở vật chất tốt nhất, động viên tinh thần cho giáo viên, học sinh khi tham gia ôn luyện đã góp phần giúp nâng cao chất lượng mũi nhọn của nhà trường (Ảnh: Phạm Linh)

Tạo sự đồng thuận của phụ huynh, phát triển đội ngũ và chuẩn bị những điều kiện về cơ sở vật chất tốt nhất, động viên tinh thần cho giáo viên, học sinh khi tham gia ôn luyện đã góp phần giúp nâng cao chất lượng mũi nhọn của nhà trường (Ảnh: Phạm Linh)

Cùng với sự nỗ lực của tập thể giáo viên, 3 năm nay, lần đầu tiên Trường Tiểu học Đông Ngũ II được đón giải cấp tỉnh, khen thưởng cấp quốc gia.

Học sinh nhà trường đã đạt thành tích trong Cuộc thi Olympic tiếng Anh trên internet (IOE) cấp quốc gia, cấp tỉnh và các cuộc thi an toàn giao thông cấp tỉnh.

Đặc biệt, những năm học gần đây, chất lượng mũi nhọn của nhà trường luôn nằm trong tốp đầu của huyện.

Học sinh nhà trường còn tích cực tham gia các cuộc thi về điền kinh, bóng đá thiếu nhi – nhi đồng và có thành tích đứng đầu của huyện trong năm 2022.

Ghi nhận những đóng góp của cô giáo Nguyễn Mai Khanh, năm học 2021 – 2022, cô được bình chọn là “Nhà giáo tiêu biểu”.

Cô đã lãnh đạo nhà trường liên tục đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc, chi bộ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

21 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người” cô giáo Mai Khanh đã có 4 năm đạt giáo viên giỏi cấp tỉnh, 8 năm đạt giáo viên giỏi cơ sở.

Với cương vị cán bộ quản lý, cô giáo Mai Khanh 3 lần được Uỷ ban nhân dân tỉnh tặng bằng khen và cô đã có 17 lần được trao tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua (2 lần đạt chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và 9 lần đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở).

Phạm Linh