Hiệu trưởng trường Na Loi giải trình việc thu tiền lệ phí xét tốt nghiệp giá cao
Sau khi có bài “Bất chấp quy định, trường học ở Kỳ Sơn thu tiền lệ phí xét tốt nghiệp rất cao” đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam của tác giả Phan Tuyết, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn đã yêu cầu hiệu trưởng nhà trường giải trình sự việc.
Bản tường trình của ông Hiệu trưởng Trường Trung học Dân tộc bán trú Na Loi (Ảnh tác giả) |
Trong bản tường trình gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn, ông Nguyễn Thế Hiền, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú – Trung học cơ sở Na Loi huyện Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An thừa nhận việc Báo nêu là hoàn toàn đúng.
Ngoài ra, ông hiệu trưởng giải thích nguyên nhân dẫn đến sự việc ấy.
Việc tổ chức thu tiền, nhà trường đã họp riêng phụ huynh khối lớp 9.
Nhà trường đã phổ biến các chủ trương, điều kiện tốt nghiệp, hướng dẫn thêm về phân luồng hướng nghiệp và công bố Công văn 740/SGD&ĐT-KHTC ngày 7/5/2019 của Sở Giáo dục và Sở Giáo dục & tạo Nghệ An quy định về lệ phí tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông năm 2019 trên địa bàn tỉnh mỗi em là 100 ngàn đồng.
Sau đó, phụ huynh thảo luận và có ý kiến muốn đóng góp thêm để nhà trường tổ chức liên hoan mặn chia tay cho học sinh lớp 9 và mời tất cả thầy cô để cảm ơn sau 4 năm dạy cấp 2 ở mái trường này.
Và số tiền này, sẽ giao lại cho ban cán sự 2 lớp quản lý và phụ huynh nhờ thầy cô giúp đỡ, tổ chức.
Với cương vị hiệu trưởng chủ trì cuộc họp, tôi đã không đồng ý cho phụ huynh học sinh tổ chức liên hoan mặn, liên hoan rượu bia mất nhiều thời gian.
Bất chấp quy định, trường học ở Kỳ Sơn thu tiền lệ phí xét tốt nghiệp rất cao |
Tôi chỉ cho phép 2 lớp mua các loại hoa quả, bánh kẹo, nước ngọt để liên hoan.
Qua tính toán, phụ huynh nhất trí nộp thêm mỗi người 300.000 đồng ngoài khoảng 100.000 đồng theo quy định nói trên.
Cuối buổi họp, 53 phụ huynh có mặt tự nộp tiền cho giáo viên chủ nhiệm tổng số tiền thu được 21,7 triệu đồng.
Riêng 5 học sinh đăng ký vào Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, theo quy định, mỗi em phải làm mấy loại hồ sơ như phô tô học bạ, thêm tờ đăng ký thi, giấy khai sinh, phong bì dán tem…
5 phụ huynh nhất trí đóng thêm mỗi người 100.000 đồng nhờ nhà trường đi phô tô và làm giúp toàn bộ hồ sơ.
Sau khi thu xong, nhà trường trích 2,7 triệu đồng cho 27 em đăng ký thi tuyển vào lớp 10.
Trích mỗi em 6.000 đồng mua phôi bằng tổng cộng 384.000 đồng. Số tiền còn lại chuyển lại cho ban cán sự 2 lớp tổ chức liên hoan chia tay ra trường.
Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú – Trung học cơ sở Na Loi huyện Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An đã “gian” còn “dối?”
Đọc xong bản tường trình của ông ông Nguyễn Thế Hiền, Hiệu trưởng nhà trường, chúng tôi nhận thấy có khá nhiều điểm giải trình không thành khẩn mà mang tính chối tội, quanh co, nhằm hợp thức hóa việc lạm thu và sử dụng số tiền ấy không minh bạch.
Tiền lệ phí thu xét tốt nghiệp lớp 9 ở Na Loi được ăn chia thế nào? |
Thứ nhất, không có phụ huynh nào yêu cầu nộp tiền thêm để nhà trường tổ chức liên hoan mặn chia tay cho học sinh lớp 9 và mời tất cả thầy cô để cảm ơn sau 4 năm dạy cấp 2 ở mái trường này như lời hiệu trưởng nói.
Điều này, phụ huynh có học sinh tên Hoa đã xác nhận với chúng tôi: “Nhà trường nói công làm bằng, tất tật này kia là 500.000 đồng nên chúng tôi nộp tất”.
Khi nghe chúng tôi hỏi, nộp số tiền cao như thế có ai thắc mắc không? Thì được biết: “Chúng tôi biết gì mà thắc mắc? Nhà trường nói nộp bao nhiêu thì nộp bấy nhiêu, không ai thắc mắc, chối cãi gì đâu”.
Thứ hai, ông hiệu trưởng liệt kê tổng số tiền đã thu là 21,7 triệu đồng. Nhà trường đã trích 2,7 triệu đồng cho 27 em đăng ký thi tuyển vào lớp 10, trích mỗi em 6.000 đồng mua phôi bằng tổng cộng 384.000 đồng.
Tổng cộng số tiền đã nộp là 3.084.000 ngàn đồng, số tiền còn lại gần 19 triệu đồng ông hiệu trưởng nói đã chuyển lại cho ban cán sự 2 lớp tổ chức liên hoan chia tay ra trường.
Ông quên hay cố tình quên 2,5 triệu đồng chi bồi dưỡng cho 2 giáo viên chủ nhiệm và Thư ký Hội đồng xét duyệt sao không thấy liệt kê?
Chúng tôi đã liên lạc với một giáo viên chủ nhiệm lớp 9 về số tiền còn lại thì được biết: “ Sau khi thu tiền của phụ huynh, chúng tôi nộp tiền này cho nhà trường và nhà trường có giao cho phụ huynh nào thì không biết.
Hiện học sinh liên hoan bằng tiền quỹ lớp, các em chỉ ăn bánh kẹo, uống nước ngọt mà thôi”.
Khi chúng tôi yêu cầu giáo viên chủ nhiệm cung cấp số điện thoại của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp để xác nhận số tiền nhà trường giao nhưng chưa sử dụng đến.
Giáo viên chủ nhiệm cho biết mình không được phép cung cấp số điện thoại phụ huynh cho ai cả.
Số tiền thu của phụ huynh đi đâu?
Số tiền thu của phụ huynh sau khi trừ đi các khoản phải đóng còn gần 19 triệu đồng.
Nếu theo ông hiệu trưởng đã đưa cho phụ huynh 2 lớp tổ chức liên hoan. Vậy khi bài báo đã vạch trần việc thu phí xét tốt nghiệp giá cao, hiệu trưởng nhà trường đã nhanh chóng trả lại tiền cho phụ huynh.
Vậy, tiền ở đâu ra mà trả lại nhanh thế? Phải chăng ông hiệu trưởng phải bỏ tiền túi của mình để trả?
Nếu, mình thật sự không biển thủ, số tiền ấy đã được liên hoan hết liệu có ai dại gì móc tiền túi để trả hay không?
Ai cũng có thể mắc sai lầm nhưng thấy sai mà thành khẩn nhận lỗi và sửa lỗi rất cần nhận được sự cảm thông của mọi người.
Nó khác xa với việc làm sai nhưng lại gian dối, lại lươn lẹo đổ trách nhiệm cho người khác như việc ông Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú – Trung học cơ sở Na Loi huyện Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An đang làm là hoàn toàn đáng lên án.
Chúng tôi yêu cầu, Phòng Giáo dục huyện Kỳ Sơn, cơ quan chức năng cần làm rõ “đường đi” của số tiền lạm thu ấy.
Và từ đó, đưa ra hình thức xử lý thật nghiêm những sai phạm để còn làm gương cho nhiều người khác.