Dự án đường Lê Văn Lương mới hoàn thành hơn 1 năm, là công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long và với lưu lượng giao thông rất thấp. Thế nhưng, dự án đã xuống cấp và xuất hiện “hố tử thần” vào ngày 19/8/2012 vừa qua.
Tuy nhiên, Sở GTVT Hà Nội lại cho rằng nguyên nhân chính là do cơn bão số 5 là không thuyết phục, có tính thỏa hiệp. Bài viết là góc nhìn của một kỹ sư giao thông gửi đến VietNamNet.
“Nhân tai” chứ không phải thiên tai
Nền đường của dự án có chiều cao đắp rất thấp, chỉ cao hơn bờ ruộng cũ chưa đầy 1m, do đó, yếu tố sụt trượt do nền đắp cao trên lớp địa chất yếu hoàn toàn được loại trừ.
Cho dù, thông thường các vụ sụt lún ở Việt Nam và trên thế giới, bao giờ người ta cũng phải nghĩ đến yếu tố đầu tiên là độ ổn định của nền đường đắp cao trên nền đất yếu. Do đó, nguyên nhân về giải pháp thiết kế đường chắc chắn sẽ không được xét đến trong trường hợp này.
Qua khảo sát thực tế, hàng cọc cừ thép (cọc Larsen) do Nhà thầu Tổng công ty Sông đà vẫn còn nguyên, không phải như một số báo chí đã đăng là do rút hệ cọc cừ thép.
Thậm chí, hệ cọc Larsen này không được thiết kế khung giằng phía trên đỉnh, nhưng chuyển vị xuất hiện nhỏ, chứng tỏ nguyên nhân do thi công hệ cọc này cũng được loại trừ nếu phía Sông Đà – Thăng Long thi công đúng kỹ thuật (nước không rò rỉ qua hệ khung vây).
Có một số ý kiến đưa ra là do thi công tầng hầm của tòa nhà sát ngay cạnh, tạo thành hố, dẫn đến cát nền đường chảy qua hàng cọc cừ cũng không thuyết phục, vì theo cấu tạo vốn có của hệ cọc Larsen, việc cát chảy qua hệ cọc này là không thể.
Cho dù chi phí khắc phục sự cố là rất nhỏ (chỉ khoảng 2-3 tỷ đồng), nhưng việc truy tìm nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm để đảm bảo giữ vững niềm tin của nhân dân đối với dự án, với cơ quan quản lý. |
Cũng có ý kiến cho rằng, thiết kế và thi công cống tròn không có đế cống. Tuy vậy, qua khảo sát thực tế ở hiện trường, đế cống vẫn còn nguyên ở vị trí chưa bị sạt lở.
Việc có đế cống, và thông thường mối nối được bố trí ở giữa thân cống, nhưng vẫn bị cuốn trôi chứng tỏ một thực tế là đất, cát quanh cống đã bị cuốn trôi với khối lượng khủng khiếp, và khi nước bung ra từ mối nối bị hở, hoặc cống bị gãy, lượng nước trong lòng cống với áp suất lớn đã cuốn trôi cả ống cống lẫn nền mặt đường gây ra hố tử thần.
Việc ống cống không bị biến dạng, càng củng cố nguyên nhân do nước cuốn trôi nền đường. Và quan trọng hơn, nguyên nhân từ việc sử dụng ống cống không đạt chất lượng cũng bị loại trừ, việc kiểm định ống cống vì thế, cũng không cần thiết.
Như vậy, nguyên nhân xói lở do dòng nước chảy qua hệ thống cống là rõ ràng nhất. Việc rò rỉ nước qua hệ thống ống cống rất có thể xuất hiện từ rất lâu, theo thời gian, nước trong lòng cống đã thoát qua các khe hở giữa các ống cống, làm xói lở ngầm cát đắp của nền đường, và cơn mưa lớn ngày 19/8/2012 chỉ là giọt nước tràn ly mà thôi.
Việc cát nền đường theo dòng nước bị cuốn trôi dần, gây “rỗng” nền đường, kết hợp với điều kiện mưa ẩm, gây nên trạng thái bão hòa đất, cát nền đường, đưa toàn bộ đất, cát nền đường vào trạng thái bất lợi nhất về sức chịu tải, kết hợp với dòng nước ở trong ống cống quá lớn, thậm chí có thể ống cống bị tắc nghẽn, gây nên động năng lớn, đã phá hủy toàn bộ liên kết của ống cống, và từ đó, phá hủy toàn bộ nền, mặt đường, gây nên hố tử thần.
Ngoài ra, cần phải xem xét đến yếu tố duy tu, bảo dưỡng con đường kể từ khi hoàn thành. Bởi, rất có thể do việc duy tu, bảo dưỡng không thường xuyên, nên các hố ga đã bị tắc (nhất là khu vực này đang là đại công trường xây dựng).
Vì thế, khi lượng nước trong lòng cống quá lớn, chảy với vận tốc lớn, nhưng bị dồn lại, sẽ phá vỡ hệ thống mối nối cống.
Việc thi công nền đường, ống cống của nhà thầu cũng cần được xem xét lại, vì nếu hệ thống cống được thi công tốt, không dễ gì các mối nối bị phá vỡ một cách dễ dàng như vậy.
Nhất là việc thi công cống trên nền đất yếu, liệu đã được xử lý nền móng cống? Khi đường Lê Văn Lương, dù là đường đô thị, những được qui hoạch là đường trục hướng tâm của Thủ đô, do đó, nó đã được thiết kế cho tải trọng lớn chạy qua.
Để đi tìm nguyên nhân chính thức của sự cố hoàn toàn không khó. Bởi, như đã phân tích ở trên, yếu tố thiết kế đã được loại trừ, do đó, không cần phải khảo sát địa chất để kiểm toán độ ổn định của nền đường.
Việc tìm nguyên nhân, đơn giản chỉ cần khảo sát hướng dòng chảy, hiện trạng của cửa thoát nước, hướng thoát nước và tính toán lưu lượng dòng chảy, khảo sát sự liên hệ của dòng chảy tới hệ thống ống cống, rãnh tới hồ điều hòa.
Từ hồ sơ hoàn công của dự án, cần phải kiểm tra việc gia cố các cửa xả, thi công mối nối ống cống, cũng như chế tạo ống cống, quá trình thi công nền đường, đặc biệt là công tác xử lý nền móng của hệ ống cống là rất quan trọng... để truy tìm các nguyên nhân chủ quan khác.
Từ đó, mới đưa ra được kết luận cụ thể, cũng như phương án khắc phục hiệu quả.
Cần mở rộng điều tra cho toàn tuyến đường
Việc cần làm của các cơ quan chức năng là cần sớm xem xét, đưa ra kết luận về nguyên nhân, để khắc phục sự cố.
Trong phương án khắc phục, rất cần thiết phải đưa ra kế hoạch đào bỏ toàn bộ phần còn lại của nền đường, để khắc phục triệt để sự cố, đồng thời, khảo sát các mối nối của phần ống cống chưa bị vỡ, nhằm có căn cứ khoa học kết luận nguyên nhân sự cố.
Có thể, cần phải mở rộng hố tử thần theo hướng dọc con đường, để đảm bảo xử lý hết sự ảnh hưởng của phần nền đường kế cận, để đảm bảo quá trình thi công, khắc phục sự cố được an toàn, triệt để.
"Vấn đề cần làm của Sở GTVT Hà Nội là phải thực hiện kiểm tra, kiểm định ngay toàn bộ khu vực khác trên toàn bộ Dự án, để xác định có nguy cơ tiềm ẩn từ những vị trí khác hay không". |
Việc tính toán, cân nhắc bổ sung ống cống, hoặc thiết kế lại loại hình cống thoát nước cũng có thể là phương án cần được cân nhắc, để nâng cao hệ số an toàn cho công trình.
Cần phải khảo sát cả hệ thống thoát nước dọc con đường, xem xét đến khả năng thoát nước từ cống ngang sang cống dọc, để thoát ra hồ điều hòa có đảm bảo hay không. Từ đó, đề xuất phương án thi công một cách khoa học, chắc chắn.
Qua sự cố này, cơ chế giám sát chất lượng công trình theo dạng BOT (đổi đất lấy hạ tầng), cũng như việc khai thác, duy tu, quản lý dự án sau khi hoàn thành rất cần được xem xét một cách thấu đáo.
Cho dù chi phí khắc phục sự cố là rất nhỏ (chỉ khoảng 2-3 tỷ đồng), nhưng việc truy tìm nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm để đảm bảo giữ vững niềm tin của nhân dân đối với dự án, với cơ quan quản lý. Và hơn hết, cần phải khảo sát xem hiện tượng này liệu có còn tiếp tục xảy ra ở các vị trí của xả khác, khi mà mùa mưa bão năm nay còn tiếp diễn với mức độ theo dự báo là còn phức tạp hơn, để đảm bảo an toàn cho người dân tham gia giao thông trên tuyến đường này.
Việc Sở GTVT Hà Nội đánh giá nguyên nhân chính là do mưa bão, thì cần phải xem lại cách đánh giá đã khách quan, đúng luật hay chưa.
Thông thường, để đánh giá sự cố, cần phải có một nhóm chuyên gia độc lập xác định. Hoặc, nếu trong hợp đồng xây lắp Chủ đầu tư có mua Hợp đồng bảo hiểm công trình, thì Chủ công trình (Tập đoàn Nam Cường) phải có văn bản báo cáo ngay cho bên Bảo hiểm, để Bảo hiểm mời tư vấn giám định độc lập đến để xem xét bồi thường.
Vấn đề cần làm của Sở GTVT Hà Nội là phải thực hiện kiểm tra, kiểm định ngay toàn bộ khu vực khác trên toàn bộ Dự án, để xác định có nguy cơ tiềm ẩn từ những vị trí khác hay không.
Đặc biệt, việc Sở GTVT Hà Nội chủ trì “phân công” Tập đoàn Nam cường và Sông đà- Thăng Long, TEDI... giải quyết vụ việc, vô hình trung đã làm không đúng vai trò, trách nhiệm. Vì thế, hiệu quả sẽ không cao.