Hòa Bình tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp

27/01/2021 06:30
Nhật Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bên cạnh kết quả đạt được, tỉnh Hòa Bình chưa thật sự tận dụng tốt tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý...

Tỉnh Hòa Bình cần tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến, du lịch, thị trường tiêu thụ.

Đó là nội dung tại Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình.

Thông báo nêu rõ, năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, dịch tả lợn Châu Phi, thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường..., song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã nỗ lực phấn đấu với quyết tâm cao, đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Ảnh minh họa: TTXVN

Ảnh minh họa: TTXVN

Trong tổng số 21 chỉ tiêu chủ yếu, có 17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra; tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2020 đạt 3,8%; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 2,8%, đến cuối năm còn khoảng 8,56%;..

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ biểu dương, đánh giá cao nỗ lực và các kết quả đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hòa Bình trong thời gian qua.

Bên cạnh kết quả đạt được, tỉnh Hòa Bình chưa thật sự tận dụng tốt tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý (là cửa ngõ vùng Tây Bắc và nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô) để phát triển nhanh và bền vững; còn nhiều điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội. Quy mô nền kinh tế còn nhỏ, thu ngân sách nhà nước mới chỉ đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu chi.

Tăng trưởng chưa bền vững; kết quả thực hiện 03 đột phá chiến lược còn hạn chế. Cơ cấu lại các ngành kinh tế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp còn chậm; tỷ lệ sản phẩm chế biến chưa nhiều, xây dựng thương hiệu còn hạn chế, chưa hình thành và phát triển được các mặt hàng xuất khẩu chủ lực...

Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường, tỉnh Hòa Bình không được chủ quan, luôn đề cao cảnh giác với dịch bệnh; tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, vừa tập trung phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Bên cạnh đó, tổ chức quán triệt và xây dựng chương trình hành động cụ thể tới từng huyện, từng ngành, lĩnh vực, trên địa bàn để triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, các Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 02/NQ-CP ngày 01/1/2021 của Chính phủ. Đổi mới, sáng tạo, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế; phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá, xanh hơn, bền vững hơn của vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Đồng thời, triển khai đồng bộ công tác quy hoạch, đảm bảo chất lượng và tuân thủ đúng quy định của pháp luật; khẩn trương lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch chuyên ngành (xây dựng, giao thông, đô thị, dân cư, phòng chống thiên tai, sử dụng đất ...), lưu ý phát huy lợi thế vị trí địa lý, gắn với quy hoạch phát triển của thủ đô Hà Nội, hướng về phía đông.

Tập trung nâng cao tỷ lệ đô thị hóa, nâng cấp và mở rộng một số đô thị hiện có gắn với các trung tâm thương mại, đầu mối giao thông để phát triển đô thị là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương thời gian tới.

Tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến, du lịch, thị trường tiêu thụ, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng bộ với thực hiện chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Phát triển mạnh kinh tế lâm nghiệp đi đôi với việc thực hiện các biện pháp nâng cao tỷ lệ che phủ rừng.

Tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tỉnh Hòa Bình tiếp tục thúc đẩy cơ cấu lại công nghiệp với mục tiêu đưa công nghiệp trở thành khâu đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp xanh. Tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp, quan tâm đầu tư kết nối hạ tầng ngoài hàng rào khu, cụm công nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ; cải thiện các chỉ số phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường thực hiện dịch vụ công trực tuyến; phấn đấu cải thiện nhanh về thứ hạng các chỉ số PCI, PAR INDEX, ICT INDEX.

Tập trung tháo gỡ kịp thời các rào cản, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công, khuyến khích thu hút mạnh mẽ đầu tư ngoài nhà nước, đẩy mạnh xuất khẩu, kích thích tiêu dùng nội địa.

Tiếp tục quan tâm phát triển toàn diện và nâng cao chất lượng các lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, thông tin, truyền thông. Thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Quan tâm hơn nữa tới đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhật Minh