Thủy phi cơ US-2 Nhật Bản, hình minh họa. |
Thời báo Hoàn Cầu ngày 19/8 bình luận, mới chỉ diễn giải lại Hiến pháp một thời gian ngắn Nội các Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu vũ khí ầm ầm. Tháng 7 năm nay ông Shinzo Abe khi thăm Úc đã ký kết hiệp định chuyển giao công nghệ tàu ngầm lớp Sōryū cho Canberra.
Ngày 17/7, hội nghị về đảm bảo an ninh quốc gia của Nhật Bản đã phê chuẩn dự án Nhật Bản xuất khẩu sang Mỹ các linh phụ kiện của tên lửa đạn đạo, đồng thời hợp tác với Anh trong việc phát triển công nghệ tên lửa và chiến đấu cơ. Nhật Bản cũng đã thành lập 1 tổ chyên môn thúc đẩy xuất khẩu thủy phi cơ US-2 cho New Delhi và dự kiến trong chuyến thăm Tokyo tháng 9 tới của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi 2 bên sẽ ký kết hợp đồng.
Thời báo Hoàn Cầu dẫn phân tích của một số hãng truyền thông nhận định, Tokyo xuất khẩu vũ khí không chỉ để kiềm chế Trung Quốc, mà còn đưa Nhật Bản tham dự câu lạc bộ xuất khẩu vũ khí của thế giới mà tờ báo này ví là một chiêu "nhất tiễn song điêu", tức một mũi tên trúng hai đích.
Hoàn Cầu cho rằng, khách hàng tiềm năng của vũ khí Nhật Bản không hề ít, trong đó có Việt Nam và Philippines là 2 "đối thủ" của Trung Quốc trên Biển Đông. Ấn Độ cũng đang đàm phán mua vũ khí của Nhật Bản.
Nhật Bản xuất khẩu vũ khí sang Đông Nam Á sẽ ảnh hưởng thế nào đến Trung Quốc? Hồ Văn Long, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Văn hóa quân sự Trung Quốc nói với Thời báo Hoàn Cầu, không ít quốc gia Đông Nam Á có nhu cầu mua vũ khí, trong đó có một số nước "xung đột lợi ích" với Trung Quốc.
Giữa các quốc gia dựa vào thực lực để nói chuyện, nếu Nhật Bản thông qua việc cung cấp vốn ưu đãi ODA dài hạn để bán vũ khí quy mô lớn cho các nước "có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc" (thực tế là Trung Quốc nhảy vào tranh chấp lãnh thổ - PV) thì không chỉ giúp tăng cường thực lực quân sự của các nước này, mà còn khiến họ trở nên cứng rắn hơn trong lập trường về lãnh thổ trước Bắc Kinh, "từ đó làm tăng khả năng xảy ra xung đột"?!
Hồ Văn Long cho rằng, đối với một quốc gia nếu chỉ mua vũ khí của một nhà cung cấp là khá rủi ro. Ấn Độ mua vũ khí của khá nhiều nước, nên đã cân bằng được rủi ro này.
Tuy nhiên ASEAN không phải một khối thống nhất, "rất nhiều nước thành viên ASEAN có quan hệ mật thiết với Trung Quốc", do đó việc Nhật Bản xuất khẩu vũ khí sang thị trường ASEAN cơ bản không ảnh hưởng nhiều tới Bắc Kinh, ông Long bình luận.