Ông Tập Cận Bình. |
Thời báo Hoàn Cầu ngày 3/8 cho biết, một người sử dụng mạng xã hội trên internet Trung Quốc với tên gọi Lão Ngô đã viết một bài ca ngợi ông Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trung Quốc đã được lòng dân nhưng không hề có dấu hiệu lặp lại nạn sùng bái cá nhân như trước.
Theo nhân vật này, chỉ cần truy cập internet và gõ từ khóa "Tập Cận BÌnh" sẽ có thể bắt gặp vô số lời khen ngợi và tán dương của cộng đồng mạng Trung Quốc. Tình cảm của quần chúng ngưỡng mộ "lãnh tụ" cao như vậy tuyệt đối không giống với phòng cách sùng bái cá nhân như thời phong kiến.
Chỉ trong một thời gian ngắn, Tập Cận Bình đã giành được sự tín nhiệm rất lớn của cả tỉ người Trung Quốc bằng phong cách quản lý minh bạch, tác phong chân thực. Học thuyết giấc mộng Trung Hoa do ông Bình đề xướng theo Lão Ngô đã "làm nô nức lòng người".
Người Trung Quốc không thể quên rằng khi ông Bình được bầu làm Tổng bí thư tại đại hội 18 xuất hiện trước công chúng đã tuyên bố rằng, bộ máy lãnh đạo mới (dưới sự chỉ huy của ông) sẽ thực hiện 3 sứ mệnh: Trách nhiệm với dân tộc, trách nhiệm với nhân dân và trách nhiệm với đảng.
Ông dẫn đầu 7 thành viên Thường vụ Bộ chính trị khóa mới khi đó tham quan triển lãm "Con đường phục hưng" đã thể hiện được ý tưởng "vĩ đại" của Tập Cận Bình về giấc mơ Trung Hoa. Và cũng tại đây ông long trọng cam kết: "Mong muốn xây dựng một cuộc sống hạnh phúc của nhân dân sẽ là mục tiêu phấn đấu của chúng tôi."
Để thúc đẩy cải cách, ngay sau nhậm chức ông Bình đã thực hiện một động thái lặp lại "dấu chân" Đặng Tiểu Bình khi tiến hành tuần du phương Nam. Đó được xem như tín hiệu Trung Quốc cam kết với thế giới rằng sẽ quyết tâm thúc đẩy mở cửa cải cách không dao động. Quả nhiên sau chuyến thăm này các thủ tục và bộ máy hành chính gây phiền hà cho dân dã được giảm bớt và trở thành điểm sáng cho chiến dịch cải cách mới.
Hình ảnh ông Tập Cận Bình ra phố xếp hàng mua bánh bao cùng dân thường ở Bắc Kinh đã gây sốt cộng đồng mạng, nhưng không chỉ có những lời ngưỡng mộ mà còn có không ít người cho rằng đây là một hành động để đánh bóng hình ảnh, một thủ thuật chính trị thường thấy của các chính khách. |
Theo ông Ngô, điều ông ấn tượng nhất về Tập Cận Bình cho đến nay là chiến dịch chống tham nhũng được gọi là đả hổ đập ruồi do ông Bình phát động và triển khai mạnh mẽ.
Ngoài ra ông Tập Cận Bình cũng phát động phong trào hoạt động giáo dục quần chúng rất thực tế với khẩu hiệu: "Hãy soi gương, chỉnh y phục, tắm rửa sạch, trị lành bệnh".
Cũng chính ông Tập Cận Bình theo lời ca ngợi của Lão Ngô, đã cắt giảm đội xe tháp tùng, không bày biện đón tiếp, không tiệc rượu linh đình, không chăng đèn kết hoa, không băng rôn khẩu hiệu mỗi khi đội ngũ lãnh đạo mới của Trung Quốc xuống cơ sở, trong đó bao gồm cả bản thân ông.
Không những thế trong các chuyến công tác địa phương trong nước, ông Tập Cận Bình ở phòng khách sạn bình thường, khi đi ăn cũng xếp hàng như mọi người bình dân đã thể hiện rõ hình mẫu "mô phạm của một lãnh tụ" mà không có một câu ra lệnh nào.
Thời báo Hoàn Cầu tiếp tục ca ngợi Tập Cận Bình là người khi lâm nguy mặt không biến sắc và xử lý các tình huống trôi chảy như vụ động đất tại Lưu Sơn xảy ra sau khi ông nhậm chức chưa đầy 9 tháng.
Hoàn Cầu còn tổng hợp lại ý kiến của Lão Ngô và đưa ra 10 "nghệ thuật cao siêu và ý chí quật cường" của ông Tập Cận Bình với những lời lẽ lên tận mây xanh. Điều đáng nói là bài báo của Hoàn Cầu không dựa trên một kết quả điều tra xã hội học về độ hài lòng của người Trung Quốc với ông Tập Cận Bình hoặc phỏng vấn 1 chuyên gia, học giả nào đó về vấn đề này. Tất cả chỉ là 1 bài viết trôi nổi trên mạng internet Trung Quốc - PV.
Trong lúc nhắc đi nhắc lại rằng Tập Cận Bình không theo đuổi và không lặp lại chủ nghĩa sùng bái cá nhân, nhưng chính Thời báo Hoàn Cầu lại đang thể hiện rõ nhất sự sùng bái cá nhân ông Tập Cận Bình một cách điển hình thường thấy như thời Mao Trạch Đông.
Còn truyền thông và học giả phương Tây cho đến giờ vẫn phải đặt ra câu hỏi ông Tập Cận Bình là một người cải cách thực sự hay là người đàn ông đang tìm mọi cách thâu tóm quyền lực trong đảng, bộ máy nhà nước, quân đội, an ninh, kinh tế, ngoại giao và cả internet?