Đến nay, tại địa bàn 4 tỉnh miền Trung nhìn chung tình hình an ninh trật tự ổn định, hoạt động khai thác, nuôi trồng, kinh doanh thủy sản tại địa phương hầu như đã trở lại bình thường, người tiêu dùng đã bắt đầu quay lại tiêu thụ các sản phẩm hải sản biển, công tác chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho bà con đã đạt được những kết quả bước đầu.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan, chủ quan, công tác chi trả ở một số nơi chưa đạt yêu cầu đề ra. Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội tại 4 tỉnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, phức tạp...
Để đảm bảo mục tiêu đã đề ra của công tác bồi thường, hỗ trợ thiệt hại, khôi phục sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội cho bà con 4 tỉnh miền Trung đạt hiệu quả, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các Bộ, ngành, UBND 4 tỉnh tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao, trong đó các tỉnh, nhất là Hà Tĩnh, cần tập trung hoàn thành chi trả số kinh phí đã được Bộ Tài chính cấp trong tháng 3 đảm bảo theo đúng đối tượng, phạm vi quy định tại Quyết định số 1880/QĐ-TTg, Quyết định số 12/QĐ-TTg;
Không đề xuất mở rộng đối tượng, phạm vi; phấn đấu đến hết tháng 6 hoàn thành dứt điểm công tác chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho người dân.
Chính phủ đang nỗ lực hỗ trợ ngư dân miền Trung sau sự cố ô nhiễm môi trường biển. ảnh: Báo Nhân dân. |
Phó Thủ tướng giao các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Công Thương, Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp tổ chức 4 đoàn công tác liên ngành kiểm tra công tác chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ thiệt hại tại 4 tỉnh do lãnh đạo Bộ làm trưởng đoàn. Thời gian thực hiện từ nay tới trước 10/4/2017.
Các đoàn có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt công tác chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ thiệt hại tại 4 tỉnh; đồng thời tổng hợp những khó khăn vướng măc của các địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng yêu cầu sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung định mức bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho các đối tượng thuộc Quyết định số 1880/QĐ-TTg ngày 29/9/2016, Bộ Tài chính khẩn trương đôn đốc các tỉnh áp giá cho các đối tượng được bổ sung định mức và trình phê duyệt tổng mức thiệt hại, tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ của 4 tỉnh trong tháng 4/2017.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo lực lượng Kiểm ngư hỗ trợ và phối hợp với UBND 4 tỉnh tăng cường tuần tra, giám sát và vận động ngư dân không sử dụng các nghề khai thác hải sản tầng đáy ở vùng biển 20 hải lý trở vào bờ cho đến khi có kết luận chính thức của Bộ Y tế về một số chỉ tiêu đối với hải sản tầng đáy đã an toàn.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục giám sát chặt chẽ, kịp thời đôn đốc Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) hoàn thành việc khắc phục các vi phạm đúng tiến độ yêu cầu đề ra; cần đánh giá tác động môi trường, có biện pháp xử lý không cho phép đường ống thải ngầm ra biển của FHS đúng quy định của pháp luật.
Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, UBND 4 tỉnh tiếp tục theo dõi chất lượng môi trường biển, an toàn thực phẩm đối với hải sản khai thác tại 4 tỉnh miền Trung.
Bộ Y tế tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm hải sản khai thác ở tầng đáy trong vùng biển dưới 20 hải lý, xem xét công bố kết quả vào thời điểm phù hợp.
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh tiếp tục triển khai theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về nuôi trồng thủy sản, khai thác hải sản, giám sát an toàn thực phẩm và sản xuất muối tại các tỉnh Bắc miền Trung; trong đó, tuyên truyền, khuyến cáo, giám sát ngư dân không sử dụng các nghề khai thác hải sản tầng đáy để khôi phục, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản và đảm bảo an toàn thực phẩm, làm yên lòng người tiêu dùng.
UBND tỉnh Hà Tĩnh chủ động làm việc, vận động, hướng dẫn, khuyến nghị FHS thực hiện trách nhiệm xã hội của mình một cách phù hợp đối với cộng đồng dân cư trên địa bàn để cải thiện hình ảnh FHS.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng với Ban Tuyên giáo Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông đưa tin trung thực, khách quan và chính xác; bài trừ và vạch mặt các trường hợp đưa tin sai trái, có mục đích bôi nhọ, kích động;
Chuyển sang tập trung đưa tin, tuyên truyền về các chính sách của Nhà nước, hoạt động của chính quyền liên quan đến công tác, kết quả khắc phục sự cố môi trường, bồi thường, hỗ trợ thiệt hại, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định cuộc sống cho người dân bị thiệt hại; kịp thời phản ánh những tiêu cực, vi phạm;
Vạch mặt đối tượng phản động, đối tượng cơ hội chính trị cực đoan âm mưu lợi dụng sự cố môi trường biển để kích động, lôi kéo người dân gây rối trật tự, phá hoại an ninh trật tự, an toàn xã hội.