Học 2 buổi/ngày cần thiết giúp học sinh phát triển toàn diện

07/07/2025 06:38
LÃ TIẾN
Theo dõi trên Google News

GDVN - Theo nhiều thầy cô, dạy học 2 buổi/ngày là giải pháp hiệu quả để giảm tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan và giúp học sinh phát triển toàn diện.

Liên quan đến vấn đề tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, nhiều ý kiến chia sẻ, đóng góp để việc tổ chức hiệu quả, giúp học sinh phát triển toàn diện.

Giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, giáo viên Trường trung học cơ sở Lương Khánh Thiện (phường Phù Liễn, thành phố Hải Phòng) bày tỏ: “Tôi cho rằng học sinh học 2 buổi/ngày là rất phù hợp với bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay. Việc tổ chức học 2 buổi/ngày giúp giảm số tiết học trong một buổi, từ đó giúp học sinh có thời gian nghỉ ngơi giữa các tiết học và tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn.

Quan trọng hơn, mô hình này đáp ứng đúng tinh thần của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đó là chuyển từ dạy học theo nội dung sang phát triển năng lực học sinh. Học sinh không chỉ được học kiến thức văn hóa mà còn có thời gian rèn luyện thể chất, thẩm mỹ và trải nghiệm các hoạt động ngoại khóa.

Tuy nhiên, việc triển khai mô hình này cũng gặp thách thức về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, đặc biệt ở các môn học đặc thù như Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất và cần có hướng phù hợp”.

thcs-tran-phu-hp-1-4040.jpg
Tổ chức học 2 buổi/ngày mang lại nhiều lợi ích cho học sinh. Ảnh minh họa: Lã Tiến

Trong khi đó, cô giáo Nguyễn Thị Kim Liên (phường Gia Viên, Hải Phòng) cho rằng, học hai buổi/ngày giúp phân bổ hợp lý chương trình học, giảm tải áp lực nhồi nhét kiến thức trong một buổi, đồng thời tạo điều kiện để học sinh hiểu sâu, nắm vững bài hơn.

Với thời lượng học được giãn đều, các em có thể tiếp cận kiến thức một cách nhẹ nhàng, tự nhiên và hiệu quả hơn, giảm tình trạng học lệch, học tủ, học thêm tràn lan ngoài nhà trường.

“Thứ nhất học 2 buổi/ ngày sẽ giúp cho học sinh ngoài việc học chính khóa các môn văn hóa sẽ có thêm thời gian để rèn luyện các vấn đề về kiến thức pháp luật, kỹ năng sống, văn hoá văn nghệ, phát triển các kỹ năng toàn diện.

Thứ hai là việc quản lý về giờ giấc đối với các buổi học không chính khóa của học sinh được nề nếp hơn. Ví dụ học sinh học buổi sáng chính khóa thì buổi chiều có thể học các kỹ năng tại trường giúp phụ huynh yên tâm khi đi làm không phải lo nghĩ chuyện con ở nhà chưa tự giác học”, cô giáo Liên nói.

Đồng quan điểm này, cô giáo Hứa Thanh Mai - Phó hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Ngô Quyền (phường Lê Chân, Hải Phòng) chia sẻ: "Học hai buổi/ngày chính là giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày trong các cơ sở giáo dục phổ thông không chỉ là một yêu cầu phù hợp với định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho học sinh, gia đình và xã hội".

Chỉ thị số 17/CT-TTg do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai dạy học 2 buổi/ngày, gắn với tổ chức sinh hoạt hè cho học sinh nhằm phát triển toàn diện thể chất, trí tuệ, đạo đức và kỹ năng sống cho thế hệ trẻ.

Buổi học thứ hai có thể được thiết kế linh hoạt cho các hoạt động trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống, rèn luyện thể chất, nghệ thuật, công nghệ, tin học, ngoại ngữ… Qua đó, học sinh không chỉ học tốt các môn văn hóa mà còn được phát triển năng khiếu, phẩm chất và kỹ năng cần thiết của công dân hiện đại. Mô hình này góp phần hiện thực hóa mục tiêu giáo dục toàn diện mà chương trình giáo dục phổ thông mới đang hướng tới.

Đặc biệt, khi học sinh ở trường cả ngày, phụ huynh, nhất là các gia đình công nhân, lao động phổ thông sẽ yên tâm hơn trong công việc. Nhà trường trở thành nơi vừa giáo dục, vừa chăm sóc, giúp học sinh sử dụng thời gian sau giờ học buổi sáng một cách tích cực và an toàn, thay vì tiếp xúc sớm với thiết bị số hoặc bị bỏ mặc trong môi trường thiếu kiểm soát.

Việc học 2 buổi/ngày cũng là cơ hội để rút ngắn khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các địa phương. Khi được đầu tư đầy đủ về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và nguồn học liệu, các trường ở vùng khó khăn có thể tổ chức hoạt động bổ trợ, bồi dưỡng cho học sinh yếu, nâng cao năng lực đội ngũ và tạo bước chuyển tích cực trong kết quả học tập.

thcs-dang-lam-7-8706.jpg
Buổi học thứ hai học sinh có thể trải nghiệm thêm nhiều hoạt động bổ trợ kỹ năng mềm. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Những thách thức cần giải pháp phù hợp

Bên cạnh đó, cô Hứa Thanh Mai nhấn mạnh: Học 2 buổi/ngày cũng tạo điều kiện để gắn kết hơn giữa nhà trường, phụ huynh và các tổ chức đoàn thể (Đoàn, Đội, Hội…). Hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt tập thể, tư vấn tâm lý học đường... sẽ được đưa vào khung giờ hợp lý, góp phần hình thành môi trường giáo dục lành mạnh, nhân văn và thân thiện với học sinh.

Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày là một bước đi quan trọng, đúng hướng nhằm hiện thực hóa chủ trương đổi mới giáo dục, đặt con người làm trung tâm. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả, cần sự đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và chính sách hỗ trợ phù hợp, nhất là ở những địa phương còn khó khăn. Khi được thực hiện bài bản, học 2 buổi/ngày sẽ không chỉ nâng cao chất lượng giáo dục mà còn góp phần hình thành một thế hệ công dân phát triển hài hòa, toàn diện về trí tuệ, đạo đức và thể chất.

Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức, đặc biệt trong điều kiện thực tế của hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay.

Theo giáo viên trường trung học cơ sở tại phường Phù Liễn (Hải Phòng), nhiều trường, nhất là ở khu vực thành thị đông dân hoặc vùng khó khăn, hiện vẫn phải học theo ca (sáng – chiều) do không đủ phòng học. Việc tổ chức học 2 buổi/ngày đòi hỏi phải có đủ không gian, thư viện, phòng chức năng, nhà vệ sinh, bếp ăn, khu thể chất… Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư còn hạn chế nên khó đáp ứng nhu cầu học cả ngày cho tất cả học sinh.

Nếu buổi học thứ hai chỉ mang tính hình thức, thiếu nội dung thiết thực, không đổi mới phương pháp, hoặc chỉ để “trông học sinh”, thì việc học cả ngày sẽ khiến học sinh mệt mỏi, giảm hứng thú học tập, thậm chí phản tác dụng. Việc quản lý chất lượng hoạt động buổi chiều đòi hỏi sự sáng tạo, trách nhiệm và năng lực tổ chức của đội ngũ nhà trường.

thcs-cva-8-6823.jpg
Bài toán thiếu cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên vẫn gây khó khăn cho một số trường nếu dạy 2 buổi/ngày. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Trong khi đó, cô giáo Hứa Thanh Mai cho rằng, việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày là hướng đi đúng nhưng cần được triển khai linh hoạt, tùy theo điều kiện cụ thể từng địa phương. Đồng thời, cần giám sát chặt chẽ và đánh giá định kỳ để điều chỉnh hoạt động cho hiệu quả và bền vững.

LÃ TIẾN