Học giả Mỹ, Tiến sĩ Patrick M. Cronin |
Ngày 3/5, trang mạng “Nhà ngoại giao” Nhật Bản đã đăng bài viết “Tranh chấp biển Đông giữa Mỹ-Trung” của Tiến sĩ Patrick M. Cronin, cố vấn cấp cao vấn đề an ninh châu Á-Thái Bình Dương và Alexander Sullivan, nhà nghiên cứu chương trình an ninh châu Á-Thái Bình Dương, Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Mỹ, đề xuất các biện pháp để Mỹ tiếp tục can thiệp biển Đông, trong đó có các biện pháp như tiến hành đào tạo quân sự cho các nước Đông Nam Á, nâng cao khả năng tấn công, phòng thủ cho họ.
Theo bài viết, mặc dù các bên liên quan đã có nhiều nỗ lực ngoại giao, đầu năm 2013, tình hình khu vực biển Đông vẫn không hề lạc quan.
Hiện nay, công tác xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) của các nước có liên quan tới biển Đông còn đang tiếp tục đối mặt với khó khăn, đặc biệt là thái độ và ý đồ áp đặt của Trung Quốc. Những khó khăn này gồm có cả các vấn đề như: tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa các nước, tinh thần dân tộc chủ nghĩa lên cao, chạy đua vũ trang căng thẳng và cơ chế lòng tin ngày càng thiếu hiệu lực.
Bài viết cho rằng: “Hiện nay, Mỹ cần phải nỗ lực cho việc thực hiện mục tiêu chiến lược của mình ở khu vực biển Đông”, “những mục tiêu chiến lược này gồm có: bảo đảm cho các nước xung quanh biển Đông giải quyết hòa bình tranh chấp lãnh thổ, bảo đảm tự do hàng hải ở biển Đông và tự do đi lại ở vùng biển quốc tế, tìm cách xây dựng một cơ chế quản lý tài nguyên chung ở biển Đông cởi mở dựa trên các quy tắc đặc biệt”.
Bài viết tiếp tục chỉ ra, do ý thức được rằng, chỉ dựa vào các biện pháp ngoại giao sẽ không thể làm lặng sóng tình hình căng thẳng ở biển Đông, Mỹ đang cân nhắc các biện pháp có thể khác để bảo vệ ổn định khu vực, thúc đẩy thịnh vượng khu vực.
Tàu sân bay USS George Washington của Hải quân Mỹ trên biển Đông |
Chẳng hạn, Mỹ có thể tiếp tục tăng cường thực lực quân sự cho các đồng minh của khu vực này, tăng cường quyền uy của luật pháp quốc tế ở khu vực biển Đông, thúc đẩy các nước ASEAN đạt được đồng thuận đối với vấn đề biển Đông, tiến tới xây dựng cơ chế lòng tin giữa Mỹ, đồng minh của Mỹ với Trung Quốc, tránh để xảy ra các cuộc xung đột không cần thiết do phán đoán sai lầm chiến lược. Bài viết đề xuất cho rằng, Mỹ cần áp dụng các biện pháp sau trên 3 lĩnh vực – quân sự, ngoại giao và kinh tế:
Trong lĩnh vực quân sự, Mỹ trước hết cần tiếp tục nâng cao năng lực “bảo đảm phòng thủ tin cậy tối thiểu đối với các cuộc xâm lược” cho các đồng minh châu Á. Theo bài viết, Mỹ đã nhận thức được những đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ với thái độ tự tin và hung hăng của Trung Quốc, nhấn mạnh, Trung Quốc cần nhận thức được các nước xung quanh có quyền xây dựng lực lượng quân sự mang tính đối kháng.
Mỹ sẽ quan tâm nâng cao thực lực quân sự mang tính phòng thủ cho các đồng minh châu Á, ít nhất là phải bảo đảm an ninh trên biển cho những nước này. Ngoài ra, Mỹ cần tiếp tục gia tăng ưu thế trên lĩnh vực tình báo, theo dõi và do thám ở biển Đông.
Thứ hai, Hải quân và Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ cần tiến hành huấn luyện cho lực lượng hải quân của các đồng minh châu Á, mục đích là giảm khả năng xảy ra các sự cố bất ngờ và những phán đoán nhầm về chiến lược.
Tàu tuần duyên USS Freedom đã đến biển Đông, thường trú tại quân cảng Changi, Singapore. |
Thứ ba, Mỹ cần xây dựng một cơ chế tin cậy giữa các nước liên quan ở biển Đông, cụ thể có thể tổ chức một loạt cuộc diễn tập liên hợp, đặc biệt là các cuộc diễn tập cường độ thấp như cứu trợ nhân đạo, phòng chống thiên tai, cứu hộ, tấn công cướp biển.
Cuối cùng, Mỹ cần đưa Trung Quốc vào hàng ngũ có trách nhiệm bảo vệ an ninh và ổn định khu vực. Đối với Mỹ, Trung Quốc đồng ý tham gia cuộc diễn tập quân sự liên hợp Vành đai Thái Bình Dương năm 2014 là một tin đáng khích lệ. Bởi vì, tham gia sẽ có thể tăng cường quan hệ song phương, làm giảm tình hình căng thẳng do sự thiếu tin cậy gây ra.
Ngoài các hành động quân sự, bài viết cho rằng, Mỹ xử lý vấn đề biển Đông cần phải có sự hỗ trợ bổ sung của ngoại giao. Bởi vì, ngoại giao có thể tăng cường độ minh bạch của quá trình giải quyết vấn đề, có lợi cho tranh chấp được giải quyết trên cơ sở duy trì sự thống nhất với lợi ích của Mỹ.
Thứ nhất, Quốc hội Mỹ cần phê chuẩn để Mỹ gia nhập Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS). Nguyên nhân ở chỗ, nếu Mỹ không tham gia ký vào văn kiện pháp lý đã được các nước xung quanh biển Đông phê chuẩn, thì Mỹ sẽ không thể phát huy vai trò lãnh đạo trong quá trình bảo vệ tự do hàng hải ở khu vực.
Mặc dù UNCLOS có thể không giải quyết hết các tranh chấp ở Biển Đông nhưng thúc đẩy các nước xung quanh biển Đông tăng cường đồng thuận với luật biển sẽ có lợi cho hóa giải tranh chấp. Mỹ tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật biển có ý nghĩa tượng trưng rất quan trọng.
Mỹ-Philippines tiến hành diễn tập quân sự liên hợp Balikatan-2013 |
Thứ hai, Mỹ cần tiếp tục ủng hộ Philippines sử dụng phương thức trọng tài để giải quyết tranh chấp lãnh thổ biển Đông. Được biết, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã cho biết rõ Mỹ sẽ toàn lực ủng hộ cách thức giải quyết tranh chấp của Philippines. Nhưng, Mỹ nhấn mạnh, các nước xung quanh biển Đông cần phải nhận thức được, điều mà Mỹ ủng hộ không phải là kết quả của sự việc, mà là ủng hộ quá trình giải quyết tranh chấp.
Thứ ba, Mỹ phải tiếp tục tăng cường vai trò của ASEAN trong quá trình quyết định số phận của biển Đông. Một con đường quan trọng Mỹ quay trở lại châu Á thực hiện tái cân bằng chiến lược chính là tham gia các hội nghị thượng đỉnh do ASEAN và các nước ASEAN tổ chức.
Mỹ có thể thông qua các hội nghị thượng đỉnh này tăng cường quan hệ song phương giữa Mỹ với các nước ASEAN, tiến tới tăng cường đoàn kết nội bộ của ASEAN trong quá trình đối đầu với Trung Quốc. Gần đây, Mỹ chính thức cho biết, Mỹ sẽ tăng cường quan hệ với Brunei, nước Chủ tịch ASEAN năm 2013, để ngăn chặn tiếp tục xảy ra vấn đề như trong quá trình Campuchia làm nước Chủ tịch ASEAN năm 2012.
Thứ tư, cùng với việc tăng cường quan hệ song phương với Brunei, Mỹ cần tiếp tục gia tăng hợp tác toàn diện với Indonesia, cố gắng làm cho Indonesia trở thành lực lượng cân bằng của khu vực biển Đông. Đối với Mỹ, một nước Indonesia dân chủ đã trở thành một trong những “nhân vật” quan trọng nhất của ASEAN, đặc biệt là từ khi trở thành đối tác hợp tác toàn diện của Mỹ vào năm 2008 đến nay, với tư cách là một quốc gia không có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông, Indonesia hoàn toàn có thể đóng vai trò người giữ cân bằng đáng tin cậy sau khi Campuchia làm mất uy tín.
Mỹ muốn đưa Trung Quốc vào khuôn khổ để duy trì cân bằng chiến lược, bảo đảm an ninh khu vực. Trung Quốc đã đồng ý tham gia cuộc diễn tập Vành đai Thái Bình Dương vào năm 2014. |
Ngoài quân sự và ngoại giao, bài viết cho rằng, bất cứ chiến lược mang tính khu vực nào đều cần phải có sự tham gia về kinh tế. Điểm này có thể được phản ánh từ mối quan tâm về thịnh vượng kinh tế của các nước Đông Á. Đối với Mỹ, Mỹ có thể nắm chắc quyền chủ động trên lĩnh vực kinh tế ở các phương diện sau đây:
Thứ nhất, thúc đẩy hợp tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương trong năm nay. Dưới sự ủng hộ của chính quyền Shinzo Abe Nhật Bản, Hiệp định quan hệ đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ giành được tiến triển mang tính thực chất vào năm 2014. Trong quá trình này, sự quan tâm rất cao của Mỹ đối với TPP có thể tỏ rõ với các nước xung quanh biển Đông rằng, Mỹ có quyết tâm tuân thủ cam kết thúc đẩy sự thịnh vượng của khu vực, điều này có thể cải thiện quan hệ song phương giữa Mỹ với hầu hết các nước quanh biển Đông, đồng thời phần nào tránh được xung đột quân sự.
Thứ hai, Mỹ cần nỗ lực hết sức làm thay đổi cục diện mất cân bằng trong sự phát triển của các nước ASEAN. Nói một cách cụ thể, Mỹ có thể thông qua xây dựng một loại cơ chế kích thích kinh tế, như “Hợp tác kinh tế mở rộng Mỹ-ASEAN” (E3) do Mỹ khởi xướng mùa thu năm 2012 hoặc Hiệp định hợp tác kinh tế các nước tiểu vùng sông Mekong, nhằm tăng cường sức mạnh kinh tế của các nước như Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam.
Thông qua những nỗ lực tương tự, Mỹ có thể làm cho những nước này từng bước đuổi kịp các nước ASEAN phát triển hơn khác, như trình độ phát triển kinh tế của các nước Singapore, Indonesia, tiến tới làm cho Cộng đồng kinh tế ASEAN trở thành hiện thực trước năm 2015. Trong khi đó, mục đích xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN là ở chỗ tăng cường đoàn kết nội khối ASEAN, tránh bị chia rẽ.
Có nguồn tin cho biết, Mỹ có khả năng bán máy bay tuần tra săn ngầm P-3C cho Việt Nam |
Cuối cùng, bài viết tổng kết cho rằng, châu Á luôn coi mình là động lực phát triển của nền kinh tế thế giới, trong khi đó mâu thuẫn, xung đột ở khu vực biển Đông rất có thể sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng hoạt động của “động cơ” này.
Với tư cách là lực lượng lãnh đạo của khu vực châu Á, Mỹ phải đưa ra sự lựa chọn và áp dụng các biện pháp cần thiết bảo đảm khu vực biển Đông duy trì hòa bình và ổn định trong năm 2013, đồng thời trong tình hình có thể, xây dựng cơ chế phản ứng lâu dài hơn để ứng phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai.