Ngày 4/7/2014, tạp chí Học giả ngoại giao có trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản đã đăng tải bài viết có tiêu đề “Di sản chất độc màu da cam vẫn đang giáng họa cho Việt Nam” của tác giả Sean Kimmons, một trong những nhà báo, nhiếp ảnh gia tự do ở Thái Lan từng có những tác phẩm phản ánh tình hình bất ổn định chính trị và bạo lực trong Chiến tranh Iraq, cung đường buôn bán ma túy Tam Giác Vàng cũng như đại dịch HIV/AIDS ở khu vực Nam Á cùng nhiều chủ đề khác nhau.
Bài viết của phóng viên Sean Kimmons miêu tả rằng sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc vài thập kỷ, vẫn còn đó những nạn nhân của một cuộc chiến tranh tàn khốc đang phải vật lộn đối chọi hậu quả của các loại hóa chất tử thần – đó chính là chất độc màu da cam, thứ mà quân đội Mỹ đã sử dụng trong cuộc chiến chống lại quân đội miền Bắc Việt Nam.
Anh em Toàn sống ở Đà Nẵng đang được mẹ cho uống nước, cả hai đều không thể tự chăm lo được cho bản thân (Ảnh: Sean Kimmons) |
Từ miền Trung Việt Nam, Sean Kimmons đã miêu tả lại một cảnh tượng thảm thương khi phóng viên này đến và tiếp xúc với một gia đình có những người con bị ảnh hưởng bởi di chứng chất độc màu gia cam ở thành phố Đà Nẵng khi họ đang vật lộn, đối phó với cuộc sống hàng ngày với vô vàn khó khăn và vô vọng:
“Những cơ thể yếu ớt của Toàn và người em trai của mình đang ngồi bất động, dựa lưng vào vách tường để chống đỡ cho những cột sống bị vẹo vọ, uốn cong – một trong những hậu quả khốn khổ mà các thanh niên này đang phải hứng chịu do di chứng được thừa hưởng từ việc bị phơi nhiễm chất độc màu da cam từ đời ông nội của mình”.
Sean Kimmons đã tìm hiểu và được biết rằng hai anh em của Toàn khi sinh ra vẫn khỏe mạnh bình thường nhưng càng lớn thì họ lại càng yếu ớt với những biểu hiện bệnh tật kỳ lạ khiến hệ thống thần kinh và cơ thể ngày càng teo tóp, què quặt.
Những cháu bé bị dị tật bẩm sinh do ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam từ bố mẹ bị phơi nhiễm mà Sean Kimmons đã gặp tại một trại mồ côi cở Đà Nẵng |
Cả hai anh em Toàn đã ở độ tuổi 22 và 18 – giai đoạn thanh xuân, khỏe mạnh nhất của cuộc đời nhưng thực tế thì cả hai gần như toàn thân bất động, sống cả đời trong 1 căn phòng và đang phải đối mặt với thực tế đau đớn là cơ thể đang dần teo tóp một cách thảm thương.
“Tôi giống như một đứa bé. Không thể di chuyển, không thể tự chăm sóc bản thân hay làm bất cứ điều gì mình muốn”. “Tôi cảm thất cuộc sống không có ý nghĩa, không chả còn mục đích gì nữa” - Toàn nói với Sean Kimmons trong cuộc tiếp xúc đi phóng viên Thái Lan đến thăm gia đình anh.
Sean Kimmons trích dẫn thông tin của Hội chữ thập đỏ Việt Nam cho biết, trên lãnh thổ Việt Nam hiện có khoảng 3 triệu người, trong đó có khoảng 150.000 trẻ em khi sinh ra đã bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam (Agent Orange). Hậu quả là sau chiến tranh, tỷ lệ dị tật bẩm sinh tại Việt Nam đã tăng gấp 4 lần so với trước.
Theo thống kê, từ năm 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã xịt khoảng 20 triệu gallon ( 1 gallon = 3,785 lít ) chất độc hóa học màu da cam và các chất độc hại tương tự xuống ¼ diện tích miền Nam Việt Nam với mục đích diệt thảm thực vật được bộ đội miền Bắc Việt Nam sử dụng làm nơi trú náu, tránh quân thù.
Những hình ảnh thương tâm được tác giả Sean Kimmons chụp lại trong chuyến thăm và công tác |
Bà Hà Thị Mấc – một trong các Phó chủ tịch Hội nạn nhân chất độc màu da cam/Dioxin Việt Nam/(VAVA) cho biết “hậu quả mà các chiến dịch sử dụng hóa chất do quân đội Mỹ để lại vô cùng nghiêm trọng đối với lịch sử nhân loại”.
Trong khi đó, các nhà hoạt động xã hội cho rằng chiến dịch sử dụng hóa chất trong chiến tranh Việt Nam là chiến dịch có quy mô lớn chưa từng có.
Dioxin, một trong những thành phần của các loại thuốc diệt cỏ có liên quan và ảnh hưởng rất nguy hiểm đối với những vấn đề liên quan đến phát triển và sinh sản ở người đặc biệt nó còn là nhân tố gây ra các vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe của người dân Việt Nam và cả các cựu chiến binh Mỹ từng phục vụ trong Chiến tranh Việt Nam.
Chất độc Dioxin có thể lưu hành và không phân hủy trong khoảng thời gian 100 năm, ghê gớm hơn, có vẫn có thể tồn tại, làm ô nhiêm môi trường nước và thức ăn đối với người dân bản địa.
“Mặc dù hậu quả của việc dùng hóa chất của quân đội Mỹ trong chiến tranh là vô cùng nguy hiểm và rõ ràng nhưng chưa bao giờ chính quyền Mỹ chính thức thừa nhận trách nhiệm đối với những gì mà họ gây ra cho người dân và môi trường ở Việt Nam”. – nhà báo Thái Lan dẫn lời bà Hà Thị Mấc cho biết.
Sean Kimmons cũng đã tiếp xúc với những nạn nhân còn có khả năng nhận thức, lao động nhẹ |
Thực tế là chính quyền Mỹ đã không thừa nhận trách nhiệm với những gì mà quân đội của họ đã gây ra ở Việt Nam, tuy nhiên, phía Mỹ cũng đã tiến hành các hoạt động nhằm giúp đỡ các nạn nhân đang gặp khó khăn, tiến hành các chiến dịch tảy rửa sân bay bị nhiễm độc ở Đà Nẵng mơi quân đội của Washington đã sử dụng để tích trữ các thùng hóa chất diệt cỏ.
Sean Kimmons cho rằng những động thái của phía Mỹ được thực hiện trong những năm gần đây cùng mới việc quan hệ song phương Việt – Mỹ đang ấm lại và phát triển, đặc biệt là trong bối cảnh Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á Thái Bình Dương và Việt Nam là một trong số các quốc gia bị láng giềng Trung Quốc chèn ép.
Trong tháng 4 năm 2014 vừa qua, Mỹ đã tuyên bố tài trợ một dự án có giá trị khoảng 80 triệu USD nhằm tiến hành hoạt động tảy độc tại một sân bay ở Đà Nẵng, nơi đã và sẽ trở thành cổng tiếp đón khách du lịch quốc tế cỡ lớn ở miền Trung Việt Nam. Dự án này được thiết kế và sẽ kết thúc vào năm 2016.
Trong khi đó, Mỹ cũng đã công bố các kế hoạch phối hợp cùng chính quyền Việt Nam để tiến hành xử lý các địa điểm bị nhiễm độc tại căn cứ không quân Biên Hòa, gần thành phố Hồ Chí Minh – nơi được cho là có cấp độ ô nhiêm cao gấp 3 lần sân bay ở Đà Nẵng.
Tuy nhiên, thực tế là trên lãnh thổ Việt Nam còn rất nhiều địa điểm bị ô nhiễm do hóa chất diệt cỏ của quân đội Mỹ, thậm chí chúng còn chưa được biết và có kế hoạch tảy độc nếu chưa có những dự án trị giá nhiều triệu USD được công bố.
Trước đó, năm 2012, chính quyền Mỹ đã phát động một dự án có giá trị khoảng 9 triệu USD kéo dài 3 năm để tiến hành các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ các công dân Việt Nam bị tàn tật, không phân biệt, cân nhắc điều kiện thực tế họ đang sở hữu.
Nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam đa phần đều là những người yếu bệnh, nghèo nhất trong số những người nghèo ở xã hội Việt Nam |
Sean Kimmons nhận định rằng hiện nay các nạn nhân chất độc màu da cam/Dioxin ở Việt Nam hiện vẫn chưa được Mỹ lựa chọn trực tiếp để giải ngân cho các dự án, nguồn quỹ.
Spencer Cryder – phát ngôn viên của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho biết lý do là vì “quy mô, phạm vi giữa những người Việt Nam bị phơi nhiễm Dioxin và chất độc màu da cam cùng với mối liên kết giữa hiện tượng bị phơi nhiễm và các ảnh hưởng y tế khác chưa được đánh giá rõ ràng”.
Tại Mỹ, chính phủ nước này cũng đã phải thừa nhận 15 loại bệnh và dị tật bẩm sinh có liên quan đến ảnh hưởng của chất độc màu da cam/Dioxin để làm căn cứ đền bù cho khoảng 250.000 cựu chiến binh Mỹ bị phơi nhiễm với loại chất hóa học nguy hiểm này.
Năm 2010, Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn một khoản ngân sách khoảng 13,4 tỷ USD cho những đền bù như đề cập bên trên.
Viện nghiên cứu Aspen, một diễn đàn quốc tế chuyên nghiên cứu về “cuộc khủng hoảng chất độc màu da cam” tại Việt Nam đã lên tiếng thúc giục chính quyền Mỹ chi khoảng 450 triệu USD cho một kế hoạch kéo dài 10 năm để tảy độc, làm sạch các điểm nóng ô nhiễm chất độc màu da cam, khôi phục hệ sin thái bị tàn phá cũng như thúc đẩy các dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân, gia đình các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi hóa chất của quân đội Mỹ.
Nhà báo của Thái Lan cho biết hiện nay, có khoảng 200.000 nạn nhân chất độc màu da cam ở Việt Nam được nhận khoảng tiền trợ cấp tương đương với 20 USD mỗi tháng. Tiền này do chính phủ Việt Nam chi trả.
Thực tế số tiền nhỏ nhoi hỗ trợ này không đủ để người thân các nạn nhân tiêu dùng cho các chi phí liên quan đến sinh hoạt và chăm sóc các nạn nhân tội nghiệp.
Qua nhiều thế hệ khác nhau, các gia đình nạn nhân chất độc màu da cam lại có thêm nhiều người ốm yếu. Đó là hậu quả tàn khốc, kinh khủng và gắng nặng nhất đối với xã hội và bản thân những nạn nhân.
Mark Conroy – cố vấn cấp cao của tổ chức Đông Tây Hội Ngộ – tổ chức phi chính phủ hoạt động ở khu vực châu Á cho biết: “Thật sự là nản lòng nếu không huy động được quỹ trợ giúp các nạn nhân. Từ năm 2009, cùng với thành công trong tăng trưởng kinh tế, Việt Nam trở thành quốc gia có có thu nhập trung bình thấp thì cũng chính là lúc các nhà bảo trợ quốc tế bắt đầu không hoạt động tích cực tại quốc gia này nữa”.
Thực tế là ở quốc gia nào cũng vậy, khi vị thế được nâng nên, buộc nhà chức trách phải tự xử lý các vấn đề khó khắn vì các nhà hảo tâm quốc tế cũng không thể nào hỗ trợ mãi ở một địa bàn – cố vấn Mark Conroy cho hay.
Năm 2004, các nạn nhân chất độc màu da cam/Dioxin Việt Nam đã thảo đơn kiện các công ty hóa chất Mỹ trong đó có các hãng lớn là Chemical và Monsanto, yêu cầu các công ty này bồi thường vì đã sản xuất và bán cho quân đội Mỹ các loại hóa chất kịch độc.
Tuy nhiên, tại một tòa án cấp liêng bang, chính tòa án này trước đó (năm 1984) đã ra phán quyết buộc các công ty hóa chất của Mỹ phải bồi thường 180 triệu USD cho các cựu binh Mỹ bị ảnh hưởng bởi chất độc mà da cam khi tham chiếm ở Việt Nam đã khước từ đơn kiện này với lời giải thích rất không hợp lý khi tuyên bố rằng các công ty hợp đồng với chính phủ Mỹ có quyền miễn trừ.
Sau này, tòa án Thượng viện Mỹ đã từ chối đề nghị kiện của các nạn nhân Việt Nam vào năm 2009.
“Như hình phạt trung thân”
Những nạn nhân bị ảnh hưởng ít được học, trang bị kiến thức để mưu sinh sau này |
Trở lại phía nam thành phố Đà Nẵng, phóng viên Sean Kimmons đã đến thăm một trại trẻ mồ côi nhỏ, là nơi cư trú của một số trẻ em dị tật bị cha mẹ chúng bỏ rơi.
Trong trại trẻ này, Sean Kimmons đã bắt gặp hình ảnh một cháu bé đang độ tuổi nếu bình thường thì đang tập đi với tấm lưng siêu vẹo, xong veo vì dị tật đang nằm trong cũi sắt hướng ánh mắt về một cậu bé khác với cái đầu to bất thường thường thấy ở những cháu bé bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam.
Ngay cạnh hai cháu bé đáng thương này là hình ảnh một cậu bé khác bị chứng thần kinh, người buộc phải buộc cậu vào một bức tường để đảm bảo an toàn cho chính cháu bé.
Cảnh tượng đau lòng tiếp đến được phóng viên Sean Kimmons miêu tả trong bài báo của mình là một cháu bé với vẻ mặt ngờ nghệch, lơ đễnh của những người không điều khiển được thần kinh đang ngước nhìn lên phía ống kính từ một cũi sắt, phía bên dưới cũi là một cậu bé khác bẩm sinh đã gày trơ xương đang rên rỉ khóc khi thỉnh thoảng có những con ruồi bay qua...
Cũng giống như rất nhiều trường hợp không thể kể hết, cuộc đời các cô bé, cậu bé mồ côi này sẽ vĩnh viễn giống như một bản án chung thân bởi điều kiện và trình độ y học của Việt Nam còn đang thiếu hụt các biện pháo can thiệp sớm để ngăn chặn tỷ lệ dị tật bẩm sinh, cung cấp liệu pháp vật lý để phục hồi các cơ thể bị biến dạng, tàn phá.
Bà Hà Thị Mấc – Phó chủ tịch Hội nạn nhân chất độc màu da cam/Dioxin Việt Nam cho hay: “Điều kiện sống của hầu hết các nạn nhân chất độc màu da cam rất khó khăn vì họ là những người nghèo nhất trong số tầng lớp người nghèo trong xã hội”. “Rất nhiều người trong số họ không có khả năng nuôi sống bản thân”.
Đối với những nạn nhân không nằm liệt giường, Hội nạn nhân chất độc màu da cam/Dioxin Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ khác cũng giúp đỡ bằng các cung cấp các dịch vụ giáo dục, đào tạo nghề miễn phí giúp họ có kiến thức, tự làm chủ được kỹ năng vệ sinh, thậm chí sử dụng máy tính giúp họ tự lập, giảm bớt gánh nặng cho chính bản thân và gia đình họ.
Tuy nhiên, các chương trình này luôn thiếu nguồn quỹ để duy trì thường xuyên, mới chỉ đáp ứng được khoảng 10 % nhu cầu thực sự.
Ông Đinh Văn - Phó giám đốc làng trẻ em Hữu Nghị, nơi chăm sóc và nuôi dương khoảng 120 trẻ em bị ảnh hưởng bởi chất độc mà da cam ở Hà Nội cho biết các nguồn tài chính dành cho các chương trình nhân đạo luôn không ổn định.
“Mặc dù nhận được sự giúp đỡ từ Hội nạn nhân chất độc màu da cam/Dioxin nhưng trường vẫn không đủ tài chính để cải thiện hơn nữa đời sống của các cháu. Chỉ có những cháu bé bị ảnh hưởng bởi các bệnh ít nghiên trọng nhất mới được giúp đỡ tại đây”.
Kết thúc bài viết rất dài về hiện trạng và những vấn đề mà những nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam/Dioxin ở Việt Nam đã và đang gặp phái, phóng viên Sean Kimmons đã mượn lời chàng thanh niên dị tật tên Toàn ở Đà Nẵng để nói lên sự đau đớn, tình cảnh thảm thương của tất cả các nạn nhân vô tội ở Việt Nam đó là:
“Nếu đây là một án tử hình có lẽ sẽ tốt hơn. Nhưng nỗi đau vẫn đang hành hạ và tôi vẫn phải chịu đựng hàng ngày. Điều đó giống như một án tù chung thân”. – Toàn – thanh niên 22 tuổi tâm sự.
Bình Nguyên