Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông năm học 2020 cơ bản đã hoàn thành. Các thí sinh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ được tổ chức thi vào đợt 2.
Ngay sau kỳ thi đợt 1 kết thúc, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bắt đầu triển khai công tác chấm thi. Dù chưa có kết quả thi nhưng việc chọn ngành, nghề gì theo học là câu hỏi băn khoăn của không ít học sinh tốt nghiệp lớp 12 năm nay.
Ngành Luật đào tạo những gì cho sinh viên?
Những năm gần đây, ngành Luật được nhiều thí sinh có học lực khá lựa chọn để theo học. Vậy nếu theo học ngành Luật, sinh viên sẽ được học những gì và cơ hội việc làm có rộng mở?
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đinh Thị Hằng, Phó trưởng khoa Luật, Trường Đại học Mở Hà Nội cho biết: “Ngành Luật là một trong những ngành nghề phổ biến và không thể thiếu của xã hội và là một trong số ít những ngành khoa học xã hội có thu nhập cao cùng cơ hội việc làm dồi dào, đa dạng.”
Tiến sĩ Đinh Thị Hằng, Phó trưởng khoa Luật, Trường Đại học Mở Hà Nội cho biết: “Ngành Luật là một trong những ngành nghề phổ biến và không thể thiếu của xã hội”. (Ảnh: Cao Kim Anh) |
Một sinh viên tốt nghiệp ngành Luật hiện nay có thể làm rất nhiều vị trí công việc khác nhau như: làm việc trong hệ thống cơ quan nhà nước; các tổ chức chính trị xã hội; các doanh nghiệp trong và ngoài nước, doanh nghiệp liên kết nước ngoài…; tham gia giảng dạy, nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo…
Hệ thống cơ quan hành chính công cũng đang không ngừng tăng cường pháp chế, áp dụng luật vào việc quản lý, điều hành. Chính vì thế nhu cầu tuyển dụng cử nhân Luật ngày nay rất lớn. Đó cũng là một trong những lý do ngành Luật ngày càng phát triển tại Việt Nam.
“Bên cạnh các ngành nghề khác thì học luật đối với đa phần sinh viên không phải là quá khó vì đào tạo luật thuộc khối ngành xã hội. Nên các môn học, kiến thức luật gần gũi, dễ tiếp cận đối với mỗi sinh viên”, Tiến sĩ Hằng chia sẻ.
Theo tìm hiểu, ngành Luật là thuật ngữ chung bao gồm nhiều chuyên ngành khác nhau như: luật kinh tế, luật hình sự, luật dân sự, luật hành chính, luật hôn nhân và gia đình…
Hầu hết các vấn đề xung quanh cuộc sống hàng ngày đều có yếu tố luật học. Do tính ứng dụng cao nên nhu cầu đăng ký tuyển sinh những năm gần đây rất lớn.
Tiến sĩ Hằng cho hay: “Để đáp ứng nhu cầu về ngành Luật đối với xã hội, trường chúng tôi, cũng như các cơ sở đào tạo khác đều phải mở rộng mô hình, quy mô đào tạo.
Không chỉ bó buộc vào hình thức chính quy như trước, hiện nay, các cơ sở đào tạo còn tuyển sinh các mô hình như đào tạo từ xa, vừa làm học vừa. Tạo điều kiện cho người học không có nhiều thời gian học tập nhưng có nhu cầu nâng cao thêm kiến thức, hoàn thiện bằng cấp.
Ngoài ra, các hình thức khác như đào tạo văn bằng hai chính quy, Liên thông Cao đẳng lên Đại học chính quy, học cùng một lúc hai chương trình (song bằng) cũng được các trường mở rộng nhằm đào tạo ngay các sinh viên đang học tập tại trường có nhu cầu học thêm về ngành Luật. Điều này tiết kiệm thời gian đào tạo và chi phí học tập rất nhiều cho người học”.
Các cơ sở đào tạo ngành Luật trong nước liên kết cùng các cơ sở đào tạo nước ngoài nhằm trao đổi, nâng cao chuyên môn. (Ảnh Tiến sĩ Hằng cung cấp) |
Trải nghiệm công việc tương lai từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học
Đứng trước yêu cầu về chất lượng ngày càng cao của thị trường nhân lực, các cơ sở đào tạo phải luôn nỗ lực thay đổi để tạo ra môi trường rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên bên cạnh xây dựng nền tảng vững chắc về lý thuyết.
“Phải kết hợp học đi đôi với hành thì chất lượng sinh viên ra trường mới cao, các em mới tự tin trong công việc sau khi tốt nghiệp”, Tiến sĩ Hằng khẳng định.
Ngành Luật thuộc khối ngành xã hội, nếu chỉ học lý thuyết suông sẽ tạo cảm giác nhàm chán cho sinh viên.
Thêm vào đó, yêu cầu của thị trường nhân sự hiện nay, đối với các sinh viên mới ra trường, nếu có càng nhiều nghiên cứu, trải nghiệm thì càng đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng, cơ hội nghề nghiệp sẽ càng lớn.
Phiên tòa giả định, thực hành diễn án, thực tập định hướng nghề nghiệp, thực hành nghề nghiệp… là những phương thức giảng dạy để các học phần luật tố tụng thêm hiệu quả.
Thay vì chỉ học lý thuyết như những năm về trước, các trường đào tạo ngành Luật cố gắng tạo mọi điều kiện để trao cho sinh viên cơ hội đóng vai những vị trí công việc khác nhau như Thẩm phán, Luật sư tranh tụng, Kiểm sát viên, Thư ký phiên tòa… để các em có trải nghiệm công việc tương lai ngay từ khi đang ngồi tại giảng đường.
Ngoài ra “như Trường Đại học Mở Hà Nội chúng tôi, bên cạnh đội ngũ giảng viên cơ hữu và các giảng viên thỉnh giảng đến từ các cơ sở đào tạo uy tín, Khoa Luật ưu tiên mời các luật sư, thẩm phán, công chứng viên, những luật gia hoạt động thực tiễn tham gia công tác giảng dạy giúp tăng cường kiến thức thực tế cho sinh viên.
Những buổi nói chuyện chuyên đề về định hướng nghề nghiệp với các diễn giả đến từ các cơ sở sử dụng nhân lực như Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Văn phòng luật sư, các Doanh nghiệp… luôn có sức hút đối với các bạn sinh viên”, Phó trưởng khoa Luật, Trường Đại học Mở Hà Nội chia sẻ.
Các cơ sở đào tạo chuyên ngành Luật hiện nay thường liên kết với nhau, không những trong nước mà còn liên kết các cơ sở chuyên ngành nước ngoài.
Bên cạnh đó, các dự án, hội thảo, hoạt động… để sinh viên có cơ hội trải nghiệm, học tập được các trường xây dựng và phát triển rộng rãi.
Phiên diễn án thực tập được đưa vào giáo trình giảng dạy để sinh viên ngành Luật được trải nghiệm công việc chuyên ngành trong tương lai. (Ảnh: Tiến sĩ Hằng cung cấp) |
Trong tiến trình hội nhập thế giới, Việt Nam là một trong những địa chỉ đầu tư tin cậy của các nhà đầu tư trên toàn cầu. Điều đó đồng nghĩa các công ty nước ngoài đầu tư vào nước ta ngày càng nhiều, buộc các doanh nghiệp trong nước phải thay đổi, hòa nhập tạo ra sân chơi lành mạnh.
Ngày nay, cơ hội việc làm cho các cử nhân ngành Luật ra trường rất đa dạng và hấp dẫn, không chỉ bó hẹp trong các cơ quan nhà nước như tòa án, viện kiểm sát, sở tư pháp...
Họ có thể làm việc cho các công ty, doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
“Bên cạnh đó, nền kinh tế quốc tế đang diễn ra có những bước phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Hành lang pháp lý và những vấn đề liên quan đến chính sách kinh tế phải được quan tâm và đảm bảo chặt chẽ ở tất cả các khâu.
Theo đó, luật kinh tế cũng trở thành công cụ bảo hộ ưu việt nhất góp phần bảo vệ sự an toàn, duy trì sự ổn định và mang đến hiệu quả cao nhất có thể trong quá trình hoạt động của các đơn vị kinh doanh”, cô Hằng khẳng định.
Tiến sĩ Hằng chia sẻ thêm “khi nói về ngành Luật từ trước đến nay mọi người chỉ quy chụp rằng, sinh viên tốt nghiệp ra trường chỉ hành nghề Luật sư. Nhưng bây giờ ngành Luật có thể xin việc vào hầu hết các cơ quan, doanh nghiệp, năng động và đa dạng lắm”.