Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm để lấy ý kiến góp ý của cá nhân, tổ chức đến ngày 22/10/2024.
Đáng chú ý, dự thảo Thông tư quy định tổng thời lượng dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục theo kế hoạch giáo dục của nhà trường và dạy thêm, học thêm không quá 35 tiết/tuần đối với cấp tiểu học, không quá 42 tiết/tuần đối với cấp trung học cơ sở, không quá 48 tiết/tuần đối với cấp trung học phổ thông.
Tuy nhiên, người viết là giáo viên nhận thấy, học sinh tham gia học thêm ở trong và nhà ngoài trường vượt quá tổng thời lượng theo dự thảo, và đây là thực trạng chung ở các nhà trường phổ thông hiện nay.
Thứ nhất, Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT (đang còn hiệu lực) quy định, không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
Quy định là thế, nhưng theo ghi nhận của người viết, học sinh tiểu học (ở nơi địa phương của người viết) dù đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày nhưng các em vẫn đi học sau giờ tan học vào các buổi chiều trong tuần.
Học sinh thường học thêm từ 17 giờ 30 đến 19 giờ 00 ở nhà giáo viên chủ nhiệm hoặc các lớp học được thầy cô giáo thuê gần trường học để phụ huynh tiện đưa đón.
Học sinh bậc tiểu học đi học thêm vào các buổi chiều tối một phần vì phụ huynh đi làm về trễ, không kịp đón con, một phần họ mong muốn con em được thầy cô giáo kèm cặp thêm để được xếp loại xuất sắc, loại tốt, suy cho cùng cũng do "bệnh thành tích" cả.
Hầu hết phụ huynh đều có khả năng dạy con em bậc tiểu học mặc dù họ thiếu phương pháp sư phạm. Nhưng, nhiều phụ huynh không trực tiếp dạy con mà cho con đi học thêm những mong thầy cô giáo quan tâm đặc biệt hoặc châm chước, do họ đã đóng tiền.
Người viết nhận thấy, nhiều giáo viên tiểu học còn dạy thêm cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật nhưng họ vẫn vô sự vì ngoài tầm kiểm soát của hiệu trưởng.
Ngoài ra, chính quyền địa phương hầu như cũng không nhắc nhở, không kiểm tra, có lẽ vì sự tôn trọng thầy cô giáo, nên việc dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học ở ngoài nhà trường vẫn ngang nhiên tồn tại như chưa hề bị cấm.
Nhìn chung, nếu phụ huynh không có nhu cầu cho con em học thêm và chính quyền địa phương kiểm tra gắt gao việc dạy thêm ở ngoài nhà trường thì sẽ sớm chấm dứt được thực trạng đáng buồn này.
Thứ hai, học sinh bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông đang học thêm chồng chéo ở trong và ngoài nhà trường, gây lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc cho bản thân các em và phụ huynh.
Chẳng hạn, có nhiều trường, học sinh bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông được học 2 buổi/ngày ở trường, nghĩa là các em đã được học tăng tiết (bản chất là dạy thêm, học thêm có thu tiền) ở buổi thứ hai.
Đối với các môn thi tuyển sinh vào lớp 10, ví dụ Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, học sinh được học tăng tiết ít nhất 2 tiết/môn/tuần hoặc cũng có thể hơn nếu các em học cả sáng thứ Bảy.
Tuy vậy, sau giờ tan học vào các buổi chiều, các ngày thứ Bảy, Chủ nhật, học sinh vẫn tiếp tục đi học thêm ở nhà giáo viên, ở lớp học thêm do giáo viên ở trên lớp trực tiếp giảng dạy hoặc học ở trung tâm bồi dưỡng văn hoá.
Sở dĩ học sinh phải đi học thêm chồng chéo là do việc dạy buổi 2 ở các nhà trường chưa thoả mãn nhu cầu của các em. Học sinh giỏi, khá, trung bình, yếu vẫn được xếp chung vào một lớp thì giáo viên bộ môn rất khó dạy phân hoá.
Chưa kể, không phải giáo viên nào cũng có khả năng dạy luyện thi tuyển sinh vào lớp 10, thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng họ vẫn tham gia dạy buổi 2 khiến học sinh chán học, học đối phó, học cho hết ngày rồi đi học thêm.
Đối với bậc trung học phổ thông, nhiều học sinh không có nhu cầu học buổi 2, các em chỉ muốn học thêm để luyện thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy nhưng vẫn phải học buổi 2 ở trường vì không còn cách nào khác.
Trong khi đó, giáo viên dạy buổi 2 chủ yếu là ôn tập kiến thức cũ nên sau giờ học ở lớp, các em phải đến học thêm ở trung tâm. Đáng nói, không ít học sinh mỗi buổi tối đi học thêm cả 2 ca (3 tiếng) và về đến nhà lúc 22 giờ trong tình trạng kiệt sức.
Vậy nên, các nhà trường trung học cơ sở, trung học phổ thông cần đa dạng hoá các hình thức dạy buổi 2 để học sinh giảm thiểu việc học thêm chồng chéo.
Theo đó, hiệu trưởng cần chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm lớp kết hợp với giáo viên bộ môn phân loại học sinh và cho các em được phép chọn giáo viên hoặc lãnh đạo phân công thầy cô giáo dạy buổi 2 sao cho phù hợp với năng lực của từng nhóm lớp.
Ví dụ, giáo viên nào có năng lực thì phân công giảng dạy học sinh khá, giỏi, học sinh có nhu cầu luyện thi tuyển sinh vào lớp 10, thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi đánh giá năng lực,... còn các giáo viên khác thì dạy phụ đạo cho học sinh trung bình, yếu.
Ngoài ra, việc chi trả thù lao giảng dạy cho giáo viên cũng cần được tính toán sòng phẳng theo năng lực, chất lượng giảng dạy, tránh cào bằng khiến giáo viên dạy chưa hết mình, kể cả so đo với đồng nghiệp.
Nếu các nhà trường làm được điều này thì những giáo viên có năng lực sẽ nhiệt tình giảng dạy, hết lòng chăm lo học sinh, và các em cũng không cần phải đi học thêm ở ngoài nhà trường nữa.
Thiết nghĩ, trước khi chúng ta bàn về dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm có thoáng hay không thì điều cốt yếu phải trả lời được câu hỏi: Học sinh có vui vẻ, hạnh phúc và tiến bộ nhờ học thêm hay không?
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.