Học sinh không được ở lại lớp, trò chán học, thầy chán dạy

30/06/2023 06:40
Lê Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Không có bất kì văn bản nào cấm học sinh ở lại lớp, nhưng vì thành tích, nhiều thầy cô đành đẩy tất cả học sinh đều lên lớp.

Cách đây hơn hai chục năm, tôi phụ trách Toán khối 6 của một trường trung học cơ sở phía Nam, cuối học kì I lớp tôi chủ nhiệm có thêm một học sinh Nguyễn Mạnh Trung (đã đổi tên nhân vật) chuyển từ Hải Dương vào.

Bố mẹ Trung là thợ xây, theo công trình nay đây mai đó, học bạ của Trung có một xấp giấy chuyển trường minh chứng cho cuộc đời bôn ba của bố mẹ.

Đất lành chim đậu, bố Trung quyết định bỏ nghề thợ xây, ở lại địa phương làm dịch vụ nấu ăn, thế nhưng cuối năm học lớp 6 cả nhà nhận tin buồn, Trung phải ở lại lớp 6 vì điểm kém môn Toán, không được kiểm tra lại.

Trung có họ hàng với hiệu trưởng trường tôi, vì thế cả bố mẹ và hiệu trưởng đến phòng trọ của tôi “đàm phán”, xin tôi "du di" để cho Trung được kiểm tra lại, mong được lên lớp 7.

Sau một thời gian “đàm phán”, cả bố mẹ và hiệu trưởng đã đồng ý cho Trung ở lại lớp 6, tôi sẽ là người giúp đỡ em học tập năm sau.

Trung chia sẻ với tôi: “Ở lại lớp 6 có thể nói là bước ngoặt cuộc đời của em, làm thay đổi số phận em hoàn toàn.

Nhờ được ở lại lớp, em lấy lại được kiến thức cơ bản, đi học hiểu được bài, tìm thấy niềm vui trong học tập, nhờ đó càng thích học.

Nếu không được ở lại lớp 6, chắc em khó mà thi đậu cấp ba. Lúc đầu em cũng ghét thầy, vì bắt em ở lại lớp, càng lớn, em càng hiểu vấn đề, càng nhớ ơn thầy.

Em cảm ơn thầy vì đã cho em được ở lại lớp, làm thay đổi cuộc đời, số phận của em”.

Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Lời cảm ơn nhận được khi cho học sinh ở lại lớp, ngược lại là lời trách khéo của học sinh khi phải lên lớp.

Nguyễn Trần Linh (đã đổi tên nhân vật) là học sinh cũ của tôi, hiện tại, em làm chủ một xưởng cơ khí, trong dịp họp lớp sau 25 năm ra trường, Linh nói: “Ngày trước đi học được thầy cho lên lớp, mừng lắm, nhưng bây giờ hiểu chuyện lại thấy buồn tê tái thầy ạ.

Chúng em được lên lớp, nhưng mất căn bản, không học hành gì đâu đâu thầy, thầy cô bảo “cứ nghiêm túc, đừng quậy phá, cuối năm cho lên lớp”, thế là chúng em lại lên lớp.

Hồi đó em mà được ở lại như bạn Trung, học được kiến thức cơ bản, chắc cuộc đời em khá hơn rồi, dẫu sao đi nữa vẫn cảm ơn thầy cô ạ”.

Thực tế hiện nay, rất nhiều giáo viên ”chán dạy” vì học sinh không học hành gì cả, ngồi cho có, chỉ cần “nghiêm túc” thôi.

Thầy Ngô Sĩ Bá đang công tác tại một tỉnh phía Nam chia sẻ: “Nghe tin mình nộp đơn nghỉ việc chờ hưu rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp bất ngờ.

Có người hỏi: Đang dạy Toán, dạy thêm trong trường gần chục triệu một tháng, sao nghỉ việc, uổng thế?

Mình bảo, mình chán dạy, không phải vì lương thấp, mà vì học sinh không chịu học. Học sinh đi học chỉ đi cho có, ghi chép cho có, không động não, không tư duy, ra bài khác dạng đã ôn tập là tịt.

Cho điểm thấp cũng chẳng buồn, vì nó biết trước sau gì cũng lên lớp, có kiểm tra lại cũng lên lớp. Đi dạy vậy thực sự mình không có động lực”.

Học sinh được ở lại lớp, lợi cả trò lẫn thầy

Hậu quả của việc biết “trước sau gì cũng lên lớp” đã và đang làm mất đi cảm hứng của người dạy và người học.

Thực tế hiện nay, tỷ lệ học sinh ở lại lớp sau khi kiểm tra lại rất thấp, phần lớn các cơ sở giáo dục đều có số liệu rất đẹp, tỷ lệ lên lớp gần đạt tuyệt đối 100%.

Học sinh có kết quả học tập chưa đạt phải ở lại lớp, thế nhưng không được ở lại lớp, dẫn đến hệ lụy cho cả cuộc đời, vì vậy người viết dùng “được” thay vì “phải” ở lại lớp.

Học sinh được ở lại lớp, đó là quyền lợi của người học khi được thầy cô đánh giá đúng năng lực của mình.

Cái lợi cho học sinh khi được ở lại lớp: thứ nhất, được học lại kiến thức, kĩ năng mình chưa được học, học chưa đạt.

Thứ hai, học sinh được ở lại lớp là lời nhắc nhở, giáo dục học sinh khác, nếu không học tập nghiêm túc, sẽ không được lên lớp.

Thứ ba, đảm bảo công bằng giáo dục, thưởng phạt nghiêm minh, làm không tốt thì đi chậm hơn người khác.

Thứ tư, quan trọng nhất, đó chính là đảm bảo giáo dục thật, không ngụy thành tích, không dối trá.

Học sinh được ở lại lớp, lợi cho thầy cô ở chỗ nào? Thứ nhất, giáo viên được là chính mình, trung thực, không gian dối.

Thứ hai, được học sinh và xã hội tôn trọng thật sự.

Thứ ba, nói có người nghe, dạy có người học, chất lượng giáo dục chắc chắn tăng lên mà kinh phí đầu tư rất thấp, chỉ cần chữ thật, ai cũng có thể làm được.

Thứ tư, thầy có cảm hứng để dạy thật, trò có cảm hứng để học thật; dạy thật, học thật, chất lượng thật.

Không có bất kì văn bản nào cấm học sinh ở lại lớp, nhưng vì thành tích, nhiều thầy cô đã đẩy học sinh lên lớp, ngồi nhầm lớp, gây ra tác động tiêu cực cho xã hội.

Học sinh không được ở lại lớp, trò chán học, thầy chán dạy. Cho học sinh ở lại lớp có thể làm các em chậm một năm nhưng hơn cả sẽ giúp nhiều em

Vì vậy, người viết mong các cơ sở giáo dục, mỗi giáo viên, hãy tự trọng, tổng kết, đánh giá trung thực, cho học sinh được ở lại lớp.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Lê Mai