Ngày 13/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo về việc tăng cường dạy học qua internet, trên truyền hình trong thời gian nghỉ học để phòng, chống Covid-19.
Theo đó, trước diễn biến phức tạp của Covid-19, trong thời gian học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên tạm thời nghỉ học, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tăng cường các hình thức dạy học qua internet, truyền hình.
Nghiên cứu công văn này, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đánh giá:
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, công văn này cho thấy Bộ đã có tiếp thu ý kiến của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nhiều chuyên gia giáo dục và từ cơ sở đào tạo để chỉ đạo triển khai một giải pháp học tập mang tính chất chủ động đối phó với dịch Covid-19 chứ không đơn thuần chỉ là bị động cho học sinh nghỉ như trước đó.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến hiến kế để dạy học từ xa thành nề nếp! (Ảnh: Tùng Dương) |
Ngoài ra, theo ông Khuyến, nếu trước đây Bộ khẳng định những trường đã tổ chức dạy học trực tuyến kiến thức mới thì khi học sinh đi học trở lại, trường vẫn phải có kế hoạch bố trí dạy bù thì công văn này cũng cho thấy, Bộ đã chỉ đạo cởi mở hơn khi chỉ đạo các nhà trường phân công giáo viên giao nhiệm vụ học tập theo nội dung bài học và hướng dẫn học sinh thực hiện các buổi học qua internet, trên truyền hình và nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập đã giao cho học sinh.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến vẫn còn một vài băn khoăn ở công văn này:
Thứ nhất, việc học từ xa sẽ bắt đầu triển khai khi có công văn chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và kể từ nay đến ngày đi học trở lại các em chỉ nghỉ đến trường chứ không nghỉ học.
Do đó các địa phương cần lưu ý khi ban hành văn bản kéo dài thời gian nghỉ cho học sinh, đó là “nghỉ đến trường” chứ không phải “nghỉ học”.
Bộ Giáo dục yêu cầu tăng cường dạy học qua internet trong thời gian nghỉ dịch |
Thứ hai, công văn chưa cho thấy tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Bộ về việc yêu cầu học sinh toàn quốc trở lại học tập và tất cả các cơ sở giáo dục phải chuyển sang hình thức đào tạo từ xa trong thời gian không đến trường vì dịch Covid-19.
“Không nên giao cho các nhà trường lựa chọn phương pháp này hay phương pháp khác”, ông Khuyến nói.
Thứ ba, theo tinh thần của công văn thì Bộ giao nhiệm vụ cho các địa phương trong quá trình thực hiện tuy nhiên nếu như vậy thì chưa hiệu quả.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, ngoài vai trò của địa phương thì cần có sự điều phối của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Trung ương tức trong việc chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông để sử dụng tài nguyên giáo dục từ xa, hệ thống đài truyền hình trung ương chứ nếu chỉ giao cho địa phương thực hiện từ A đến Z thì sẽ dẫn đến tình trạng địa phương chỉ thực hiện dạy học trên truyền hình, internet đối với lớp 9 và lớp 12.
“Nếu có sự điều phối từ Bộ Giáo dục và Đào tạo thì địa phương này sẽ phụ trách khối này, địa phương kia phụ trách khối khác rồi trao đổi với nhau, có như vậy học sinh từ lớp 1 đến 12 mới được học qua hình thức từ xa”, ông Khuyến nêu quan điểm.
Thứ tư, Bộ nên yêu cầu rõ, nội dung dạy trên truyền hình, internet phải bám sát nội dung chương trình mà Bộ đã ban hành, chỉ dạy kiến thức cơ bản, không dạy nội dung nâng cao.
Thứ năm, đối với việc các trường tổ chức việc học trên truyền hình thì Bộ cần yêu cầu rõ đây là hình thức mà học theo nhóm chứ không phải học cá nhân, em nào ở nhà em đó học, em nào thích học thì học, không thì thôi do đó phải học theo nhóm để có sự giám sát của cả nhóm.
“Điều này đòi hỏi tất cả học sinh phải tham gia học tập, nếu không thì lấy gì để công nhận kết quả học”, ông Khuyến nói.
Hiện nay, dạy học trên truyền hình đang được nhiều tỉnh thành áp dụng (ảnh minh họa - nguồn TTXVN). |
Trước đó, theo nội dung Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi thì các sở giáo dục và đào tạo có nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường rà soát, tinh giản nội dung dạy học, xây dựng kế hoạch dạy học theo hướng dẫn tại Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH ngày 03/10/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018 để tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình, một cách phù hợp.
Trong quá trình triển khai thực hiện, cần tham khảo, sử dụng các nguồn học liệu tin cậy, chuẩn xác để tổ chức dạy học và hướng dẫn học sinh học tập.
Chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường lựa chọn công cụ dạy học qua internet phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của từng trường. Trong đó, đặc biệt chú ý đến các điều kiện bảo đảm tổ chức dạy học qua internet có chất lượng. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ hỗ trợ miễn phí các nhà trường tổ chức dạy học qua internet (thông tin liên hệ có tại địa chỉ https://olm.vn và thư điện tử a@olm.vn).
Tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với sở giáo dục và đào tạo để tổ chức dạy học trên truyền hình phù hợp với điều kiện của địa phương. Trong đó, lưu ý lựa chọn đội ngũ giáo viên dạy học và khung giờ phát sóng trên truyền hình bảo đảm chất lượng, phù hợp với chương trình học của các đối tượng học sinh, đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Chủ động liên hệ với các địa phương đã triển khai chương trình dạy học trên truyền hình để tham khảo, sử dụng hoặc tiếp sóng cho học sinh tại địa phương học tập; chia sẻ các chương trình dạy học trên truyền hình của địa phương mình với các địa phương khác.
Xây dựng lịch phát sóng cụ thể trên truyền hình đối với từng môn học, lớp học và phổ biến tới toàn thể học sinh, giáo viên và gia đình học sinh; báo cáo lịch phát sóng về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Cục Công nghệ thông tin để đưa lên Cổng thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Chỉ đạo các nhà trường phân công giáo viên giao nhiệm vụ học tập theo nội dung bài học và hướng dẫn học sinh thực hiện các buổi học qua internet, trên truyền hình; phối hợp với gia đình học sinh có biện pháp quản lý hoạt động học của học sinh qua internet, trên truyền hình; nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập đã giao cho học sinh.
Chỉ đạo các nhà trường hướng dẫn giáo viên, học sinh tham khảo lịch phát sóng các bài học (do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam xây dựng) trên Kênh truyền hình giáo dục quốc gia (kênh VTV7 và một số kênh truyền hình trung ương khác) và các kênh truyền hình khác được công bố trên Cổng thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo (tại địa chỉ http://www.moet.gov.vn).
Khi học sinh đi học trở lại, chỉ đạo các nhà trường tổ chức rà soát, đánh giá kết quả học tập qua internet, trên truyền hình. Từ đó, hướng dẫn giáo viên rà soát, tinh giản nội dung dạy học và điều chỉnh kế hoạch dạy học theo hướng kế thừa những nội dung kiến thức đã học qua internet, trên truyền hình nhằm tối ưu thời gian và nội dung kiến thức cần tiếp tục dạy học trong chương trình theo quy định.
Bộ đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo nghiêm túc triển khai các nội dung trên. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Vụ Giáo dục Trung học và Cục Công nghệ Thông tin) để kịp thời giải quyết.